Pages

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Thôn tính Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian, nếu…

Lê Ngọc Thống

“…Giấu mình chờ thời…” là sách lược đúng đắn, khôn ngoan mà ông Đặng để lại cho hậu lãnh đạo Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cho rằng Trung Quốc có đủ mọi điều kiện để tuyên bố với thế giới rằng: Đã qua rồi thời kỳ “giấu mình chờ thời”. Các hành động ngoại giao, quân sự của Trung Quốc đối xử với thế giới trong đó có Việt Nam đã chứng minh điều đó. Tham vọng quá lớn, giới lãnh đạo Trung Quốc không kiềm chế nổi. Tiếc thay họ quá vội vàng, nôn nóng.

Bài viết này tôi chỉ phản ánh khái quát mang tính chủ quan về sách lược của Trung Quốc đối với Việt Nam sau thời kỳ “giấu mình chờ thời”.

“Diễn biến hòa bình” Made in China!

Mỹ tấn công Irăc, Apganixtan… rồi gần đây Pháp, Ý tấn công Ly-bi không phải là để chiếm đất đai, mở rộng lãnh thổ mà cái họ cần đạt được là đánh đổ chế độ hiện tại, dựng lên một chính phủ mới “thân” họ, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu chiến lược kinh tế, quân sự của họ hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên việc sử dụng vũ lực chỉ khi thật cần thiết, cân nhắc tính toán hết sức kỹ lưỡng và cũng chỉ nhằm vào những quốc gia sợ chiến tranh, khả năng phản kháng của dân tộc thấp, còn thì thực hiện các “cuộc cách mạng màu” như thời gian gần đây tỏ ra vô cùng hiệu quả.

Việt Nam sau 1975 thực tế rõ ràng là có rất nhiều lực lượng thù địch hoạt động chống phá với mục đích là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ. Việt Nam gọi đó là “Chiến lược diễn biến hòa bình”.

Với sự đổi mới tư duy, đa phương hóa trong các mối quan hệ, Việt Nam đã từng bước hòa nhập vào thế giới. Những nước trước đây được coi là thù địch nay trở thành đối tác, thậm chí còn là bạn. Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới. Áp lực “diễn biến hòa bình” giảm hẳn, nhưng có một sức ép khác – sức ép này nằm trong chiến lược thôn tính Việt Nam vô cùng thâm hiểm mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã triển khai thực hiện từng giờ từng phút không bao giờ ngơi nghỉ.

Nếu như “chiến lược diễn biến hòa bình” nhằm mục đích lật đổ chế độ, xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam thì chiến lược thôn tính Việt Nam của Trung Quốc thâm và hiểm ở chỗ nó không lật đổ chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà nó thực hiện dưới một chiêu bài mà ai cũng bị lầm tưởng là cùng là quốc gia có chế độ chính trị “giống nhau” do một “Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Mặc dù sự khác nhau giữa hai chế độ, hai đảng giống như sự khác nhau giữa chó sói và cừu nhưng Trung Quốc “mị Việt Nam” với danh nghĩa “đồng chí”… lợi dụng tính nhân ái, nhường nhịn, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam để chèn ép, bắt nạt, mặc cả trên xương máu người Việt Nam vì quyền lợi của dân tộc mình.

Phá hoại, lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam, bắt kinh tế Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc để khống chế chính trị, biến Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, chính phủ Việt Nam thành tay sai “đồng chí tốt”, thành một công cụ pháp lý cho dã tâm bành trướng của mình.

Dùng vũ lực cũng để đạt được mục đích này, vậy cần chi phải dùng vũ lực. Đó là “chiến lược diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc.

Điều đáng tiếc là Việt Nam luôn sợ làm tổn hại đến mối quan hệ “đồng chí, hữu nghị mà hai nước, hai đảng dày công vun đắp” nên mất cảnh giác, bị động đối phó và luôn bị bất ngờ này đến bất ngờ khác khiến phải gánh chịu những hậu quả thất thiệt.

Cài thế chiến lược diễn biến hòa bình thôn tính Việt Nam
Một điều khẳng định là Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam hùng mạnh. Trung Quốc không muốn Việt Nam thống nhất, muốn Việt Nam đánh Mỹ đến người cuối cùng để tạo cho Trung Quốc một vùng đệm an toàn. Việt Nam thống nhất, không nghe sự điều khiển của Trung Quốc là có chuyện, họ không để yên.
Năm 1979, Khơme đỏ dưới sự chỉ đạo của quan thầy Trung Quốc sau khi “thịt” hơn 3 triệu người dân tộc mình, dùng hàng chục sư đoàn quân hiếu chiến tấn công Việt Nam ở biên giới Tây Nam.

Thật ra mà nói nếu như không để cho bọn Pol Pôt làm loạn ở Tây Nam của Việt Nam thì một ông Đặng chứ 10 ông Đặng ngay cả suy nghĩ cũng không dám nghĩ đến tấn công Việt Nam. Việt Nam hầu như bỏ ngỏ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, tập trung lực lượng tiêu diệt và làm tan rã hàng chục sư đoàn tinh nhuệ, ác thú của Khơme đỏ – thiện chiến hơn rất nhiều quân của Trung Quốc thời ông Đặng, đánh đến tận sào huyệt của chúng. Đây là điều không phải đơn giản và không phải quân đội nước nào cũng làm được chỉ trong một trận.
Việc đánh tan gọng kìm phía Nam tưởng đã yên nhưng Trung Quốc đâu có từ bỏ. Campuchia, Lào hiện nay đang được Trung Quốc tìm mọi cách bành trướng và thôn tính để áp dao vào sườn Việt Nam. Thế trận này luôn là nguy hiểm tiềm tàng với Việt Nam.

Trong nước, Trung Quốc đã thuê đất “trồng rừng” ở những vị trí xung yếu biên giới như Lạng sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại Nghệ An họ thuê gần với đường 7, đường 8 sang Lào, những vùng như Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp được coi như phên dậu quốc gia cũng được thuê. Tại Quảng Nam họ thuê gần khu vực có đường thuận tiện lên Tây Nguyên và Campuchia…

Bất kỳ người Việt Nam nào có chút hiểu biết về quân sự cũng đều hoảng hốt và toát mồ hôi hột. Lưu ý là những khu vực mà họ thuê thì người Việt Nam không được bén mảng vào và với cách quản lí như ông Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn tuyên bố thì… ngay cả xe tăng Trung Quốc cũng có thể ém sẵn trong khu vực “trồng rừng” của họ. Vị trí Tây Nguyên, nơi mà các nhà quân sự cho rằng ai chiếm được nó là làm chủ toàn Đông Dương thì Trung Quốc đang tìm cách đặt chân vào (khai thác bôxit).

Về kinh tế. Quả thật, đối đầu với Trung Quốc về quân sự Việt Nam không và chưa bao giờ sợ. Nhưng làm ăn kinh tế với Trung Quốc mới thật nỗi sợ. Nếu Việt Nam cảnh giác với Trung Quốc như đã từng cảnh giác với phương Tây trong chiến lược diễn biến hòa bình thì không hề gì, đằng này Trung Quốc nhiều tiền, một số quan chức bộ ngành Việt Nam vì quyền lợi cục bộ, cá nhân mà coi nhẹ an ninh quốc gia.

Tính đến nay có tới 90% các công trình khai khoáng, luyện kim, dầu khí, hóa chất đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét về điện đã có nhiều dự án tỷ đô la rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD; điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD; điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD.
Vấn đề cần đặt ra là: Tại sao và Trung Quốc muốn gì?

Trước hết phải hiểu vì sao các doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu (ngoài tình “đồng chí” nên được ưu tiên ra), vì họ bỏ giá rẻ. Bỏ giá rẻ là lỗ, chẳng có doanh nghiệp nào điên khùng như thế, nhưng các doanh nghiệp của Trung Quốc thì không. Miễn sao trúng thầu, còn tiền thì chính phủ Trung Quốc lo. Trúng thầu rồi thì họ làm đến đâu là quyền của họ…

Việc một công trình, dự án có giá rẻ chỉ là cái lợi nhỏ nhưng cái giá mà xã hội và an ninh đất nước phải trả là quá đắt.

Thứ nhất là hầu như các dự án đó có tiến độ rất ì ạch, khi hoàn thành thì vận hành gặp rất nhiều trục trặc, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Thứ hai là họ không thuê lao động là người Việt Nam mà họ đem người Trung Quốc sang hàng ngàn người nhằm thực hiện chính sách di dân (liệu Anh, Pháp, Mỹ, Nhật mà trúng thầu họ có đem người họ sang không?). Ngoại trưởng Mỹ chẳng đã từng gọi Trung Quốc là thực dân ở châu Phi đó sao!

Đến đây chúng ta tự hỏi nếu như xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam thì các ngành công nghiệp quan trọng mà Trung Quốc trúng thầu có phát huy hết công suất để phục vụ cho chiến tranh hay là đóng cửa? An ninh năng lượng của Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc thì liệu Trung Quốc có “quên” không, khi chiến tranh nổ ra? Hàng ngàn lao động phổ thông trai tráng của Trung Quốc nó sẽ làm gì trong khi chưa có chiến tranh mà đã ngỗ ngáo làm loạn lên, gây mất an ninh trật tự như ở phố Ninh Bình và một số nơi khác?
Gần đây Trung Quốc hung hăng đe dọa Việt Nam không phải là không có cơ sở. Phải chăng thế trận họ cài đã xong? Trung Quốc đã, đang tạo nên một sức ép rất lớn lên Việt Nam. Việt Nam phải đối phó với rất nhiều mũi nhọn mà Trung Quốc chĩa vào chứ không phải chỉ riêng ở Biển Đông. Ở cạnh ông “hàng xóm” này giá như ta chuyển được nhà của mình đi nơi khác.

Sự kiện biển Đông – Quân cờ đi lạc nước!
Báo chí tốn rất nhiều giấy mực nói về vấn đề này (gây hấn trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), rằng đây là phép thử của Trung Quốc với Việt Nam, các nước ASEAN, Mỹ, v.v. Không rõ Trung Quốc rút ra được kết luận gì cho phép thử này, có điều dư luận chung đều cho rằng: “Trung Quốc dại dột đem búa thử vào tấm kính xem kính có dễ vỡ hay không?”. Đương nhiên kính có thể vỡ hoặc không, nhưng khi đã vỡ thì chẳng lành lại được bao giờ. Và hiện thực là kính đã vỡ.

Tôi cho rằng hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc gần đây trên biển Đông đã phạm 3 sai lầm nghiêm trọng.

Một là: Kích hoạt tinh thần dân tộc của người Việt Nam – một sức mạnh khủng khiếp mà lịch sử đã ghi nhận.
Hai là: Trung Quốc đã tự vạch mặt mình trước nhân dân Việt Nam và những người hiểu biết trên toàn thế giới. Nếu như còn chút lòng tin nào của nhân dân Việt Nam với nhà cầm quyền Trung Quốc thì giờ đây lòng tin đó đã cạn. Vì đây là hành động ăn cướp trắng trợn, ngang ngược không hơn không kém mang tầm cỡ quốc gia.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng “Trung Quốc cố tình biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp…” nghe qua thì đơn giản, nhưng đồng bào Việt Nam hãy hình dung như sau: Bạn có một ngôi nhà trên một khu đất đắc địa đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (Như Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Luật biển 1982 đã công nhận). Bạn mở một quán giải khát trong khu vườn của mình để kinh doanh nhưng rất nhiều lần bị một kẻ mặt mũi bặm trợn không rõ ở đâu đến phá (Việt Nam thăm dò khai thác tài nguyên thì bị Trung Quốc gây hấn trong Vùng đặc quyền kinh tế). Nó tuyên bố đất này của nó. Nó hung hăng vung gươm rút kiếm đe dọa cho bạn một bài học… Sau đó nó đề nghị, thôi không cãi nhau nữa, “gác tranh chấp, cùng khai thác”, ông một bên tôi một bên cùng mở quán. Vậy bạn có chấp nhận đề nghị của nó không? Sợ nó mà chấp nhận thì mất không đất. Bức xúc không?

Ba là: Dồn lấn Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam (Gọi tắt là Hà Nội) đến chân tường. Hoặc là chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” nghĩa là mất chủ quyền, công nhận đường “lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc để bị dân tộc Việt Nam khai tử; hoặc là như Tổ tiên ông cha ta đã từng làm với bọn phong kiến phương Bắc. Đương nhiên Hà Nội sẽ đứng lên như Tổ tiên ông cha – là điều Trung Quốc không muốn.

Muốn thôn tính một quốc gia khác mà mắc phải một trong ba sai lầm này thôi thì cũng đủ phá sản. Vì đây là sai lầm mang tính chiến lược, chứng tỏ Trung Quốc đã nóng vội, đi quá đà. Phải chăng đường lối đối ngoại của Trung Quốc đều do những cái đầu nóng trong giới quân sự chi phối? May thay, Trung Quốc không mạnh như Mỹ, tiềm lực quân sự không mạnh như Mỹ (đây cũng là điều mà ông Lưu Á Châu cũng cho là may thay) chứ nếu như… họ có thể “bỏ Paris vào trong cái lọ”.

Thế đứng Việt Nam khi gần lửa
Điều trước tiên là phải xác định đúng kẻ luôn căm thù, chơi xấu ta.

Thời gian trôi đi, ai cũng có thể thay đổi, ngay như quan hệ của Mỹ – Việt Nam, dù Mỹ đã gây nên bao đau thương tang tóc cho Việt Nam trong thời gian gần đây nhất thì bây giờ là đối tác, sẵn sàng là bạn của nhau. Thế nhưng Trung Quốc đối với Việt Nam vẫn không bao giờ thay đổi, có chăng là thay đổi của Việt Nam mà thôi. Việt Nam đặt quá lòng tin vào Trung Quốc. Bây giờ thì… đã rõ.

Tuy nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, thì vẫn phải quan hệ mọi mặt từ kinh tế, xã hội và ngay cả quân sự. Nhưng quan hệ đó phải trên nguyên tắc bất di bất dịch là: Cái gì đôi bên cùng có lợi mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì làm. Còn có lợi lớn mấy chăng nữa mà có nguy cơ đến an ninh quốc gia thì không. Chẳng hạn như chuyện khai thác bôxit ở Tây Nguyên. Rõ ràng việc khai thác là cần thiết không bàn cãi, nhưng ai là chủ thầu mới quan trọng. Với tôi, ai cũng được, trừ Trung Quốc. Muốn vậy phải có một bộ phận gồm những chuyên gia quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội giỏi nhất để nghiên cứu mối quan hệ này thật thấu đáo, phát hiện kịp thời và có quyền dừng ngay tức khắc, không để họ cài thế, chơi xấu với ta.

Điều thứ hai là chọn bạn mà chơi. Quả thật Việt Nam ta nằm ở một vị trí mà có thể kết bạn với ai cũng dễ, ai cũng muốn kết bạn với mình. Rất dễ hiểu vì nếu là bạn thì họ sẽ có nhiều quyền lợi ở Việt Nam. Vấn đề chính là ta phải như thế nào để Nga, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản là bạn. Có bạn ta không đơn độc. Trung Quốc cảnh báo, hù dọa ta rằng: “Nước xa không cứu được lửa gần”, chứng tỏ họ tỏ ra run sợ khi Việt Nam có nhiều bạn. Việt Nam đâu phải là “sân sau” của Trung Quốc, đúng không? Khi đã có “nước” rồi, dù xa thì ta vẫn yên tâm sẵn sàng dùng “lửa dập lửa”.

Tiếp theo là muốn có “lửa mà dập lửa” thì tăng cường quốc phòng. Mua sắm vũ khí tối tân hiện đại. Phải tính toán lựa chọn loại vũ khí nào phù hợp với lối đánh Việt Nam. Xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng cải tiến vũ khí đáp ứng kịp thời những chiến thuật độc đáo khi tác chiến cần thiết.

Cuối cùng là phải đoàn kết, bình tĩnh, sáng suốt, tự tin. Làm hết sức mình có thể để không xảy ra chiến tranh, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì không sợ.

L.N.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét