Tuần báo The Economist số mới nhất có bài trong chuyên mục Banyan, chuyên bình luận các chủ đề Á châu, nói về quan hệ Việt-Trung-Ấn.
Bài báo nhắc tới dự án mà PetroVietnam đã ký với tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC để thăm dò ở ngoài khơi biển Việt Nam, mà tờ báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã bình luận là "đẩy Trung Quốc tới giới hạn".
Điều đáng chú ý là thỏa thuận về hợp tác năng lượng Việt-Ấn được ký chỉ có một ngày sau khi quan chức Việt Nam và Trung Quốc thống nhất các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh.
Hoàn Cầu Thời báo đã phản ứng giận dữ: “Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc hành động để cho thấy lập trường của mình, đồng thời ngăn chặn các nỗ lực đối đầu Trung Quốc một cách bất cẩn".
Một báo khác, tờ Tin năng lượng Trung Quốc, trực thuộc Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì cảnh tỉnh Ấn Độ rằng “chính sách năng lượng của nước này đang rơi vào vòng xoáy ngầm cực kỳ nguy hiểm".
Theo Banyan, ở đây Trung Quốc có hai nỗi sợ.
Thứ nhất, là hiện diện của Ấn Độ có thể cản trở Trung Quốc giành thế thượng phong trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Thứ hai là Ấn Độ và Việt Nam đang xích lại gần nhau theo một chiến lược do Hoa Kỳ vạch ra nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Tờ tuần báo có uy tín của Anh nhận định rằng cho dù quan ngại thứ nhất có đôi chút cơ sở, Trung Quốc đang tỏ ralo lắng thái quá.
Quan hệ đối tác chiến lược
Banyan phân tích rằng những người Trung Quốc theo dân tộc chủ nghĩa khi chứng kiến cảnh Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược mà cảm thấy quan ngại thì đây là điều có thể hiểu được.Ngoại trừ các xung đột biên giới với Liên Xô hồi năm 1969, hai cuộc chiến gần đây nhất của Trung Quốc chính là với Ấn Độ (năm 1962) và với Việt Nam (1979).
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam còn đang căng thẳng vì các tranh chấp quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lại bị thổi bùng lên sau sự kiện Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí PetroVietnam.
Bởi vậy, Việt Nam tìm đến không chỉ Ấn Độ mà cả các quốc gia khác trong khu vực để có thêm đồng minh trong việc đối trọng lại các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Về phần mình, Ấn Độ nhìn thấy cơ hội sử dụng Việt Nam để gây áp lực với Trung Quốc một cách gián tiếp, giống như Trung Quốc sử dụng Pakistan để gây áp lực lên Ấn Độ. Harsh Pant, giáo sư môn nghiên cứu quốc phòng tại King’s College ở London cho rằng Việt Nam có thể giúp Ấn Độ "thâm nhập ngoại biên của Trung Quốc".
Ấn Độ cũng muốn đáp trả lại điều mà nhiều người Ấn cho là khiêu khích từ phía Trung Quốc. Không có gì khó hiểu nếu như một số nhân vật diều hâu trên chính trường Ấn Độ cảm thấy cần thiết phải ủng hộ Việt Nam trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Hồi tháng Bảy năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng kêu gọi Ấn Độ tăng quan tâm và hành động 'hướng về phía Đông'.
Banyan của tờ The Economist phân tích rằng quan ngại nói trên của Trung Quốc thực ra không có nhiều cơ sở.
Với bản chất kiên quyết độc lập, "Việt Nam chắc chắn không bao giờ trở thành Pakistan của Ấn Độ cả", và Việt Nam sẽ vẫn là Việt Nam.
Vả lại, quan hệ thân cận giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có từ nhiều thế kỷ và có hay không có Trung Quốc thì quan hệ này vẫn phát triển.
Cựu phát ngôn viên của thủ tướng Ấn Độ Sanjaya Baru nói quan hệ Việt-Ấn có lẽ là quan hệ song phương "tốt đẹp nhất" mà Ấn Độ từng có với bất cứ quốc gia nào.
Một đặc điểm nữa, theo nhận định của Banyan, cả Việt Nam và Ấn Độ đều coi trọng hữu hảo với Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa, quan hệ ngày càng phát triển giữa Ấn Độ và Việt Nam không nhất thiết phải bị xem như đe dọa đối với Bắc kinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét