Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng về niềm tin

Thanh Phương
 
Việt Nam đang nỗ lực kềm chế lạm phát và ngăn chận đà sụt giá của tiền đồng, nhưng ngoài những mất cân đối lớn này, chính quyền Hà Nội còn phải chống một kẻ thù nguy hiểm hơn, đó là sự mất niềm tin của các tác nhân kinh tế. Đó là nhận định chung của hãng tin AFP hôm nay, 30/10/2011, trong bài nhận định về kinh tế Việt Nam.
Vào đầu năm nay, đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành một chính sách khắc khổ nhằm kềm chế lạm phát, mà trong tháng 9 đã lên tới 23% , giảm mức thâm thủng thương mại ( 12,4 tỷ đôla trong năm 2010 ) và giữ vững tiền đồng vốn đã bị phá giá đến 4 lần trong vòng 15 tháng qua.

Với lãi suất tín dụng hiện đã lên tới hơn 20%, các chuyên gia dự báo là tình hình trong 18 tháng tới sẽ rất là phức tạp. AFP trích dẫn một nhà đầu tư ngoại quốc ở Sài Gòn cho rằng : « Vấn đề hiện nay ở Việt Nam là sự khủng hoảng niềm tin. Cái giá phải trả rất lớn ». Theo nhà đầu tư này, chính sách khắc khổ là cần thiết.
Từ 20 năm nay vẫn chú tâm đạt mức tăng trưởng cao, vì ganh tỵ với thành công của nước Trung Quốc láng giềng, Việt Nam đã đối phó với khủng hoảng tài chính 2008 bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Các bong bóng đầu cơ hình thành khắp nơi. Biểu tượng cho sự phá sản của quốc gia, tập đoàn Vinashin đã đầu tư vào đủ mọi lĩnh vực để rồi cuối cùng rơi vào tình trạng gần như phá sản, với món nợ lên tới 4,4 tỷ đôla.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, được khai trương một cách long trọng năm 2000, đã chạm đáy. Tháng 8 vừa qua, chỉ số VN-Index đã rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, thấp hơn ba lần so với mức kỷ lục của năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông Jonathan Pincus, hiệu trưởng trường đại học tư Fulbright Economics, được AFP trích dẫn, ghi nhận : « Cũng như đối với các định chế khác, các cải tổ đã không theo kịp nhịp độ của nền kinh tế. Ai cũng thấy là cần phải có một chiến lược mới, nhưng họ không có một cơ cấu chính trị nhất quán ».
Trong một quốc gia mà chuyện gì cũng không minh bạch, khó ai có thể biết được thực trạng của nền kinh tế. Về mặt chính thức, lượng ngoại tệ dự trữ của Việt Nam chỉ đủ bảo đảm hai tháng nhập khẩu. Nhiều ngân hàng quốc doanh hiện đang kẹt rất nhiều nợ xấu và một số nhà quan sát lo ngại về hậu quả của một « Vinashin mới ».
Phòng Thương mại châu Âu vừa công bố chỉ số về môi trường kinh doanh, giảm sụt trong ba quý liên tiếp, cho thấy là « các biện pháp được thi hành để ổn định kinh tế hiện giờ đã không trấn an được giới doanh nghiệp ».
Hãng tin AFP nhắc lại là trong tháng Giêng vừa qua, chính quyền Việt Nam đã thừa nhận là cần phải có một mô hình kinh tế mới, nhưng lại không đưa ra hướng đi cụ thể nào.
Trước đây vẫn được mô tả là « con rồng châu Á » tương lai, Việt Nam đã phát triển kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên và nguồn nhân công dồi dào. Nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn chưa chuyển sang giai đoạn kế tiếp. Chuyên gia Jonathan Pincus phân tích : « Việt Nam vẫn cứ lao vào sản xuất thêm nhiều cà phê, gạo, hạt điều, áo thun và giày dép, nhưng vẫn chưa chuyển đổi sang một nền sản xuất có trị giá gia tăng cao ».
Về phần ông Dominic Scriven, chủ tịch tổng giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital thì cảnh báo : « Trong 5 năm trở lại đây, mô hình kinh tế đã bị mất cân đối. Vấn đề là tất cả mọi người có nhận ra điều đó hay không ».
Theo AFP, người dân Việt Nam thì dường như không mấy tin tưởng vào nền kinh tế và trong những tháng gần đây họ đã đua nhau mua vàng và đôla. Theo một nguồn tin ngoại quốc, ngay cả các ngân hàng nay cũng bán đi đồng tiền quốc gia.
Như nhận định của một nhà doanh nghiệp, xin được miễn nêu tên, « chính quyền Việt Nam nay đã bị dồn vào chân tường trước yêu cầu khôi phục cân đối kinh tế. Họ còn phải làm nhiều việc để chứng tỏ họ xứng đáng với trọng trách được giao ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét