Pages

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Tây phương tranh giành dầu hỏa của Libya

Nhà máy lọc dầu Azzawiya cách thủ đô Tripoli 50km
Nhà máy lọc dầu Azzawiya cách thủ đô Tripoli 50km
Reuters/Chris Helgren
Thanh Hà


Làm chủ trữ lượng dầu hỏa lớn nhất của châu Phi, Libya trong giai đoạn hậu Kadhafi đang hình thành chính sách phát triển năng lượng mới. Phương Tây đã yểm trợ phe nổi dậy giành lấy chính quyền, đang kỳ vọng chiếm lợi thế. Các tập đoàn Nga và Trung Quốc lo ngại đánh mất các hợp đồng khai thác dầu khí tại Libya.

Ngày 22/08/2011, tại Lybia, khi phe nổi dậy tiến vào thủ đô Tripoli thì tại các sàn chứng khoán trên thế giới, giá cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí của Âu Mỹ tăng vọt. Thị trường dầu hỏa hạ nhiệt trước viễn cảnh van dầu của Libya được mở trở lại để cung cấp thêm 1,6 triệu thùng mỗi ngày cho thế giới.

Tripoli chưa im tiếng súng, các tập đoàn dầu khí quốc tế - từ ENI của Ý đến BP hay Total của Anh, Pháp, ExxonMobil của Mỹ, Qatar Oil của tiểu vương quốc cùng tên- đã gửi chuyên gia đến hiện trường như để nhắc nhở Hội đồng Quốc gia lâm thời Libya về công lao của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO - trong việc lật đổ chế độ Kadhafi vừa qua cũng như vai trò của các « đại gia » dầu lửa trong giai đoạn sắp tới của Libya.
Matxcơva và Bắc Kinh từng phản đối chiến dịch quân sự của NATO ở Libya, lo ngại các tập đoàn của Nga và Trung Quốc bị thua thiệt trong chính sách phát triển năng lượng của chính quyền Tripoli trong nay mai.
Libya trên bàn cờ năng lượng
Trong ngày đầu tiên, khi quân nổi dậy tiến vào thủ đô Tripoli, cổ phiếu của tập đoàn dầu khí ENI tăng vọt hơn 6% trong một phiên giao dịch, Total của Pháp tăng 2,25 % với lý do duy nhất : Tất cả các nhà phân tích đều cho rằng, ENI của Ý và Total của Pháp sẽ « thắng lớn » trong cuộc chạy đua tranh giành các hợp đồng khai thác dầu hỏa của một nước Libya vừa được giải phóng khỏi sự kiểm soát của nhà độc tài Kadhafi.
Total đang nuôi hy vọng giành được đến 35 % các hợp đồng khai thác dầu khí tại Libya như để đền bù lại những nỗ lực quân sự của Pháp.
Trước khi làn gió dân chủ thổi tới Libya, mỗi ngày quốc gia châu Phi này sản xuất từ 1,5 đến 1,6 triệu thùng dầu, tương đương với 2 % mức sản xuất của thế giới. Khối lượng này đã bị giảm mất 2/3 kể từ đầu cuộc chiến và đã rơi xuống còn 100 000 thùng/ngày vào tháng 7/2011.
Libya tới nay đứng hạng thứ 17 trong số các quốc gia sản xuất dầu hỏa và là nguồn cung cấp lớn thứ ba của châu Phi. 85 % khối lượng dầu của Libya được xuất khẩu sang châu Âu.
Ý là đối tác thương mại dầu hỏa hàng đầu của chính quyền Tripoli dưới thời đại tá Kadhafi : Roma mua vào 28 % dầu thô của Libya, kế đến là Pháp với 15 %. Trong khi đó, Trung Quốc hút 11 % dầu của Libya. Trong số những khách hàng của Libya thì Hoa Kỳ đứng rất xa với vỏn vẹn 3 % dầu hỏa của Libya.
Theo thẩm định của Tạp chí Dầu Khí : Dự trữ dầu lửa của Libya lên tới 46 tỷ thùng dầu – lớn gấp 10 lần so với Ai Cập và hơn hẳn Nigeria (37 tỷ thùng dầu) hay Algéri (12,2 tỷ thùng). Nigeria và Algéri vốn được coi là những quốc gia có trữ lượng lớn nhất của châu Phi. Để so sánh thì tiềm năng về dầu hỏa của Hoa Kỳ chỉ vào khoảng trên 20 tỷ thùng dầu –căn cứ vào nghiên cứu của cơ quan năng lượng Energy Information Administration của Mỹ.
Ngoài dầu hỏa, Libya cũng còn là một quốc gia với tiềm năng khai thác khi đốt rất cao - 1 500 tỷ mét khối -, có thể đứng hạng tư của toàn châu Phi. ENI hy vọng bắt đầu khai thác khí đốt của Libya vào cuối năm 2010.
Sự hiện diện của các tập đoàn ngoại quốc
Ai kiểm soát khối lượng vàng đen vô giá của Libya ? Cho đến tháng 2/2011 ngành công nghiệp dầu hỏa Libya được đặt dưới sự kiểm soát của khoảng một chục tập đoàn quốc gia và tất cả đều được đặt dưới sự « chỉ đạo » của đại tá Kadhafi, qua trung gian của công ty mẹ là Tập đoàn Dầu hỏa Quốc gia NOC.
Theo thẩm định của văn phòng Evaluate Energy có trụ sở tại Luân Đôn, 25 % các cơ sở sản xuất dầu hỏa của Libya thuộc chủ quyền của NOC ; 35 % là các công ty liên doanh với vốn của các công ty ngoại quốc như ENI của Ý hay Repsol của Tây Ban Nha.
Bên cạnh đó còn phải kể đến sự hiện diện của 35 tập đoàn nước ngoài. ENI chiếm vị trí quan trọng nhất. Năm ngoái mỗi ngày ENI sản xuất 116 000 thùng dầu, trong lúc năng suất của Total của Pháp hay ConocoPhilipps của Mỹ chỉ dao động từ 41 000 tới 55 000 thùng/ngày.
Từ ExxonMobile, Chevron đến Shell hay ConocoPhilipps, Wintershall, BP … đều đã "cắm dù" tại Libya từ năm 2006 khi chính quyền Tripoli bắt đầu cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế. Trong số các tập đoàn ngoại quốc hiện diện tại Libya thì không thể quên CNPC của Trung Quốc, hai đại gia của Nga là Gazprom Neft và Tatneft.
Kẻ thắng, người thua
Cuộc nội chiến tại Libya kéo dài trong sáu tháng qua đã hủy hoại một phần lớn hạ tầng cơ sở của ngành công nghiệp dầu khí nước này. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE, trong tháng Bảy vừa qua, mỗi ngày quốc gia dầu hỏa này chỉ còn cung cấp được 100 000 thùng dầu, thay vì 1,6 triệu thùng trong thời kỳ trước cuộc nổi dậy.
Hội đồng Quốc gia Lâm thời Libya cho biết đã bắt đầu đàm phán với đại diện của những công ty dầu khí phương Tây, đứng đầu là ENI, Total, Shell, BP và cũng đã không quên sự hỗ trợ quý giá của các nước Ả Rập như tiểu vương quốc Qatar.
ENI đã ký hợp đồng khai thác dầu hỏa dài hạn với Lybia cho đến năm 2042 gần như đã tiến vào thủ đô Tripoli cùng lúc với phe nổi dậy vào tuần trước. Tập đoàn của Ý này cho biết đang đưa nhân viên trở lại Libya.
Về phần Total, các nguồn tin báo chí tiết lộ là tập đoàn dầu khí của Pháp đang nhòm ngó 35 % những hợp đồng tương lai của Libya. Ngoài Total thì tập đoàn khí đốt quốc gia của Pháp GDF, vốn chưa từng chen chân được vào quê hương của ông Kadhafi, đang nuôi nhiều hy vọng. Cổ phần của GDF cũng đã tăng 5 % trong một phiên giao dịch hôm 22/08/11.
Trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đây là thời điểm thuận lợi để thâm nhập thị trường khai thác dầu khí của Libya.
Trong khi đó, Cơ quan Thương mại của Nga tại Libya đang lo ngại «các doanh nghiệp của Nga tại chỗ sẽ mất hết các hợp đồng ở Libya ». Gazprom Neft và Tatneft đầu tư hàng tỷ đô la vào thị trường châu Phi này đang gây áp lực với Matxcơva thuyết phục chính phủ lâm thời Libya "nhẹ tay" với hai con chim đầu đàn của ngành công nghiệp dầu khí của Nga.
Trung Quốc cũng không mấy thoải mái trong khi chờ đợi chính quyền mới của Tripoli quyết định về số phận của 75 tập đoàn Trung Quốc đang có mặt tại Libya.
Dầu hỏa Libya
DR
Nhiều ẩn số
Cho dù cộng đồng quốc tế nói chung và tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa OPEP nói riêng đang chờ đợi vàng đen của Libya lại tràn ngập các thị trường quốc tế, nhưng theo chuyên gia về dầu hỏa thuộc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế IRIS của Pháp, giáo sư Thierry Coville, thì ngành dầu hỏa Libya cần thêm nhiều thời gian để tìm lại nhịp độ sản xuất của sáu tháng trước đây. Ông Coville nêu ra hai trở ngại lớn đối với nền công nghiệp dầu khí của Libya vào lúc này:
"Có nhiều khả năng các hệ thống, các đầu ra của các đường ống dẫn dầu cho phép xuất khẩu dầu hỏa Libya ra nước ngoài bị hư hại. Ngoài ra còn có vấn đề nhân công : nguồn lực trong ngành khai thác và lọc dầu chủ yếu là người lao động nước ngoài.
Với biến cố vừa qua, hàng trăm ngàn người nhập cư vào Libya đã bỏ chạy hoặc đã được quốc gia của họ hồi hương. Cho nên ngành công nghiệp dầu khí của Libya hiện tại rất cần nhân công để có thể hoạt động trở lại bình thường.
Tựu chung thì Libya sẽ cần thêm nhiều thời gian để có thể quay trở lại được mức sản xuất như thời kỳ trước khi xảy ra chiến tranh. Giới trong ngành cho rằng, phải đến năm 2013 mức sản xuất dầu hỏa của Libya mới có thể trở lại như cũ, tức là như ở giai đoạn trước khi phong trào nổi dậy bùng phát vào ngày 15/02/2011.
Về tiềm năng, theo công trình nghiên cứu của tập đoàn dầu khí BP, Libya có nguồn dự trữ dầu hỏa lớn nhất châu Phi và có thể đứng hàng thứ 8 trên thế giới về mặt trữ lượng. Do vậy, tất nhiên là các tập đoàn quốc tế sẽ ồ ạt chen chân vào Libya.
Trong 10 tháng đầu 2010, Libya là nguồn cung cấp dầu hỏa thứ 3 của toàn bộ thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Riêng đối với Ý, 80 % dầu hỏa tiêu thụ tại thị trường này đến từ Libya. Điều đó cho thấy là Liên Hiệp Châu Âu lệ thuộc nhiều vào dầu hỏa của Libya."
Một trở ngại không nhỏ khác là cho đến nay, khu vực chung quanh thành phố Syrte vốn được coi là thành trì của gia đình Kadhafi vẫn do các phe trung thành với cựu lãnh đạo Libya kiếm soát. Syrte và các vùng lân cận cũng là nơi có tới 80 % các khoản dự trữ dầu hỏa của quốc gia Phi châu này.
Libya là một nền kinh tế hoàn toàn lệ thuộc vào dầu hỏa : 95 % khối lượng sản xuất được dành để xuất khẩu. Vàng đen là nguồn ngoại tệ quy nhất của Libya trong lúc quốc gia này phải nhập khẩu tất cả các mặt hàng tiêu dùng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế với trữ lượng lên tới 46 tỷ thùng dầu, Libya nhẽ ra có thể sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu thỗ mỗi ngày tức cao gấp đôi so với năng suất trước khi xảy ra nội chiến.
Vậy phải chăng chính quyền của đại tá Kadhafi cho đến nay chưa khai thác « đúng mức » nguồn tài nguyên này và để lệ thuộc quá nhiều vào các tập đoàn ngoại quốc ? Theo giáo sư Thierry Coville thực tế không hẳn là như vậy :
" Libya dưới chế độ Kadhafi không khai thác đúng mức nguồn tài nguyên này chủ yếu do không đủ phương tiện kỹ thuật để thăm dò, khai thác các nguồn dự trữ. Tất cả các công trình nghiên cứu đều cho rằng, Libya có những nguồn dự trữ rất lớn và công việc khai thác thăm dò sẽ được phát triển mạnh trong tương lai không xa. Giới chuyên gia cho rằng tiềm năng của Libya là rất lớn không chỉ đối với dầu hỏa mà còn cả đối với khí đốt. Tất cả các tập đoàn dầu khí lớn của quốc tế đều hiện diện tại Libya, đặc biệt là kể từ khi Kadhafi cải thiện được hình ảnh của mình, Tripoli cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế".
Giai đoạn tái thiết Libya
Thúc đẩy trở lại các hoạt động của ngành dầu hỏa là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Tripoli sắp tới và tương tự như những gì đã diễn ra tại Irak, Libya cũng sẽ cần đến các công ty nước ngoài để xây dựng lại các dàn khoan, các nhà máy lọc dầu, các đường ống dẫn dầu để đưa vàng đen của Libya ra thế giới bên ngoài.
Ngành năng lượng dầu hỏa của Libya cũng phản cần đến kỹ thuật và nhân lực của quốc tế. Những nhà phân tích lạc quan nhất cũng cho rằng phải đến sang năm 2012 thậm chí đến 2013 Libya mới hy vọng lại có thể sản xuất được 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Đại diện của chính phủ lâm thời Libya từng tuyên bố là chính phủ mới sẽ tôn trọng các hợp đồng đã được ký kết dưới chế độ của đại tá Kadhafi, tuy nhiên những quốc gia đã không yểm trợ phong trào dân chủ có thể sẽ để vuột khỏi tầm tay một số hợp đồng.
Trong số những quốc gia đó phải kể đến Trung Quốc, Nga và Brazil Ấn Độ. Dù vậy theo giới quan sát chưa có gì bảo đảm là chính quyền mới của Tripoli sẽ mở rộng cửa ngành công nghiệp dầu khí quốc gia để đón các nhà đầu tư nước ngoài vào như là phương Tây chờ đợi. Giáo sự Thierry Coville thuộc viện quan hệ chiến lược quốc tế của Pháp IRIS phân tích:
"Nhiều người cho rằng các nước ủng hộ Hội đồng Quốc gia lâm thời sẽ chiếm lợi thế. Ngược lại các hãng Nga và Trung Quốc không được thuận tiện bằng vì Matxcơva và Bắc Kinh đã phản đối chiến dịch quân sự do Anh, Pháp, Mỹ khởi xướng. Trong lúc Luân Đôn, Paris hay Roma, Washington đã đứng hẳn về phía phe nổi dậy từ ngay những tuần lễ đầu của phong trào.
Đối với Trung Quốc, chiếm lại lợi thế trên thị trường dầu hỏa Libya thực sự là một vấn đề : tới nay 11 % dầu hỏa Libya dành để bán cho Trung Quốc. Theo chỗ tôi biết, chính quyền Bắc Kinh đã liên lạc với phe nổi dậy để mở rộng quan hệ trên địa hạt này. Đương nhiên Trung Quốc là một đối tác thương mại có trọng lượng mà Tripoli không thể bỏ qua và điều đó có nghĩa là các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc ít có khả năng bị gạt ra ngoài.
Cuối cùng, chúng ta thấy rõ là tình hình ở Libya còn rất bấp bênh. Đến giờ phút này hãy còn nhiều ẩn số về thành phần chính phủ mới tại quốc gia dầu hỏa này.
Giới quan sát cũng chưa biết rõ thực chất của Hội đồng quốc gia lâm thời ra sao. Vì vậy có thể nói dầu khí của Libya là một « hồ sơ ngỏ ». Tôi xin lưu ý, Libya là một quốc gia có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao. Dầu hỏa là biểu tượng của đất nước này. Khó có thể tin rằng thành phần chính phủ mới ở Libay dù có « chịu ơn » của Tây phương, sẽ mở rộng cửa, mở rộng các khoản dự trữ dầu hỏa để cho các nhà đầu tư quốc tế vào khai thác. Tripoli dù dưới sự lãnh đạo của ai đi chăng nữa cũng sẽ không dễ dàng bán rẻ vàng đen của Libya".
Ngoài dầu khí, khi yểm phe nổi dậy, NATO còn nhắm đến nhiều hợp đồng quan trọng khác của Libya trong giai đoạn tái thiết đất nước : Từ các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đến chương trình trang bị máy bay cho hãng hàng không quốc gia Air Libya,hay trang bị quân sự cho một chế độ có trong tay đến 150 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ.

Nguồn RFI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét