Pages

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Ấn Độ và Biển Đông: Cần nhìn lại

Nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.R. S. Kalha
Institute for Defense Studies & Analyses

Đôi lời: Thêm một bài phân nữa của giới chức và học giả Ấn Độ về hợp tác khai thác dầu khí giữa nước này với Việt Nam. Mời bà con tham gia thảo luận, nếu chúng ta là Ấn Độ, thì chúng ta nên quyết định như thế nào? Nên nhớ, quyết định của bất kỳ nước nào cũng đều đặt lợi ích của nước đó lên hàng đầu. Trường hợp Ấn Độ không hợp tác khai thác với Việt Nam và giả sử không nước nào dám hợp tác với Việt Nam vì sợ Trung Quốc, thì Việt Nam cần có những bước đi như thế nào, để có thể khai thác tài nguyên hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền nước ta?

———–
Một bài báo gần đây trên báo Trung Quốc, tờ “Hoàn Cầu Thời báo” của Liu Sheng, cảnh cáo Ấn Độ, chống lại việc nước này tiến tới hợp tác khai thác dầu khí trên Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) với Việt Nam. Bài viết này là lời nhắc nhở đúng lúc về những cạm bẫy nguy hiểm vẫn còn tồn tại trong quan hệ Trung-Ấn. Hoàn Cầu trích lời bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng “về vấn đề khai thác dầu khí, chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào dính líu tới vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng nước ngoài không can dự vào tranh chấp biển Hoa Nam”. Mặc dù Ấn Độ không được nêu tên trực tiếp nhưng rõ ràng họ đang nói tới Ấn Độ. Bài báo còn viết rằng các mỏ dầu trên Biển Đông không chỉ có trữ lượng 28 tỷ thùng. Dễ hiểu là bài răn dạy đạo đức này của Trung Quốc, mặc dù chỉ ám chỉ mơ hồ, nhưng đã được nhắc tới rất nhiều trên báo chí và các phương tiện báo in và báo hình ở Ấn Độ. ONGC hiện đầu tư khoảng 255 triệu USD vào Việt Nam.
Câu hỏi đầu tiên trong tâm trí của hầu hết người Ấn Độ là chúng ta nên phản ứng với bài viết hăm dọa này như thế nào? Chúng ta có nên phớt lờ cái “lời khuyên” miễn phí này và tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí, hay là nên nghe theo “lời khuyên” của Trung Quốc và tránh xa những tranh chấp hiện nay trên Biển Đông? Báo chí Trung Quốc dẫn lời những nhân vật nổi tiếng tại các “think tank” (viện chiến lược, viện nghiên cứu – ND) của các trường đại học ở Trung Quốc, dường như họ có ý nói rằng với “sự giúp đỡ tích cực của Mỹ”, chúng ta đang bị đẩy sâu vào một loạt hành động. Tác giả đã rất cẩn thận tránh việc đổ hết mọi sự xấu xa lên các dự định, kế hoạch của Việt Nam, nhưng bài báo lại đề cập thẳng thừng tới một hiệp định song phương từ hồi tháng 6 năm nay giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo đó hai bên sẽ giải quyết tất cả tranh chấp “thông qua thương lượng và tham vấn”. Một tín hiệu rõ ràng gửi đến Ấn Độ, rằng lập trườngcủa Trung Quốc với Việt Nam vẫn là đường lối mở.
Dĩ nhiên phản ứng phổ biến hơn cả vẫn là phớt lờ Trung Quốc và tiếp tục hợp đồng đã ký với Việt Nam. Suy cho cùng nếu Ấn Độ xem xét việc ký một thỏa thuận với Việt Nam thì Ấn Độ đã tự động phải tính đến việc vùng biển đó có thuộc quyền tài phán của Việt Nam hay không rồi. Đây dường như là lập trường của chính phủ Ấn Độ khi Ngoại trưởng Krishna nói với người đồng nhiệm Phạm Bình Minh rằng, Ấn Độ sẽ “tiếp tục” và quan điểm của Ấn Độ hoàn toàn căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, thử thách thật sự sẽ nằm ở việc, liệu các nước còn lại trong tranh chấp Biển Đông – gồm Philippines, Malaysia, Brunei, hoặc thậm chí cả Đài Loan – cũng coi những vùng biển đó là của Việt Nam hay không. Nếu không bên nào trong số họ phản đối Ấn Độ hoặc Việt Nam về thỏa thuận đã đề xuất kia, thì khi đó Trung Quốc sẽ yếu thế hơn nhiều và quan điểm của họ sẽ chỉ còn là hăm dọa thuần túy. Còn lập trường về mặt pháp lý của Mỹ, Nhật Bản và có thể cả Hàn Quốc nữa, là gì? Không có nhiều điều được công khai ở đây. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ coi những lời phản đối của Trung Quốc là không đúng; bởi lẽ quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc có những vấn đề khá phức tạp, trong đó có vấn đề an ninh trên biên giới. Chúng ta cũng không nên phản ứng theo chủ nghĩa sô vanh, hiếu chiến, mà nên tiến hành phân tích một cách lạnh lùng, có tính toán, về tình hình hiện nay.
Rõ ràng là khi Trung Quốc phản đối, chúng ta cần luôn luôn chú ý đến họ. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ phải nhớ trong đầu một loạt khả năng có thể xảy ra và điều mà Trung Quốc có thể lựa chọn, đó là quyết định đẩy sự phản đối đến giai đoạn tiếp theo; từ đó kích ngòi nổ cho xung đột. Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng cho thấy rằng, hễ cứ động tới sân sau của họ, đặc biệt là Biển Đông, là họ sẽ trở nên rất nhạy cảm và hung hăng một cách công khai. Thường xuyên họ có các biện pháp để không chỉ quấy rối bên làm cho họ nổi giận, mà họ còn cố ý cắt sạch những kênh liên lạc (cáp và không dây) mà qua đó công việc đang tiến triển thuận lợi. Giả sử ONGC Videsh – đơn vị trúng thầu trong trường hợp này – phải chịu số phận tương tự, thì chính quyền Ấn Độ nên phản ứng ra sao? Sẽ cực kỳ rắc rối khi phải xác định liệu hải quân Ấn Độ có khả năng thể hiện sức mạnh trên Biển Đông để chống lại Trung Quốc hay không. Mà Việt Nam cũng không có ý định đó. Còn nếu sau khi Trung Quốc đã ra tay hành động rồi mà ta nhổ trại rút quân thì sẽ là một đòn đánh nặng vào danh dự, uy tín của Ấn Độ.
Chúng ta phải hết sức ghi nhớ rằng chúng ta có một đường biên giới, đã từ lâu không ổn định với Trung Quốc. Không thể nào kiểm soát từng mét trên đường biên giới này. Do đó, hiện nay Trung Quốc vẫn đi theo cái cách xâm lấn vài kilômét qua “Đường Kiểm soát Thực tế” (“Line of Actual Control” – LOAC), nếu họ muốn. Do LOAC không được phân định trên bộ, nên cả Ấn Độ và Trung Quốc đều quan niệm khác nhau về đường đi thực sự của nó. Từ đây nảy sinh cơ sở để đôi bên bất hòa.
Cái nút của vấn đề sẽ là vai trò và thái độ của Mỹ và lực lượng duy nhất có khả năng ngăn cản Trung Quốc trên Biển Đông – Hạm đội 7 của Hoa Kỳ. Trong quá khứ gần đây, nói về vấn đề quan hệ Trung – Ấn, thái độ của Hoa Kỳ khá nước đôi. Ngay cả sau cuộc xung đột năm 1962, với những hậu quả của nó, Rober Komer – thành viên có ảnh hưởng trong Hội đồng An ninh Quốc gia – vẫn viết một bức thư cho Tổng thống Kennedy vào ngày 16-12-1962, trong đó ông ta nhấn mạnh những điều sau: “Sẽ là lợi ích chiến lược của chúng ta (Mỹ) nếu ta duy trì mức độ mâu thuẫn cao giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vì điều này sẽ ngăn cản một cuộc chiến tranh quy mô lớn” [FRUS 61-63 Vol. xix.]
Hiện nước Mỹ đang ngổn ngang những vấn đề kinh tế với món nợ công 6,4 nghìn tỷ USD trong năm 2008, chiếm tới 60% GDP, giờ đã lên tới 14,2 nghìn tỷ USD hay là 98% GDP. Trong các siêu cường, chỉ có Ý và Nhật Bản ở tình trạng tồi tệ hơn Mỹ. Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Theo nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ, ông Joseph Stiglitz, chỉ riêng cuộc chiến Iraq đã ngốn của Mỹ khoảng 3 nghìn tỷ USD và trước mắt vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cả Iraq lẫn Afghanistan. Lực lượng vũ trang của Mỹ vẫn dàn trải quá mức. Chính là vì lý do này mà Mỹ bác bỏ lời thỉnh cầu của hai đồng minh thân cận trong NATO là Pháp và Anh, từ chối can thiệp quân sự vào khủng hoảng gần đây ở Lybia.
Trước những khó khăn hiện nay của Mỹ, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cần cố gắng lưu tâm đầy đủ khi xử lý một tình huống tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ thành xung đột trên Biển Đông. Làm ra vẻ hiên ngang chẳng có ích gì một khi chúng ta không có năng lực quân sự cần thiết để đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Quả thật sẽ là rất khôn ngoan nếu chúng ta nhìn lại sự tham gia của mình vào vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Đại sứ R S Kalha là cựu Ngoại trưởng Ấn Độ và là cựu thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia.
Đỗ Quyên dịch từ IDSA
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét