Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Cải cách, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần bắt đầu từ đâu?

Phan Minh Ngọc
 
 
Chẳng cần phải nghĩ ngợi lôi thôi, nhìn đâu xa, suy xét rắc rối làm gì mà hãy nhìn vào ngay và chấm dứt ngay những việc có thể gọi là “lố bịch” như thế này. Chẳng là hôm nay nhân cáo ốm ở nhà, đọc báo chơi tớ thấy có bài này: “Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: Chăm lo cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”.
Càng đọc càng thấy mị dân và đúng nghĩa là lố bịch.

“Chăm lo cho người nghèo” không phải là nhiệm vụ, và càng không phải là “một trong những nhiệm vụ trọng tâm” của tập đoàn này hay bất cứ tập đoàn nào khác ở Việt Nam. Tớ không đọc các văn bản liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (TDDK) nên không dám chắc rằng có bác lãnh đạo nào đó hứng chí lên phang luôn điều này vào trong điều lệ hoạt động của nó hay không. Nhưng nếu đúng có như vậy thì cần phải cắt bỏ ngay điều khoản này nếu muốn bắt đầu thực hiện nghiêm túc quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Vì:
Thứ nhất, về chức năng, chăm lo cho người nghèo là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách của Chính phủ, của các tổ chức phi Chính phủ. Đã là doanh nghiệp thì nhiệm vụ chủ yếu là kinh doanh mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Vì là doanh nghiệp nhà nước, mà lại là doanh nghiệp đầu mối, nên nhiệm vụ của TDDK chắc là có thêm chuyện đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, chứ không nên và không được có thêm chức năng “chăm lo cho người nghèo”.
Thứ hai, về nguyên tắc, nếu quả đúng TDDK có lòng thương người đến như vậy thì cũng không thể đem tiền cho người nghèo như vậy một cách vô nguyên tắc như vậy được. Kể cả khi biện hộ rằng tiền này là trích từ lợi nhuận của nó. Tại sao ư? Vì kể cả tiền trích từ lợi nhuận thì cũng đều là tiền thuộc về chủ sở hữu của nó, tức là nhà nước, và tức là toàn dân Việt Nam, và chi tiêu thế nào là thuộc về quyết định của nhà nước mà đại diện là Chính phủ, chứ không phải là thuộc quyết định của TDDK. Làm từ thiện kiểu này có nghĩa là mị dân nhưng lại theo kiểu “của người phúc ta”, tiền của dân trích ra mang cho (một bộ phận) dân còn mình thì được tiếng thơm là hào hiệp, tử tế.
Thứ ba, về tính kinh tế, cứ cho là TDDK được phép làm cái việc sai chức năng và vô nguyên tắc này thì việc làm này rất phi kinh tế. Hoạt động từ thiện không chuyên nghiệp của TDDK sẽ không thể hiệu quả bằng các tổ chức chuyên trách của Chính phủ và phi Chính phủ. Nếu muốn có hiệu quả hơn thì TDDK phải lập ra một cái ban chuyên trách, đại loại như “Ban từ thiện”. Như vậy, hoạt động của ban này sẽ gây tốn kém, tiêu tốn thêm nguồn lực cho TDDK, và cuối cùng là gặm vào phần lợi nhuận trích nộp ngân sách (tức là liên quan đến phần để lại cho dân), chưa nói đến chuyện tính hiệu quả của cái ban này cũng không thể bằng được các cơ quan chuyên trách khác vì tính quy mô của nó.
Thứ tư, về tính minh bạch, các doanh nghiệp nhà nước thường có những lời biện bạch đại loại rằng doanh nghiệp bị thua lỗ, khó khăn là vì phải thực hiện “nhiệm vụ an sinh xã hội”, “ổn định kinh tế vĩ mô”. Thế là tất cả các yếu kém, ngu dốt, sai lầm trong bộ máy quản lý được xóa nhòa bởi nhiệm vụ cao cả này.
Tóm lại, chỉ nói sơ qua như vậy thôi cũng đủ thấy cái sự “vớ vẩn” trong những cái chủ trương kiểu này từ doanh nghiệp nhà nước và từ những “đại diện” cho ông chủ thật sự của chúng. Cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp không phải nhìn đâu xa mà hãy bắt đầu từ việc cắt bỏ những cái vớ vẩn như thế này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét