Pages

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Dân chủ hóa, Trung Hoa lại đi trước Việt Nam?

Cách đây 2 tuần, tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở thành phố Đại Liên Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đưa ra các cam kết rằng Trung Quốc cần tăng cường cải cách chính trị, phân tách rõ quyền lực giữa đảng và chính phủ. Ôn nói nhiệm vụ cấp bách của Trung Quốc là cải cách hệ thống lãnh đạo, mở rộng dân chủ trước hết trong nội bộ Đảng Cộng sản. “Đảng không được đại diện cho Chính phủ và phải thay đổi hiện tượng quyền lực tuyệt đối và tập trung quá nhiều quyền lực”. Ôn còn nêu rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng cầm quyền là hành xử theo pháp luật, thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm công chính tư pháp, bảo vệ quyền lợi dân chủ của nhân dân và kiên quyết chống tham nhũng.
Vừa qua, tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 62 Quốc khánh TQ, Ôn lại phát biểu trước toàn dân:
“Chúng tôi sẽ nỗ lực bảo đảm, hoàn thiện dân chủ, giải quyết các vấn đề gây quan ngại và ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất đến người dân”.

Ôn cam kết tiếp tục ưu tiên bảo đảm các quyền dân chủ và công chính tư pháp, tiếp tục hướng tới cải cách hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuy Ôn khẳng định nước này vẫn kiên định với “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” nhưng nhấn mạnh phải “Dám nghiên cứu và rút ra bài học từ những thành tựu nổi bật của mỗi quốc gia trên thế giới và góp phần vào sự tiến bộ của văn minh nhân loại”.
Ôn nhiều lần kêu gọi cải cách chính trị và dân chủ ở Trung Quốc kể từ lần kêu gọi đầu tiên tại Thâm Quyến hồi tháng 8.2010. Nhưng lần kêu gọi nầy rất quan trọng vì phát biểu trong dịp đại lễ trước toàn dân.


Điều gì làm cho Ôn nôn nóng và liên tục thúc giục cải cách chính trị như vậy?

Sau nhiều năm điều hành nhà nước, hơn ai hết, Ôn thấy ra rằng cái gọi là nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường dưới định hướng XHCN là rất què quặt và càng lúc càng bộc lộ ra những khuyết tật hiểm nghèo. Y rất muốn TQ vươn lên ngang tầm với thiên hạ để “góp phần vào sự tiến bộ của văn minh nhân loại”. Muốn vậy thì phải “Dám nghiên cứu và rút ra bài học từ những thành tựu nổi bật của mỗi quốc gia trên thế giới” nghĩa là phải nhanh chóng học tập theo các thể chế dân chủ ưu việt của các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Đức…
Nhưng mong muốn dân chủ hóa của Ôn đã vấp không ít những trở lực.
Phải chăng giới chop bu ở Trung Nam Hải lo ngại sẽ làm tiêu đi CNXH một khi cải cách chính trị theo hướng tiến bộ?
E rằng không. Những cái đầu thực dụng ấy đã chẳng ngu dại gì xem cái chủ nghĩa đó ra gì khi mà chính cái nơi sản sinh ra nó đã vứt vào sọt rác từ bao đời. Đặng Tiểu Bình cũng đã công khai điều ấy từ lâu rồi khi đưa ra thuyết “mèo trắng mèo đen” để đổi mới kinh tế theo cơ chế thị trường. Y đã chẳng mất kiên định với lập trường cộng sản khi khôn ngoan chấp nhận một nhà nước hai chế độ để yên ổn thu hồi Hồng Công và Ma Cao đó sao?

Thế thì điều gì làm cho giới lãnh đạo cộng sản TQ e dè dân chủ hóa?
TQ là quốc gia còn lại có thể nói là duy nhất trên thế giới sau thế kỷ 20 vẫn còn chiếm giữ thuộc địa (Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Mãn Châu). Chế độ độc tài giúp TQ tiếp tục thống trị thành công các thuộc địa đó. Khi chuyển qua thể chế dân chủ, cái gương tan rã của Liên Xô trước đây làm TQ lo sợ.
Dù rất nôn nóng cải cách chính trị để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững nhưng đám chop bu ở Trung Nam Hải vẫn phải e dè toan tính.
Đây là thời cơ để VN vượt lên đi trước TQ về mặt cải tổ chính trị. Khi dân chủ hóa VN chỉ có được, trước hết là lòng dân và khối đoàn kết dân tộc, chẳng có gì phải mất. Trước đây khi đổi mới đường lối kinh tế, TQ đã đi trước VN 10 năm. Và vì vậy TQ đến bây giờ đã bỏ xa VN đến mấy chục năm.
Trên con đường dân chủ hóa, chẳng lẻ VN lại ngồi đó chờ TQ làm trước rồi mới bắt chước theo sau nữa hay sao? VN không chớp lấy thời cơ đi trước vào lúc nầy là có khả năng vĩnh viễn đánh mất đi cơ hội thoát ra khỏi cái bóng của Trung Hoa như Nhật bản và Hàn quốc đã làm

Huỳnh Ngọc Chênh.
Nguồn: ( http://www.anonasurf.com/browse.php?...f=norefer#more )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét