Pages

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Trung Quốc từ chối đàm phán về Hoàng Sa

HÀ NỘI (TH) – Ðàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Ðông đã trở thành bế tắc vì lập trường hai bên đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ðảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đoạt từ đầu năm 1974, nay đã xây dựng một phi đạo dài 3,000m. Trung Quốc đồn trú tại đây một đơn vị chiến đấu cơ và một đơn vị thiết giáp cũng như đang nới rộng cầu tàu, xây dựng thêm nhiều cơ sở trên đảo. (Hình: Panoramio)
Báo South China Morning Post (SCMP) ở Hongkong hôm Thứ Tư cho hay: “Việt Nam có vẻ như đã thất bại trong lần thử cuối cùng khi thuyết phục Trung Quốc đàm phán về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đã kéo dài từ lâu đối với quần đảo Hoàng Sa.”
Bản tin này ám chỉ đến vòng đàm phán thứ 7 diễn ra tại Hà Nội vào các ngày từ 29 tháng 7 đến 1 tháng 8, 2011 vừa qua.
Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo ngày 3 tháng 8, 2011, về cuộc họp vừa nói, chỉ cho biết mơ hồ là hai bên đạt được “những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
“Qua 7 vòng đàm phán, hai bên đã sơ bộ nhất trí với nhau về một số nguyên tắc như: Các tranh chấp ở Biển Ðông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982,” bản thông báo của Bộ Ngoại Giao CSVN viết như vậy, dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao.
Bản thông báo lập lại những lời kêu gọi và cam kết cũ như hai bên “không tiến hành bất cứ hành động nào nhằm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; Những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì cần trao đổi giữa các bên liên quan.”
Hiển nhiên, có sự tranh chấp biển Ðông giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực đối với quần đảo Trường Sa. Tranh chấp quần đảo Hoàng Sa chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quần đảo này đã bị Trung Quốc lấn chiếm hồi đầu năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH.
SCMP thuật lời bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, qua một văn bản cho hay “các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn,” và “lập trường của chúng tôi đã từng được nêu rõ trong nhiều dịp là quần đảo Hoàng Sa là một phần trong các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Các viên chức Trung Quốc chưa đưa ra lời bình luận về chi tiết các cuộc đàm phán và vòng thứ 8 có thể diễn ra từ nay đến cuối năm ở Bắc Kinh.
Nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn giấu kín chi tiết các cuộc đàm phán cũng như các thỏa thuận đã đạt được.
Ngày 25 tháng 12, 2000, Việt Nam ký với Trung Quốc Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm xác định biên giới, lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ. Mãi 4 năm sau, nhà cầm quyền mới công bố những tọa độ chính xác. Nhiều người trong nước lên tiếng phản đối vì cho rằng chế độ Hà Nội đã nhượng bộ quá nhiều cho Bắc Kinh.
Tổ chức “Quỹ Nghiên Cứu Biển Ðông” phân tích ra thấy Việt Nam bị lấn sâu vào phía tỉnh Quảng Ninh, vùng cửa Ba Lạt và khu vực tỉnh Hà Tĩnh đối chiếu với bờ Tây của đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Hiệp định này không đả động gì tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hai nước thường xuyên đưa ra các lời tuyên bố chủ quyền toàn diện với cả hai quần đảo gồm cả khu vực biển chung quanh “không thể tranh cãi.”
Ngày 25 tháng 6, 2011, sau các biến cố tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu nghiên cứu của Việt Nam, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn sang Bắc Kinh họp với Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trương Chí Quân. Bản thông cáo chung sau cuộc họp nói hai bên “đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Cuộc họp này dẫn tới cuộc họp vòng 7 ở Hà Nội một tháng sau mà giờ đây, sự bế tắc được nhìn thấy vì Trung Quốc từ chối không chịu bàn cãi gì về quần đảo Hoàng Sa mà họ đã nuốt trọn từ 37 năm nay.
Từ khi hai nước tái lập bang giao năm 1991 đến nay, bản thỏa ước biên giới trên bộ ký cuối năm 1999, từng bị nhiều người đả kích là Hà Nội đã nhượng cho Bắc Kinh núi Lão Sơn (tỉnh Hà Giang) và một nửa thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng).
“Căn cứ vào những gì đã diễn ra, các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc rất nhiều ý nghĩa và được mọi người chú ý theo dõi.” Một nhà ngoại giao Á Châu kỳ cựu không thấy nêu tên nói trên báo SCMP. “Vấn đề là họ dường như (đàm phán biển đảo) không tiến xa được dù có tiến bộ trong quá khứ.”
Về phía Trung Quốc, giới học giả nước này rầm rập phụ họa với chủ trương của Bắc Kinh. Một trong những người đó là Vương Hàn Lĩnh.
“Không có gì để thương thuyết.” Vương Hàn Lĩnh, một học giả và là giáo chức ở Học Viện Khoa Học Xã Hội của Trung Quốc, nói. Ông này ngang ngược nói thêm là, “Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa chưa hề bị tranh chấp và Việt Nam đã công nhận điều này trong quá khứ. Thảo luận về các hợp tác như bảo vệ, tìm kiếm và cứu nạn là một vấn đề. Chủ quyền của Trung Quốc là vấn đề khác.”
Sau nhiều năm nín lặng, ngày 20 tháng 7, 2011, chế độ Hà Nội cho tờ báo của Mặt Trận Tổ Quốc là “Ðại Ðoàn Kết” viết một loạt bài về chủ quyền biển đảo. Một trong những bài này viết về công hàm của ông Phạm Văn Ðồng, thủ tướng CSVN gửi tổng lý (thủ tướng) Trung Quốc là Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9, 1958 công nhận lãnh hải của Trung Quốc 12 hải lý.
Trung Quốc thì cứ vin vào công hàm này nói phía Việt Nam (gián tiếp) công nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ. Nhưng tờ Ðại Ðoàn Kết cho rằng giải thích kiểu đó là “xuyên tạc công hàm 1958.”
Ngày 24 tháng 8, 2011, báo điện tử VNExpress tường thuật cuộc họp báo của Nghị Sĩ Jim Webb trước khi ông rời Hà Nội.
Bản tin này thuật lời ông nói rằng: “Vấn đề biển Ðông cần giải quyết đa phương.”
Nhưng “giải quyết đa phương” ở đây chỉ là đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển chung quanh, không phải với quần đảo Hoàng Sa. (TN)

Không có nhận xét nào: