Sông Kôn (danlambao) - Một điều thú vị là các cuộc biểu tình ở nước ta vừa qua không có người lãnh đạo mà như có người lãnh đạo, đó là nhờ vai trò của internet. Điều này rất đặc biệt. Ứng dụng internet trong quản lý nhà nước để cho người dân trực tiếp đưa ra các chủ trương, đường lối thì sẽ làm mờ đi vai trò của các đảng phái, bớt đi sự đấu đá cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái...
1. NGHỊ VIỆN TOÀN DÂN
Internet là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vĩ đại, nó cho phép rút ngắn khoản cách về không gian và thời gian để cả triệu con người ngồi lại với nhau cùng bàn bạc với nhau để giải quyết một vấn đề. Vậy tại sao không để cho tận tay, tận tâm, tận miệng người dân sử dụng internet mà nói ra và bàn bạc giải quyết vấn đề đất nước, mà phải dùng đến người đại biểu của mình. Liệu người đại biểu đại diện dân đó có truyền đạt đúng ý của cử tri gởi gắm hay không ? Gần đây có những ông nghị “rau muốn” rồi có những bà nghị do những thế lực thao túng đưa lên thì tiếng nói ở Nghị viện không còn là tiếng nói chung của người dân nữa.
Internet sẽ và đã góp phần làm nên một nửa cuộc cách mạng dân chủ, là đưa thông tin kết nối mọi người vùng lên đánh đổ độc quyền. Một nửa của cuộc cách mạng dân chủ còn lại là làm sao cho người dân có tiếng nói dân chủ thật sự, có quyền tham gia biểu quyết thật sự mọi vấn đề của đất nước, tránh bị trường hợp tái độc quyền trở lại sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu không tiếp tục sử dụng internet thì khó mà thực hiện được cuộc cách mạng dân chủ một cách trọn vẹn
Một điều thú vị là các cuộc biểu tình ở nước ta vừa qua không có người lãnh đạo mà như có người lãnh đạo, đó là nhờ vai trò của internet. Điều này rất đặc biệt. Ứng dụng internet trong quản lý nhà nước để cho người dân trực tiếp đưa ra các chủ trương, đường lối thì sẽ làm mờ đi vai trò của các đảng phái, bớt đi sự đấu đá cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái. Về lâu dài mà nói thì internet sẽ chính là kẻ thù giết chết các đảng phái chính trị. Ta đã biết bất cứ cái gì thì cũng chịu chung một qui luật: ra đời rồi mất đi. Cái Đảng phái chính trị cũng vậy, nó ra đời lâu rồi, cũng sẽ đến cái ngày tàn của nó. Internet chính là kẻ thù đưa nó đến bến bờ tàn lụi một ngày không xa nữa
Internet sẽ đưa 90 triệu dân ta thành một nghị viện, nghị viện toàn dân thì đảm bảo sẽ là công bằng, chính xác, dân chủ văn minh. Mô tả những đặc điểm của Nghị Viện này như sau:
Về tổ chức: Nghị viện toàn dân thì tất nhiên mỗi người dân là một ông (bà) nghị, cũng chẳng cần có chủ tịch nghị viện làm chi mà chỉ cần các thư ký nghị viện và tổng thư ký điều hành các thư ký viên là đủ để hoạt động rồi
Thư ký nghị viện phân chia ra thành hai lĩnh vực:
1.Lĩnh vực điện toán, thống kê: bao gồm các chuyên gia về lĩnh vực tin học và thống kê để quản lý trang mạng, tính toán thống kê các kết quả dân biểu quyết về các vấn đề kinh tế xã hội thông qua mạng, kiểm tra các khiếu nại về tính chính xác khi biểu quyết. Tổng hợp báo cáo lên tổng thư ký để công bố kết quả cho toàn dân biết và Chính phủ thực hiện
2.Lĩnh vực luật pháp, kinh tế, xã hội: Bao gồm các chuyên gia về các lĩnh vực: luật pháp, kinh tế, xã hội. Các thư ký này sẽ đảm nhận từng lĩnh vực chuyên môn phụ trách, xử lý những vấn đề về chuyên môn cần biểu quyết đăng lên trang mạng của nghị viện
Về hoạt động: Các vấn đề cần đưa ra nghị viện thảo luận biểu quyết được các thư ký nghị viện đăng trên trang mạng của nghị viện. Nhân dân sẽ đọc các vấn đề này và nếu ai có ý kiến thì gửi ý kiến về cho ban thư ký, các thư ký viên sẽ đọc và chọn lựa những ý kiến hay, thiết thực đăng trở lại trên trang mạng để nhân dân tham khảo. Sau một thời gian nhất định vấn đề sẽ được đưa ra biểu quyết trên mạng
Về vấn đề đảm bảo tính trung thực khi biểu quyết:
Mỗi một người dân ngoài cái tên ra còn có những cái khác là ngày tháng năm sinh, nơi sinh và số chứng minh nhân dân. Những cái này nhà nước đang lưu giữ và là tương đối bí mật đối với những người khác. Một người khi muốn mạo danh một người khác để biểu quyết trên mạng thì sẽ không biết ngày tháng năm sinh và số chứng minh nhân dân của người đó để thực hiện
Về vấn đề kiểm tra tính trung thực và chế tài:
Kết quả biểu quyết của từng người dân được lưu giữ và thông báo công khai trên mạng, mỗi người dân có thể vào trang mạng kiểm tra kết quả biểu quyết của mình có đúng không, và tên tuổi của mình có bị ai mạo danh lấy cắp để biểu quyết không. Mọi sai trái sẽ được người dân gửi thư phản ánh lên ban thư ký nghị viện, và ban thư ký sẽ kiểm tra, nếu có vi phạm cần phải chế tài thì ban thư ký gởi kết quả về cho cảnh sát địa phương điều tra hành vi sai trái và có chế tài thưởng phạt đối với những người sai trái và phát hiện ra sai trái
2. NGHỊ VIỆN DÂN BIỂU:
Nghị viện dân biểu bao gồm những người là đại biểu do dân bầu cử đại diện cho một vùng miền. Nghị viện này hoạt động có đặc điểm như Quốc Hội hiện nay.
3. SỰ CẦN THIẾT TỒN TẠI SONG TRÙNG HAI NGHỊ VIỆN
Nghị viện toàn dân thực hiện hội họp, biểu quyết qua internet tuy có đặc điểm là trung thực chính xác, nói lên tiếng nói của toàn người dân, thực hiện văn minh công bằng xã hội, thế nhưng buổi ban đầu thực hiện do người dân còn nhiều bỡ ngỡ, còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật internet nên chưa thể đảm nhận hoàn toàn vai trò của một nghị viện, đảm nhận mọi vấn đề của một quốc gia được. Vì vậy bên cạnh nghị viện toàn dân cần có nghị viện dân biểu song trùng hoạt động theo kiểu: Thượng viện là nghị viện dân biểu và Hạ Viện là nghị viện toàn dân. Hiến pháp cần qui định lĩnh vực nào thuộc về nghị viện dân biểu biểu quyết và lĩnh vực nào thuộc về nghị viện toàn dân biểu quyết
4. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI: NGHỊ VIỆN TOÀN DÂN THAY THẾ DẦN NGHỊ VIỆN DÂN BIỂU - GIẢI TÁN NGHỊ VIỆN DÂN BIỂU - KẾT THÚC VAI TRÒ LỊCH SỬ VỀ SỰ TỒN TẠI CỦA CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ
Khi người dân dần quen với việc sử dụng internet qua các trang mạng của nghị viện toàn dân để thực hiện quyền công dân và dân chủ của mình, và khi các thư ký của nghị viện đảm bảo được về mặt kỹ thuật hoạt động của các trang mạng, thì nghị viện toàn dân sẽ là tiếng nói trung thực nhất, dân chủ nhất của toàn dân tộc Việt Nam. Và lúc đó Hiến pháp bắt đầu chuyển dần các quyền năng, các vấn đề biểu quyết từ nghị viện dân biểu sang nghị viện toàn dân. Và sau cùng mọi vấn đề chính trị của đất nước sẽ do toàn dân biểu quyết.
Lúc đó, khi nghị viện dân biểu được giải thể thì các Đảng phái chính trị sẽ tự giải tán theo. Vì thực chất các Đảng phái chính trị tồn tại phát triển là chỉ để giành nhau các ghế trong nghị viện dân biểu, từ đó giành lấy số phiếu biểu quyết những vấn đề chính trị của đất nước. Khi vấn đề biểu quyết do toàn dân đảm nhiệm thì các đảng phái không còn có vai trò gì để mà tồn tại nữa.
Lúc bấy giờ, xã hội thật sự dân chủ văn minh, đất nước không còn Đảng phái chính trị, không còn phe cánh bè lũ mà gây hại đất nước!
Sông Kôn (danlambao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét