Pages

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Một thiếu nữ Công giáo bị mất tích tại Hà Nội – Công an buộc người bị bắt cóc: Không được tiết lộ !?


Một thiếu nữ Công giáo bị mất tích
 tại Hà Nội

Chị Maria Phạm Thị Ngọc, một thiếu nữ Công giáo sau khi được an ninh Bộ công an mời đi uống café để nói chuyện, từ 18:00 pm, Chúa nhật, ngày 09.10.2011, đã bị mất liên lạc. Được biết Ngọc là bạn gái của anh Paulus Lê Sơn bị an ninh bắt cóc ngày 03.08.2011.
Mới đây, ngày 08.10.2011 Ngọc đã đến trại giam B14, Thanh Trì, Hà Nội để gửi đồ cho anh Lê Sơn, chị gặp một số rắc rối với công an trại giam nhưng cuối cùng vẫn gửi được đồ vào cho anh Lê Sơn.
Thời gian vừa qua công an liên tục theo dõi nơi Ngọc đang ở và chỗ chị làm việc. Từ 18:00 PM, Chúa Nhật ngày 09.10.2011 đến nay không ai liên lạc được với Ngọc. Theo nguồn tin riêng của VRNs hôm ấy Ngọc được công an khu vực phường Ô Chợ Dừa gọi lên để làm giấy tạm trú, nhưng từ đó đến nay không ai liên lạc được với Ngọc nữa.
Hiện tại chưa có thông tin gì về Ngọc. Gia đình Ngọc ngụ tại giáo xứ Ninh Hải, giáo phận Bùi Chu. Địa chỉ của giáo xứ là xã Nghĩa Thắng, huyện Hải Hưng, tỉnh Nam Định.


Tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ mất tích của công dân liên quan đến an ninh Việt Nam. Từ cuối tháng 07.2011 đến nay an ninh đã bắt 15 người trẻ Công giáo và giam giữ cho đến nay vẫn chưa tuyên bố họ bị giam vì lý do gì và bao giờ được đưa ra xét xử xem họ phạm tội gì. Trình tự bắt người của an ninh trong 16 trường hợp, nếu tính luôn cả chị Phạm Thị Ngọc là hoàn toàn trái pháp luật đang có hiệu lực tại Việt Nam.
Dân chúng Việt Nam chỉ có thể tin tưởng vào nhà nước khi những người nhân danh công an này bị xét xử theo đúng pháp luật trước khi xét xử những người trẻ dám bày tỏ chính kiến cá nhân của mình vì công ích quốc gia, vì sự thật, vì công bình và vì tình người.
PV. VRNs
=============================================

Công an buộc người bị bắt cóc: Không được tiết lộ !?

Hà Nội – Ngọc vừa được thả ra lúc 16:30, ngày 12.10.2011, sau hơn 3 ngày bị bắt cóc.
Vừa nhận được tin, VRNs đã liân lạc với Ngọc và được cho biết những ngày qua cô bị công an bộ bắt và đưa đến một nơi ở có máy điều hoà, được ăn uống tử tế. Khi chúng tôi hỏi, họ bắt bạn vì lý do gì, hoặc họ hỏi cung bạn về những vấn đề gì? Ngọc cho biết, trước khi về, công an đã bắt Ngọc ký cam kết không được tiết lộ nội dung làm việc.
Theo tin VRNs đã đưa, chiều ngày 09.10.2011, Ngọc bị công an “mời đi uống café”, rồi sau đó không ai liên lạc được với Ngọc nữa. Sự mất tích của Ngọc trong hơn ba ngày qua làm cho gia đình, bạn bè và những người quan tâm đến thanh niên Công giáo rất lo lắng.
Một ông trung niên ở Hà Nội cho biết: “Bây giờ cứ mất tích là công an bắt cóc !” Điều này hoàn toàn đúng, khi chiều nay gặp Ngọc, và được Ngọc xác nhận công an bắt.
Về phía công an, họ đưa ra lập luận rằng làm như thế không thể gọi là bắt cóc, mà phải gọi là mời. Vì bắt cóc sao lại cho ở phòng máy lạnh, được ăn uống tử tế ?!
Đầu tháng 06.2011, blogger Người Buôn Gió, từ Hà Nội vào Sài Gòn tham dự sự kiện Ngày truyền thông Công giáo lần thứ 45 đã bị công an bắt cóc ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, không một ai kể cả gia đình biết tình trạng của anh thế nào, cho tới ngày anh đươc thả và bị buộc về lại Hà Nội ngay. Khi bị bắt cóc, anh cũng được đưa đến một khách sạn ở quận Tân Bình. Sáng có người đưa ra quán ăn sáng, uống càfe, mua báo đọc, công an trả tiền… Cả ngày có người canh chừng.
Công an cũng dùng lập luận tương tự rằng họ không bắt, mà chỉ mời Người Buôn Gió làm việc!?
“Mời làm việc”
Theo Từ điển Tiếng Việt, do Trung tâm khoa học xã hội nhân văn biên soạn, được nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn ấn hành năm 2005 thì “Mời” là “Bày tỏ mong muốn ai đó làm việc gì với thái độ lịch sự” (tr. 783).
- “Bày tỏ mong muốn” của một người với một người khác không bao giờ bao hàm ý nghĩa ép buộc người nghe phải làm theo như một mệnh lệnh. Tức người nghe có toàn quyền từ chối “mong muốn” đó. Ở trường hợp của Người Buôn Gió trước đây và của Ngọc mới đây là không thể từ chối thực hiện “mong muốn”. Sự việc như một tên cướp đến tiệm vàng chỉ vào tủ nói với chủ tiệm: “Tôi mong muốn bà gom hết vàng lại cho tôi !” Tất nhiên, mong muốn này không thể chấp nhận, nhưng chỉ cần bà lắc đầu tỏ ý từ chối thôi, thì thanh thép trên cổ có thể làm cho máu bà tưới áo. Những ai “mong muốn”, mà dùng mọi biện pháp không cho người ta từ chối là bọn cướp, quân khủng bố.
- Còn “làm việc với thái độ lịch sự” thì ai cũng hiểu, người được mời làm việc phải được tôn trọng những riêng tư như không thể bắt người ta khoá điện thoại, cấm người ta thông báo cho người thân hay bất kỳ ai người ta muốn rằng người ta đang ở đâu và làm việc hay đang chơi với ai. Nhất là người ta có quyền tham gia quyết định số giờ người ta muốn làm việc với người mời họ và người ta cũng toàn quyền quyết định nên qua đêm ở đâu. Cả hai trường hợp của Người Buôn Gió và Ngọc đều bị khống chế điện thoại, đều không được thông báo tình trạng, nơi bị giam giữ cho người thân gây ra hoang mang lo lắng, và nhất là không được quyền chọn lựa nơi mình nghỉ ngơi qua đêm. Chỉ những ai bắt cóc người khác mới hành động như thế.
Như vậy không thể gọi là “mời” Ngọc hay Người Buôn Gió đi làm việc, mà phải gọi là bắt cóc có tổ chức, tức là hành vi vi phạp pháp luật ở mức cao chứ không phải như vô tình hay tình huống chẳng đặng đừng.
Việc bắt cóc là một việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, nên những người bị bắt cóc, vì an toàn cho tính mạng và mong muốn sớm được giải thoát, có làm bất cứ một thoả thuận nào dưới bất cứ hình thức nào đều không có giá trị pháp lý, tức không buộc phải thực hiện.
Công an hay người bắt cóc hay bọn khủng bố không có quyền ra lệnh cho một công dân.
BẮC DU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét