Pages

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Còn độc quyền, độc tài thì còn khổ dài dài!

Song Chi.
Lê Minh Khương
Khi xảy ra vụ huấn luyện viên Lê Minh Khương kiện hãng hàng không Vietnam Airlines vì bị an ninh sân bay hành hung nhưng Vietnam Airlines lại nhất định không chịu xin lỗi, rất nhiều người dân đã vào comment bên dưới các bài báo, thể hiện sự thông cảm với phản ứng của ông Khương và bực bội với cách hành xử của Vietnam Airlines. Có thể thấy phía sau những ý kiến, lời nhận xét bực tức của người dân là kết quả của cả một quá trình phải âm thầm chịu đựng cung cách làm việc, đối xử với khách hàng của Vietnam Airlines suốt một thời gian dài.


Thật sự ai ở VN phải đi máy bay Vietnam Airlines mà không từng chứng kiến hoặc gặp phải những trường hợp như thế này: máy bay thường xuyên bị delay, có khi hàng giờ đồng hồ, nhưng chẳng bao giờ có chuyện bồi thường, một lời xin lỗi cũng họa hoằn; cách phục vụ của nhân viên từ dưới mặt đất cho đến trong chuyến bay đều thua xa các hãng hàng không lớn của các nước. Các tiếp viên hầu hết tiếng Anh rất…kinh khủng, khuôn mặt, cung cách phục vụ cứ như những robot, nụ cười đã hiếm hoi mà sự nồng nhiệt, chân thành, thật lòng quý trọng khách hàng cũng thiếu.


Và nếu khi có sự cố xảy ra, khách hàng không ưng ý về bất cứ điều gì, muốn kiện tụng Vietnam Airlines, thì xin hãy…nhìn gương ông Lê Minh Khương! Ông Khương chỉ muốn một lời xin lỗi nhưng sự việc đã kéo lằng nhằng hàng tháng trời, Vietnam Airlines còn nói ngược là hoàn toàn không có vụ ông Khương hành hung, cuối cùng ông Khương vẫn bị cưỡng chế phạt tiền, lại còn phải tự động từ chức huấn luyện viên vì quá mệt mỏi!
Đó là vì Vietnam Arilines là “ông lớn” của ngành hàng không Việt Nam, cái thế độc quyền cho phép Vietnam Airlines muốn cư xử với khách hàng thế nào cũng được, lôi thôi lên tiếng còn bị…cấm bay thì tha hồ mà vất vả!
Khi cuộc khẩu chiến giữa Bộ tài chính, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp có liên quan xung quanh vấn đề “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” (hội thảo ngày 20.9) kết thúc với những ý kiến của Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ về việc giảm giá xăng 500 đồng/lít, và rằng “từ đây đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá và cũng không nên tăng giá bán lẻ xăng dầu”, bất chấp việc các doanh nghiệp kêu lỗ, dư luận đã tỏ ra rất hồ hởi. Rất nhiều bài báo, bài blog, ý kiến khen ngợi, ủng hộ ông Vương Đình Huệ, gọi ông là quan thơm, là niềm hy vọng của dân…Cũng dễ hiểu tại sao người dân lại có thái độ đó.
Xăng dầu, điện…ở VN là chỗ thao túng của các tập đoàn kinh tế nhà nước, như Tổng công ty xăng dầu VN Petrolimex, Tổng công ty dầu PV Oil, tập đoàn điện lực VN (EVN)…-những “ông lớn”, “ông kễnh” như người dân thường nói. Và với cái thế của mình, các “ông lớn” này tha hồ hành hạ dân. Cùng với nạn lạm phát, vật giá leo thang, giá xăng dầu, điện nước ở VN cũng liên tục tăng đến chóng mặt trong những năm qua. Lúc giá xăng thế giới tăng, ở VN tăng theo đã đành, nhưng lúc giá xăng thế giới giảm, giá xăng ở VN cũng không thấy giảm!
Điều làm dư luận bất bình nhất là lúc nào cũng thấy các “ông lớn” trong ngành điện lực, xăng dầu kêu lỗ, lỗ và lỗ để lại tiếp tục tăng giá nữa. Nhưng không biết lỗ ra sao mà tiền lương, thưởng của cán bộ những ngành này đều cao ngất ngưởng! Một môi trường thiếu cạnh tranh thật sự, thiếu sự minh bạch về giá cả, hậu quả là ngân sách Nhà nước thì thất thu vì các doanh nghiệp luôn luôn kêu lỗ và người tiêu dùng thì cắn răng chịu đựng vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Việc ông Bộ trưởng Bộ tài chính đứng về phía hơn 80 triệu người dân chứ không phải vì quyền lợi của các doanh nghiệp nhà nước là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng chừng nào còn tình trạng độc quyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không có một cơ chế thị trường thực sự thì người tiêu dùng vẫn sẽ còn khổ dài dài.
Hay phản ứng của người dân trước vụ tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng dự tính tốn kém 410 tỷ đồng cũng thế. Những người bênh vực thì cho là chuyện nào ra chuyện nấy, chăm lo cho đời sống các mẹ, xây cầu cho các em vượt sông, xóa đói giảm nghèo…là một chuyện, nhưng xây tượng đài, làm những công trình vĩ đại để lại cho đời sau là khác. Và lý luận: nếu cứ cái lối suy nghĩ sợ tốn kém, không dám làm bất cứ một công trình lớn nào thì làm sao VN có được những công trình để đời?
Nhưng thật ra tôi cho rằng người dân phản ứng không chỉ vì vụ tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước này. Vụ này là một giọt nước làm tràn cái ly tức giận của người dân sau bao nhiêu năm phải chịu đựng đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của mình bị nhà nước chi tiêu vô tội vạ, chịu đựng sự lãng phí ở khắp mọi nơi. Và trong lĩnh vực xây dựng nói chung, tượng đài nói riêng, thì ở VN bao lâu nay có bao nhiêu công trình toàn tiền tỷ, hàng ngàn tỷ, có cái nào mà không lộ ra chuyện tham nhũng, rút ruột, giá thì cao ở trên trời nhưng chất lượng thì quá kém, nhiều công trình vừa xây xong đã xuống cấp, tượng đài xấu thì đầy rẫy?
Nên người ta mất lòng tin, chỉ có thế thôi.
Cứ chịu đựng mãi chịu đựng mãi, rồi cũng có lúc người dân phát khùng lên, nhà nước VN hãy nhớ cho điều đó!
Người Việt Nam mình nghĩ cũng lạ. So với nhiều dân tộc khác, người Việt thuộc loại giỏi chịu đựng (nếu không giỏi chịu đựng thì một cái nhà nước tồi tệ về mọi mặt như nhà nước cộng sản VN phải biến đi từ lâu rồi!). Nên bình thường nếu có nói với nhiều người về các quyền tự do dân chủ như tự do ngôn luận, tín ngưỡng, tự do biểu tình, ứng cử và bầu cử…hay tình trạng nhân quyền ở VN bị chà đạp ra sao, họ vẫn không muốn nghe. Nhiều người thậm chí còn cố bênh vực nhà nước bằng những lập luận kiểu như đời sống ở VN bây giờ đã khá hơn trước kia rất nhiều, rằng nước ta phải trải qua bao nhiêu năm chiến tranh không thể so bì với các nước khác, rằng dân chủ nhân quyền ở nước ta nó khác với phương Tây v.v… và v.v…
Sau bao nhiêu năm sống trong một điều kiện/môi trường như chế độ xã hội ở VN, phần lớn người Việt Nam đã quen và không còn biết là mình đang bị cướp mất những quyền công dân/quyền làm người chính đáng gì, rằng cuộc sống của mình khác xa với các nước tự do, dân chủ khác ra sao. Nhưng khi có những sự việc đụng chạm sát sườn đến đời sống hàng ngày của mọi người thì may ra nhiều người mới “ngộ” ra. Như chuyện đi máy bay, giá xăng dầu, điện nước…mà tôi vừa kể trên. Nếu mà trong một quốc gia có một cơ chế thị trường thực sự, luật pháp rõ ràng, thì đã khác, phải không.
Chuyện độc tài cũng thế. Có nói nhà nước ta độc tài, e nhiều người còn mắng cho là phản động, bị “các thế lực thù địch” lợi dụng lôi kéo xuyên tạc tình hình xã hội Việt Nam, hoặc nhờ ơn Đảng và nhà nước, chúng ta mới được như ngày hôm nay, đã không biết ơn còn phản phúc! Tôi chỉ xin đưa ra một ví dụ cụ thể, lấy tin từ báo chí chính thức của nhà nước VN.
Đó là chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Chuyện cũ mèm nhưng tại sao cứ phải nhắc đến vì đây là một vấn đề mà như nhiều người nhận xét, đã gây chia rẽ sâu sắc giữa nhà nước VN và những thế lực ủng hộ dự án này với đông đảo nhân dân không đồng tình. Đồng thời đây cũng là một vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt môi trường, sinh thái, văn hóa đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên cho đến kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của cả quốc gia.
Kể từ khi thông tin về dự án này rò rỉ ra trong dư luận cho đến nay, đã có hàng trăm hàng ngàn trí thức, nhà khoa học chuyên môn trong và ngoài nước lên tiếng phản biện,vạch ra những sai lầm, thiệt hại, cái giá quá đắt phải trả nếu khai thác bauxite. Nhưng nhà nước VN, vì sinh mệnh chính trị của đảng và quyền lợi của một nhóm thiểu số đặc quyền đặc lợi vẫn cứ tiến hành. Thậm chí khi xảy ra thảm họa bùn đỏ vào tháng 10.2010 ở Hungary, một trong những quốc gia giàu kinh nghiệm về công nghiệp khai thác và chế biến bauxite trên thế giới, có nền khoa học hiện đại xử lý rất tốt vấn đề môi trường, những người ủng hộ dự án vẫn coi đó là chuyện của…người ta. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban nhôm-bauxite, Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) khẳng định như định đóng cột rằng “Chỉ động đất mới vỡ được hồ bùn đỏ Tây Nguyên” còn ông Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên tiếp tục đảm bảo hai hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên là an toàn về mặt…lý thuyết!
Bây giờ càng tiến hành càng lòi ra nhiều chuyện. Nào chuyện phải bỏ ra 4000 tỷ đồng nâng cấp quốc lộ 20 để vận chuyển bauxite. Ngay từ đầu các nhà chuyên môn đã đặt ra vấn đề vì sao cứ phải khai thác bauxite ở Tây Nguyên rồi sau đó lại vận chuyển xuống tận Kê Gà, tốn kém, nhưng những kẻ có lợi trong vụ này không thèm nghe. Bây giờ TKV kêu không có tiền làm đường, nếu phải làm đường thì…lỗ, vậy số tiền đó ai sẽ bỏ ra? Nghe phong phanh hình như phải đấu thầu, mà ở ta, phần lớn những công trình từ xây dựng, nhiệt điện, khai thác khoáng sản…thì ai, nước lạ nào thường trúng thầu?
Hóa ra trong vụ bauxite này, TQ “vừa được ăn, được nói, được cả gói mang về”. Vừa trúng thầu xây dựng nhà máy khai thác bauxite, vừa giải quyết được một lượng người thất nghiệp sang lao động, ăn ở lâu dài, sinh con đẻ cái, nếu mai mốt TQ lại trúng dự án làm đường thì càng lời to. Sau đó ta lại bán alumin sang cho TQ. TQ lợi trăm ngả, còn VN, chỉ trừ những kẻ tư túi trong vụ này, là thiệt trăm đường. Mới đây lại có thông tin rò rỉ hóa chất ở tổ hợp khai thác bauxite Tân Rai, Lâm Đồng, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng. Mới đang trong quá trình xây dựng mà đã có những chuyện rò rỉ, mai mốt nói dại, nếu xảy ra một vụ tương tự như vụ bùn đỏ ở Hungary thì thế nào.
Một cái dự án có hại mười mươi, bây giờ sau những chuyện này càng rõ ràng lỗ hay lời, lợi hay hại, thế nhưng cái nhà nước này vẫn cứ tiếp tục bỏ ngoài tai mọi lời nói phải, bất chấp mọi logic, lý lẽ.
Nếu ở một quốc gia dân chủ nào khác thì mọi ý kiến của người dân buộc nhà nước phải lắng nghe, nếu không thì xin mời Tổng Thống, Thủ tướng xuống, các quan chức chịu trách nhiệm phải từ chức, để người dân chúng tôi bầu người khác. Còn ở VN, một quốc gia mà những người lãnh đạo không bao giờ thèm nghe ý kiến dân bất kể là những chuyện có liên quan đến cả nước, cả dân tộc, nhà nước ấy không độc tài thì là gì, xin định nghĩa cho tôi nghe?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét