Pages

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Vì sao sách của Chu Dung Cơ bán chạy?

Tuyển tập Chu Dung Cơ bán ở Bắc Kinh
Tuyển tập Chu Dung Cơ đang là sách ăn
 khách ở Trung Quốc
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, năm nay 82 tuổi, vừa cho xuất bản tuyển tập bốn cuốn đăng lại những diễn văn và thư từ thời gian ông còn nắm quyền.
Bộ sách được nói là đang bán chạy tại Trung Quốc, vì tác giả có những tuyên bố “bạo miệng”.
 
Một số nhà quan sát thậm chí cho rằng phản ứng tích cực của độc giả còn vì người Trung Quốc xem thế hệ lãnh đạo hiện nay không bằng các vị tiền nhiệm trước đây.
Ông Chu Dung Cơ là phó thủ tướng từ 1991 đến 1998 và là thủ tướng cho đến đầu năm 2003.

Bộ sách 2,042 trang có tựa là 'Chu Dung Cơ giảng thoại thực lục' gồm những bài viết lần đầu tiên chính thức công bố. Các biên tập viên báo chí và người dùng internet đã chăm chú lọc ra những bình luận có thể dùng để nhắc nhở ban lãnh đạo hiện thời.
Cần xin lỗi dân
“Nếu chính phủ này là của những người chỉ biết vâng dạ, thì chúng ta nợ nhân dân một lời xin lỗi,” là một câu nói của ông Chu năm 1998 nay đang lan tỏa trên mạng.
Năm 2001, ông Chu lại nói: “Tôi quản lý nền kinh tế một thập niên rồi, vậy mà hiện nay 68% doanh nghiệp nhà nước vẫn xào nấu hồ sơ. Tôi nên là quan chức đầu tiên bị cách chức.”
Ông Trịnh Vĩnh Niên, giám đốc Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, từng nghiên cứu về ông Chu, cho rằng ông muốn chỉ trích chính quyền hiện nay.
Ông nói: “Ông ta định gửi thông điệp. Trước đây ông ấy cũng đã dùng nhiều dịp để ngầm chỉ trích chính phủ hiện thời.”
"Tác phẩm của Chu Dung Cơ trở nên ăn khách còn vì phong thái lãnh đạo và tiến bộ mà ông ta đạt được"
Trần Tử Minh, một nhà phân tích ở Bắc Kinh từng đi tù sau biến cố 1989, cũng cho rằng việc sách bán chạy chứng tỏ nhiều người Trung Quốc bất mãn với lãnh đạo hiện nay.
Ông cho biết nhiều hội thảo gần đây, cũng như các bài báo, cuốn sách, cũng mang ý tương tự, rằng các vấn đề của Trung Quốc đòi hỏi giới lãnh đạo sắp tới do ông Tập Cận Bình dẫn dắt phải có phản ứng quyết liệt hơn.
“Cuốn sách không trực tiếp nhắm vào ông Ôn [Gia Bảo],” ông Trần nói. “Nhưng kêu gọi cải cách chính trị của ông Ôn chẳng đi đến đâu, ông ấy không có ảnh hưởng để thực thi ý tưởng, vì thế người ta hoài nhớ Chu Dung Cơ và phong thái của ông.”
Dĩ nhiên ít ai nghĩ rằng nhiệm kỳ của Chu Dung Cơ là hoàn hảo. Nhiều người chỉ ra rằng chính sách lúa gạo, thuế và việc đóng cửa nhà máy cũng có những sai lầm để lại đến hôm nay.
Nhưng những trí thức theo quan điểm cởi mở muốn dùng cuốn sách của ông Chu để ám chỉ ban lãnh đạo hôm nay không có được sự táo bạo của ông.
Ông Chu Dung Cơ (trái) lên từ Thượng Hải và có đầu óc cải cách
Ông Trịnh nói tiếp: “Tác phẩm của Chu Dung Cơ trở nên ăn khách, không chỉ vì những gì ông ta đã làm, mà vì phong thái lãnh đạo và tiến bộ mà ông ta đạt được.”
“Hiện có bức xúc vì không có tiến bộ, không cải cách thực chất từ ban lãnh đạo hiện nay.”
Kent Ewing, một tác giả sống ở Hong Kong, lại nhắc nhở người đọc rằng ông Chu chưa bao giờ muốn có dân chủ kiểu phương Tây.
Giống ban lãnh đạo hiện nay, ông Chu “chưa bao giờ dám nghi ngờ sự cai trị độc đảng mà ở bên dưới thì vô cùng tham nhũng”.
Sinh năm 1928 ở Hồ Nam, ông Chu từng bị thanh trừng thời Cách mạng Văn Hóa nhưng sau được Đặng Tiểu Bình phục hồi khi chính ông Đặng quay trở lại chính trường và bắt đầu cải cách kinh tế.
Từ năm 1979, ông Chu nắm ngành kế hoạch kinh tế ở Thượng Hải và làm thị trưởng từ 1989 đến 1991.
Ông là một trong những nhân vật đầu tiên cho mở Đặc khu Kinh tế ở Phố Đông nhằm thu hút đầu tư và cởi trói các doanh nghiệp.
Bản thân cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình từng khen ông Chu là người "dám nghĩ, dám làm" và biết "thế nào là kinh tế".
Hiện nay, việc ca ngợi ông Chu sau khi đã nghỉ hưu còn là một trào lưu trong giới quan sát chính trị ở Trung Quốc cho rằng các lãnh tụ đã từ nhiệm như ông và nguyên Ch̉u tịch Giang Trạch Dân dù sao cũng có tính cách hơn các nhân vật cao cấp hiện thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét