Pages

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế

AFP photo
Bà Hillary Clinton tại diễn đàn hợp tác kinh tế
 châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại
San Francisco, California hôm 16/9/2011


Việt Hà, phóng viên RFA
2011-09-27
Hội nghị cấp bộ trưởng hàng năm của diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương năm nay đã ra thông cáo chung về tăng cường và phát huy vai trò của phụ nữ trong các nền kinh tế thành viên.





Thông cáo lần này nhấn mạnh sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các doanh nghiệp và nhiều lĩnh vực của nền kinh tế là điều cần thiết cho sự thịnh vượng của các nước trong khối.

 Mặc dù vậy lãnh đạo chính phủ các nước thành viên APEC cũng thừa nhận còn tồn tại nhiều rào cản đối với phụ nữ ở các nước này trong việc tiếp cận với các cơ hội phát triển. Phụ nữ các nước APEC đã và đang làm gì để đóng góp vào sự phồn thịnh của khối và đâu là rào cản mà họ phải vượt qua?

Lợi ích cho xã hội

Nằm trong một ngõ nhỏ ở phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, là một căn nhà nhỏ 1 lầu nằm lọt thỏm, lặng lẽ, giữa những căn nhà nhiều tầng xung quanh. Đây vừa là nơi ở của hơn 14 con người và đồng thời cũng là cơ sở may mặc của một phụ nữ nhỏ bé, chị Trần Hoàng Yến.
Chị Yến cho biết chị mở cơ sở may mặc với mục đích chính là để tạo công ăn việc làm giúp đỡ cho những người tàn tật, kém may mắn trong xã hội:
"Mục đích của em ở đây là để giải quyết công ăn việc làm để mấy em có một mức thu nhập tương đối để lấy tiền đó có thể giúp đỡ gia đình hoặc tiếp tục đi học."
Với chỉ 1 máy may và 4 công nhân khi mới khởi sự doanh nghiệp cách nay gần 10 năm, đến giờ cơ sở may Hoàng Tâm của chị Yến đã có hơn 30 máy may và 14 công nhân. Lúc cao điểm chị có đến 30 công nhân làm việc cho mình. Mỗi người có thu nhập trung bình một tháng khoảng 2 triệu rưỡi đồng, chưa kể tiền ăn ở hàng tháng được cơ sở bao trả.
Mục đích của em ở đây là để giải quyết công ăn việc làm để mấy em có một mức thu nhập tương đối để lấy tiền đó có thể giúp đỡ gia đình hoặc tiếp tục đi học.
Chị Trần Hoàng Yến
Chị Yến khiêm tốn nói nếu so cơ sở Hoàng Tâm của chị với những doanh nghiệp kinh doanh khác trong cả nước thì chẳng đáng là bao, nhưng chị vui vì Hoàng Tâm đã góp phần tạo ra công ăn, việc làm, thu nhập cho những người làm việc cho mình.
Vào lúc nền kinh tế của cả thế giới còn đang khó khăn, thì công ăn, việc làm, và thu nhập lại càng được nói đến nhiều hơn lúc nào hết. Và đó cũng chính là điều mà lãnh đạo chính phủ các nước thuộc khối APEC đề cập đến trong hội nghị cấp cao hàng năm vừa diễn ra vào trung tuần tháng 9 vừa qua ở San Fransisco, Mỹ. Hội nghị lần này đã ra một thông cáo chung về tăng cường và phát huy vai trò của phụ nữ trong các nền kinh tế thành viên của APEC.
Bản tuyên bố viết, trích: "Phụ nữ đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực và là một đầu tư cho tương lai. Sự tham gia tích cực của phụ nữ vào nền kinh tế ở mọi cấp độ bao gồm cả ở mức đưa ra quyết định trong các doanh nghiệp và chính phủ sẽ mang lại những lợi ích cho xã hội và môi trường chung."
APEC với 21 nước thành viên ở nhiều châu lục, được coi là khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới, đóng góp hơn một nửa tổng sản phẩm toàn cầu. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng hơn 60% phụ nữ thuộc các nước thành viên APEC là một phần trong lực lượng lao động chính của khối. Đóng góp của phụ nữ vào thị trường lao động chiếm khoảng ¼ GDP của cả nước Mỹ, tức là nhiều hơn 3 nghìn tỷ đô la, nhiều hơn GDP của nước Đức và nhiều một nửa số GDP của cả Trung Quốc và Nhật bản cộng lại.

Bất bình đẳng giới

Một báo cáo gần đây của Goldman Sachs Group Inc. cho biết phụ nữ tham gia vào các nền kinh tế có thể làm tăng 14% thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 cho các nước thuộc khối APEC bao gồm các nước như Trung Quốc, Nga, Indonesia, Philippine, Việt Nam và Hàn Quốc.

000_125314083-250.jpg
Bà Hillary Clinton phát biểu tại diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương 2011. AFP
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo APEC cũng nhìn nhận có những rào cản nhất định đối với phụ nữ trong khối APEC. Những rào cản đó được bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đề cập đến trong bài phát biểu của mình như sau:

"Ở nước Mỹ và tại mọi nền kinh tế thuộc khối APEC, hàng triệu phụ nữ vẫn bị đặt ra ngoài lề, không tìm được công việc có ý nghĩa với mình trong lực lượng lao động chính. Một số người có thể tham gia vào thị trường lao động chính phải chịu chấp nhận làm các công việc ở mức thấp nhất, và có cả một mạng lưới những quy định về luật pháp, về xã hội, hạn chế tiềm năng của họ".
Bà ngoại trưởng cũng nói đến một thực tế là tại rất nhiều quốc gia thuộc APEC, người phụ nữ vẫn không có được quyền thừa kế như đàn ông, bao gồm quyền thừa kế đất đai, tài sản. Điều này hạn chế khả năng tham gia đóng góp vào nền kinh tế của họ.
Nói không đâu xa, ở ngay tỉnh Vĩnh Long, miền Nam Việt Nam, nhiều phụ nữ ở các xã vùng xa vẫn phải chấp nhận số phận lệ thuộc vào người đàn ông trong gia đình, dù họ hàng ngày vẫn tham gia vào việc đồng áng cho gia đình. Chị Thu Hà, chủ tịch hội phụ nữ xã Phú Quới, Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết:
"Ở đây đất đai cho hộ chứ không phải cho phụ nữ. Ví dụ hộ sản xuất thì người chồng đứng tên, còn phụ nữ làm công tác nội trợ là nhiều và giúp chồng, trừ trường hợp phụ nữ đơn thân. Người ta cứ nói bình đẳng giới nhưng chưa có, vì con gái mà lấy chồng thì cha mẹ chia tài sản thì giao cho bên chồng chứ không cho người con đó, ít trường hợp cho con gái lắm."
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới về cơ hội kinh tế cho phụ nữ Thế giới cho thấy trong tất cả các nền kinh tế, phụ nữ đã kết hôn phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng hơn so với phụ nữ đơn thân. Tại 23 nền kinh tế, phụ nữ kết hôn không có quyền chọn nơi mình sống, và tại 29 nền kinh tế khác, phụ nữ không được đăng ký là chủ hộ trong gia đình.
Ở nước Mỹ và tại mọi nền kinh tế thuộc khối APEC, hàng triệu phụ nữ vẫn bị đặt ra ngoài lề, không tìm được công việc có ý nghĩa với mình trong lực lượng lao động chính.
Bà Hillary Clinton
Những rào cản này phản ánh sự bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một báo cáo vào năm 2010 về bình đẳng giới ở khu vực Nam Á Thái Bình Dương cho thấy mặc dù kinh tế các nước thuộc khu vực này phát triển nhưng mất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề lớn. Bà Anurandha Rajiva thuộc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết:
"Mặc dù các nước Nam Á Thái Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhưng ta lại thấy sự mất bình đẳng giới rất lớn, ví dụ như trong việc phân chia hay thừa kế tài sản. Tại nhiều nước con gái không được thừa hưởng tài sản của cha mẹ mà chỉ có con trai. Rất ít phụ nữ là chủ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Nếu nhìn vào nông nghiệp có thể thấy đến 60% là phụ nữ làm công việc đồng áng, nhưng chỉ có 7% phụ nữ là chủ trang trại, cánh đồng. Cho nên phụ nữ làm lao động chân tay nhiều nhưng lại không được sở hữu đất đai. Cho nên dù họ có đóng góp vào phát triển kinh tế nhưng lại không được chia sẻ các quyền lợi kinh tế. "

Những rào cản

Đối với những doanh nghiệp nữ, các lãnh đạo APEC nhìn nhận rào cản đối với họ chính là tiếp cận với nguồn vốn, thị trường, và đào tạo. Điều này lại càng tạo thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi nền kinh tế chung lao đao.

tranhoangyen-drdvietnam.com-250.jpg
Chị Trần Hoàng Yến, chủ cơ sở may Hoàng Tâm. Photo courtesy of drdvietnam.com
Chị Yến cho biết do kinh tế khó khăn, việc kinh doanh của cơ sở Hoàng Tâm trong năm nay cũng chậm lại. Chị đã không thể giữ nổi 30 công nhân từ hồi đầu năm. Hiện chị chỉ có 14 công nhân làm việc toàn bộ thời gian cho mình. Chị mong muốn xây dựng một thương hiệu sản phẩm riêng cho Hoàng Tâm, nhưng do thiếu thị trường, thiếu vốn, cái tên Hoàng Tâm ít được khách hàng biết đến. Chị nói:

"Em dự định xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách trực tiếp chứ không như hiện nay. Hiện nay bọn em chỉ may gia công bán cho người ta. May đi đâu cũng bị người ta cắt mất tên của mình, chả ai biết đến Hoàng Tâm là gì. Tại vì hiện bọn em chưa có nơi phân phối hàng, chưa có nơi trưng bày hàng, chưa đến trực tiếp được với người tiêu dùng. Khó khăn nhất vẫn là đồng vốn."
Chị Yến cho biết cơ sở chị nhận đến trên 51% người khuyết tật vào làm việc nhưng khi chị muốn vay vốn 200 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội thì chị phải có hộ khẩu Sài gòn. Trong khi chị cũng như rất nhiều chị em khác của cơ sở Hoàng Tâm là những người đến từ các tỉnh thành khác nên không thể tiếp cận được nguồn vốn này. Chị nói:
"Cuối cùng bọn em cũng không tiếp cận được nguồn vốn đó nữa, nên cuối cùng em phải vay bên ngoài, rồi làm theo đơn hàng, chứ còn mình không có nhà cửa thế chấp thì cũng không vay được gì hết mà cũng không được hưởng bất cứ chính sách nào hỗ trợ từ nhà nước."
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 20% đội ngũ lãnh đạo, và chủ các doanh nghiệp là nữ. Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam năm 2011 cũng nhìn nhận phần lớn phụ nữ điều hành hay chủ các doanh nghiệp họat động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng là những lĩnh vực cực kỳ quan trọng của nền kinh tế. Trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới từ năm 2011 đến 2020, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020.
Cuối cùng bọn em cũng không tiếp cận được nguồn vốn đó nữa, nên cuối cùng em phải vay bên ngoài, rồi làm theo đơn hàng, chứ mình không được hưởng bất cứ chính sách nào hỗ trợ từ nhà nước.
Chị Trần Hoàng Yến
Nhưng để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cũng như các nước APEC trước hết phải khép lại khoảng cách trong bất bình đẳng giới hiện vẫn còn tồn tại trong khu vực. Bản thông cáo chung APEC năm nay đã khẳng định bình đẳng giới cũng chính là then chốt trong phát triển kinh tế xã hội. Các nhà lãnh đạo APEC cam kết sẽ cải thiện hơn nữa cơ hội tiếp cận vốn, đào tạo, công nghệ và việc làm cho phụ nữ. Có lẽ điều này cũng không ngoài những mong muốn từ suốt 10 năm qua của chị Yến kể từ khi chị bắt đầu cơ sở kinh doanh nhỏ bé của mình.
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét