Pages

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Những chuyện gây xôn xao dư luận giới blogger


AFP photo
Một con đường mới được xây dựng dẫn ra
biển ở thành phố Đà Nẵng chụp hôm 16/2/2011.



Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-10-11
Chuyến Hoa du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra và được công luận chú ý, nhất là giới bloggers.



 

Láng giềng phương Bắc

Nhưng xem chừng như họ không hy vọng diễn biến này mang lại những gì khả quan cho quê hương sau khi các quan chức ngoại giao, quốc phòng VN “đi tiền trạm” sang Hoa Lục để - nói theo lời blogger Bùi Tín – “đón nhận chỉ thị hiểu biết chung, cam kết chung: giải quyết mọi tranh chấp bằng đàm phán song phương, không để nước thứ ba can thiệp vào chuyện biển, đảo, còn đưa ra lời bảo đảm từ nay sẽ không để xảy ra tụ tập đông người”.


Vì chuyến đi sang Tàu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa kết thúc nên thực chất của thoả thuận hai bên lần này chưa biết ra sao, nhưng lời than phiền của blogger Hà Văn Thịnh về “những đồng thuận trời ơi đất hỡi” trước đó hẳn là một lời cảnh báo, nhất là sau khi diễn ra cảnh mà blogger Bùi Tín nhận xét rằng “Phía Trung Quốc càng thêm yên lòng khi nhìn thấy cảnh ông tổng Trọng ôm rất chặt, rất lâu ông Đới Bỉnh Quốc như không thể nào lâu hơn, chặt hơn và cảnh ông thủ tướng Ba Dzũng mặc đồng phục tự nguyện - cùng áo kẻ sọc, cùng cà-vạt màu hồng nhạt, như 2 anh em song sinh - khi đón ông đại đồng chí họ Đới tại Hà Nội. Quả thật cử chỉ có khi nói nhiều hơn những bài diễn văn dài”.
Qua bài “Mang quà gì sang Bắc Kinh”, blogger Bùi Tín lưu ý:
"Sử ta có ghi chép nhiều chuyện vui và sâu sắc về các sứ thần ta đi sứ sang phương Bắc và đối đáp rất thông minh, sâu sắc và hóm hỉnh với các vua chúa Đại Hán. Lần này, nếu như quả thật ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, thật sự là con cháu của các nhà yêu nước tiền bối Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung, mong ông sẽ mang sẵn trong túi áo một phẩm vật có ý nghĩa để gửi biếu (trả lại) Bắc Triều.
Đó là bài báo của Trung Quốc in trên tờ báo mạng Hoàn Cầu ngày 30-9-2011, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được coi là tiếng nói của đảng CS Trung Quốc, có chủ đề là: dạy cho Việt Nam và Philippines một bài học đạo đức bằng vũ lực….
Mong rằng ông tổng Trọng sẽ gửi lại tận tay ông Hồ Cẩm Đào bài báo trên với một câu hỏi nhẹ nhàng: Toàn thể nhân dân Việt Nam chúng tôi… xin hỏi quý vị bài báo này có phản ánh đúng lập trường của quý vị hay không, xin quý vị cho biết rõ để chúng tôi trở về báo cáo lại cho toàn dân chúng tôi."
Nhưng người dân Việt e rằng nội dung chuyến Hoa du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lại “bí ẩn” như nhận xét của blogger Nguyễn Hữu Vinh rằng "nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện chính sách bưng bít thông tin về vận mệnh đất nước, về lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, bịt miệng báo chí trong khi báo chí bọn xâm lược ngang nhiên kêu gọi đem quân xâm lược Việt Nam cách công khai”.

Người bạn Ấn Độ

Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang TQ thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Ấn Độ. Qua bài “Anh Tư đi Ấn”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét rằng nhiều người rất vui vì Ấn Độ là quốc gia “kỳ vỹ theo nhiều nghiã mà VN rất cần phải chơi thân”. Và blogger Huỳnh Ngọc Chênh phân tích:
"Không phải chỉ vì lúc này ta đang khó với bọn bành trướng phương Bắc mà ta cần đến sự giúp sức của Ấn để quân bình cán cân quyền lực ở Biển Đông. Hơn ai hết, Ấn Độ là quốc gia xứng đáng để về lâu về dài ta nên kết bạn để học hỏi.…

034_898830-250.jpg
Hải cảng Mumbai ở Ấn Độ. Eurasia Press / Photononstop
Bề dày văn hóa nhân bản từ ngàn đời, tư tưởng bất bạo động hiền hòa, nền dân chủ lành mạnh đã tạo nên một Tinh thần Ấn Độ trong thời đại mới. Tinh thần đó đang mang lại ấm no hạnh phúc cho người dân Ấn Độ và giúp Ấn Độ vươn ra chinh phục tình cảm của nhiều nước láng giềng và trên thế giới. Đạo Phật của Ấn Độ thời xưa đâu có cần tấp nập gởi các tu sĩ ra bên ngoài kèm theo tiền nong và súng đạn mà vẫn lan tỏa ra khắp các nước Đông Á đó sao.

Lần nầy anh Tư du Ấn, ngoài việc thúc đẩy tăng cường các mục tiêu hợp tác chiến lược để đối phó với tình hình trước mắt thì cũng nên nghĩ xa hơn cho sự hợp tác lâu dài giữa hai dân tộc là quan tâm đến Tinh Thần Ấn Độ. Và nếu anh thỉnh được cái tinh thần ấy về Việt Nam thì hạnh phúc biết bao cho dân ta. Công ơn của anh sẽ được ghi nhớ đến ngàn đời không thua kém gì Đường Thái Tôn và Huyền Trang Bồ Tát."
Lần nầy anh Tư du Ấn, ngoài việc thúc đẩy tăng cường các mục tiêu hợp tác chiến lược để đối phó với tình hình trước mắt thì cũng nên nghĩ xa hơn cho sự hợp tác lâu dài giữa hai dân tộc là quan tâm đến Tinh ThầnẤn Độ.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Trong mấy ngày qua, báo chí trong nước cùng công luận xôn xao chuyện Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng đã cách chức tại chỗ ông Đặng Hồng Cương, Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng vì vấn đề thi công dự án chậm tiến độ. Nhưng ông Cương “thoát chết” khi vẫn được làm “cố vấn bên cạnh BQL dự án, khiến blogger Cánh Cò mô tả rằng “Dĩ nhiên muốn trảm tướng thì bản thân của người ra lệnh phải cao hơn tướng mới trảm được! Mà trảm theo kiểu của ông Đinh La Thăng thì phải nói ông đã dùng mã tấu bằng ... gỗ! Kiểu trảm của ông khiến người đọc báo có cảm giác đang xem một phim hài trong thời đại kinh tế cực kỳ... “phản động” ".

Khi ông Bộ trưởng ra oai

Chuyện Bộ trưởng Thăng “trảm tướng tại trận”, “làm cuộc cách mạng giao thông” như vậy cũng gặp nhiều phản hồi của giới bloggers, từ Huy Đức, Trương Duy Nhất cho tới Lê Dũng, Cánh Cò. Chẳng hạn như blogger Lê Dũng thắc mắc:
"Việc anh Thăng trước khi ra quyết định ỏm tỏi như báo đã đăng thế kia liệu sau khi quay về Hà nội thì anh có nghĩ lại hay không?
Trước khi anh trảm tướng tại trận, chả biết anh đã đọc các hợp đồng ký tá giữa các bên hay chưa, điều khoản nào cho phép đích danh anh cách chức chỉ huy trưởng, khoản nào cho phép anh yêu cầu điều cán bộ có kinh nghiệm từ dự án sân bay Cần thơ hay gì đó nữa tập trung ra Đà nẵng? khi các dự án sân bay này khởi công thì anh Thăng đang làm gì, ai đang điều hành ở vị trí anh Thăng lúc ấy?…
Thế nên việc anh Thăng làm theo mình chỉ gây ra tác dụng ngược... Nếu anh Thăng vẫn cho việc anh ta trong lúc đó do đang bực bội việc gia đình, đang bị bà con chém gió trên mạng chê vì anh định tư vấn cấm xe máy, cấm này cấm nọ, đòi được trao gươm ra trận.v.v… nên giận cá chém thớt ? theo mình rất không nên.…
Tóm lại việc chém gió chém bão như vậy của anh Thăng theo mình là hơi ẩu, thiếu kiềm chế tình cảm, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý dự án và chỉ thể hiện cái oai của cái ghế mới nhận. Nó khẳng định thêm việc ở Việt Nam cái kiểu: mày biết tao là ai không vẫn đang ngày càng nở hoa trăm miền."
Nhắc đến chuyện “anh Thăng định tư vấn cấm xe máy, cấm này cấm nọ”, blogger Đinh Mạnh Vĩnh lưu ý “Ông Đinh La Thăng nói thì giữ lời nha!”, và nhắn gởi:
Tóm lại việc chém gió chém bão như vậy của anh Thăng theo mình là hơiẩu. Nó khẳng định thêm việc ở Việt Nam cái kiểu: mày biết tao là ai không vẫn đang ngày càng nở hoa trăm miền.
Blogger Lê Dũng
"Ông Thăng tỏ ra là một người quyết đoán, khi cho biết ý định đi xe "bít" (ít nhất) một lần một tuần, nhưng không cho biết sẽ đi trong bao lâu. Một tháng? Một năm? Đi cho đến khi nào vậy ông Thăng?... Ông là ông Bộ trưởng Bộ GTVT. Nói thì nhớ giữ lời nha: "Là bộ trưởng, nếu làm không được thì tôi cũng phải chấp nhận nghỉ".
Ông Thăng làm tôi "nhớ" ông Dũng quá! Hồi ông Dũng lên nhậm chức Thủ tướng cũng nói: Kiên quyết, kiên trì, kiên gan, kiên trung, kiên nhẫn, kiên hầm bà lằn gì đó để... chống cho bằng được (mấy cái vụ) tham nhũng, nếu (ổng) làm hổng có được thì xin từ chức, nhưng dân (tộc ít người) tôi quên xin ổng (cái) thời hạn cụ thể. Hèn chi! ổng tiếp tục tái đắc cử lần nữa thì tôi cũng hổng có nói được, mặc dù (cái bụng) tôi muốn nói lắm! Vì biết mình "lỡ dại", giờ hỏi thì sợ ổng la: "Sao hồi đó hổng hỏi? Hồi đó hổng hỏi thì thôi chứ bây giờ hỏi cái gì?".
Thôi kệ, chắc ổng kiêng... kỵ gì đó (nên làm hông có xong)! Đành thông cảm vậy! Giờ rút kinh nghiệm, ông Thăng cho tôi xin (cái) thời hạn được không ông, chứ nói theo kiểu ông Dũng tôi thấy huề trớt quá hè!"

“Người đẹp tội gì”


lynhaky-yeudulich.vn-250.jpg
Đại sứ Du lịch đầu tiên của Việt Nam, người đẹp Lý Nhã Kỳ. Photo courtesy of yeudulich.vn
Có lẽ một tin nữa gây xôn xao dư luận là chuyện người đẹp Lý Nhã Kỳ - một người mẫu quảng cáo, diễn viên điện ảnh nổi tiếng qua vai Diễm Kiều trong loạt phim truyền hình “Kiểu nữ và đại gia” - được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch đầu tiên của Việt Nam. Qua bài “Người đẹp tội gì”, blogger Quê Choa mô tả anh chồng tên Ngu Ngơ mắt bỗng “sáng như sao” khi chị vợ tên Mũm Mĩm ném tờ báo bảo đọc đi một “chuyện chẳng ra làm sao, “chuyện dở hơi chập mạch” với hình “nhìn cứ chết mê” của người đẹp Lý Nhã Kỳ. Tác giả mô tả:

"Mũm Mĩm kéo mũi Ngu Ngơ, nói bảo đọc báo thì xem cặp tuyết lê, lại còn hả hê, rõ là giống dê. Ngu ngơ kêu oai oái, nói báo có gì quan trọng đâu nào. Chuyện Lý Nhã Kỳ được chọn làm đại sứ du lịch có gì ghê gớm đâu, sao thiên hạ kêu la rầm trời vậy ta? Mũm Mĩm lườm Ngu Ngơ, nói thế mà cũng nói. Bổ nhiệm một đại sứ du lịch đâu phải mua mớ cá chọn mớ tôm, muốn sao cũng được. Nó là thể diện quốc gia, không thể chọn loại đầu óc ngu si tứ chi phát triển."
Nhưng anh Ngu Ngơ cãi lại rằng cổ có 3 ngoại ngữ, có bằng đại học ở Đức - Bộ Văn hoá khẳng định như vậy, thuộc giới nổi tiếng, giao tiếp tốt, đẹp, hấp dẫn, quyến rũ, lôi cuốn và “quý hiếm”. Và tác giả bài blog “Người đẹp tội gì” có đoạn kết:
"Mũm Mĩm lườm Ngu Ngơ, nói biết ngay mà, các ông bênh cổ vì cổ có bộ ngực hiếm. Ngu Ngơ nhăn răng cười, nói còn các bà hễ thấy ai có ngực quí hiếm thì ghen lồng ghen lộn. Giống bà hoàng hậu trong chuyện Bảy chú lùn, mỗi khi đứng trước gương Mũm Mĩm lại ngâm nga:
Gương kia ngự ở trên tường
Thế gian ai ngực được dường như ta."
Té ra tội người đẹp là vì có bộ ngực quí hiếm, phải không phải không ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét