Pages

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

‘Trống đánh xuôi kèn thổi ngược’

Việt Nam cắt giảm đầu tư công
HÀ NỘI (TH) - Nhà cầm quyền Việt Nam hô hào cắt giảm đầu tư công để đối phó với lạm phát theo sự khuyến cáo của các định chế tài trợ quốc tế, nhưng những tiết lộ cho thấy đang có tình trạng ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’.

Con tàu đang hoàn tất Vinashin Bay của tập đoàn đóng tàu Vinashin là một trong những hậu quả của chính sách đầu tư công có nhiều vấn đề tại Việt Nam. (Hình: Dân Trí)

“Chủ trương cắt giảm đầu tư công của chính phủ đang gặp thử thách thật sự khi mà nhiều tỉnh thành vẫn cố tình lách quy định.”
Một bài viết trên tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) hôm Thứ Năm tuần qua viết như vậy. Theo nguồn tin “cả nước đã thực hiện ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn của 2,103 dự án với tổng số vốn là 6,532 tỷ đồng, trong đó ngừng khởi công mới 1,206 dự án với số vốn 3,768 tỷ đồng; cắt giảm, điều chuyển vốn của 897 dự án với số vốn 2,764 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, chỉ có các dự án đầu tư của các bộ, ngành ở trung ương “gần mặt trời” thì giảm nhưng ở các địa phương thì “một số tỉnh, thành lại thể hiện thái độ khác biệt”.
Nói khác, theo bản báo cáo của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư được tờ TBKTVN nêu ra cho biết, đến nay, “nhiều địa phương vẫn còn chần chừ trong việc cắt giảm, ngừng khởi công các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.
Lạm phát tại Việt Nam tháng 8, 2011 là 23.20%, tháng 7 là 22.16%, cứ tháng sau tệ hơn tháng trước từ đầu năm đến nay. Một trong những nguyên nhân chính yếu của lạm phát tại Việt Nam là chính sách đầu tư bất chấp hậu quả của nhà cầm quyền.
Theo lời phàn nàn nêu trên tờ TBKTVN “Tổng hợp số liệu từ 63 tỉnh thành cho thấy có tới 638 dự án có sử dụng vốn ngân sách nhưng không thuộc đối tượng được khởi công mới trong năm 2011 song vẫn được các tỉnh thành bố trí 1,763 tỷ đồng để thực hiện. Chưa kể, các tỉnh thành cũng không ‘chịu’ cắt giảm 2,000 dự án khác sử dụng vốn của ngân sách địa phương nhưng không thuộc đối tượng khởi công mới trong năm 2011”.
Hồi tháng 3 năm 2011, báo Tuổi Trẻ cho hay không những không cắt giảm đầu tư công, một số tỉnh thành “không cắt mà còn xin thêm vốn”. Có tỉnh còn xin thêm tiền xây dựng “tượng đài” hay “trụ sở” dù không có gì cấp bách.
Một cuộc kiểm tra của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư Hà Nội hồi tháng 3, theo bản tin Diễn Ðàn Kinh Tế Việt Nam (VEF.vn), cũng đồng một ý kiến với một chuyên viên của Việt Kinh Tế Việt Nam là “tỉ trọng đầu tư của nhà nước trong tổng đầu tư xã hội suốt 16 năm qua tăng thì nhiều mà giảm thì hầu như không đáng kể”.
Bài viết này nêu ra cho thấy một trong những nhược điểm của sự đầu tư bừa bãi của đầu tư công của chế độ Hà Nội là “đồng vốn của nhà nước lại phân tán trong hầu hết các ngành kinh tế, kể cả các ngành mà khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm phát triển như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ kinh doanh tài sản, thương mại, tiêu dùng...”
Sự bừa bãi cấp vốn hàm ngụ lợi ích cục bộ và động lực tham nhũng.
“Năm 2008, khi ra quyết định 390 liên quan đầu tư công, thủ tướng cũng đã chỉ rõ những điều bất hợp lý như dự án không trong qui hoạch, không đủ thủ tục nhưng vẫn được duyệt, dự án chưa giải phóng mặt bằng vẫn bố trí vốn...” Bài viết ngày 3 tháng 3, 2011 của vef.vn cáo buộc.
Theo bản tin ngày 1 tháng 9, 2011 của tờ TBKTVN, hiện còn một số địa phương đang “cố xin không cắt giảm đầu tư công”.
Vũ Tuấn Anh, chuyên viên ở Viện Kinh Tế Việt Nam cho rằng “Chính phủ Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn nhất trong số các các nước trong khu vực, khi chi ra tới 1/3 ngân sách cho phát triển. Trong khi mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra lượng tiền đầu tư công bằng khoảng 17-20% GDP thì tại các nước trong khu vực chỉ dưới 5%, như Trung Quốc là 3.5%, Indonesia 1.6%...”
Bình luận về “hiệu quả của cắt giảm đầu tư công”, TS. Lê Ðăng Doanh, một chuyên viên từng là cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam nói: “Vấn đề cơ bản này lại được đề cấp quá nhiều lần rồi. Mỗi lần, lại có chuyện cử các đoàn đi xem xét, sau đó, về tính toán sẽ cắt bao nhiêu... Nhưng qua đợt cao điểm, mọi chuyện lại đâu vào đó. Sau các cuộc rà soát, người ta vẫn thấy, năm sau, lại thấy đầu tư vẫn tăng vọt lên và hiệu quả thì vẫn bị đánh giá là kém. Dường như, bằng cách này hay cách khác, bệnh đầu tư công vẫn không ‘bãi bỏ’ được.” (T.N.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét