Pages

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Việt -Trung ‘khác biệt lập trường về biển Ðông’

Ðới Bỉnh Quốc đến Hà Nội không thành công
HÀ NỘI (TH) - Chuyến đi của Ðới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc tại Hà Nội có vẻ như đã không đạt kết quả cụ thể nào mà chỉ là cơ hội để hai bên “hiểu rõ lập trường của nhau” về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.

Ðảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cướp đoạt từ Tháng Giêng 1974 đến nay. (Hình: Google.com)

Ba bản tin của TTXVN tường thuật các cuộc họp và thăm viếng các lãnh tụ CSVN của ông Ðới Bỉnh Quốc ở Hà Nội vào các ngày từ mùng 6 đến mùng 7 tháng 9, 2011 với cớ chính là “họp lần 5 ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt-Trung,” không có bao nhiêu chi tiết ngoài những lời lẽ tuyên truyền thường lệ.
Sau phiên họp với Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 6 tháng 9, 2011, ông Ðới Bỉnh Quốc đã được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp kiến. Bản tin cuộc họp “ủy ban chỉ đạo” không đưa ra một chi tiết gì nhưng khi tiếp Ðới Bỉnh Quốc, bản tin TTXVN hé lộ cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng nói đại ý “Về vấn đề Biển Ðông, qua trao đổi hai bên đã hiểu rõ lập trường của nhau, việc hai bên còn khác biệt là thực tế khách quan.”
Có vẻ như bản tin ám chỉ đến lập trường xác định chủ quyền toàn diện của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển chung quanh “với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi.”
Trong khi đó, không những Trung Quốc đòi chủ quyền cả hai quần đảo, mà còn tuyên bố đòi đến 80% biển Ðông. Các nước như Việt Nam nhiều khu vực bị lấn rất sâu vào cả vùng đặc quyền kinh tế theo Luật Biển LHQ. Ðó chính là lý do tại sao hàng đoàn tầu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên vào đánh cá ở các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua.
Ông Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi “hai bên cần đẩy nhanh đàm phán để sớm ký thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, tạo cơ sở để hai bên giải quyết các vấn đề cụ thể trên biển,” một điều từng được ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng CSVN nói như vậy hồi đến Bắc Kinh tháng trước.
Ðáp lại, Ðới Bỉnh Quốc cũng đưa đẩy những lời tổng quát được TTXVN thuật lại là “Ðồng tình với ý kiến của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Ðới Bỉnh Quốc đề nghị, trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, hai bên khẩn trương cùng nhau đàm phán, thảo luận những vấn đề mà hai bên còn khác biệt trên biển Ðông để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.”
Cũng buổi chiều ngày 7 tháng 9, 2011, khi được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp kiến, TTXVN thuật lời ông Ðới Bỉnh Quốc “nhấn mạnh đảng, chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam. Mặc dù hiện nay hai bên còn có những vấn đề tồn tại, nhưng hai bên có chung lý tưởng, có lợi ích chung, vận mệnh gắn liền với nhau, không có lý do gì không cố gắng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp.”
Cái gai góc nhất của vấn đề biển Ðông là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và cái “lưỡi bò” chiếm 80% biển Ðông.
Những tin tức trước đây, qua sự nhận định của một số chuyên viên quốc tế, cho rằng Trung Quốc từ chối bất cứ thảo luận nào liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh, trong khi Việt Nam vẫn khẳng định chủ quyền của mình.
Mới đây, chỉ vài ngày trước khi Ðới Bỉnh Quốc tới Hà Nội, Trung Quốc loan báo cử thêm tàu ngư chính tới tuần tiễu khu vực quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam không có bất cứ một tàu “ngư chính” tầm cỡ nào (vốn là chiến hạm ngụy trang tàu dân sự) và các chiến hạm của Việt Nam cũng không dám tới gần đó. Ngư dân Việt khi khai thác hải sản gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đều bị tàu Trung Quốc bắt giữ hoặc đâm chìm. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét