Pages

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Vàng 'đang là nơi trú ẩn tốt ở VN’

Giá vàng tại VN giao động mạnh và chênh
lệch nhiều so với giá vàng thế giới.
Bất cập quản lý vàng của chính phủ, thực trạng đầu cơ cũng như bất an khi bỏ tiền vào các danh mục đầu tư khác đang tạo làn sóng đầu tư vào vàng ở Việt Nam.
Truyền thông trong nước mới đây cho hay giá vàng Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới tới cả triệu đồng, thậm chí có lúc tới 4 triệu đồng/lượng.
 
Giới chức Ngân hàng Nhà nước và các kinh tế gia cũng nói về hiện tượng "trục lợi, làm giá và đầu cơ" nhưng không đưa ra biện pháp nào cụ thể ngoài việc đợi nghị định mới về quản lý vàng của chính phủ.

Một số nhà quan sát tại Việt Nam cho rằng trong các biện pháp cất trữ như mua đôla Mỹ, euro, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản …thì vàng hiện dường như là “chỗ trú ẩn tốt nhất”.
“Vấn đề là người dân có tiền thì sẽ cố gắng bảo vệ tài sản của mình. Không riêng gì về người dân Việt Nam mà cả người dân thế giới”, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói với BBC.
“Trong tình hình kinh tế bất ổn, mọi người phải tìm nơi trú ẩn, mà nơi trú ẩn an toàn nhất hiện nay là vàng thay vì các ngoại tệ hay bất động sản khác”, ông Thành nói thêm.
Một kinh tế gia hàng đầu khác tại Việt Nam muốn ẩn danh cho BBC biết “Khi lượng vàng trong nước không cho nhập thêm (tức là cố định), thì nếu cung vàng tăng thì tất nhiên là giá vàng phải tăng”.
“Qui định xuất nhập khẩu vàng của chính phủ cũng là yếu tố tạo chênh lệch về giá vàng khá lớn vì khi nhập không đủ, hoặc nhập chậm, thì cung không đáp ứng được cầu”, nhà kinh tế này nói thêm.
Nhập lậu
"Việc giá vàng bị đẩy lên cao sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng"
Bùi Kiến Thành, Chuyên gia Tài chính
Về mặt chính thức chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan nhập khẩu vàng vào Việt Nam.
Tuy nhiên có thực trạng vàng nhập lậu từ các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Trung Quốc qua đường bộ vào Việt Nam.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội cho BBC biết “Hội đồng vàng đã nói rõ số ngoại tệ chuyển vào các tài khoản ở Việt Nam đã biến đi một tỉ lệ rất lớn, có năm biến đi từ 10 -12 tỉ đô la để nhập lậu vàng”.
“Họ còn chỉ rõ các kênh từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam bằng cách nào”, ông Doanh nói.
Hiện chưa có thống kê lượng vàng mua ra bán vào tại Việt Nam là khoảng bao nhiêu nhưng người ta ước tính giao dịch trao đổi vàng là khoảng vài chục tấn.
Do vậy, các nhà quan sát cho rằng với chênh lệch giá vàng Việt Nam so với giá vàng thế giới tới cả triệu đồng một lượng thì tổng lời trong giao dịch hàng chục tấn vàng lên tới nhiều triệu đôla.
Một thực tế nữa là việc nhập vàng cần phải có đôla, khiến tăng nhu cầu đôla kể cả thị trường chính thức và thị trường chợ đen và cũng có nghĩa là đẩy tỷ giá lên, hay nói cách khác đi là tiền đồng sẽ mất giá thêm.
Ông Bùi Kiến Thành mô tả khi đồng tiền vốn bị “chôn vào loại tài sản chết (vàng) và không được sử dụng trong kinh doanh thì không có hiệu quả cho nền kinh tế phát triển”.
“Và việc giá vàng bị đẩy lên cao sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng và các loại giá khác”, ông Thành nói thêm.
Nhà nước "đánh đu"
Nhu cầu vàng lớn kéo theo nhu cầu đôla tăng do muốn nhập vàng phải có đôla.
Trên thực tế vàng tại Việt Nam hiện đang đóng vai trò như tiền tệ và cũng như hàng hóa.
Tuy nhiên giới quan sát đang nói về cái kẹt của NHNN là họ đang bị “đánh đu” giữa việc coi vàng là tiền tệ hay là hàng hóa”.
“Khi NHNN đưa lãi suất tiền gửi ở dạng vàng là 0% tức là họ đã coi vàng là tiền tệ và muốn triệt tiêu chức năng tiền tệ. Còn khi NHNN muốn ra giấy phép xuất và nhập khẩu thì lại coi vàng là hàng hóa”.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước coi vàng là hàng hóa thì phải để tự do xuất nhập và trao đổi trên thị trường”, kinh tế gia muốn ẩn danh nói với BBC.
Trả lời câu hỏi của BBC về kế hoạch được mô tả là chỉ có NHNN là mối duy nhất nhập và xuất vàng, ông Bùi Kiến Thanh nói “về chính sách này thì phải xem lại việc nhà nước thật sự có muốn như thế hay không?”
"Khi NHNN đưa lãi suất tiền gửi ở dạng vàng là 0% tức là họ đã coi vàng là tiền tệ và muốn triệt tiêu chức năng tiền tệ của vàng."
Kinh tế gia ẩn danh
“Nếu chỉ là một đầu mối do NHNN nhập khẩu, sau đó thì làm cách nào cung ứng cho thị trường phân phối vàng.
“NHNN nhập hay ai nhập cũng thế thôi vì sau khi nhập khẩu cũng sẽ giao cho các công ty hay doanh nghiệp được quyền mua bán vàng thì cũng không làm thay đổi gì cả”
Trong khi đó kinh tế gia Lê Đăng Doanh tỏ ra hoài nghi về nghị định mới về quản lý vàng trong tương lai.
“Nếu chỉ sử dụng công cụ hành chính thì tôi rất là hoài nghi vì nó có thể tạo được việc thông thương giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế hay không”.
“Nếu không làm được điều này thì sẽ vẫn tạo ra độ trễ và các khoản chênh lệch”, ông Doanh nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét