Pages

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Tiếp tục khẩu chiến về chủ quyền biển đảo

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Báo chí Bắc Kinh tiếp tục các lập luận là chính phủ Việt Nam từ 1954-1975 nhiều lần công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa Trường Sa và kèm thêm hai tài liệu mới.

Source uschina-institude
Các quốc gia có phần nào quyền lợi ở Biển Đông. Source uschina-institude

Chiến dịch truyền thông

Truyền thông Trung Quốc tận dụng công hàm Phạm Văn Đồng 1958 với cách giải thích là Việt Nam từng công nhận chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa Trường Sa.

Mới đây Bắc Kinh Tuần báo có bài của học giả Lý Kim Minh, giáo sư học viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến, trích dẫn hai tài liệu khác chưa từng được nói tới.

Theo đó bản đồ thế giới do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) được ghi chú là lãnh thổ Trung Quốc.

Học giả này còn nhắc tới một bản đồ khác được cho là do Cục Bản đồ của chính phủ Việt Nam xuất bản năm 1972, trong đó chú thích quần đảo Nam Sa (Trường Sa) bằng tiếng Hoa, thay vì bằng tiếng Việt hay Anh, Pháp.



Video: Người Việt mạnh mẽ phản đối Trung Quốc

Trong trao đổi nhanh với chúng tôi, tối 3/8 ông Nguyễn Tuấn Hùng Cục trưởng Cục Đo Đạc và Bản đồ từ Hà Nội phát biểu:

“Đấy là do Trung Quốc thôi, chứ còn Việt Nam ở góc độ Nhà nước chúng tôi bao giờ cũng thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ở cương vị chúng tôi bao giờ cũng thể hiện và ghi rõ Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.”

Trả lời Nam Nguyên, Thạc sĩ Hoàng Việt giảng viên Luật Quốc tế trường Đại học Luật TP.HCM không loại trừ sự kiện Trung Quốc từng giúp đỡ Việt Nam trước kia về in ấn nên có thể đã ngụy tạo:

“Thực chất thời kỳ đó, chính là khi chúng ta nhờ Trung Quốc in ấn sách giáo khoa, họ đã đưa những bản đồ đó vào và chúng ta đã không để ý. Nhất là trong thời kỳ tình cảm, như công hàm Phạm Văn Đồng đã không để ý tới.

Thứ hai, giá trị pháp lý bản đồ như thế nào trong tranh chấp lãnh thổ thì có một số vấn đề: bản thân bản đồ đã là bằng chứng pháp lý chưa? thì nó chưa hẳn như thế. Bởi vì một bản đồ phải kèm theo một hiệp định ký bởi hai quốc gia về vấn đề lãnh thổ thì mới được coi là hoàn toàn có hiệu lực, đó là một bằng chứng pháp lý rất lớn.

Còn thông thường bản đồ của một phía đưa ra thì nó đã sai sót rất nhiều và bằng chứng pháp lý của bản đồ bị hạn chế rất nhiều, chưa kể bản đồ đó được nơi nào xuất bản, phương tiện kỹ thuật được cung cấp như thế nào.

Nói chung dựa trên bằng chứng bản đồ do một bên đưa ra mà không liên quan gì tới các hiệp định hiệp ước chính thức mà quốc gia đó đã ký kết thì giá trị pháp lý về bản đồ nó không nhiều lắm thậm chí là không có gì.”

Việt Nam phản bác

Học giả Trung Quốc Lý Kim Minh sử dụng hai tài liệu về bản đồ như hai bằng chứng để làm mạnh hơn bằng chứng thứ nhất là công hàm Phạm Văn Đồng 1958, theo đó Việt Nam tán thành chủ quyền lãnh hải 12 hải lý tính từ đất liền Trung Quốc kể cả các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).




Công hàm 1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng. File Photo.





Phía Trung Quốc viện dẫn nguyên tắc Estoppel trong luật học để nói rằng Việt Nam không thể từ bỏ những gì đã được công hàm Phạm Văn Đồng công nhận trước đó.

Thạc sĩ Hoàng Việt một lần nữa phản bác lập luận của phía Trung Quốc:

"Nguyên tắc estoppel nói về mặt kỹ thuật thì quá ư phức tạp. Estoppel phải cấu thành một số điều kiện và thỏa mãn những điều kiện ấy thì mới cấu thành được. Tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng nó đã cấu thành sự thừa nhận chưa? nếu cấu thành rồi thì phải xem xét hoàn cảnh điều kiện cấu thành như thế nào, cái ý chí và nguyện vọng của quốc gia đó ra sao có được phản ánh hay không, thực sự là không phản ánh. Tất cả những điều này phải được đặt trong bối cảnh chung thì mới xem xét được estoppel.”

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi Sử gia Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc từng nhận định về bối cảnh lịch sử của công hàm Phạm Văn Đồng:

"Về mặt pháp lý quốc tế thì cách đây hơn 50 năm theo tinh thần hiệp định Geneve thì ở phía Nam vĩ tuyến 17 là thuộc chủ quyền của chính phủ VNCH, cho dù lúc đó Việt Nam Dân Chủ Công Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đang xung đột đi chăng nữa. Như thế không gian liên quan đến Hoàng Sa Trường Sa nằm trong không gian thuộc chủ quyền VNCH. Tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa về nguyên tắc mà nói chủ quyền và tuyên bố có giá trị pháp lý là không phải của Hà Nội mà là của Saigon.”

Về mặt chính thức Nhà nước Việt Nam không công khai giải thích công hàm Phạm Văn Đồng 1958 và Trung Quốc đã có cơ hội thao túng vấn đề này.

Mới đây về phía báo chí Việt Nam có tờ Đại Đoàn Kết lên tiếng đả kích Trung Quốc là xuyên tạc nội dung ý nghĩa bản công hàm 1958 và lập luận rằng, công hàm 1958 chỉ là sự thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử đó.



Video: Những diễn tiến mới liên quan đến Công hàm Phạm Văn Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét