Pages

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Cần thiết phải có Luật Biểu tình

http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2011/243/2011_243_10_anhcan.jpgLuật gia Lê Hiếu Đằng


Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình và giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chưa nên vội ban hành Luật này vì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội. Xung quanh vấn đề, trên phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ-Pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam.
PV: Thưa ông, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình và giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chưa nên vội ban hành Luật này vì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội khi các đối tượng xấu lợi dụng biểu tình để gây rối. Vậy, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, một số vị đại biểu Quốc hội đã có đề nghị nên sớm có Luật Biểu tình. Và thực tiễn xã hội hiện nay đã có nhiều cuộc biểu tình diễn ra. Do đó, có Luật Biểu tình sẽ là cái chuẩn để đánh giá cái nào là chính đáng, hay cái nào là phá rối trật tự. Hiện một số nước đã có Luật Biểu tình, vì vậy theo tôi Việt Nam trước sau gì cũng phải có Luật biểu tình. Do đó, nếu sớm có Luật Biểu tình thì sẽ tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền này, và Nhà nước cũng dễ quản lý hơn. Vì trong Luật Biểu tình sẽ có những điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của người dân tham gia biểu tình, chứ không phải quan niệm có Luật Biểu tình là làm xáo trộn an ninh xã hội. Vấn đề là ở chỗ, khi chúng ta có quy định về biểu tình, người dân sẽ theo luật mà làm, và đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Bởi trước những vấn đề bức xúc của xã hội, người dân muốn có quyền nói lên tiếng nói của mình.
Trong Luật Biểu tình sẽ quy định những địa điểm được biểu tình. Những người nào muốn biểu tình thì tập trung tại đó. Ví dụ tại các nước khác đã quy định biểu tình tại quảng trường. Những người dân muốn biểu tình thì đến đó. Và nhiệm vụ của cơ quan an ninh là giữ gìn trật tự. Nếu phát hiện ra kẻ xấu, hay phản động lợi dụng biểu tình để gây rối thì cơ quan an ninh sẽ bắt giữ và đưa ra tòa để nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu có Luật Biểu tình sẽ dễ cho cơ quan Nhà nước hơn vì cứ theo luật mà xử lý. Còn nếu quan niệm rằng có Luật Biểu tình là “vẽ đường cho hươu chạy” là hoàn toàn không đúng vì trong thời đại hiện nay không thể cấm người dân biểu tình được vì đó là đi ngược với trào lưu dân chủ tiến bộ trên thế giới. Chính vì vậy, việc Thủ tướng đề nghị soạn thảo Luật Biểu tình là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý gắn với tình hình thực tế.
Theo tôi nghĩ ngay bây giờ chúng ta nên có Luật Biểu tình. Phải nói rằng là, nói đến biểu tình không có nghĩa là chống đối. Có thể trước chủ trương, hành động đúng đắn của Nhà nước, người ta ủng hộ thì người ta xuống đường bày tỏ quan điểm, thái độ. Hoặc có những vấn đề liên quan về đời sống, người ta không đồng tình thì người ta cũng biểu tình để phản đối lại chủ trương không phù hợp với lòng dân. Thành ra biểu tình có thể là thái độ đồng tình với chủ trương, chính sách nào đó, hay biểu tình cũng là phản đối lại chủ trương không phù hợp với lòng dân. Vì vậy, không phải nhắc đến biểu tình là hành động chống đối mà phải xem biểu tình như là thái độ biểu thị của người dân và hiện nay biểu tình đang được coi là “hàn thử biểu” đo độ bằng lòng hay không bằng lòng của người dân đứng trước những chủ trương, chính sách của Nhà nước. Cần xây dựng nhận thức rằng, biểu tình là những hành vi hợp pháp, văn minh, dân chủ nhằm biểu thị thái độ, tình cảm, quan điểm ủng hộ những điều tốt đẹp và có lợi cho con người, cho đất nước, đồng thời phản đối những cái có hại.
PV: Thông thường các bộ ngành quản lý nhà nước khi được giao soạn thảo dự án luật thì trước tiên muốn thuận lợi cho công tác quản lý của mình. Vậy ông có cho rằng, nên thành lập một tổ soạn thảo liên ngành do Quốc hội lãnh đạo, cấp kinh phí để đảm nhận việc soạn thảo Luật Biểu tình, thay vì giao cho một bộ soạn thảo?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tại các nước khác, với nhiệm vụ lập pháp thì chính Quốc hội là người soạn thảo. Họ có những ban soạn thảo gồm nhiều chuyên gia là các đại biểu Quốc hội chuyên trách chứ không phải kiêm nhiệm thì mới có thời gian nghiên cứu và soạn thảo ra Luật. Và đó cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Như vậy sẽ hợp lý hơn. Vì nếu giao cho một bộ chính quyền thì chính quyền thì sẽ soạn thảo làm sao cho họ dễ quản lý. Vì vậy khi soạn thảo sẽ dễ đi vào việc ngăn cấm, hoặc gây trở ngại cho người dân thực hiện các quyền dân chủ của mình, trong đó có quyền biểu tình. Tại nước ta, hiện Quốc hội chưa có ủy ban soạn thảo những dự luật thì theo tôi Luật Biểu tình cũng có thể giao cho một tổ soạn thảo liên ngành, trong đó có ngành Công an.
PV: Theo ông, nếu là liên ngành thì MTTQ Việt Nam phải tham gia trong quá trình xây dựng Luật này?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tất nhiên, liên ngành thì trong đó sẽ có sự tham gia của MTTQ Việt Nam. Theo Luật MTTQ thì MTTQ Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị rộng lớn. Vì biểu tình là liên quan đến quần chúng, người dân thì rất cần có đại diện Mặt trận trong bộ phận soạn thảo này để thay mặt cho người dân tham gia vào nội dung Luật để Luật này vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa đảm bảo quyền chính đáng của người dân trong việc biểu thị ý kiến nguyện vọng của mình trước những vấn đề của đất nước, hoặc địa phương. Theo tôi, đại diện cho khối đoàn thể, Mặt trận tham gia thì Luật sẽ có ý nghĩa rộng lớn hơn.
Xin cám ơn ông!
H.Vũ (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét