Một trong những nhà máy điện do nhà thầu Trung Quốc thi công tại Việt Nam. (Hình: VNExpress) |
Tin của báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) cho hay, đồng thời với lệnh cấm này, chính quyền tỉnh Khánh Hòa cũng niêm yết danh sách “đen” này và gửi đến tận văn phòng các quận huyện, sở ngành trực thuộc.
Danh sách “đen” này đã được trích từ tin tức của Bộ Công Nghiệp và Công Nghệ Thông Tin Trung Quốc ban bố cuối tháng 7 vừa qua. Các nhà máy trong danh sách “đen” này đã bị loại bỏ tại địa phương vì thuộc loại gây ô nhiễm môi sinh, tiêu hao năng lượng, hiệu quả sản xuất thấp vì máy móc thiết bị lạc hậu.
Các nhà máy này thuộc 18 ngành nghề sản xuất gồm sắt, thép, hợp kim, than, calci carbua, điện phân nhôm, luyện kim đồng, chì, xi măng, giấy, rượu cồn, v.v.
Sợ rằng các công ty trực thuộc ham của rẻ và dễ xiêu lòng trước lời ngon ngọt của các công ty Trung Quốc, chính quyền tỉnh Khánh Hòa lập tức ra lệnh cấm “rước các của nợ Trung Quốc về xứ mình”.
Có lẽ Khánh Hòa là địa phương đầu tiên tại Việt Nam thẳng thắn bày tỏ sự thức thời trước hơn ai hết tại Việt Nam đối với “đàn anh Trung Quốc”.
Trước đó, tại cuộc hội thảo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 6 tháng 8, ủy viên tài chính và ngân sách Quốc Hội Việt Nam - Phạm Thị Loan cho biết có tới 90% dự án tổng thầu rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Ðây là các loại dự án cố vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp, vận hành thực hiện theo phương thức “chìa khóa trao tay” thuộc các ngành dầu khí, hóa chất, dệt, điện.
Báo mạng VNExpress cũng cho biết, bà Loan tiết lộ rằng Việt Nam cần thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng với trị giá 117 tỉ đô từ nay đến cuối năm 2025. Theo bà này thì “nếu các gói thầu trọng điểm tiếp tục rơi vào tay Trung Quốc thì vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc gia thực sự rất đáng lo ngại”. (P.L.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét