Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Cánh tay dài của Trung Quốc

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2011/09/TQ-HK.jpgJoshua Kurlantzick
Diên Vỹ chuyển ngữ

 
Một cường quốc đang lên bắt đầu can dự vào các chính quyền nước ngoài
Mối quan hệ của Trung Quốc với dân chủ được theo dõi chặt chẽ trên chính trường thế giới. Là một quốc gia độc tài lớn nhất, và đang có tiềm năng trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng một thập niên tới, Trung Quốc đang áp đặt những ảnh hưởng quan trọng vào cán cân dân chủ trên khắp các nước đang phát triển.

Trong nhiều thập niên qua, các nhà quan sát nước ngoài và nhiều nhà cải cách Trung Quốc đã chú trọng vào những chuyển biến chính trị trong nước, họ theo dõi nó đang thay đổi để trở nên cởi mở hơn với những người chống đối và những tiếng nói thách thức, và rồi xoay sang đàn áp. Thời gian gần đây, Trung Quốc lại có vẻ như chùn bước, bất chấp nền kinh tế tư bản của mình và một số những cuộc biểu tình tại những thành phố như Đại Liên. Trong một năm qua, chính quyền đã đàn áp mạnh mẽ những nhóm biểu tình và tăng cường theo dõi và ngăn chặn các trang mạng Internet và microblog. Theo Yashen Huang, một chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), hệ thống chính trị của Trung Quốc đã trở nên cởi mở nhiều trong những năm 1980s hơn là hiện tại.
Tuy nhiên, trong khi các nhà quan sát đang chú trọng vào nền chính trị trong nước, một thay đổi quan trọng và đáng quan tâm đang xảy ra bên ngoài biên giới của nước này: Bắc Kinh dường như đang tăng cường đàn áp dân chủ trên các quốc gia lân cận. Ngày càng nhiều các quan chức địa phương từ Cambodia, Thái Lan, Kyrgyzstan va những quốc gia châu Á khác được đào tạo từ Trung Quốc, nơi họ học được hệ thống đầy áp chế về pháp lý, an ninh và những kỹ năng kiểm soát Internet. Trung Quốc đã hối thúc các quốc gia láng giềng đàn áp các nhà hoạt động nào dám chỉ trích nước Cộng hoà Nhân dân. Trong khi đó tại Trung Á, Trung Quốc đã giúp tạo ra một tổ chức trong vùng để dựng nên chế độ độc tài.
Thủ tướng Cambodia Hun Sen và Thủ tướng Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội quân danh dự tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 13 tháng Mười hai 2010.

Sự thách thức của Trung Quốc đối với dân chủ tạo ra một chuyển đổi của tính nguyên trạng toàn cầu trong hai thập niên qua. Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, không có một quốc gia lớn nào thực sự thách thức sự truyền tải của nền tự do dân chủ. Các quan chức Trung Quốc, bám vào câu châm ngôn của Đặng Tiểu Bình, thường tìm cách tránh né can thiệp vào các sự kiện quốc tế, họ tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn còn là một nước đang phát triển cần phải học hỏi nhiều từ các nước khác.
Nhưng trong những năm gần đây Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế – và nền dân chủ thế giới càng bị đe doạ nghiêm trọng. Nếu Trung Quốc giúp chuyển đổi được thế cân bằng chống lại dân chủ trong khu vực của mình, họ sẽ làm phức tạp hơn chính sách của Hoa Kỳ, củng cố các chính quyền độc tài và gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên và những ai thúc đẩy dân chủ tại các quốc gia đang phát triển.
Trong bốn năm qua, khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ và kinh tế của các quốc gia phương Tây bị thoái hoá, “quyền lực mềm” của Trung Quốc – ảnh hưởng văn hoá và kinh tế – đang tăng cường, và họ đã có được một khả năng mới nhằm gây ảnh hưởng vào đời sống chính trị bên trong các quốc gia khác. Một cuộc thăm dò mới nhất của Economist Intelligence Unit về dân chủ toàn cầu phát hiện rằng cơn khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu “đã làm tăng thêm tính hấp dẫn của khuôn mẫu tư bản độc tài của Trung Quốc đối với một số nền kinh tế đang lên.”
Tuy nhiên, bên cạnh đơn giản là một biểu tượng của thành công, một số quan chức Trung Quốc đã tìm cách tích cực khuyếch trương mô hìnhTrung Quốc ở nước ngoài. Bắc Kinh đã mời các quan chức địa phương từ các khu vực Đông nam và Trung Á – ít nhất là vài nghìn viên chức mỗi năm – đến Trung Quốc để huấn luyện về những qui trình pháp lý và công an. Theo một số các học viên từ các lớp đào tạo Đông nam Á và Trung Á nói với tôi, những khoá học này dường như được thiết kế để vạch ra sự khác biệt giữa phát triển của Trung Quốc và của các nước dân chủ. Thật thế, các giảng viên Trung Quốc đặc biệt tuyên dương khả năng của Trung Quốc trong việc đưa ra những hành động mang tính quyết định đối với sự thành công của quốc gia, tương phản với thể chế dân chủ phương Tây mà họ cho là đã có những chính sách thất bại. Một số quan chức từ Thái Lan và Cambodia cho tôi biết rằng các giảng viên Trung Quốc đã thảo luận những chiến lược pháp lý để giúp giữ vững “ổn định” – và giúp chính phủ giữ nguyên quyền lực.
Tại Cambodia, theo nhiều nhà hoạt động nhân quyền mà tôi đã tiếp xúc, những đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố vấn đảng của Thủ tướng Hun Sen về cách thức sử dụng luật lệ về tội phỉ báng và bôi xấu để đe doạ truyền thông độc lập, tạo ra một mạng lưới gồm các quan chức cao cấp có thể kiểm soát các công ty lớn, và củng cố lòng trung thành của lực lượng cảnh sát đặc biệt và cận vệ. Và trong những năm vừa qua, Hun Sen đã thật sự sử dụng luật phỉ báng để đàn áp những người chống đối, củng cố lực lượng cận vệ và dùng những thủ thuật này để bảo đảm quyền lực của mình được tiếp tục, bất chấp thực tế rằng Cambodia trên danh nghĩa vẫn có những cuộc bầu cử bình thường.
“Tại đây bạn không có nhiều giá trị dân chủ mạnh mẽ,” Roland Eng, một quan chức ngoại giao kỳ cựu của Cambodia nói. “Bạn có những người [của chính quyền] thấy Trung Quốc đã thành công như thế nào, họ đi thăm Trung Quốc thường xuyên. Khi quay về họ cho rằng Trung Quốc đã thành công nhanh chóng và dễ dàng như thế nào mà không phải đối phó với giới chống đối… và họ đã học hỏi từ việc này.”
Trong những trường hợp khác, Trung Quốc đã tìm cách chống đỡ những nhà độc tài đang bị dân chúng gây áp lực, hoặc thậm chí còn giúp đỡ những kẻ chuyên quyền truy lùng và bắt giữ những người chống đối và phê bình trong nước. Một ví dụ đáng lưu ý là sau những cuộc biểu tình quy mô lớn ở Uzbekistan vào năm 2005, chính quyền độc tài Uzbek đã đàn áp mạnh mẽ những người chống đối, giết chết ít nhất vài trăm người trong thành phố Anjijon bằng cách xả súng bừa bãi vào đám đông. Để đối phó, các nhà hoạt động Uzbek đã kêu gọi các chính phủ ngoại quốc gây áp lực nhà nước Uzbek thừa nhận việc thảm sát này và phải cải cách. Nhiều chính phủ đã làm theo, bao gồm không chỉ Hoa Kỳ mà còn cả những quốc gia châu Á khác. Trung Quốc lại sử dụng một đường lối hoàn toàn trái nghịch: Không bao lâu sau vụ thảm sát, Bắc Kinh đã ca ngợi việc đàn áp là cần thiết và đã đón chào lãnh tụ Uzbek Islam Karimov đến Bắc Kinh với quốc tiệc và súng chào, cho thấy rằng Trung Quốc sẽ đứng vững phía sau ông. Nguy hiểm hơn nữa là Trung Quốc còn vận động những quốc gia khác để từ chối tiếp nhận bất kỳ người tị nạn nào từ Uzbekistan, và nhanh chóng tuyên bố một hợp đồng năng lượng mới giúp đem đến cho chính quyền Uzbek hàng triệu Mỹ kim lợi nhuận.
Tương tự, sau cuộc bầu cử vào mùa thu vừa qua tại Miến Điện, một quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Bắc Kinh đã giúp dựng lên một chính quyền độc tài. Tại các nơi bỏ phiếu, nơi chính phủ Miến Điện không cho phép quốc tế giám sát bầu cử, những đảng do quân đội nắm giữ đều thắng lớn. Bắc Kinh nhanh chóng xác nhận kết quả bầu cử đầy nghi vấn, giúp tạo ra tính chính danh cho chính quyền Miến Điện.
Cùng với Nga, những nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn tạo ra một tổ chức quốc tế nhằm chống lại dân chủ. Trong năm 1995, hai chính quyền độc tài khổng lồ đã thành lập ra Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức kết nối hai cường quốc này với Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan và Tajikistan. Tổ chức này bề ngoài được tạo ra để phát triển mối quan hệ thương mại và ngoại giao khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc cách mạng dân chủ trong những năm giữa thập niêm 2000, Moscow và Bắc Kinh đã dùng tổ chức Thượng Hải để phủ nhận rằng những cuộc cách mạng này và những thay đổi dân chủ nói chung là những vi phạm bất hợp pháp đối với chủ quyền quốc gia. Dưới ảnh hưởng của Trung Quốc, tổ chức này đã miêu tả hình thức bầu cử dân chủ là một ý tưởng mang tính phương Tây – tức là ngoại lai – không cần thiết là phù hợp với khu vực Trung Á và những nước đang phát triển. Tổ chức Hợp tác Thượng hải, nhà khoa học chính trị Thomas Ambrosio viết, là một nỗ lực để không trở thành một nơi tán gẫu liên quốc gia mà là “hiện thân của một loạt giá trị và thói quen [phi dân chủ] mới nhằm chế ngự tương lai phát triển của Trung Á.”
Cuối cùng, Trung Quốc còn nhấn mạnh ảnh hưởng của mình vào giới truyền thông nước ngoài, sử dụng quan hệ ngoại giao của mình cũng như sức mạnh kinh tế và thương mại đang lên để thúc đẩy các quốc gia láng giềng trừng phạt các nhà haọt động và các phóng viên nào dám chỉ trích Bắc Kinh. Ví dụ như tại Indonesia, Trung Quốc được cho là đã áp lực chính phủ Indonesia đóng cửa một đài phát thanh, Era Baru Radio, vì đài này đôi khi đã truyền thải những thông tin về Pháp Luân Công, một tổ chức dám chỉ trích chính phủ Trung Quốc và đã bị cấm đối hoàn toàn tại Trung Quốc. Theo báo cáo của tổ chức quan sát Phong viên Không Biên giới, cảnh sát Indonesia sau đó đã dùng vũ lực đóng cửa đài phát thanh. Trung Quốc cũng đã dùng những thủ thuật tương tự để tìm cách bịt miệng những nhà chỉ trích Bắc Kinh tại Thái Lan, Việt Nam, Cambodia, Kyrgyzstan cũng như tại những quốc gia khác.
Qua những nỗ lực trên, Trung Quốc đang nhấn mạnh ảnh hưởng thật sự của mình vào nền dân chủ ở châu Á. Trong một nghiên cứu về Đông nam Á, học giả Indonesia Ignatius Wibowo nhận thấy rằng chỉ với rất ít trường hợp cá biệt, đa số các khuôn mẫu chính trị của các quốc gia đã hướng gần đến Trung Quốc và cách xa nền dân chủ cấp tiến trong vòng một thập niên qua, vì sự khuyến khích của Trung Quốc lẫn sự thành công của mình, tương phản với những thất bại của phương Tây. Wibowo thấy rằng nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Đông nam Á đang thực thi những chiến lược quốc gia theo kiểu mẫu Trung Quốc, bao gồm việc tái thiết sự kiểm soát của chính quyền đối với những ngành công nghiệp chiến lược, trung ương hoá quá trình quyết định chính trị, tái thiết lập hệ thống độc đảng và ngày càng sử dụng bộ máy pháp lý như là một công cụ của quyền lực nhà nước – tất cả những thay đổi này đều làm yếu đi quá tir`nh phát triển dân chủ.
Những chính sách phi dân chủ của Trung Quốc chỉ là một phần của xu hướng toàn cầu. Cơ quan theo dõi quốc tế Freedom House nhận thấy rằng tự do toàn cầu đã tuột dốc trong năm , liên tục trong năm năm qua – sự đi xuống này nổi bật nhất trong các quốc gia mà tổ chức này gọi là “nửa chừng”, chủ yếu nằm trong thế giới đang phát triển, vốn đang bắt đầu thực thi dân chủ hoá nhưng chưa hoàn toàn và ổn định. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự thụt lùi, cơ quan này lưu ý, là sự tăng cường gây hấn của Trung Quốc.
Tại nhiều nơi, ảnh hưởng của Trung Quốc đã làm tăng thêm áp lực vào hiện tượng dân chủ thụt lùi vốn đang diễn ra. Ví dụ như tại Cambodia, chính quyền lâu đời của Thủ tướng Hun Sen đã ngày càng trở nên độc đoán, sự tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc có nghiẽ rằng các quốc gia như Nhật và Pháp, vốn vẫn thúc đẩy cởi mở, thấy họ đang bị giới hạn. Bản thân Hun Sen cũng đã nói như thế. Trong một bài phát biểu khai trương một đoạn đường mà Trung Quốc đã tài trợ một phần, ông đã ca ngợi Bắc Kinh đã trợ giúp mình với rất ít áp lực, tương phản với những nhà tài trợ thuộc các quốc gia dân chủ. “Khi Trung Quốc cho, họ không nói phải làm điều này hoặc điều kia. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn với số tiền này,” Hun Sen nói, theo báo cáo điện thư cho biết.
Hơn thế nữa, một nền dân chủ đang suy yếu trong một khu vực quan trọng như châu Á có thể khiến cho sự hợp tác đa phương trở nên khó khăn hơn và chắc chắc sẽ xảy ra xung đột. Trong quá khứ, Hoa Kỳ từng hợp tác một các đầy hữu hiệu với các quốc gia dân chủ khác với phong cách lãnh đạo và quyết định thì cởi mở hơn và dễ hiểu hơn đối với các chính trị gia Hoa Kỳ. Nhưng khi Hoa Kỳ tìm cách hợp tác với Trung Quốc – hai năm trước các quan chức Hoa Kỳ thậm chí còn đề cập đến một liên minh “G-2” gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc thống trị thế giới – nhưng các cuộc hợp tác đã bị cản trở bởi sự mập mờ của chính phủ Trung Quốc, khiến cho thậm chí nhiều quan chức rành rẽ của Hoa Kỳ cũng lấy làm khó hiểu.
Một Trung Quốc tích cực hơn cũng tạo ra một thách thức khác cho các nhà tạo chính sách của Hoa Kỳ: bằng cách nào để đối diện trực tiếp với ảnh hưởng Trung Quốc. Trong một báo cáo đưa ra hai năm trước đây mà tác giả bài viết cũng đóng góp một chương trong ấy – Freedom House đã vạch ra Trung Quốc đang làm thế nào để gây suy yếu dân chủ bên ngoài biên giới của mình, và đề xuất rằng Hoa Kỳ và những quốc gia dân chủ khác nên đối đầu với Trung Quốc bằng cách đối trọng với những thủ thuật phi dân chủ của Bắc Kinh. Những tổ chức nhân quyền và các chuyên gia dân chủ lại cho rằng Hoa Kỳ cần phản công lại Trung Quốc bằng cách tái cam kết những tổ chức dân chủ quốc tế, như Cộng đồng Dân chủ, và làm việc gần gũi hơn với những cường quốc đang lên như Brazil và Ấn Độ để khuếch trương dân chủ trong khu vực của họ.
Tương tự, nhiều quan chức Hoa Kỳ và châu Âu đã thúc đẩy Trung Quốc để được tham dự vào các hội nghị về viện trợ cho một số quốc gia, để những lãnh đạo như Hun Sen ít có thể dùng Trung Quốc để chống lại những nhà tài trợ dân chủ. Đôi khi với Cambodia, Trung Quốc đã đồng ý có những hội nghị chung về viện trợ. Nhưng trong những trường hợp khác, hiện any Bắc Kinh đã từ chối điều phối việc viện trợ của mình với những nhà tài trợ khác, nắm giữ toàn bộ cán cân mình có và làm tăng thêm nỗi sợ hãi đối với các quốc gia dân chủ khác rằng câu chuyện thành công kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang trở thành đối thủ chính trị lớn nhất của họ.
Theo: http://www.x-cafevn.org/node/2617

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét