Pages

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Bốn xu thế ngoại giao mới sau cách mạng Trung Đông

Theo: Blog ABS

Tài liệu tham khảo đặc biệt TTXVN
Thứ Bảy, ngày 22/10/2011
TTXVN (Luân Đôn 13/10)
Nhận định về những diễn biến mới nhất của cuộc cách mạng “Mùa xuân Arập”, Jane Kinninmont, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề Hoàng gia Anh, cho rằng cuộc cách mạng đã tạo ra một trật tự mới với bốn xu thế ngoại giao chính.
Theo bà Kinningmont, mối quan hệ giữa các nước trong khu vực đang có những biến đổi nhanh chóng. Căng thẳng giữa Arập Xêút và Iran liên quan đến phong trào biểu tình ở Baranh và Xyri, vốn đã gia tăng từ đầu năm, nay sẽ càng xấu đi sau khi có cáo buộc Iran lên kế hoạch ám sát Đại sứ Arập Xêút mới đây tại Oasinhtơn. Cả Iran và Arập Xêút đều muốn ngăn cản làn sóng cách mạng dâng cao ở một nước láng giềng mà bên kia ủng hộ (Arập Xêút không muốn Baranh sụp đổ còn Iran thì bảo vệ Chính quyền Xyri). Tuy nhiên, cả hai đều không có tiếng nói quyết định trong khu vực và đề phải lo đối phó với những vấn đề nội bộ.

Biến động chính trị ở một số nước chủ chốt, nhất là Ai Cập, Tuynidi, Libi và Xyri, sẽ hình thành những mối quan hệ ngoại giao đồng minh và thù nghịch ở Trung Đông. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định chắc chắn liệu các nước này có trở nên dân chủ hơn trong tương lai gần hay không, hay đảng phái chính trị nào sẽ lên nắm quyền. Các thể chế chính trị mới nổi còn phải lo xử lý vấn đề trong nước và trước mắt chưa thể quan tâm tới quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, có thể dự đoán bốn xu hướng ngoại giao chính sẽ diễn ra sau khi các cuộc cách mạng Trung Đông tạo ra trật tự mới trong khu vực:
1. Khu vực này không còn đựơc chi thành “phe” thuần tuý
Trong những năm gần đây, giới phân tích và hoạch định chính sách có xu hướng chia chính sách đối ngoại của Trung Đông làm hai phe: Phe “thân phương Tây” dẫn đầu bởi Arập Xêút và Ai Cập; và phe “chống phương Tây” gồm Iran, Xyri, Hezbollah và Hamas. Nhưng các thế lực chính trị mới nổi có thể không muốn gia nhập một trong hai phe này. Các thế lực chính trị mới nổi ở Ai Cập và Tuynidi, dù là Hồi giáo hay phi tôn giáo, nhìn chung đều không muốn đất nước họ giống Arập Xêút hay Iran. Các chính phủ dân bầu sẽ không theo xu hướng thân phương Tây như những người tiền nhiệm. Họ sẽ có xu thế ủng hộ Palextin và chấp nhận thực tế Hamas và Hezbollah đều là các phong trào do người dân dựng lên, nhưng họ cũng sẽ cảnh giác với Iran.
Các chuyên gia cũng nói về hai phe: “cách mạng” và “phân cách mạng” (hàm ý các nước Vùng Vịnh). Nhưng các nước Vùng Vịnh cũng đã ủng hộ phe nổi dậy ở Libi và rút lại sự ủng hộ đối với chính quyền Bashar al-Assad ở Xyri. Điều đó cho thấy họ không nhất thiết sẽ hành động như một phong trào “phản cách mạng” trong khu vực.
2. Quan hệ đối đầu Ai Cập – Arập Xêút là yếu tố quyết định
Trong các thập niên 1950 – 1960, Ai Cập và Arập Xêút là hai đối thủ lớn trong khu vực. Ai Cập đại diện cho khối Arập trong phong trào giải phóng dân tộc, chủ nghĩa xã hội và sự ủng hộ dành cho “Phong trào không liên kết”; còn Arập Xêút là một hoàng gia truyền thống, thân Mỹ. Mỗi bên ủng hộ một phe khác nhau trong cuộc nội chiến ở Yêmen. Nhìn chung nền chính trị Ai Cập khuyến khích các phong trào cánh tả ở Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, Ai Cập đang chứng kiến sự sống dậy của chủ nghĩa dân tộc và có nhiều bằng chứng cho thấy người Ai Cập không ưa thích gì người Arập Xêút, nhất là sau khi có báo cáo cho thấy quốc vương Arập từng muốn bảo vệ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak duy trì quyền lực, đồng nghĩa với việc có thể Arập Xêút muốn ông Mubarak ra lệnh cho quân đội bắn súng vào người biểu tình. Ai Cập cũng là nước duy nhất có khả năng thách thức quyền lực của Arập Xêút trong mạng lưới truyền thông Jazeera, có ảnh hưởng trong khối Arập.
Mối quan hệ thù nghịch này sẽ cần thời gian để phát triển. Trước mắt, chính sách ngoại giao của Ai Cập sẽ bị khống chế bởi quyền lực dai dẳng của quân đội; trong khi chính sách ngoại giao của Arập Xêút bị hạn chế bởi các mối bận tâm trong nước, như chuyển giao quyền lực chính trị, và các chính khách ngoại giao ngày càng già cỗi. Arập Xêút sẽ không có đủ khả năng để đóng vai trò là một “nhà bảo trợ phản cách mạng” dù nước này có muốn.
3. Irắc nổi lên là một thế lực khu vực
Kể từ năm 2003, Irắc phải loay hoay với các vấn đề nội bộ và không có khả năng tham gia nền ngoại giao khu vực. Tuy nhiên, năm nay các chính trị gia nước này đã công khai bày tỏ sự quan tâm tới tình hình Baranh (phản đối sự đàn áp và lo ngại việc này sẽ làm gia tăng căng thẳng tôn giáo trong khu vực) và Xyri (Thủ tướng Irắc Nuri al-Maliki kêu gọi Tổng thống Xyri chấm dứt sự lãnh đạo độc quyền của đảng Baath).
Là một trong những nước lớn trong khu vực, với dân số gần gấp đôi Arập Xêút, và là một nước sản xuất dầu thô chủ chốt, Irắc sẽ muốn lấy lại tiếng nói có ảnh hưởng trong nền ngoại giao khu vực. Mục tiêu khai thác dầu thô của Irắc sẽ tạo ra bất đồng nội bộ trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mở OPEC, nhất là bất đồng giữa Arập Xêút và Iran. Các quan chức Irắc mới đây nói sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch khai thác đầy tham vọng hiện nay (12 triệu thùng/ngày vào năm 2017, nhiều hơn sản lượng của Arập Xêút). Nhưng ngay cả với mức 8 triệu thùng/ngày mà Bộ trưởng Dầu mỏ Irắc tiết lộ cũng đủ để nhiều hơn Iran và ngang ngửa với Arập Xêút.
4. Cách mạng Arập đe doạ mô hình chính thể của Iran và Arập Xêút
Cả Iran và Arập Xêút đều không phải là một nhà nước dân chủ. Cả hai đều có chính phủ độc tài gaình quyền hợp pháp về tôn giáo. Cả hai đều có một lớp trẻ ngày càng bất mãn với những cấm đoán về chính trị và xã hội do nhà nước áp đặt. Iran và Arập Xêút ủng hộ các cuộc cách mạng khác nhau trong khu vực: Iran ủng hộ phe nổi đậy ở Baranh, những người bị chính phủ đàn áp với sự trợ giúp của Arập Xêút. Ngược lại, sau các cuộc đàn áp đẫm máu với người biểu tình ở Xyri, Arập Xêút đều có phản ứng không rõ ràng với các cuộc chuyển giao chính trị ở Ai Cập và Tuynidi. Nếu có thể phát triển một nhà nước dân chủ thành công (một khả năng không cao), Ai Cập và Tuynidi sẽ tạo ra những mô hình nhà nước trong tương lai đáng để thế giới Arập học tập hơn là mô hình của Arập Xêút hay Iran. Trên thực tế, khu vực Arập hiện đang rất thiếu một mô hình lý tưởng và đó là lý do tại sao các nước này coi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là một điều đáng ngưỡng mộ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét