Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Trung Quốc với việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/c2/Fat_man.jpg/220px-Fat_man.jpgLê Mai


-
Trong một lần nói chuyện với Mao, nhà khoa học nổi tiếng thế giới, người từng được giải thưởng Nobel – Giôliô Quyri đã nhắc nhở: “Xin nói với đồng chí Mao, các đồng chí muốn phản đối vũ khí hạt nhân thì bản thân cần phải có vũ khí hạt nhân trước đã”. Một ý kiến không phải không có lý. TQ đi đến kết luận, trong thế giới ngày nay, nếu không muốn người khác đe dọa, thì không thể không có bom nguyên tử. Thế là, kế hoạch chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của TQ ra đời.

TQ trước tiên tìm sự giúp đỡ của Liên Xô. Khi Khơrútxốp thăm TQ lần thứ nhất, quan hệ hai nước đang thời kỳ trăng mật, Mao khéo léo đề nghị với Khơrútxốp:
- Chúng tôi cảm thấy hứng thú đối với năng lượng mặt trời và vũ khí hạt nhân. Hôm nay muốn thương lượng với các đồng chí, mong các đồng chí giúp đỡ chúng tôi về mặt này để chúng tôi có được những cư xử cần thiết. Tóm lại là chúng tôi muốn có công nghệ này.
Khơrútsốp ngẩn người ra một lát rồi nói:
- Làm việc này quá tốn kém.
Thấy vẻ mặt của Mao có ý không bằng lòng, ông ta giải thích:
- Đại gia đình xã hội chủ nghĩa chúng ta có một chiếc ô hạt nhân bảo hộ là đủ, không cần thiết tất cả đều phải có nó. Đồng chí không biết đấy chứ, cái thứ này tốn tiền tốn sức lắm, lại không thể để ăn, để dùng được. Sản xuất ra được phải lo cất giữ, chẳng bao lâu lại lỗi thời, thế là lại phải chế tạo cái mới, lãng phí vô cùng.
Khơrútsốp thêm:
- Giả sử, muốn chế tạo vũ khí hạt nhân, trước mắt các đồng chí phải tập trung toàn bộ điện lực của TQ cho việc này, không biết có đủ hay không, cũng khó nói.
Lần ấy, Khơrútxốp từ chối khéo. Song, Mao tiếp tục lợi dụng quan hệ với Liên Xô để có kỹ thuật làm bom nguyên tử. Mao nhận định, chủ nghĩa đế quốc nhất định sẽ đánh bom nguyên tử, vì vậy TQ cần chuẩn bị, đánh thì đánh. Ông ta đưa ra quyết sách: Được, thế thì làm bom nguyên tử, bom H, tôi cho rằng mất 10 năm là hoàn toàn có thể được. Sau đó, mối quan hệ Trung – Xô xấu đi, Liên Xô rút hết các chuyên gia về nước, TQ quyết định tự mình làm bom nguyên tử.
TQ chọn căn cứ thí nghiệm hạt nhân La Bố Bạc ở tận Tân Cương xa xôi, với đại quân đông tới hàng triệu người làm việc. Đó vùng sa mạc Gôbi, điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, đời sống khó khăn. Lúc bấy giờ, TQ liên tục mất mùa, đói kém. Nhiều ý kiến trái chiều về công nghiệp hạt nhân nhưng Mao vẫn phê chuẩn kế hoạch sản xuất tên lửa và bom nguyên tử. Trần Nghị nói, dù còn cái dải quần cũng phải làm bom nguyên tử! Mới thấy, khi các nhà lãnh đạo cộng sản đã quyết định thì vũ trụ cũng chả là cái gì cả!
Một Uỷ ban chuyên môn được thành lập, do Chu Ân Lai làm chủ nhiệm nhằm tăng cường lãnh đạo, tổ chức các ngành nghiên cứu khoa học, các cơ sở sản xuất, bồi dưỡng, bổ sung lực lượng nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Người Mỹ đã sản xuất ba quả bom nguyên tử, trong đó có hai quả thuộc loại nhiệt hạch, một quả thuộc loại phân hạch. Quả bom nguyên tử đầu tiên TQ chế tạo thuộc loại nhiệt hạch. Nhiệt hạch là sự bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và nén đầu mang tritium, deuterium hoặc lithium, từ đó xẩy ra phản ứng nhiệt hạch, giải phóng năng lượng ra ngoài.
Hàng trăm vấn đề kỹ thuật quan trọng gặp phải trong quá trình chế tạo bom nguyên tử được giải quyết. TQ bố trí hơn 20 ngàn hạng mục nghiên cứu sản xuất các sản phẩm đồng bộ, các vật liệu đặc biệt. Mỹ, Anh, Liên Xô phản đối TQ chế tạo bom nguyên tử, tố cáo TQ là “con buôn chiến tranh”. Trước tình hình đó, Mao kiên quyết nói, có phải mất 100 năm cũng quyết làm bom nguyên tử! Có cách nào khác được? Không có vũ khí trong tay, tiếng nói không có trọng lượng.
Sau khi đã làm chủ các kỹ thuật, TQ cho tiến hành quay một bộ phim tuyệt mật, bắt đầu giới thiệu từ lúc tập kết chi tiết, việc nghiên cứu sản xuất các bộ linh kiện, đến nạp thuốc nổ, rồi lắp ráp các bộ phận lại, từ trong ra lớp vỏ ngoài, thể hiện từng lớp, từng lớp một, cuối cùng là lắp thành một quả cầu, dây điện dẫn ra chi chít. Đó là quả bom nguyên tử đầu tiên của TQ, chỉ còn công đoạn lắp vật liệu hạt nhân U235 vào là chưa thực hiện. Chu Ân Lai và các ủy viên Ủy ban chuyên môn xem phim xong đều vô cùng phấn khởi.
TQ chọn phương án nổ quả bom nguyên tử đầu tiên trên tháp sắt, tức là lắp ráp bom nguyên tử xong ở dưới mặt đất, sau đó cẩu lên đỉnh tháp, tiến hành cố định, kiểm tra, cuối cùng mới lắp ống dẫn cháy. Trương Ái Bình, người sau này là Bộ trưởng Quốc phòng TQ, chỉ huy tối cao cuộc thí nghiệm. Ông ta yêu cầu Bộ công nghiệp cơ khí và các nhà khoa học ký tên, xác nhận đảm bảo trên 99% là nổ thành công.
Ngày 16.10.1964 được chọn là ngày nổ, vào lúc 15 giờ. Thời gian đang tiến đến những giây đếm ngược cuối cùng. Một khoảnh khắc im lặng, bỗng từ tháp sắt lóe lên một tia chớp sáng lòa, sau đó là một quả cầu lửa khổng lồ cuộn bay lên rồi một tiếng nổ long trời lở đất. Dần dần quả cầu lửa và khói bụi từ mặt đất cuộn lên quyện vào nhau tạo thành một chiếc nấm mây lớn.
Tin tức được truyền nhanh đến Trung Nam Hải, Chu Ân Lai rất mừng, lập tức báo cáo với Mao Trạch Đông. Mao rất vui nhưng cẩn thận hỏi, đúng là nổ bom nguyên tử chứ? Thế là Chu Ân Lai yêu cầu căn cứ La Bố Bạc xác nhận lại, đúng là quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ thành công. TQ chỉ cần 5 năm để chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên.
Cái giá của việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của TQ như thế nào? Jung Chang và Jon Halliday, trong tác phẩm Mao: The Unknown Story cho rằng, số người chết vì Mao chế tạo bom nguyên tử đã vượt quá 100 lần số người chết vì hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản. Nếu TQ không xuất khẩu nông sản để đổi lấy kỹ thuật quân sự thì sẽ không có ai bị chết đói. Và nếu TQ dùng tiền chế tạo bom nguyên tử để mua lương thực thì cũng không có người chết đói.
Một số nghiên cứu cho rằng, chi phí chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên khoảng 2,8 tỷ nhân dân tệ và toàn bộ kế hoạch hạt nhân kết thúc vào năm 1990 tiêu tốn khoảng 30 tỷ nhân dân tệ. Kế hoạch hạt nhân của TQ tương đương với hai cuộc chiến tranh triều Tiên trong 10 năm.
Phần kết cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội có kể một chuyện lý thú. Tháng 4.1975, TQ cử Đặng Tiểu Bình dẫn đầu đoàn đại biểu đi dự kỳ họp đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Mọi việc sắp xếp xong xuôi, đột nhiên phát hiện sang Mỹ phải dùng đô la, không thể dùng nhân dân tệ, liền khẩn cấp lệnh cho các ngân hàng toàn TQ tập hợp, chỉ được vẻn vẹn 38.000 USD. Đoàn TQ ở trong khách sạn sang trọng, nảy sinh chuyện khó xử là không có tiền “boa” nhân viên phục vụ. Trưởng đoàn Đặng Tiểu Bình đem toàn bộ kinh phí cá nhân của mình cho nhân viên phục vụ khách sạn, khi về nước chỉ có một thanh sôcôla làm quà cho cháu gái.
Vậy dự trữ ngoại tệ của TQ hiện nay bao nhiêu? Trên 3.000 tỉ USD, TQ muốn chế tạo, mua sắm vũ khí nào mà chẳng được. Nhưng, như lịch sử cho thấy, dù vũ khí có hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa, con người mới là yếu tố quyết định. Đây có thể là bài học nghiệt ngã cho TQ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét