Pages

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết: Điều 4 Hiến pháp, Cù Huy Hà Vũ, VTV, Quốc Hội và báo QĐND

“Nên soạn ra một đạo luật riêng sau khi đã sửa Hiến pháp để người dân biết được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào... Đây là một vụ án vi phạm rất nhiều trình tự thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối. Từ khi bắt ông ấy ở khách sạn, cho đến việc ra xử sơ thẩm không có tranh tụng và ra đến xử phúc thẩm thì thực chất vẫn không phải là tranh tụng... Những bài báo đó tôi có xem, tôi thấy rằng không có lập luận gì xác đáng cả. Tôi cho đấy là những bài báo đáng xấu hổ..." - Nguyễn Minh Thuyết

BBC - Một cựu Đại biểu Quốc hội của Việt Nam vừa lên tiếng với BBC cho rằng Quốc hội khóa XIII cần cụ thể hóa việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có phương án sửa điều 4 về vai trò của Đảng Cộng sản.

Trao đổi với Quốc Phương, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu Niên của Quốc hội, đưa ra một mô hình cải cách thể chế, theo đó Trung ương Đảng có thể trở thành Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện.

Theo Giáo sư Thuyết, cần quy định rõ "những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết," "những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết", và "những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định" để có thể có "địa chỉ chịu trách nhiệm” cho tất cả các quyết định.

Riêng về Điều 4, liên quan tới vai trò, vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản, GS Thuyết cho rằng nên soạn ra một đạo luật riêng sau khi đã sửa Hiến pháp để người dân biết được “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào.”

Ông Thuyết cũng lưu ý sửa Hiến pháp là một “quy trình phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.”

Vị cựu Đại biểu Quốc hội cũng bình luận về vụ xử phúc thẩm Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cũng như phóng sự gần đây của VTV1 và quan điểm của tờ Quân Đội Nhân Dân về nội dung của các blog và ‘báo chí lề trái’ ở trong nước.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng việc kết luận ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay không, tội đến mức nào, thì việc ấy là việc của Tòa án. Mình không tiếp xúc được đầy đủ với hồ sơ, thì mình cũng khó có thể kết luận.

Ông Nguyễn Minh Thuyết phê phán cách thức xử án ông Cù Huy Hà Vũ

Nhưng tôi phải nói đây là một vụ án vi phạm rất nhiều trình tự thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối. Từ khi bắt ông ấy ở khách sạn, cho đến việc ra xử sơ thẩm không có tranh tụng và ra đến xử phúc thẩm thì thực chất vẫn không phải là tranh tụng. Bởi vì khi luật sư người ta đưa ra ý kiến, thì cũng phải có sự tranh luận lại. Còn bây giờ mình không tranh luận lại mà mình vẫn kết án theo ý của mình, thì tôi nghĩ cái ấy không đúng với tinh thần cải cách tư pháp.

BBC: Sau phiên xử phúc thẩm với ông Hà Vũ, giáo sư có theo dõi phóng sự 15 phút, phát tối ngày 04 tháng Tám của VTV1 về vụ án hay không?

Việc thông tin một cách chi tiết về một vụ án được dư luận trong và ngoài nước quan tâm là cần thiết. Nhưng cách thông tin của phóng sự ấy, tôi cho là không ổn.

Nhìn chung, nó nói xấu về đời tư của một người ở trong cuộc, tức là của ông Cù Huy Hà Vũ, nhiều hơn là về lý lẽ để xử ông ta. Và theo tôi, dù là bất kỳ ai, thì mình cũng không thể moi móc về đời tư của họ, hoặc mình nói những điều không liên quan gì đến bản án cả. Tôi không đồng tình. Vì như thế thất lợi nhiều hơn là có lợi.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết được xem là đại biểu Quốc hội sắc sảo

BBC: Báo Quân Đội Nhân Dân gần đây đăng một số bài, trong đó có một bài so sánh và cho rằng thông tin ở trên các blog và báo chí “lề trái” ở trong nước là “rác rưởi,” ông nhìn nhận như thế nào về cách đặt vấn đề này của tờ báo?

Nói như thế là một cách nói vừa thiếu hiểu biết vừa rất thô lỗ, lạc hậu. Phải nói rằng mạng Internet là một tiến bộ của loài người. Rất nhiều trí thức lớn, rất nhiều nguyên thủ quốc gia có blog. Nếu bây giờ mình gọi tất cả những thông tin ấy là rác rưởi, thì các blog của các nguyên thủ quốc gia có phải là rác rưởi không?

Tôi cho là nói như thế không được. Vả lại những bài báo đó tôi có xem, tôi thấy rằng không có lập luận gì xác đáng cả. Tôi cho đấy là những bài báo đáng xấu hổ.

Cơ cấu đại biểu Quốc hội

BBC: Nay chuyển sang chủ đề về Quốc hội mới, một chủ đề Giáo sư rất quen thuộc, ông bình luận gì về cơ cấu nhân sự của Quốc hội?

Cơ cấu của Quốc hội về cơ bản phản ánh cơ cấu của dân cư. Chuyện về cơ cấu này cũng đã được tính toán kỹ qua các bước hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhưng quả thật lần này nhìn vào Quốc hội thì thấy số doanh nhân là khá lớn, tức là tới 38 vị. Còn đại diện cho giới văn học, nghệ thuật không có một ai. Một người được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giới thiệu ra là ông Tổng Thư ký của Liên hiệp ấy cũng không trúng cử.

Tất nhiên, quyền lựa chọn là quyền của dân thôi. Nhưng quả thật, nhìn vào cơ cấu cũng thấy có sự lệch lạc nhất định. Riêng về giới doanh nhân, một khi Việt Nam đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường thì doanh nhân là những nhân vật mới của xã hội. Họ là những người có nhiều đóng góp cho đất nước và do đó họ có quyền được đại diện ở trong cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tức là Quốc hội.

Tuy nhiên, việc có nhiều doanh nhân cũng dễ làm cho người dân băn khoăn là: Liệu các doanh nhân này có thực sự công tâm trong những việc bàn thảo quyết định chính sách hay không? Có thực sự đóng được vai trò của người đại diện nhân dân hay không? Hay là trong lúc bàn bạc, thảo luận sẽ thiên lệch về quyền lợi của giới doanh nghiệp hoặc là về doanh nghiệp của mình?

Tôi cho rằng những sự băn khoăn ấy là những nhắc nhở đối với các đại biểu - doanh nhân. Các đại biểu - doanh nhân phải hoạt động như thế nào đó thật sự công tâm để cho người dân thấy mình thật sự vào Quốc hội là để đại diện cho quyền lợi của nhân dân, của đất nước nói chung, chứ không phải cho cái giới của mình hay cho doanh nghiệp của mình.

BBC: Trong nhiệm kỳ mới lần này của Quốc Hội, có một nội dung được quan tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp, nhất là trong đó có liên quan tới Điều 4. Liệu điều này có được sửa hay không và nếu sửa thì theo Giáo sư nên sửa như thế nào, theo hướng nào?

Tôi nghĩ cái đó là quyền của các vị Đại biểu Khóa XIII này. Tôi bây giờ là cựu Đại biểu rồi, nên tôi chỉ có thể nói suy nghĩ của mình thôi. Tôi cho là lần này sửa được một cách tương đối chu tất, căn bản thì tốt hơn. Vì không phải mỗi khi muốn là chúng ta cũng có thể mang Hiến pháp ra mà sửa được. Đấy là một quá trình rất phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.

Cho nên khi sửa, theo tôi, cũng phải tính toán để sửa làm sao cho Hiến pháp cô đọng, nhưng thể hiện được xu hướng tiến bộ của xã hội.

Còn riêng về Điều 4, tôi cho là cần phải cụ thể hóa hơn nữa, để người dân người ta cũng biết được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào. Và thậm chí cũng nên cụ thể hóa bằng một đạo luật, sau khi Hiến pháp đã được sửa.

BBC: Nếu có thể cụ thể hơn nữa, Điều 4 phải được sửa chi tiết ra sao, thưa ông?

Tốt nhất sau này cần cụ thể hóa bằng một đạo luật. Tôi lấy ví dụ: hiện nay có rất nhiều việc ai cũng biết là do Trung ương Đảng quyết định, sau đó thì đưa ra Quốc hội để thể chế hóa nó bằng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội là những người ở trong xã hội do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo và đến 92% các Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản, thì phải chấp hành chủ trương của Đảng.

Nếu như có thể nói cụ thể hơn, tôi lấy ví dụ, có thể Trung ương Đảng là Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện. Rồi mình quy định những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết, những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết là được, và những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định thì mới được. Tôi nghĩ có quy định một cách rất cụ thể như thế mới có địa chỉ để chịu trách nhiệm về các quyết định. Như thế thì sẽ tốt hơn. Đấy cũng chỉ là một ví dụ thôi.

Thi hành luật

BBC: Những đạo luật, bộ luật hoặc công việc luật pháp nào kỳ này cần được ưu tiên xây dựng, ban hành và công bố, theo Giáo sư?

Nếu nói về hệ thống pháp luật, theo tôi cho đến nay tương đối là đầy đủ. Còn về các quy định của luật cũng đã có những quy định cụ thể, nhưng vẫn còn nhiều quy định chung chung. Trong quá trình xem xét các đạo luật sắp tới, cũng phải sửa làm sao để cho các quy định của luật cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn.

Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc thi hành luật. Vì thực ra cái yếu nhất ở Việt Nam không phải là thiếu các quy định về pháp luật mà là quy trình, quá trình thi hành luật không được nghiêm túc.

Thứ nhất, nhiều khi luật đã ra rồi, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, tức là các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ lại chưa kịp ra, thì luật ấy chưa thi hành được. Điều ấy hoàn toàn không đúng. Vì luật đã ra rồi, đến thời hạn có hiệu lực pháp luật rồi, thì phải được thi hành. Và lúc ấy phải có đầy đủ các văn bản hướng dẫn, còn nếu không, cứ theo luật mà thi hành.

Thứ hai, kể cả khi có nghị định, thông tư rồi, thì việc thi hành luật cũng không được nghiêm chỉnh. Và những người vi phạm luật không phải lúc nào cũng phải chịu chế tài theo đúng quy định của luật. Tôi cho rằng nếu pháp luật đã được ban hành rồi mà không thực thi nó một cách nghiêm chỉnh, dần dần nó sẽ bào mòn thể chế của Nhà nước đi. Và như thế không đảm bảo được sự điều hành của Nhà nước và không đảm bảo được quyền dân chủ của người dân. Đấy là điều đáng quan tâm hơn.

BBC: Là người trực tiếp tham gia nhiều hoạt động và công việc của Quốc hội trong một thời gian dài qua các khóa trước, ông có thể so sánh thế nào về sự lãnh đạo qua các nhiệm kỳ liên quan tới các vị cựu Chủ tịch Quốc hội?

Về cảm tình cá nhân, có thể nói tôi rất có cảm tình với cách điều hành của ông Chủ tịch Nguyễn Văn An. Ông An rất sắc sảo và rất linh hoạt, thường ông cũng rất hay có những ý kiến chêm vào các buổi thảo luận và chất vấn. Những ý kiến đó rất xác đáng. Và qua các ý kiến của ông An, Đại biểu Quốc hội cũng học hỏi được rất nhiều.

Thế còn các vị khác, mỗi người một phong cách. Theo tôi, phong cách của ông Chủ tịch là điều đáng để ý, nhưng thực sự nó không có ảnh hưởng lớn tới chất lượng hoạt động của Quốc hội lắm đâu. Quan trọng là bản thân các Đại biểu như thế nào.

Tôi lấy ví dụ như là Khóa XI, Chủ tịch Nguyễn Văn An là một vị Chủ tịch rất sắc sảo, năng động. Nhưng người dân có vẻ đánh giá kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XII cao hơn. Và tôi nghĩ người ta đánh giá cao hơn cũng có lý. Bởi vì khóa sau rút được kinh nghiệm thì phải làm tốt hơn khóa trước. Một số kinh nghiệm mà các đại biểu đã được ông Chủ tịch Quốc hội khóa trước là Nguyễn Văn An huấn luyện, có thể đến khóa sau mới được vận dụng. Đấy cũng là những điều đóng góp làm cho khóa sau tốt hơn.

Tóm lại, tôi cho rằng mỗi vị lãnh đạo có phong cách riêng của mình. Nhưng quan trọng nhất là các đại biểu hoạt động như thế nào và tôi cũng mong là Quốc hội Khóa XIII này sẽ có một bước tiến xa hơn trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình trước người dân.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110810_nguyen_minh_thuyet_iv.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét