Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Biển Ðông và ‘các đòi hỏi vô lý’ của Trung Quốc

Tiến Sĩ Ðinh Xuân Quân

Mới đây, sau chuyến viếng thăm Trung Quốc (TQ) của ông Nguyễn Phú Trọng, báo La Croix ở Pháp có bài viết mang tựa đề “TQ và Việt Nam tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột lãnh hải.”

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (phải) cùng Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào duyệt hàng quân danh dự lúc nhà lãnh đạo Việt Nam đến Bắc Kinh mới đây. (Hình: AP Photo/Xinhua, Ma Zhancheng)

Theo tờ báo thì nguy cơ một cuộc xung đột quân sự giữa VN và TQ đã giảm xuống, nhưng nhấn mạnh là, trong lúc này mà thôi.
Hai bên đã ký kết một bản thỏa thuận gồm sáu điểm, nhưng hiện nay TQ đã có nhiều “hành động chưa rõ ràng” gây một sự “nhập nhằng chiến lược.” Một trong những hành động nhập nhằng này là các vấn đề nêu lên trong hội thảo về Biển Ðông tại Manila vào trung tuần tháng 10 và hai là các bài báo của truyền thông TQ hăm dọa Ấn trong việc ký kết với Petro-VN về hợp đồng khai thác dầu khí tại lô 127 và 128.

Hai ví dụ này cho thấy các đòi hỏi phi lý của TQ và có lẽ nước này đang sống trong “giấc mơ bá quyền Ðại Hán” vào thế kỷ 21? Tại sao có chuyện như vậy?

Hội thảo Manila

Ngày 17 tháng 10, 2011, Quỹ Hòa bình và Phát triển Carlos P. Romulo (CPRFPD) của Philippines và Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á (ISEAS) của Singapore đã tổ chức tại Manila một hội nghị về Biển Ðông. Tham gia cuộc hội thảo, có hơn 20 cựu viên chức chính phủ và các nhà nghiên cứu đến từ các thành viên ASEAN, cũng như từ Trung Quốc, Ấn Ðộ, Úc, Canada, Hoa Kỳ, và Châu Âu. Mục tiêu hội nghị là nhằm “làm sáng tỏ toàn bộ các vấn đề liên quan đến Biển Ðông và giúp các chính phủ đối thoại chính thức với nhau.” Theo ban tổ chức, đối thoại là cần thiết, vì những căng thẳng và quan tâm về “đường lưỡi bò.”
Tại đây, đại diện TQ bị công kích là bản đồ TQ không dựa trên cơ sở luật pháp nào và đại diện TQ đã công khai phủ nhận giá trị của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Mặc dù ông không phải là đại diện chính thức nhưng ta có thể hiểu cách suy nghĩ của phía TQ.
Học giả đại diện TQ, ông Trần Sỹ Cầu, là cựu viên chức ngoại giao, là giáo sư Ðại Học Ngoại Giao giữ chức phó chủ tịch Hội Trung Quốc Nghiên Cứu Nhân Quyền. Ông tái khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của TQ tại hội thảo Manila. Giáo Sư Cầu, từng là người đứng đầu các phái đoàn chuyên gia TQ bàn về biển đảo với VN và Indonesia, nói Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) “không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước.” UNCLOS “cũng không thể thay đổi vị thế pháp lý không tranh cãi của TQ trong việc có chủ quyền ở Nam Sa” [tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa].
Lập luận của ông là “từ rất lâu, cả hơn một ngàn năm trước thập niên 1970, chẳng có cái gọi là tranh chấp chủ quyền với Nam Sa. Không có nghi ngờ gì quanh sự thật là Nam Sa, cùng Tây Sa [Hoàng Sa], Ðông Sa, Trung Sa thuộc về TQ.” “Không có nước nào quanh Nam Hải (Biển Ðông) thách thức chủ quyền của TQ trên Trường Sa và các vùng lân cận.” Theo ông thì “chỉ bắt đầu từ thập niên 1970, khi dự trữ dầu hỏa và khí đốt được phát hiện ở Nam Hải, một số nước bắt đầu chiếm một phần các đảo và rặng san hô của Nam Sa và đòi chủ quyền, và thế là biến Nam Sa của Trung Quốc thành tranh chấp.”
[Lập luận dựa trên các bài của ông Li Guoqiang (Lý Quốc Cường) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Lịch Sử và Ðịa Dư về biên giới của Viện Nghiên Cứu Xã Hội TQ đã viết là các chứng cớ lịch sử cho thấy là các đảo biển đã được tìm trong thời nhà Tần (221-206 trước CN) và nhà Hán (206 trước CN- 220 sau CN) và theo ông thì nhà Thanh đã có biên giới biển từ thời (1644-1911) trong khi VN, Malaysia và Philippines chỉ có những đảo sau nhà Thanh. Nếu cứ căn cứ theo chứng minh lịch sử theo kiểu TQ (luật biển UNCLOS 1982 không chấp nhận) thì có nhiều nghịch lý. Nếu lấy nhà Tần và Hán làm chuẩn thì thời đó TQ chưa có Tây Tạng, Tân Cương hay Mãn Châu. Phía VN đã đưa ra chứng cớ rõ ràng là các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN từ trước thế kỷ 17. Như vậy các lời tuyên bố của TQ xa sự thật. Trong cuộc họp của Liên Hiệp Quốc năm 1950 tại San Francisco, thủ tướng của quốc gia VN lúc đó là Trần Văn Hữu đã tái công bố và xác nhận chủ quyền VN trên HS và TS].
Học giả TQ đưa ra bốn kịch bản trong tương lai gần cho vùng Biển Ðông:
1. Thứ nhất, ông nói về khả năng dùng vũ lực nhưng ông trấn an rằng “Thời thế đã thay đổi. Nay các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình”;
2. Thứ hai là tiếp tục “cãi nhau” để rồi rủi ro xảy ra xung đột là “rất cao” và “Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước.”
3. Thứ ba, học giả TQ nêu ra “giải pháp thông qua đối thoại trực tiếp và tham vấn bằng biện pháp hòa bình.” Có thể tóm tắt là các nước liên quan “cần chứng tỏ thành thật chính trị và linh động để tìm ra giải pháp cuối cùng mà hai bên chấp nhận được”;
4. Cuối cùng là “gác tranh chấp, cùng khai thác.”
Nhưng theo TQ thì chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác là gì?
Theo trang web của Bộ ngoại giao TQ thì chính sách này gồm 4 điểm:
-Chủ quyền các chỗ tranh chấp thuộc TQ.
-Khi chưa chín mùi để giải quyết tranh chấp chủ quyền thì bỏ qua một bên. Nó có nghĩa là việc tranh chấp chủ quyền không bỏ mà thì tạm gác qua một bên.
-Các lãnh vực tranh chấp có thể cùng khai thác.
-Việc cùng khai thác sẽ giúp hiểu nhau qua hợp tác và sẽ giúp giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Như vậy điểm thứ 4 của TQ có nghĩa là phải chấp nhận chủ quyền TQ, và chia những gì mình đang có (cùng khai thác) cho TQ. Như vậy đây chỉ là cái bẫy, nước nào thuận theo các điểm này thì bỗng nhiên mang của nhà mình hiến một nửa cho TQ.
Theo tin báo chí, như tại các hội nghị khác về Biển Ðông trong thời gian gần đây, hầu hết các diễn giả cũng như người tham dự đều đề cập đến “tính mơ hồ, cũng như tính bất hợp pháp” của các đòi hỏi chủ quyền của TQ, nằm trong tấm bản đồ đường “lưỡi bò” của họ. Cũng như các kỳ trước, tại Manila lập trường của học giả TQ bị VN cũng như các nhà nghiên cứu quốc tế khác chỉ trích. Có lẽ vì đuối lý, đại diện TQ đã công khai phủ nhận giá trị của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong vấn đề xác nhận chủ quyền. Nên nhớ là năm 1996, TQ đã phê duyệt hiệp ước biển còn gọi là UNCLOS và chấp nhận vùng 200 hải lý của thiềm lục địa. Nhưng TQ cũng tuyên bố chủ quyền trên các đảo dựa trên các lý do lịch sử. Năm 2009, TQ trình cho LHQ bản đồ gồm 9 điểm còn gọi là “lưỡi bò” mà họ cho là có chủ quyền không thể chối cãi. Dĩ nhiên là các nước ASEAN không công nhận việc này.

Hợp đồng OVL và PV hay hợp tác Việt Ấn

Quan hệ TQ-Ấn Ðộ chưa bao giờ thật tình thân thiện mặc dù có các chuyến đi của lãnh đạo hai bên. Hiện nay TQ là bạn hàng buôn bán lớn nhất của Ấn Ðộ. Ðừng quên Hải Quân Ấn đứng thứ 5 trên thế giới và có thể có khả năng và kinh nghiệm hơn cả Hải Quân TQ.
Nhân chuyến đi thăm Ấn Ðộ của ông Trương Tấn Sang, ONGC Videsh Limited (OVL) và Petro Vietnam (PV) đã ký một hợp đồng 3 năm tìm và khai thác dầu khí. Cần ghi nhận là hợp đồng dầu khí Việt Ấn đã có từ năm 1988 nghĩa là đã trên 23 năm rồi. Năm 1988, OVL ký hợp đồng khai thác lô 061 và năm 2006 OVL trúng thầu thêm lô 127 và 128.
TQ không có phản đối hợp đồng dầu khí trước đây, chỉ từ 2010, khi TQ coi Biển Ðông là cốt lõi của họ, mặc dù các nước ASEAN và cả Hoa Kỳ không chấp nhận lập luận này. Vì hợp đồng OVL và PV ngày 12 tháng 10, 2011, báo chí TQ đả phá và hăm dọa việc tìm kiếm dầu khí trong Biển Ðông mà họ coi là của họ. [Xem lập luận của các học giả TQ tại Manila].
Nếu nhìn lại thì Ấn có mối quan hệ bền vững với VN trong suốt 40 năm. Họ ủng hộ VN gia nhập WTO và ghế ủy viên không thường trực Hội Ðồng Bảo An LHQ năm 2007. Ngược lại VN ủng hộ Ấn Ðộ trở thành thành viên thường trực Hội Ðồng Bảo An.
Theo các chuyên gia về an ninh thì Ấn Ðộ đã và đang hỗ trợ VN về hải và không quân nhằm phá thế độc tôn của TQ tại Biển Ðông. Vì hai bên sử dụng chiến cụ của Liên Xô cũ, Ấn đã giúp VN nâng cấp 125 chiến đấu cơ Mig 21. Bên cạnh việc huấn luyện thủy thủ và phi công VN, năm 2005 Hải Quân Ấn Ðộ đã cung cấp cho VN 150 tấn phụ tùng cho các tàu chiến hạng Petya và OSA-11. Ấn Ðộ cũng sẽ giúp huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm mà Việt Nam đang đặt mua từ Nga.
Ấn Ðộ không thể nào quên các tranh chấp biên giới và chiến tranh với TQ năm 1962. Hơn nữa TQ dùng gọng kìm Pakistan để làm khó dễ Ấn Ðộ. Nay Ấn đang phá gọng kìm đó bằng cách ký thỏa hiệp với Afghanistan nhằm kềm hãm Pakistan, và vào Biển Ðông của VN để trả đũa cho việc TQ vào Ấn Ðộ Dương. Nay Ấn cũng tiếp Miến Ðiện để phá vỡ vòng vây chiến lược của TQ.
Bài bình luận của tờ Global Times ngày 14 tháng 10, 2011 và tờ China Energy News ngày 16 tháng 10, 2011 (hai tờ này trực thuộc đảng CSTQ) cho là Việt-Ấn “đang chơi với lửa.”
Ấn Ðộ cho là các lô mà Ấn sắp khai thác thuộc chủ quyền VN và tài phán của VN, TQ không có lý do dính vào vụ này. Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn nói sẽ sẵn sàng đối phó với tình huống ở Biển Ðông. Hành động gần đây nhất là tàu Hải Quân Ấn đã đến Nha Trang và từ đây chạy vào Vịnh Hạ Long mà không gặp một phản ứng chính thức nào của TQ.

Kết luận - Lạm dụng lịch sử?

Một bài đăng trên tập san Diplomat ngày 16 tháng 10, 2011 của tác giả Frank Ching xem như TQ “Lạm dụng cụm từ lịch sử”/và vì vậy các học giả TQ phải có một sự “nhập nhằng chiến lược.” Ông cho rằng TQ không thể “vừa đánh trống vừa ăn cướp.”
Liệu chúng ta có thể tin được những văn kiện mà hai bên Việt-Trung đã ký nhân chuyến thăm TQ của Nguyễn Phú Trọng? Liệu có thể tin được thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển trong đó có luật biển UNCLOS trong khi các học giả TQ phản đối?
Tại sao nói là lạm dụng lịch sử? Ðộng cơ chính của TQ trong các động thái ngang tàng thời gian gần đây có lẽ là do nội tình: một mặt TQ muốn che giấu các yếu kém trong nước, mặt khác làm bộ hung hăng nhằm đưa ra một hình ảnh Ðại Hán oai hùng để lừa gạt tình cảm dân chúng đang gặp nhiều khó khăn. Về phương diện ý thức hệ, TQ đã phần nào từ bỏ XHCN-Mác-Lê nin-Mao và cần thay thế nó bằng một nền tảng tinh thần khác để tác động người dân. Chính sách đề cao dân tộc Hán đã được đưa ra thay thế dần XHCN, nhằm khích động lòng yêu nước và tự hào về nền văn minh Ðại Hán. Ðây là một âm mưu làm cho dân chúng quên đi các yếu kém của xã hội nửa XHCN nửa tư bản với quá nhiều bất công xã hội và tham nhũng.
Tham vọng đế quốc Ðại Hán kiểu này khó mà thành công trong thế kỷ 21. Chính sách ngoại giao của TQ ve vãn các nước qua “viện trợ kinh tế” và cùng lúc sử dụng sức mạnh hải quân tại Biển Ðông chỉ làm cho các nước Á Châu cảm thấy đang đứng trước một đe dọa, vì thế phải kết thân với nhau, đồng thời nối lại đồng minh với Mỹ để cân bằng trước sự bành trướng của TQ.
Nhưng dù sao, tất cả những diễn biến đó cũng giúp cho ta hiểu tại sao TQ lại có những đòi hỏi “phi lý” đến thế tại Biển Ðông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét