Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Trục Việt – Ấn

http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_169_large/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/800px-ONGC_Oil_Platform.jpg


Một giàn khoan trên biển của Ấn độ

Harsh V. Pant


New Delhi coi Hà Nội là đối trọng với Bắc Kinh, cũng như Bắc Kinh coi Islamabad [là đối trọng của New Delhi].

Ấn Độ là nước mới nhất bị cuốn hút vào tranh chấp Biển Đông.
Trước đó trong tháng này, Bắc Kinh tuyên bố với New Delhi rằng hãng dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ cần phải được phép của Trung Quốc, thì mới được thăm dò dầu khí tại hai lô của Việt Nam ở vùng biển này. Hành động đó diễn ra tiếp theo những thông tin về vụ một tàu Trung Quốc chặn một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Ấn Độ ở ngoài khơi Việt Nam hồi cuối tháng 7.
Việt Nam nhanh chóng viện dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để tuyên bố chủ quyền của mình đối với hai lô được đề cập. Hà Nội đã đấu khẩu với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông trong năm qua, nên một phản ứng như vậy cũng dễ hiểu.
Điều mới lạ ở đây là New Delhi không chấp nhận sự hiếu chiến của Trung Quốc ở khu vực đó. Ngay lập tức, nước này quyết định ủng hộ các tuyên bố của Hà Nội. Tuần trước, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna đã tới thăm Việt Nam và tuyên bố rõ ràng rằng, tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ sẽ tiếp tục thăm dò ở Biển Đông. Sự phô trương sức mạnh giúp Ấn Độ tăng cường các mối quan hệ với Việt Nam. Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, thì theo nhận định của New Delhi, nước này cũng có thể làm điều tương tự ở Đông Á.
Mấu chốt của sự dịch chuyển hướng về phía đông đó sẽ là Việt Nam. Hà Nội đã trải qua một cuộc chiến ngắn ngủi với Bắc Kinh năm 1979 và thận trọng trước những ảnh hưởng về quân sự, kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đó là lý do ở một số nơi thuộc New Delhi, Việt Nam đã được coi là đối trọng [với Trung Quốc], cũng như Trung Quốc xem Pakistan là đối trọng với [Ấn Độ].
Như vậy không phải để nói rằng các mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ không tồn tại về mặt khác. Người Việt Nam xưa nay rất tôn trọng người Ấn Độ, vì đã được Ấn Độ trợ giúp cho công cuộc giành độc lập từ Pháp và phản đối sự dính líu của Mỹ ở nước mình. Và New Delhi đã công thức hóa một chính sách có tên “Hướng Đông” ngay từ năm 1991, để tận dụng sự phát triển kinh tế của Đông Á. Nhưng sự lớn mạnh của Trung Quốc đã mang lại cho mối quan hệ này một tầm cỡ chiến lược to lớn – chưa cần nói đến tính khẩn cấp.
Cả hai bên đều nhận ra rằng, một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn khởi đầu với các quan hệ kinh tế. Hai nước đã ký một thỏa thuận năm 2003, theo đó họ hình dung tạo ra một “Cung của Thuận lợi và Thịnh vượng” ở Đông Nam Á. Vì vậy, họ đã thúc đẩy phát triển thương mại, đặc biệt là sau khi New Delhi ký một thỏa thuận thương mại tự do với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á năm 2009. Khối lượng mậu dịch song phương hiện nay đã vượt trên 2 tỷ USD.
Cả hai bên vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để mở rộng sự hợp tác kinh tế. Thương mại song phương vẫn còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng, ngay cả khi Ấn Độ và Việt Nam là các nền kinh tế mới nổi chính. Hai nước cũng cần phải tư duy một cách sáng tạo về việc mở rộng các cơ hội đầu tư, đặc biệt là về năng lượng, thép, và dược phẩm. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thiết lập các cơ chế tổ chức mạnh mẽ hơn để thường xuyên đánh giá mối quan hệ kinh tế và thực hiện các bước đi để mở rộng mối quan hệ ấy.
Thế nhưng, lợi ích lâu dài của New Delhi ở Việt Nam hiện nay đang nằm trong lĩnh vực quốc phòng. Nước này muốn xây dựng các mối quan hệ với những nước như Việt Nam vốn có thể hành động như những điểm áp lực nhằm vào Trung Quốc. Với ý nghĩ đó trong đầu, Ấn Độ đang giúp Hà Nội tăng cường các năng lực về không quân và hải quân.
Vì Việt Nam và Ấn Độ đang dùng các nền tảng phòng thủ Xô Viết cũ và tương tự của Nga, New Delhi có thể dễ dàng cung cấp các công nghệ quốc phòng cho Hà Nội. Các cuộc hội đàm đang diễn ra để Ấn Độ bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, một sảm phẩm chung Nga-Ấn. Những vũ khí như vậy cho phép Việt Nam phóng sức mạnh ra khu vực và cải thiện năng lực ngăn chặn trước Trung Quốc.
Hai nước cũng có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh đường biển, đồng thời chia sẻ những quan ngại về sự tiếp cận của Trung Quốc với Ấn Độ Dương và Biển Đông. Vì lý do đó, Ấn Độ đang giúp Việt Nam xây dựng năng lực về sửa chữa và bảo dưỡng các nền tảng phòng thủ. Cùng lúc đó, các lực lượng vũ trang của hai nước bắt đầu hợp tác ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho binh lính Việt Nam. Hai bên cũng đang chia sẻ kinh nghiệm về chiến tranh ở núi rừng.
Sự hợp tác hải quân, tuy nhiên, là trọng tâm. Ở đây, Việt Nam đã cho Ấn Độ quyền dùng cảng Nha Trang ở miền nam nước này; Hải quân Ấn Độ đã có một chuyến ghé thăm. Hiện chưa rõ ràng sự sắp đặt cuối cùng sẽ như thế nào, nhưng chủ nghĩa tượng trưng của nó không phải là không gây tác động đến Trung Quốc.
Hai nước tiềm năng có chung một người bạn – Mỹ. New Delhi đã đều đặn xây dựng các mối quan hệ với Washington trong thập niên qua, trong khi Việt Nam đang tranh thủ Mỹ khi Biển Đông trở thành điểm nóng. Vì cả ba nước đang cân nhắc cách kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ sẽ xích lại gần với nhau hơn.
Bằng cách lên án Ấn Độ vì các mối quan hệ của nước này với Việt Nam, Trung Quốc đã chứng tỏ rằng nước này sẽ cố gắng ngăn cản các đối thủ chiến lược cộng tác với nhau chống lại mình. Nhưng nếu cả Ấn Độ và Việt Nam giữ nguyên thái độ, họ có thể buộc Bắc Kinh phải giảm bớt các tuyên bố bành trướng trên Biển Đông và chấp nhận một lập trường hòa giải hơn đối với các vấn đề khác trong khu vực.
Ông Pant là giáo sư về nghiên cứu quốc phòng ở trường King’s College, London.
Trúc An dịch từ the Wall Street Journal

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét