Pages

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Giữa tự hào và nhục nhã là một cảnh giác

Nguyễn Hưng Quốc
Nhắc đến lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, người Việt Nam thường không giấu được sự tự hào.
Tự hào chủ yếu về hai chuyện lớn:
Thứ nhất, mặc dù bị Trung Quốc đô hộ cả hơn một ngàn năm (111 B.C. – 939 A.D.), người Việt Nam không những không bị đồng hóa mà còn, cuối cùng, đứng lên giành được độc lập.


Thứ hai, trong suốt gần một ngàn năm độc lập, Việt Nam liên tục đánh bại tất cả các cuộc xâm lược của Trung Quốc, bao gồm: một, Lê Đại Hành đánh tan quân Hầu Nhân Bảo vào năm 981; hai, Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tô Giàm vào năm 1075; ba, cũng Lý Thường Kiệt đánh tan quân Quách Quỳ và Triệu Tiết vào năm 1077; bốn, nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm 1258; năm, cũng nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ hai vào năm 1285 (lần này Toa Đô bị giết và Thái tử Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn); sáu, cũng lại nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ ba vào năm 1287 (lần này Thoát Hoan cũng lại vất vả chạy trốn); bảy, Lê Lợi đánh tan quân Minh vào năm 1428; và tám, Quang Trung đánh tan quân Thanh vào năm 1789. Tám lần. Nếu tính luôn cả lần cuối cùng, mới đây, vào năm 1979, là chín lần.

Những chiến thắng vang dội ấy dường như làm một số người có cảm giác yên tâm. Là, dù Trung Quốc có hung hăng đến mấy và, dù chính quyền hiện nay có nhu nhược đến mấy, thì cuối cùng, Việt Nam cũng vẫn có thể đánh bại được mọi âm mưu xâm lấn của Trung Quốc. Như đã từng làm, trước đây.
Tuy nhiên, lập luận như vậy lại khá nguy hiểm và chưa chắc đã đúng. Thứ nhất, người ta quên là Trung Quốc hiện nay khác những lần xâm lược trước rất nhiều. Khác về thực lực. Khác về vị thế trên thế giới. Thứ hai, người ta quên, trước khi chiến thắng, có lúc Việt Nam cũng đã từng thua trận một cách đau đớn. Ví dụ, năm 1407, Việt Nam đã thua và đã bị Trung Quốc đô hộ cả hai chục năm; hoặc trước đó nữa, năm 111 trước Công nguyên, Việt Nam đã thua trận và đã bị Trung Quốc đô hộ cả trên 1000 năm. Thứ ba, Việt Nam bây giờ cũng khác. Không những khác ngày xưa mà còn khác cả năm 1979, lúc Việt Nam còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của một đồng minh lớn, mạnh và giỏi kỹ thuật hơn hẳn Trung Quốc: Liên Xô. Còn bây giờ thì hầu như hoàn toàn thân cô thế cô.
Và cuối cùng, người ta cũng quên là, ngoài những lần thất trận đau đớn, có những lúc Việt Nam tuy không thất trận nhưng lại phải chịu đựng những sự nhục nhã vô hạn. Ví dụ, vào năm 1540, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư kể:
“Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. [...] Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh”. (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 3, Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch, nxb Khoa Học Xã Hội, 2004, tr. 125-6).
Gần đây, một số nhà nghiên cứu, xuất phát từ những động cơ khác nhau, tìm cách biện hộ dùm cho Mạc Đăng Dung: Một, Mạc Đăng Dung chỉ quỳ lại trước long đỉnh che lọng vàng, một biểu tượng của vua nhà Minh chứ không phải là quỳ lạy các vị tướng dưới triều nhà Minh; hai, các địa phương được nhà Mạc dâng cho nhà Minh, thật ra, đã bị nhà Minh chiếm mất từ trước; và ba, sự nhục nhã mà Mạc Đăng Dung phải gánh chịu đã được đền bù xứng đáng: Việt Nam tránh được họa ngoại xâm. Kết luận: theo họ, Mạc Đăng Dung đáng khen hơn là đáng trách.
Ở đây, tôi không muốn bàn cãi những lập luận ấy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một số điểm: Một, ngay cả những người muốn biện hộ cho Mạc Đăng Dung cũng không thể bào chữa cho cái hành động nhục nhã mà ông đã làm; hai, trong lịch sử Việt Nam, may mắn là chỉ có vài ba vị vua chấp nhận được sự nhục nhã như thế.
Điều đáng cho chúng ta nghĩ ngợi là: giả dụ nhà cầm quyền hiện nay theo gót của Mạc Đăng Dung để tránh chiến tranh thì liệu họ có thể chỉ trả một cái giá “vừa phải” như ông không? Liệu Trung Quốc có thể sẽ hài lòng với một số mảnh đất ở biên giới mà họ đã thu được cũng như nguyên cả vùng Biển Đông (chứ không phải chỉ là quần đảo Trường Sa) mà họ đang toan tính cướp lấy? Hầu như trên thế giới ai cũng thấy là tham vọng của Trung Quốc còn lớn hơn như thế rất nhiều. Vậy thì lạy bao nhiêu lạy và dâng bao nhiêu đất và đảo cho vừa?
Câu trả lời trước mắt là sự cảnh giác của tất cả mọi người.
Nguyễn Hưng Quốc Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét