Pages

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Thư gửi "bạn" ta



"Bạn" thân mến,

Vậy là tụi mình lại vừa có một cuộc "nói chuyện" khá thẳng thắn về giới hạn kiến thức - độ tuổi - và cách bày tỏ quan điểm của một cá nhân. Câu chuyện của tụi mình mở đầu bằng việc trao đổi về chuyện những người trẻ tham gia biểu tình chống Trung Quốc vào mỗi Chủ Nhật hàng tuần.

Mình sẽ note lại cuộc nói chuyện bằng lá thư này, để nhắc mình nhớ rằng, những gì thuộc về bản chất không phải là không thể thay đổi, vấn đề chỉ là con người ta có dám làm một cuộc thay đổi thực sự hay không mà thôi.

"Bạn" cho rằng, giới hạn kiến thức xã hội là trở ngại đầu tiên của những người trẻ tham gia biểu tình. Mình hiểu những lời bạn phân tích theo nghĩa "chừng ấy tuổi thì biết được bao nhiêu mà luận bàn hay tham gia đến chính trị". Người trẻ, thường thì suy nghĩ nông cạn và nông nổi, nên dễ bị lợi dụng, bạn cho là như vậy. Và bạn lấy dẫn chứng bằng hình ảnh những em bé theo bố mẹ đi biểu tình, bằng hình ảnh các em học sinh giương biểu ngữ bên Bờ Hồ.

"Bạn" thân mến, suy nghĩ và bày tỏ những điều mình nghĩ là lẽ thường hết sức tự nhiên, đó còn là quyền cơ bản của con người nữa bạn à. Có thể hôm nay, những người trẻ ấy không ý thức được ý nghĩa việc họ làm, nhưng ít nhất, họ có quyền bày tỏ thái độ chính trị của mình trước vận mệnh đất nước.

Xã hội nào muốn tồn tại mà chẳng cần đến thể chế chính trị?? Người có quan điểm nhân sinh xã hội đúng đắn phải là người quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước mình. Bạn có đồng ý mới mình điều này không???

"Bạn" cho rằng, "chỉ chừng đó tuổi thì biết được những gì mà hô hào kêu gọi lòng yêu nước". Bạn quên rồi sao, cách đây bảy thế kỷ, Trần Quốc Toản - một người trẻ cũng chừng đó tuổi - đã là biểu tượng cho tinh thần ái quốc của dân Việt mình hay sao??

Chuyện cách đây 700 năm, nếu bạn không nhớ, thì mình sẽ nhắc lại vài cái tên mà tụi mình đã được học trong chương trình lịch sử như Kim Đồng, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính... (Mình tránh không nhắc Lê Văn Tám - để bạn khỏi ngại ngùng với mình cái vụ "anh hùng thực hư" này nhé bạn ). Phần lớn lịch sử mà tụi mình được học, là thứ lịch sử được viết lại sau năm 1975, và phần lớn tụi mình đã từng ngu ngơ mà tin vào đó, tin vào những thứ không có thật mà người ta nhồi nhét vào đầu mình.

“Bạn” thân mến, để thấy vai trò của lòng yêu nước chân chính có tác động như nào đến lịch sử và sự phát triển xã hội, phải cần đến một sự phân tích chặt chẽ và khoa học. Nhưng lòng yêu nước đối với vận mệnh trước mắt và lâu dài đối với đất nước thì không cần phải mổ xẻ làm gì. Bởi, nếu làm vậy trở nên nghi ngờ lòng yêu nước bạn ạ.

Xin kể một câu chuyện về vấn đề này, hoàn toàn hư cấu để tạo mục đích.
Giờ học lịch sử, thầy giáo chậm rãi đọc:” Nguyễn Huệ kéo một đường đao, đầu Liễu Thăng rơi bịch, mắt trợn trừng…” Một học trò phản ứng:”Thưa thầy, Liễu Thăng đời nhà Minh mà Nguyễn Huệ…” Thầy giáo:” Các em yên trí, khi đất nước có ngoại xâm, không cứ phải là ai…đều có thể đánh giặc bất cần điều kiện” Câu chuyện mang tính khôi hài về mặt kiến thức lịch sử, về mặt sư phạm này nọ, nhưng ngẫm lại có một thông điệp của người kể chuyện trong vai trò người thầy giáo bị sai về kiến thức. Bạn nhận ra đâu là “chân” của vấn đề không?



Bạn đừng quên rằng, tụi mình đang sống, và từng phút giây mình trải qua rồi sẽ thành lịch sử. Có bao nhiêu người trẻ biết được sự thật về ải Nam Quan, thác Bản Giốc??? Có bao nhiêu người trong số bạn bè mình quan tâm và biết được sự thật về cái gọi là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam mình? Có bao nhiêu người trẻ được biết rằng chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước đối với Hoàng Sa - Trường Sa mà nhiều người đã phải đánh đổi cả tương lai học vấn, cả sự nghiệp và đau xót nhất là cả sự tự do của bản thân???

Bạn trả lời mình đi.
Lòng yêu nước không phải là một khái niệm chỉ nằm trong giáo trình lịch sử, nó là thứ tình yêu bản năng, là máu thịt của mỗi con người, bạn à. Vì lẽ đó, hà cớ gì phải quy định độ tuổi và giới hạn kiến thức xã hội để bày tỏ lòng yêu nước của mỗi cá nhân??

Bạn thân mến, con người tự do nó khác với con người có định hướng. Tự do suy nghĩ, tự do trăn trở khi đối diện với vấn đề nó khiến con người ta chân thật và giàu cảm xúc hơn rất nhiều so với sự định hướng trong tư duy.

Mình hay hỏi đùa bạn, mỗi lần bạn nói bạn thật tự hào mình là người Việt Nam, thực ra là bạn đang tự hào về cái gì đó?? Chưa lần nào bạn trả lời được cho mình sau cái lần bạn bảo "tôi tự hào vì dân tộc mình là một dân tộc anh hùng", và mình đã chỉnh lại "là một dân tộc đã từng anh hùng".

Tự hào gì khi nhìn lại lịch sử, đất nước mình đã quá tụt hậu so với bạn bè xung quanh?
Nếu chỉ nhìn lại lịch sử và ngây ngất với lòng tự hào??? thì nên chăng hoán đổi hai chữ tự hào thành "tự sướng" thì mới hợp thời bạn ạ.

"Bạn" biết không lúc mình viết cho bạn những dòng này thì những người trẻ đi biểu tình ở Hà Nội đã được các "lực lượng mẫn cán" đến thăm và động viên gia đình các bạn ấy đừng để con em mình đi biểu tình nữa.

Bài học về lòng yêu nước không lẽ bị đánh cắp trắng trợn như vậy sao "bạn" ta?

Những người trẻ ấy là ai?

Là chàng thanh niên ôm đàn hát say sưa những bài ca yêu nước, dõng dạc hô to khẩu hiệu "Phản đối Trung Quốc xâm lược", là cô gái tuổi mới đôi mươi vừa rời ghế giảng đường đại học để vào đời, là những thanh niên tri thức trẻ, nhiệt thành trong hoạt động xã hội và đau đáu với vận mệnh Tổ quốc mình, là cô giáo trẻ thướt tha trong tà áo dài, xuống đường vì không thể nhịn nhục mãi.

Bài học nào cho quê hương hôm nay từ những người trẻ như vậy hỡi "bạn" ta??

"Bạn" có nhìn vào đôi mắt trẻ thơ khi đi biểu tình cùng với cha mẹ hay anh chị không? Liệu những ánh mắt đó có còn ngây thơ nổi không khi thấy "các chú kia" dẫm đạp hay trói giật cánh khỉ ai đó không? Với những đứa trẻ hiếu động và tò mò, một "câu hỏi nhỏ không lời đáp" sẽ xuất hiện đấy bạn ạ. Bạn thử cho mình một câu trả lời ngắn xem sao?

"Bạn" thân mến, nếu bạn đã đọc xong bài viết của mình?

Bạn hiểu như thế nào, đó là chuyện của bạn, trong cái hiểu của bạn bao gồm nhận thức và thái độ. Cả hai điều này mình không thể xen vào. Mình chỉ mong bạn coi đây là ý kiến trao đổi thẳng thắn về một vấn đề không khó hiểu nhưng rất khó thực hiện.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể, thưa bạn.

Hãy làm thế nào để được sống tử tế ngay trên chính quê hương mình, bạn nhé!

Trân trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét