Pages

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Trung Quốc săn lùng các nghi can và ém nhẹm tin tức về bạo động Tân Cương











Công an Trung Quốc trong vụ án ngày 18/7/2011 tại Tân Cương.

Reuters
Thụy My
Sau các vụ bạo động hồi cuối tuần tại Kashgar, Tân Cương, làm cho 19 người chết, chính quyền địa phương đã lên án « những kẻ khủng bố được huấn luyện ở nước ngoài » đứng sau vụ này. Tuy nhiên khó thể biết được cụ thể những gì đã diễn ra, vì thông tin bị ngăn cấm.


Theo nguồn tin chính thức, có 14 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng dao hôm thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua, lực lượng an ninh đã bắn hạ 5 thủ phạm. Vụ này xảy ra chưa đầy hai tuần sau các vụ xung đột ngày 18/7 tại Hòa Tân, cũng thuộc Tân Cương, làm cho 20 người chết.

Hôm nay tình hình đã yên tĩnh trở lại, nhưng cảnh sát hiện diện cùng khắp. Hãng tin Pháp AFP nhận định, chính quyền Bắc Kinh luôn lên án các tổ chức khủng bố nước ngoài đã giật dây các vụ gây rối tại Tân Cương, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde, tường trình :

« Lệnh giới nghiêm chưa chính thức được tuyên bố nhưng tình hình đúng là như thế. Bắt đầu từ tối qua, Chủ nhật 31/7, kể từ 18 giờ trở đi là các rào chắn đã được thiết trí tại các lối vào Kashgar (tiếng Hoa đọc là Khách Thập). Các cửa hàng đều đóng cửa, và ảnh của hai « nghi can » người Duy Ngô Nhĩ liên quan đến vụ tấn công hôm Chủ nhật được dán đầy các bức tường của thành phố. Một món tiền thưởng 100.000 nhân dân tệ (tương đương gần 11.000 euro) được hứa hẹn sẽ dành cho những ai giúp xác định được nơi ẩn náu của hai người này.

Các thông tin trên được đưa ra trên internet, vì báo chí Trung Quốc đều im hơi lặng tiếng trước các sự kiện hồi cuối tuần qua. Từ sáng nay, luồng thông tin từ Tân Cương qua mạng Vi Bác (Wei Bo) – có thể xem là mạng Twitter của Trung Quốc – dường như đã bị chặn đứng lại. Ngoài ra các hình ảnh và các câu chuyện kể về các bạo động cách đây vài tiếng đồng hồ đều bị xóa khỏi các diễn đàn.

Trước mắt, Tân Hoa Xã luôn nói về « bốn nghi phạm đã bị bắt », ám chỉ « những kẻ nổi dậy », từ ngữ thường được dùng để chỉ những người ly khai Duy Ngô Nhĩ. Đó là những người Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ vốn là sắc tộc thiểu số chủ yếu sống tại vùng tự trị gần biên giới Trung Á.

Ngược lại, trang web của chính quyền địa phương Kashgar sáng nay còn đi xa hơn, nêu rõ những vụ trên là do bọn « khủng bố » gây ra, mà thủ lĩnh có thể đã được huấn luyện ở Pakistan và Afghanistan ».

Tân Cương, vùng đất núi non thưa vắng dân cư ở Tây Bắc có diện tích bằng 1/6 lãnh thổ Trung Quốc, giáp ranh với 8 quốc gia trong đó có Afghanistan và ba nước cộng hòa Hồi giáo thuộc Liên Xô cũ. Đây là nơi có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất của cả nước, nhưng thường xuyên xảy ra các vụ xung đột chủng tộc. Dân số Tân Cương gần 20 triệu người thuộc 47 sắc tộc khác nhau, trong đó có 8 triệu người Duy Ngô Nhĩ. Người Hán trước đây chỉ chiếm 6%, nhưng nay tỉ lệ này đã tăng lên đến 40%, do chính sách di dân của Bắc Kinh từ thập niên 90.

Tân Cương đã đòi độc lập từ trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949. Các cuộc xung đột đã gia tăng vào năm 1990, sau khi quân đội Liên Xô cũ rút khỏi Afghanistan, và ba nước láng giềng Kazakhstan, Tadjikistan và Kirghizstan giành được độc lập.

Kể từ khi xảy ra các sự kiện ngày 11/9 ở Mỹ, Bắc Kinh đã tăng cường trấn áp các phong trào ly khai ở Tân Cương, với danh nghĩa chống khủng bố. Nhờ có sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thành công trong việc Liên Hiệp Quốc đưa ETIM, một phong trào phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ, vào danh sách các tổ chức khủng bố có liên hệ với Al Qaida.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét