Rừng giao khoán 304 cho các nhóm hộ tại xã Cư M'Lan (huyện Ea Súp, Dăk Lăk) quản lý đã bị tàn phá. (Hình: Báo Sài Gòn Tiếp Thị) |
Theo phúc trình của ông Thứ Trưởng Nguyễn Ðăng Khoa, 10.4 triệu ha diện tích rừng từ năm 1998 đến nay đã tăng lên 13.4 triệu ha. Với ông thì con số này “mang ý nghĩa lớn lao” vì cho thấy tỉ lệ rừng che phủ từ 32% vọt lên 39.5%, chỉ “thấp dưới mục tiêu phấn đấu” 0.5%.
Ông này còn khoe nguồn vốn sử dụng cho các dự án trồng rừng lên tới 32,000 tỉ đồng, tương đương với 1.6 tỉ đô la.
Tại cuộc họp nói trên, chính các đồng viện của ông thứ trưởng tỏ thái độ hoài nghi về độ trung thực của bản phúc trình. Có người còn nói thẳng rằng “rừng sẽ tiếp tục bị tiêu diệt nếu Bộ NN&PTNT không chịu thay đổi chính sách hiện nay.”
Báo Tuổi Trẻ trích lời của ông Chủ Tịch Hội Ðồng Dân Tộc Ksor Phước của Quốc Hội Việt Nam thì “rừng tăng ở đâu không biết nhưng riêng ở Tây Nguyên thì chỉ thấy rừng bị mất đi.”
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, cựu Cục Trưởng Cục Khuyến Lâm Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Tử Siêm xác nhận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã biến 3,000 ha rừng ngập mặn thành các khu kỹ nghệ cảng biển.
Một công dân Sài Gòn tên Nguyễn Bình Minh thì thẳng thắn cho rằng “Bộ NN&PTNT chỉ biết cá tra và lúa chứ không biết gì về rừng và vì thế nên đừng tin những gì bộ này nói.”
Lâu nay, tình trạng phá rừng lan tràn khắp nơi như nước vỡ bờ, trong đó việc phá rừng để thu hoạch gỗ quý xuất cảng sang Trung Quốc trở thành vấn nạn không sao ngăn chận được. Theo báo Dân Trí, có những thương vụ buôn lậu gỗ trị giá hàng chục triệu đô lên tới hàng trăm container “xuất bến” từ các kho hàng của quân đội và công ty nhà nước để không bị khám phá.
Mới đây, cũng theo báo Dân Trí, tổ chức buôn lậu gỗ còn mua chuộc cả chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh để thực hiện trót lọt vụ vận chuyển gỗ lậu.
Cách nay không lâu, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã lên tiếng tố cáo chính quyền tỉnh Ðắc Lắc giao các dự án trồng rừng cho các công ty nhưng “trồng thì ít mà sang nhượng, mua bán, chiếm giữ đất rừng là chính.”
Theo báo Sài Gòn Tiếp thị, riêng tại tỉnh Ðắc Lắc, chính quyền và Sở NN&PTNT tỉnh này đã giao gần 36,000 ha rừng cho 41 công ty lớn nhỏ để trồng rừng. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm qua, các công ty này chỉ mới trồng được 1/4 diện tích được giao. Hàng ngàn ha đất còn lại bị “hóa phép” thành đất thổ cư, xây cây xăng, khu thể thao...
Rừng được giao khoán cho người ta trông coi để vẫn là rừng nhưng đã bị phá làm rẫy. (Hình: Báo Sài Gòn Tiếp Thị) |
Tỉnh này cũng đã thực hiện nhiều dự án gọi là giao đất cho dân trồng rừng. Tuy nhiên, báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết hàng loạt diện tích rừng vừa được giao xong đã biến thành đất nương rẫy để trồng lúa, bắp, mì, v.v... Cuối cùng thì chính quyền tỉnh này thú nhận “không điều khiển được người dân vì họ chỉ thấy lợi trước mắt.”
Ðáng tiếc là không phải ai cũng thấy được nguồn lợi lâu dài của rừng. Rừng bị tàn phá làm tăng lượng khí thải carbon dioxit và nhiệt độ tăng nhanh gây mưa nhiều hơn. Mưa dẫn tới lụt lội tàn phá mùa màng, gây dịch bệnh hiện nay đang tàn phá Thái Lan, Indonesia, Cam Bốt và cả Việt Nam.
Tài liệu của Ủy Ban Liên Chính Phủ về thay đổi khí hậu cũng khẳng định rằng rừng bị phá làm giảm lượng nước trong đất dẫn tới thảm họa xói mòn, lở đất, gây thiên tai khắp nơi. (PL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét