Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Không đi biểu tình vẫn bị sách nhiễu

Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-09-11
Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội không còn được tiếp tục diễn ra trong những chủ nhật gần đây nữa; thế nhưng nhiều người tham gia sinh hoạt đó tiếp tục bị cơ quan an ninh và công an gây khó khăn.


Bắt bớ, khởi tố


nguyen-tien-nam-200.jpg

Anh Nguyễn Tiến Nam. Photo courtesy of blog danlambao.
Một người từng tham gia các đợt biểu tình chống Trung Quốc từ những năm 2007, sang 2008 và trong 11 lần chủ nhật vào tháng sáu, tháng bảy và tháng tám năm nay là anh Nguyễn Tiến Nam vừa bị bắt đưa đi vào trưa ngày 9 tháng 9 sang đến chiểu tối ngày 10 tháng 9, mới đuợc cho về. Và chính bản thân Nguyễn Tiến Nam cho biết vào ngày 12 tháng 9 anh còn tiếp tục phải làm việc.

Vào trưa ngày 10 tháng 9, một người bạn của Nguyễn Tiến Nam, anh Nguyễn Chí Đức từng bị đại úy công an tên Minh lấy gót giày day vào mặt khi bốn người khác khiêng lên xe buýt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc hồi ngày 17 tháng 7, cho biết tin về người bạn Nguyễn Tiến Nam bị đưa đi:
"Tôi quí Nam và mọi người cũng quí vì tính cách hòa nhã, vui vẻ, trung thực. Nên tôi sốt sắng lên facebook báo tin cho mọi người, mọi người cũng liên lạc với nhau. Tối qua, một người cũng gọi điện cho tôi tự xưng là bố Tiến Nam, và qua nội dung trao đổi chắc đó là bố Tiến Nam. Và từ trưa hôm qua đến giờ không có thông tin gì của Tiến Nam cả."
Cũng vào trưa ngày 10 tháng 9, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một trong những người tham gia đưa tin biểu tình chống Trung Quốc khi diễn ra hoạt động đó, cho biết rõ thêm về tin anh Nguyễn Tiến Nam, người thường được gọi là ‘binh nhì’, bị bắt đi từ hôm ngày 9 tháng 9:
Chúng tôi có liên lạc được với bố của anh Nguyễn Tiến Nam và ông này cho biết anh Nam rời khỏi nhà có mang theo máy tính xách tay, máy ảnh. Sau đó bị lực lượng an ninh đưa đi, và nay đang ở trong một đồn công an nào đó mà chúng tôi không đuợc biết.
TS Nguyễn Xuân Diện
"Chúng tôi có liên lạc được với bố của anh Nguyễn Tiến Nam và ông này cho biết anh Nam rời khỏi nhà có mang theo máy tính xách tay, máy ảnh. Sau đó bị lực lượng an ninh đưa đi, và nay đang ở trong một đồn công an nào đó mà chúng tôi không đuợc biết. Sau đó bố Nguyễn Tiến Nam cho biết có thể chiều nay, trong ngày mai, sáng mai anh Nam được trả tự do."
Cũng trong những ngày qua, báo An Ninh Thủ đô loan tin ông Phan Trọng Khang bị Công an Huyện Từ Liêm khởi tố về hành vi chống nguời thi hành công vụ.
Trong khi đó trên các trang mạng ‘lề trái’ thì ông này chỉ tham gia chở những người đi tiếp tế cho các bạn hữu biểu tình chống Trung Quốc bị đưa về Công an huyện Từ Liêm hồi ngày 21 tháng 8. Xe ông đậu tại một đường nhánh không hề có bảng cấm nhưng một số công an đã có lời lẽ và hành vi mạnh bạo đối với ông này.
Thậm chí một người mặc thường phục tự xưng là trưởng công an huyện Từ Liêm đòi xét hỏi giấy tờ nhưng bị ông Khang chất vấn lại nên đã gọi những công an có mặt tại đó xông vào bắt ông Khang cho rằng chống người thi hành công vụ.

Theo dõi, nhắn tin đe dọa


l3-250
Chị Bùi Minh Hằng (áo đen) cùng những người biểu tình chống TQ sáng 21-08-2011 tại Hà Nội dù bị bắt đưa lên xe buýt vẫn tiếp tục biểu tình phản đối TQ. Courtesy Danlambao.
Anh Nguyễn Chí Đức kể chuyện một cựu chiến binh từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc đến chia sẻ những tâm tư :

"Nội dung chia sẻ của chú nói là từng đi bộ đội chiến trường, cả bộ đội chống Tàu. Chú cũng là sĩ quan quân đội. Chú nói ở ngoài chiến trường ‘tên bay, đạn lạc’ như thế mà không làm sao cả; nhưng đi biểu tình có một lần lại bị bắt; chú cũng đau lòng, buồn."
Bà Bùi Thị Minh Hằng, một khuôn mặt khá nổi bật trong suốt 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, cũng cho biết bị cơ quan an ninh theo dõi và nhận nhiều tin nhắn đe dọa.
... thứ nhất là theo dõi rất sát thậm chí đến từng bước đi của những người tham gia biểu tình, họ đi đâu, làm gì, uống gì, ăn gì công an cũng đều đi theo.
TS Nguyễn Xuân Diện
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết dù những người biểu tình chống Trung Quốc nay không còn tập trung vào những chủ nhật như trước nữa thế nhưng việc theo dõi, gây sức ép đối với họ vẫn tiếp diễn:
"Mặc dù người dân không còn đi biểu tình nữa trong những tuần vừa rồi, nhưng lực lượng công an vẫn gây sức ép, vẫn có những việc làm phiền đến những người biểu tình này rất nhiều bằng việc thứ nhất là theo dõi rất sát thậm chí đến từng bước đi của những người tham gia biểu tình, họ đi đâu, làm gì, uống gì, ăn gì công an cũng đều đi theo."

Gây sức ép

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì việc theo dõi rất chặt chẽ; rồi cơ quan an ninh - công an đến tại cơ quan của họ gây sức ép buộc thôi việc cũng như đến tại nhà của những chủ cho các sinh viên tham gia biểu tình chống Trung Quốc yêu cầu họ chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà đối với những sinh viên đó.

bieu-tinh-danap3-250.jpg
Một công an đứng trên xe buýt đạp liên tục vào mặt Anh Nguyễn Chí Đức trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội. Screen capture.
Bản thân những người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, bị sách nhiễu … như anh Nguyễn Chí Đức cho biết anh không ngại gì về việc bị gây khó khăn như thế; tuy nhiên vì gia đình họ không muốn để phía cơ quan an ninh - công an làm phiền nữa:

"Không phải ngại chuyện bất công, mà trong bối cảnh truyền thống gia đình, bố mẹ, anh em họ hàng cũng tác động nhiều. Vì lý do đó tôi không muốn liên hệ với mọi người. Trên facebook nhiều người ép nick tôi nhưng tôi đều đẩy ra hết. Tôi chỉ liên lệ một mình Tiến Nam thôi. Tôi muốn giữ gìn cho mọi người. Tôi sợ qua tôi, người ta khai thác thông tin của người khác, mà tôi không muốn phản bội lại những người từng đi biểu tình chống Trung Quốc..."
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì cho rằng những việc làm của an ninh - công an đối với những người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc như thế là không thể chấp nhận được, và ông có lời kêu gọi với trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc công an thành phố Hà Nội:
"Giám đốc công an Hà Nội cần có chỉ đạo cho cấp dưới như thế nào đó để người dân không hiểu lầm là sống tại thành phố này bất an. Cuộc sống của những người dân đi biểu tình đang trong sợ hãi, hoảng loạn."
Tôi muốn giữ gìn cho mọi người. Tôi sợ qua tôi, người ta khai thác thông tin của người khác, mà tôi không muốn phản bội lại những người từng đi biểu tình chống Trung Quốc...
Anh Nguyễn Chí Đức
Nhân đối thoại an ninh chiến lược quốc phòng Việt - Trung lần thứ hai diễn ra ở Bắc Kinh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, hứa với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sẽ kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người tại Việt Nam, không để sự việc tái diễn.
Những người biểu tình chống Trung Quốc cho biết họ hoàn toàn vì lòng yêu nước muốn bày tỏ sự phản đối trước những hành động gây hấn của Trung Quốc như cắt cáp thăm dò địa chất của hai tàu Việt Nam, như biện pháp giết chóc, bắt bớ, đánh đập, tịch thu ngư cụ, đòi tiền chuộc ngư dân Việt Nam khi đi đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam…
Họ biểu tình để ủng hộ Nhà Nước đòi hỏi chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo tại Biển Đông, nhưng rồi họ bị bắt bớ, sách nhiễu, yêu cầu không được biểu tình nữa. Nay dù đã thực hiện theo yêu cầu của Nhà Nước, những người từng tham gia biểu tình lại tiếp tục bị sách nhiễu như các trình bày vừa nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét