Pages
▼
Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011
Mùi hương của cuộc cách mạng
Bất chấp bạo lực của chế độ bủa vây quanh khắp chúng tôi, những thành phố được giải phóng đang rộn ràng hân hoan; chúng tôi đã nếm hương vị tự do. Sợ hãi, khiếp đảm, căng thẳng và hồi hộp vốn là tính cách của người Libya ngày trước giờ đây tan biến mất; bao thù oán cũ cũng tan dần theo. Mọi người, không ngại mưa hay đói, đều muốn giúp. Cuộc cách mạng này đã thay hình đổi dạng những người Libya, đã ban cho chúng tôi niềm tin rằng điều chúng ta gọi là tự do phải giành được mới có, và ta không nên hưởng tự do một mình trên nỗi đau mất mát hạnh phúc, công sức hay sinh mạng của bao người khác... - Mohammad al-Asfar
*
Mohammad al-Asfar
Trần Quốc Việt (danlambao) dịch
(Benghazi, Libya) - Trên đời này không có gì là không thể. Chúng ta có thể bình tĩnh thảo luận bất kỳ chủ đề gì. Chúng ta chỉ cần thiện ý. Cái chuyện "bạn ủng hộ tôi hay chống lại tôi?" xét ra chẳng lợi ích gì. Tôi không ủng hộ bạn, cũng không chống lại bạn, lại càng không đứng ở giữa.
Nếu tôi chọn thái độ thì tôi không phải là nhà văn. Tôi gần bạn, nhưng bạn không thể thấy tôi. Tôi cũng không thể thấy bạn, dù bạn luôn ở trong lòng tôi. Tôi không quan tâm xem xét đến quan điểm của mọi người. Tôi chỉ quan tâm đến bé gái thật thà đã mất người chú trong vụ thảm sát ở nhà tù Libya.
- Chú con hiện giờ ở đâu, hở bố?
- Chú đang đi xa.
- Chú có trở về ngay không?
- Chú sẽ sớm trở về, con yêu, và mang về cho con một cuộc cách mạng rất đẹp.
- Thế tại sao chú không gọi điện thoại về cho bố và con?
- Điện thoại của chú hết phút rồi, nhưng chú sẽ mua thêm phút rồi sẽ sớm gọi về thăm chúng ta, con yêu của bố.
- Bố cho con số của chú nhé. Con sẽ gọi hỏi thăm chú. Con có thẻ điện thoại mà.
- Vậy con hãy gọi bất kỳ số nào giữa số 1 và 1200, chú sẽ trả lời con.
Cháu thật thà kể tôi nghe nó đã gọi chú, và giọng nói trong điện thoại bảo cháu thứ Sáu chú đến thánh đường cầu nguyện.
"Thế rồi con ngủ và mơ thấy, bố biết không," Cháu kể. "Một người đàn ông thật cao đi quanh ngôi mộ của Omar al-Mukhtar ở Benghazi *, rồi ông ta leo lên con ngựa trắng của ông và bay lên trời; bố biết không, ông vẫy tay con và ném cho con một đoá hoa ngát hương. Khi con thức dậy, con không thấy hoa đặt trong lòng mình, nhưng mùi hơi mặn của Benghazi - của Libya- vẫn còn ở đấy; bố hãy cầm tay con và ngủi xem có phải mùi hương không. Con sẽ không bao giờ rửa tay nữa. Con muốn mùi hương ở mãi mãi bên mình."
Tôi bảo con:"Hãy rửa tay bình thường. Mùi hương sẽ không biến mất. Nước chỉ cuốn trôi bụi thôi."
Cuộc cách mạng ở nước tôi đang bừng cháy, và đã đạt được thành công khá lớn ở trong nước và trên trường quốc tế. Mỗi lần một thành phố được giải phóng, các thể chế tạm thời liền xuất hiện để quản lý cuộc sống hàng ngày và bảo vệ tự do, và nhiều thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của chế độ cũ, dù họ là các nhân vật chính trị, văn hoá hay thương mại, đều gia nhập cách mạng.
Lá cờ của chúng tôi không còn là cánh đồng xanh ngát; lá cờ chúng tôi hiện giương cao là màu đỏ, màu đen, và màu xanh lá cây với hình lưỡi liềm và ngôi sao ở chính giữa. Những màu sắc này gợi tưởng đến thời đen tối và dưới ách nô lệ thực dân mà chúng tôi đã chịu đựng trong lịch sử của mình.
Trong suốt bao thập niên, trong vòng vây trập trùng của bao mật vụ và chỉ điểm, chúng tôi sống trong vô cùng sợ hãi, bất kỳ lúc nào cũng tưởng mình đi tù hay "mất tích". Không ai có thể can thiệp cho mình; không có toà án thật sự, không có nhân quyền, không có gì hết.
Tất cả mọi thứ trước cuộc cách mạng này đều hoàn toàn phục vụ cho việc làm giàu của bạo chúa và gia đình của y. Tất cả mọi thứ đều vì lợi ích của họ: quân đội, cảnh sát, nước, văn hoá, giáo dục, khách sạn, nhà hàng, lá cờ. Thậm chí cả chuyện giao hợp cũng bị kiểm soát: nhiều người không thể cưới cho đến khi chế độ tổ chức đám cưới tập thể hay cho đến khi họ được "ban tặng" giường ngủ cho đêm tân hôn.
Cách đây mười lăm năm, chỉ trong một đêm, bạo chúa và bọn lính đánh thuê của y đã sát hại 1.200 người tại nhà tù Abu Salim ở Tripoli, nơi giam cầm các tù chính trị. Xác chết nằm xếp lớp lên nhau trong nấm mồ hoang tập thể -những người tù từ khắp miền của Libya, thuộc mọi lứa tuổi, đều bị giết chết mà không có cả đến một phiên toà tượng trưng. Người em duy nhất của tôi là một trong những người tù bị sát hại ấy.
Tôi viết về vụ thảm sát ấy trong tiểu thuyết đầu tay của mình. Và trong tiểu thuyết thứ hai. Và trong tiểu thuyết thứ ba. Và tôi không phải là người duy nhất không thể nào quên. Đêm hè tàn ác ấy là một trong những tia lửa làm cháy bùng lên cuộc cách mạng này. Gia đình của những nạn nhân bị thảm sát đã bắt đầu các cuộc biểu tình hiện nay, ngay đây ở Benghazi, và chẳng mấy chốc những người trẻ của cuộc cách mạng đến gia nhập họ.
Hiện nay, bất chấp bạo lực của chế độ bủa vây quanh khắp chúng tôi, những thành phố được giải phóng đang rộn ràng hân hoan; chúng tôi đã nếm hương vị tự do. Sợ hãi, khiếp đảm, căng thẳng và hồi hộp vốn là tính cách của người Libya ngày trước giờ đây tan biến mất; bao thù oán cũ cũng tan dần theo. Mọi người, không ngại mưa hay đói, đều muốn giúp.
Cuộc cách mạng này đã thay hình đổi dạng những người Libya, đã ban cho chúng tôi niềm tin rằng điều chúng ta gọi là tự do phải giành được mới có, và ta không nên hưởng tự do một mình trên nỗi đau mất mát hạnh phúc, công sức hay sinh mạng của bao người khác.
Tôi hầu như không còn thời gian để viết: nhiều ngày qua tôi hoà mình vào các đám đông. Tôi thà sống trong lòng cuộc cách mạng đang diễn ra hơn là viết về cách mạng - cách mạng còn tươi tắn, mới mẻ quá, chưa bị hoen ố bởi sự thêm thắt và phong tục mù quáng. Đây chính là cuộc mạng thấm đẫm hương vị Libya, là sự pha trộn của tiêu và muối và ánh sáng thơm ngào ngạt tựa như phúc lành từ những lồng đèn của các bậc thánh.
Nhiều năm trước tôi chỉ thỉnh thoảng mới tình cờ gặp lại bạn cũ, ở chợ phiên ngày thứ Sáu hay ở đám tang, lễ cưới và ở các trận đấu thể thao. Còn bây giờ tôi tham gia cùng bạn bè ấu thơ của mình trên các đường phố và ngõ hẻm cách mạng.
Tường đã trở thành bích họa, điểm xuyến với những khẩu hiệu mới ca ngợi vinh quang của cách mạng và những liệt sĩ cách mạng, và tố cáo những tên bạo chúa và các hình thức khủng bố của chúng. Những câu chữ trên tường này tuy sai văn phạm be bét và đầy các lỗi chính tả, nhưng dẫu sao vẫn chân chất và nghệ thuật.
Chúng sinh ra cùng với sự chào đời của tự do và cuộc sống mới, và những tranh chữ trên tường này chúng ta mãi mãi không nên xoá đi. Chúng nên được gìn giữ ở trên tường xưa cho đến ngày ánh nắng mặt trời làm phai nhạt dần, dù tôi không tin rằng mặt trời nỡ lòng nào xoá đi những dấu ấn bất tử như thế.
Tôi không muốn nói về những vụ thảm sát mà chế độ đã gây ra trong mấy tuần qua: thế giới đã lắng nghe và theo dõi những hình ảnh về những tội ác tàn bạo và đau lòng này. Thay vào đó tôi muốn nói về những người chiến thắng, những người đã đánh bại cái chết. Những liệt sĩ của cuộc cách mạng này không chỉ là những nam thanh nữ tú; họ là liệt sĩ thuộc đủ mọi lứa tuổi, thuộc đủ mọi trình độ học vấn, thuộc đủ mọi giai cấp xã hội. Cả Libya đã đồng loạt đứng lên.
Chúng tôi không bắt chước ai, nhưng chúng tôi phải thừa nhận những cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đã cổ vũ chúng tôi. Chúng tôi không thể nào biết đến hạnh phúc chừng nào bạo chúa vẫn còn cai trị; làm sao chúng tôi có thể đến thăm những người Tunisia và người Ai Cập trừ phi chúng tôi có thể ngẩng đầu lên cao như họ, ngẩng đầu lên cao như tất cả những người tự do trên thế giới?
Libya đã kiên nhẫn suốt trong thời gian dài, nhưng lòng kiên nhẫn của chúng tôi không phải là sự hèn nhát. Chúng tôi đã chờ đợi thời điểm thật sự hưng phấn, và do thời điểm ấy đến đúng lúc, chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình, tất cả nhờ vào lòng can đảm và nhờ vào sự phấn khích làm cho cả thế giới kinh ngạc.
Cuộc cách mạng của chúng tôi là cuộc cách mạng của nhân dân, nhân dân không thể còn chịu đựng nổi chế độ độc tài đã bốc mùi hôi thối, nhân dân không thể nào được xoa dịu bằng của bố thí. Áp lực đã lên đến đỉnh điểm. Thế là nhân dân tức nước vỡ bờ và tuyên bố công khai niềm ao ước của họ về một đời sống tốt đẹp hơn.
Từ đấy họ đối mặt với ánh mắt đầy sát khí của bạo chúa, và đối mặt không chỉ với hơi cay mà còn với đạn thật cùng xe tăng, máy bay và đại pháo. Cho nên chúng tôi gọi mình là "cháu của Omar al-Mukhtar", để tỏ lòng tôn kính nhà lãnh đạo kháng chiến đã hy sinh vì tổ quốc vào năm 1931 vì ông dám nói thẳng với các kẻ chiếm đóng người Ý rằng nhân dân Libya nhất định không đầu hàng, và nhất định hoặc chiến thắng hay chết. Theo gương xưa chúng tôi đã kiên trì, chúng tôi đã chịu đựng và chúng tôi đã chiến thắng.
Giờ đây tổ quốc tường chừng như rất đẹp. Phụ nữ ai ai cũng đáng yêu hơn xưa, nụ cười của họ đẹp hơn và tiếng nhạc dậy lên trong lòng họ. Đến những người bệnh cũng được chữa lành; họ bệnh vì ung nhọt độc tài.
Nhân dân toàn thế giới đứng về phía chúng tôi. Và ngay cả trước khi họ ủng hộ chúng tôi, họ cũng đã kính trọng cuộc cách mạng của chúng tôi vì cuộc mạng ấy không bị hoen ố bởi cướp bóc hay phá hoại. Mục tiêu của chúng tôi rõ ràng: đánh sập chế độ Phát xít đã làm cho nước chúng tôi bị cả thế giới xa lánh.
Chúng tôi sẽ biến Libya thành ngọn hải đăng của nền văn minh, khoa học và văn hoá, thành một hệ thống xã hội mà sự thăng tiến chỉ dựa trên giá trị và tài năng nơi mỗi người, không phân biệt ý thức hệ hay gia tộc, đều sẽ xứng đáng với địa vị mình đạt được. Chúng tôi sẽ làm việc một cách hết sức minh bạch, và chúng tôi sẽ làm cho thế giới tin tưởng ở chúng tôi, và giúp đỡ chúng tôi. Mọi người đều tin tưởng vững chắc rằng chúng tôi đã giành được tự do cho Libya, nên bây giờ chúng tôi phải phấn đấu vì sự an toàn của quốc gia. Cách mạng giờ cần tài năng, không cần lòng trung thành.
Nhân dân Libya ngày nay là huynh đệ trong gia đình nhân loại. Chúng tôi có thể tự do nói chuyện với những anh em trong thế giới Ả Rập và ở bất kỳ nơi nào khác, những người anh em mà chúng tôi đã từng ao ước gặp, và giờ đây có thể ôm họ vào lòng mà không sợ hãi. Cuộc đời người dân Libya đã bị tai tiếng suốt bao lâu nay rồi: đối với những ai trong chúng tôi được may mắn đi ra nước ngoài, đi đến đâu chúng tôi cũng đều bị chỉ trỏ tố cáo như tội phạm -nào là vụ mất tích của giáo sĩ phái Shiite Musa al-Sadr người Liban khi ông đến Libya năm 1978; nào là vụ đặt bom Lockerbie năm 1988 và năm sau đến vụ bắn rơi chiếc máy bay hành khách của Pháp trên bầu trời Niger. Nhưng lúc này chúng tôi chứng minh cho thế giới biết rằng nhân dân Libya không có gì đáng chê trách về những hành động này, đáng chê trách chính là chế độ độc tài ghê tởm.
Lâu lắm rồi, tôi hứa với một cháu bé gái người em duy nhất của tôi sẽ trở về. Em ơi, em đã trở về, và em mang về cho cháu một cuộc cách mạng.
Trần Quốc Việt (danlambao) dịch
http://danlambaovn.blogspot.com/
*
Mohammad al-Asfar là nhà văn. Nguyên tác tiếng Ả Rập, bản dịch sang tiếng Anh của Ghenwa Hayek.
Tựa đề của người dịch, tựa đề bản tiếng Anh "Libya's Patient Revolutionaries", New York Times 2/3/2011
www.nytimes.com/2011/03/03/opinion/03asfar.html?pagewanted=all
* Omar al-Mukhtar: một nhà cách mạng Libya (1862-1931), đã lãnh đạo nhân dân Libya kháng chiến chống thực dân Ý trong gần 20 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét