Pages

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Kén người tài năng, hay chọn kẻ khôn vặt ?

http://vanhoconline.com/Portals/0/images/VQP.jpgNhà thơ Vũ Quần Phương
Theo: Blog Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ Vũ Quần Phương suy tư: “Nước ta bây giờ hơn 80 triệu dân, người tài tan đều vào khối đông đảo ấy, phải có chính sách nào để cả khối đông đảo đó được đặt trong vòng chọn lựa. Trong chiến tranh Đảng đã tin cậy trao cho mọi người dân khẩu súng để chiến đấu, nay hoà bình vẫn cần sự tin cậy đó khi trao công tác. Bất cứ một cơ chế nào, ở lĩnh vực nào hạn chế sự tham gia bình đẳng của các tài năng đều gây thiệt hại, không chỉ là thiệt hại cho người tài mà chủ yếu là thiệt cho đất nước. Nhân dân mới chính là người phải trả phí tổn cho thiệt hại đó. Người tài không được trọng dụng thì người ta sẽ không phấn đấu để thành tài. Mà lại phấn đấu cho cái được trọng dụng, thí dụ bằng cấp, thần thế… Số người có thực học trong giới gọi là trí thức bây giờ không nhiều đâu. Người ta làm mọi thứ, trừ học hành, để tiến thân”

*
Hiện nay trong guồng máy quản lý xã hội của chúng ta có nhiều chỗ bất cập. Cán bộ đông mà công việc ứ, nhiều sai lầm chậm được sửa chữa… Nhiều mặt công tác không đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến sự xuống cấp xã hội, làm nẩy sinh những hiện tượng hủ bại đáng kinh sợ. Có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu là thiếu người có tài năng, biết tháo gỡ, xoay chuyển được tình thế. Công tác cán bộ, tiêu chí, phương thức kén người tài rõ ràng có những điều cần được xem lại.
Nước ta bây giờ hơn 80 triệu dân, người tài tan đều vào khối đông đảo ấy, phải có chính sách nào để cả khối đông đảo đó được đặt trong vòng chọn lựa. Trong chiến tranh Đảng đã tin cậy trao cho mọi người dân khẩu súng để chiến đấu, nay hoà bình vẫn cần sự tin cậy đó khi trao công tác. Bất cứ một cơ chế nào, ở lĩnh vực nào hạn chế sự tham gia bình đẳng của các tài năng đều gây thiệt hại, không chỉ là thiệt hại cho người tài mà chủ yếu là thiệt cho đất nước. Nhân dân mới chính là người phải trả phí tổn cho thiệt hại đó.
Người tài không được trọng dụng thì người ta sẽ không phấn đấu để thành tài. Mà lại phấn đấu cho cái được trọng dụng, thí dụ bằng cấp, thần thế… Số người có thực học trong giới gọi là trí thức bây giờ không nhiều đâu. Người ta làm mọi thứ, trừ học hành, để tiến thân. Cần bằng thì chạy bằng, cần cơ cấu thì chạy cơ cấu, cần gì chạy được hết, trừ kiến thức, trừ tài năng. Người ta đúc kết: Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một phen. Lại tổng kết: May hơn khôn. Thế là đi lễ bái để cầu may chứ không phải vào lớp học để nên khôn. Không dám tin vào chính mình là dấu hiệu của suy thoái.
Người có công với xã hội thì xã hội cần phải đền đáp, đó là lòng biết ơn. Nhưng nên đền đáp bằng vật chất như tiền của, đất đai…Không nên, rất không nên, đền đáp bằng chức vụ. Vì chức vụ có ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Ưu tiên trong học hành cũng đừng ưu tiên bằng điểm số. Hãy ưu tiên bằng tạo điều kiện học: cấp thêm học bổng, cho học dài thời gian, khi nào đạt đúng chuẩn mực thì mới công nhận. Ưu tiên gì thì một mét cũng cứ phải là một trăm xăngtimet. Tám mươi, chín mươi đã coi là một mét sẽ rối loạn mọi giá trị xã hội. Mất chuẩn mực từ một lĩnh vực sẽ gây hiệu ứng đô mi nô tác động toàn xã hội, hậu quả khôn lường.
Đánh giá người tài là việc không dễ, nhất là ở thời điểm này khi bằng cấp không đo đúng trí tuệ, khi danh hiệu không nói đúng tài đức, thật giả lẫn lộn. Vì vậy để tìm được người tài đức lại cần có người tài đức.Tài để định ra thể chế chọn lựa, khoa học, sáng tạo và có tính khả thi. Đức để đứng vững trước mọi mua chuộc, sức ép, kiên định làm lợi cho dân nước. Bộ phận tổ chức cán bộ các cấp cần được kiện toàn. Trong kiện toàn cần coi trọng tính chuyên môn, với một lộ trình thật sự khoa học. Đối tượng công tác là con người, là tài năng không thể chung chung, cảm tính càng không thể thiên kiến, phân biệt đối xử, bất công phán xét.
Người phát hiện ra người tài, lại có cách dùng được cái tài ấy làm lợi cho dân cho nước mới đúng là người tài nhất trong số những người tài. Thời nào cũng được dân chúng biết ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét