Pages

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Vận chuyển bauxite 'còn lắm vấn đề'

Công trường xây dựng nhà máy chế biến bauxite
Vận chuyển bauxite vẫn là vấn đề nan giải
Tình trạng bế tắc giải pháp trong vận chuyển bauxite Tây Nguyên lại một lần nữa thu hút chú ý của dư luận trong nước.

Báo chí Việt Nam gần đây đăng tải nhiều thông tin liên quan tới quy trình vận chuyển quặng bauxite khai thác ở khu vực Tây Nguyên ra thương cảng.

Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã sống nhiều năm và am hiểu Tây Nguyên, nói với BBC: "Ngay từ đầu chúng tôi đã nói vấn đề sản xuất và vận chuyển bauxite chưa có biện pháp giải quyết”.
Ông Ngọc đã cùng nhiều chuyên gia tổ chức một chuyến đi thực địa mà điểm xuất phát là cảng Kê Gà, cảng dự kiến sẽ là địa điểm xuất khẩu alumina, đến Tân Rai thuộc Lâm Đồng, Bảo Lâm bằng đường quốc lộ 28.


Nhóm này đã kết luận về việc không thể vận chuyển bauxite bằng tuyến đường này được ngay cả khi có được nâng cấp do địa hình hiểm trở và nó lại đi qua những vùng dân cư cho nên “hết sức nguy hiểm”.

Nhà văn Nguyên Ngọc nói các thông tin mới đây cho thấy vấn đề bauxite đang quay trở lại bàn thảo luận của các tầng lớp nhân dân.

"Các vấn đề thời sự nóng hổi vừa qua như vấn đề Biển Đông đã làm chủ đề bauxite ở Việt Nam bị sao lãng, thế nhưng bế tắc về vận chuyển bauxite đã làm hồi sinh lại chủ đề này."

Giải pháp bế tắc

Theo dự kiến, việc vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên sẽ được thực hiện qua tuyến quốc lộ 20, tức là đi qua Gò Dầu, Đồng Nai.
"Tôi chẳng có giải pháp gì, ý kiến của chúng tôi là dừng hết, không làm gì cả."
Nhà văn Nguyên Ngọc
Tuy nhiên trọng tải của các cây cầu trong tuyến đường này hiện nay chỉ có 25 tấn, trong khi đoàn xe siêu trường, siêu trọng chở bauxite có tải trọng đến 40 tấn.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói trong phỏng vấn với báo chí về kế hoạch vận chuyển bauxite trong thời gian được dự kiến là cuối năm nay.
Trong đó, ông đã đề cập đến việc xuống cấp nghiêm trọng của quốc lộ 20 và hai cầu Phương Lâm và La Ngà chỉ có tải trọng 25 tấn, xe tải trọng nặng không thể đi qua.

Báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Tôi được biết, quốc lộ 20 đã xuống cấp nặng nhưng chưa được đại tu nâng cấp lần nào. Trên tuyến đường này còn có cầu Phương Lâm và cầu La Ngà chỉ có trọng tải 25 tấn, xe tải trọng nặng không thể đi qua".
"Ngoài quốc lộ 20, còn có tỉnh lộ 769 cũng đã xuống cấp, quốc lộ 51 đang thi công dở dang, đều là những hạn chế nhất định cần phải xem xét, khắc phục ngay."

Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định giải pháp quốc lộ 20 là một giải pháp bế tắc.
“Tôi thấy đây là một giải pháp liều lĩnh, việc này hoàn toàn không thể làm được... Nếu tháng Chín này có sản phẩm, mà bây giờ phải làm con đường khác thì làm sao kịp?”

Khách hàng độc quyền

Có thông tin cho rằng, theo như kế hoạch thì đến tháng 9/2011, sản phẩm đầu tiên của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ sẽ ra lò. Tuy nhiên, tình hình thực hiện kế hoạch vận chuyển đứng trước nhiều thực tế khó khăn.

Không chỉ là hạ tầng cơ sở xung quanh việc vận chuyển, vấn đề nan giải về vốn và đầu ra cũng có thể nhìn thấy khá rõ.

Nhà văn Nguyên Ngọc
Nhà văn Nguyên Ngọc là người sống nhiều năm và am hiểu Tây Nguyên
Nhà văn Nguyên Ngọc đặt giả thuyết nếu Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đứng ra nâng cấp tuyến đường nói trên thì chi phí sẽ phải tính vào đầu vào của bauxite.

Ông nói: “Về mặt kinh tế, các chuyên gia đã tính toán nếu chưa kể đến việc vận tải như nâng cấp cầu hay sửa đường đã lỗ lắm. Bây giờ nếu TKV đứng ra đảm nhận thì giá thành sẽ tăng lên một cách ghê gớm.”

“Nếu nói đây là đường quốc gia mà nâng cấp thì vô lý vì đường quốc gia không có nhu cầu này.”

Thêm nữa trong bài toán kinh tế này, theo ông Nguyên Ngọc, Trung Quốc là quốc gia duy nhất sẽ mua bauxite.

“Người ta biết trong buôn bán nếu mà chỉ có độc quyền một người mua thì người bán sẽ bị bắt chẹt, mà ở đây hậu quả chưa thể lường được.”
Nhà văn nhấn mạnh: “Tôi chẳng có giải pháp gì, ý kiến của chúng tôi là dừng hết, không làm gì cả.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét