Pages

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Những nghề “lạ” ở trong nước

ThoibaoCanada
alt
- Đoàn Dự ghi chép
Thưa quý bạn, về Việt Nam chơi, quý bạn sẽ kêu um cả lên là chả thấy có gì cả, chỉ thấy toàn xe gắn máy và bụi thôi. Có đấy quý bạn ạ, nếu đi sâu vào đời sống hỗn tạp tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, chỉ riêng về các nghề, chúng ta đã thấy có nhiều nghề rất “lạ” có lẽ chỉ xuất hiện ở Việt Nam chứ các nước khác trên thế giới chưa chắc đã có. Đấy, Việt Nam chúng ta “ưu việt’ là ở chỗ đó. Bây giờ xin mời quý bạn coi chơi cho biết…
1. “Nghề” làm mẫu mặt
“Làm mẫu mặt” là tên gọi của công việc làm người mẫu tại các lớp trang điểm đang rất ăn khách tại Hà Nội và Sài Gòn. Nghề này thu hút các cô gái thích được trang điểm nhưng ít có điều kiện về tài chánh. Họ chỉ phải ngồi bất động mỗi buổi vài tiếng đồng hồ để làm người mẫu cho các học viên bới tóc, tô son trát phấn lên mặt theo sự chỉ dẫn của người dạy. Tiền công trả cho người mẫu do nhà trường chịu và đã tính trong học phí (tới vài triệu đồng một khóa), học viên không phải trả.

Mức lương dành cho công việc này khá rẻ, chỉ 25,000 đồng/giờ, nhưng những người làm mẫu đa số đều là sinh viên hoặc học sinh lớp 11, lớp 12, họ thích làm để kiếm thêm chút đỉnh tiền xài vậy thôi. Một nữ sinh viên nói: “Gọi là công việc chứ thật ra mình chỉ ngồi để các học viên trang điểm, cho nên họ muốn trả thế nào cũng được, mình không phàn nàn”.
Công việc tuy đơn giản nhưng sự thực cũng có mặt trái của nó. Một cô làm mẫu giàu kinh nghiệm trong lãnh vực này cho biết: mỹ phẩm được sử dụng tại các lớp học thường là hàng Trung Quốc, chất lượng rất kém, hoặc đã quá hạn sử dụng từ lâu nên rất độc hại cho da. Từng có những chị da bị dị ứng, nổi mụn, mẩn đỏ hoặc nặng hơn phải đến chữa tại Bệnh viện Da liễu, tiền công nhận được không đủ để trả tiền thuốc men, điều trị.
Các “tai nạn” như vậy rất hay xảy ra và hầu như tất cả các cô làm “nghề” này đều biết, nhưng số người theo “nghề” không hề giảm bớt, nguyên nhân chỉ vì nghèo, không có tiền xài: “Bây giờ kiếm được công việc làm thêm rất khó, rõ ràng là làm mẫu mặt nhàn hơn là làm nhân viên quảng cáo, phải mặc đồng phục in chữ lớn, đeo tấm bảng trên lưng, đi bộ trên hè phố cho mọi người thấy, bởi vậy nên mình muốn làm để có chút đỉnh thu nhập”.
2. ‘Nghề” đọc sách mướn
Gần đây, “nghề” đọc sách cho người già hoặc người bệnh là công việc được nhiều sinh viên ưa thích, bởi vì nó có vẻ “trí thức” hơn và tiền công cũng cao hơn, tới 50,000 đồng/giờ (tức khoảng 2.50 Mỹ kim), còn thời gian đọc dài bao lâu thì… tùy người nghe.
Một nữ sinh viên cho biết: “Mình thấy việc này rất thú vị, bởi vì mình đã được thưởng thức trong khi đọc sách lại còn được tiền. Nếu giỏi tiếng Anh và may mắn được Trung tâm Giới thiệu Việc làm Sinh viên tìm được các ông cụ bà cụ Việt kiều từ nước ngoài về hay các cụ ngoại quốc đi du lịch, mắt kém nhưng thích nghe đọc sách thì hết sẩy, tiền họ sẽ trả gấp hai hay gấp ba lần và mình càng tiến bộ hơn”.
Một nữ sinh viên tên Thảo Ly cho biết: “Có bà cụ già cô đơn, muốn mình ở chơi với cụ cho có bạn và đọc sách cho cụ nghe cả ngày, tiền bạc cụ trả rất rộng rãi nhưng đến giờ mình phải về đi học. Ngược lại, cũng có cụ mình chỉ mới đọc được 30 phút thì cụ đã bảo về để cụ ngủ, ngày mai tới đọc tiếp. Cụ không biết rằng từ chỗ mình trọ mãi tận Thủ Đức đến chỗ cụ ở thuộc khu Đầm Sen, xa hơn 20 cây số, mình chạy xe mệt muốn chết”.
Một nữ sinh viên khác cho biết cô đã gặp một cụ ông ngoài 80 tuổi nhưng còn rất tráng kiện, da dẻ đỏ tía hây hây, cụ thích nghe đọc truyện Kim Bình Mai của Vương Thế Trinh là một bộ dâm thư dày hơn 500 trang cô cũng phải đọc, vừa đọc vừa mắc cỡ đỏ mặt. Trong khi đó, người bạn cô thì lại gặp một cụ ông cũng ngoài 80 tuổi nhưng thích loại truyện trinh thám mà cô không thích. Cô đọc như một sự bắt buộc mà vẫn phải lên giọng xuống giọng làm như mình thích đọc lắm cho cụ vừa lòng.
3. “Nghề” vỗ tay thuê
Mấy năm gần đây, khi các đài truyền hình nở rộ những game-show thì cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện một “nghề” mới: nghề vỗ tay thuê!
Ngay cả các show rất ăn khách, đã có từ lâu như Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng v.v… người ta cũng thuê một số thanh niên, thiếu nữ, cho ngồi chung với khán giả để vỗ tay và cười nói, hoan hô những khi cần thiết cho được xôm tụ. Riêng các chương trình ca nhạc thì ôi thôi, mỗi ca sĩ có một số lượng rất đông các “fan” vỗ tay của họ. Ca sĩ càng hát dở bao nhiêu càng phải tốn tiền thuê bọn choai choai đến coi để giơ hai tay lên, đưa bên nọ, đưa bên kia theo hiệu lệnh thật đồng bộ, thật “dzui dzẻ” để mọi người lầm tưởng rằng ca sĩ đó rất được giới trẻ ái mộ, có các “fan” đông lắm, đang ủng hộ nhiệt tình phát điên lên được. Sự thực, các “fan” ở đây chỉ là những thanh niên, thiếu nữ được thuê mà thôi. Tính ra, với giá thuê vỗ tay dù “bèo’, chỉ 50,000 đồng hoặc 70,000 đồng/người cho một show diễn tức một hay hai bản, lại còn phải chi cho những người múa minh họa nữa, tiền cát-sê vài trăm ngàn đồng/bản, các ca sĩ thuộc hạng chưa nổi tiếng phải bù vào đó rất nặng nên họ nghĩ ra cách kết hợp với nhau, cùng thuê chung những người vỗ tay và các ban múa cho đỡ tốn kém.
Riêng các ca sĩ “ngôi sao” như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường, Cẩm Ly, Thanh Thảo, Hồ Ngọc Hà v.v…, mỗi người có rất đông những người hâm mộ “thứ thiệt” của họ nên không cần phải thuê người vỗ tay nhưng họ cũng phải mua vé cho số người hâm mộ này vào coi để reo hò ủng hộ cho mình. Giá trung bình khoảng 100,000 đồng/vé (với sự nhân nhượng của ban tổ chức để bảo đảm số lượng người coi), tính ra số tiền đó không phải là nhỏ. Mới đây, có hai ca sĩ được giới showbiz (show-business, giới ca nhạc) Hà Nội bốc thơm lên là đại danh ca (diva; tiếng này chỉ dùng cho nữ thôi nhưng họ cũng dùng cho cả nam luôn. Tôi nhớ, ngày trước bà Thái Thanh cũng chỉ được gọi là danh ca chứ chưa được gọi là diva. Hà Nội hay “bốc thơm” lắm); một người thì chuyên môn hát phá nhạc, nhạc của người ta như thế nào cô ta ỷ vào tài nghệ và tiếng tăm ‘diva” của mình, hát khác hẳn đi, chỗ lên cao thì xuống thấp, chỗ xuống thấp thì lên cao, rồi đổi cả lời, khán giả nghe chịu không nổi; còn người kia thì từ ăn mặc cho đến cử chỉ, cách hát v.v… đều “ma quái”, coi rất rùng rợn và kệch cỡm. Hai người từ Hà Nội bay vào Sài Gòn, tổ chức một đêm ca nhạc duy nhất tại nhà hát lớn nhất và danh tiếng nhất Sài Gòn, giá vé cao khủng khiếp, từ 1 triệu đồng tới 2 triệu đồng/vé. Dân Sài Gòn vốn không ưa gì hai ‘diva” này và giá vé cũng quá cao nên chẳng mấy người đi coi. Nhưng… vẫn bán hết vé và vẫn đông kín rạp. Thì ra, hai “đại danh ca, đại thần tượng” thấy vé bán ế quá nên bèn bí mật ra lệnh cho ban tổ chức tặng vé… miễn phí cho cánh choai choai để đỡ mất mặt.
Cơ hội được gặp các “sao” và coi ca nhạc hoặc được lên đài truyền hình (dù chỉ có hai cánh tay giơ cao, đưa bên nọ đưa bên kia đồng loạt, không trông rõ mặt) chính là sức mạnh thu hút giới trẻ đi vỗ tay thuê mặc dầu tiền thuê khá “bèo”!
4. “Nghề” thanh nữ hớt tóc
Để hiểu rõ hoạt động của loại hình “thanh nữ hớt tóc” nhưng… không hề biết hớt tóc, chúng ta phải “xâm nhập thực tế” thì mới biết rõ tình hình.
Ở khu vực thuộc các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Quận 3, Quận 10… nơi nào cũng có các tiệm “thanh nữ hớt tóc”, và vào bất cứ tiệm nào, dù quen hay lạ, khách cũng được các em đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Mỗi tiệm có tới vài chục em xinh như mộng, cười nói tíu tít, vui vẻ mời chào.
Cái bí mật và sự hấp dẫn là ở chỗ mang danh cửa tiệm “thanh nữ hớt tóc” nhưng các em không hề biết hớt tóc và đàn ông cũng chẳng ai dại gì lại đem cái đầu tới cho thanh nữ hớt. Vậy thì họ đến đây làm chi? – Khó nói lắm quý vị ạ. Không nói quý vị không hiểu mà nói thì ngay chính bản thân Đoàn Dự cũng thấy ngượng miệng, không thể nói được. Thôi thì tôi cứ diễn tả sơ thế này rồi quý vị tưởng tượng thêm ra sẽ hiểu những gì diễn ra trong các tiệm “thanh nữ hớt tóc”. Sex đến mức tột cùng không thể sex hơn được nữa. Quý vị thử coi những bức hình sau đây, rõ ràng là các em rất đông, ăn mặc ngắn ngủn, đồng phục trông thật gợi cảm với những cái miệng xinh xắn cười tươi như hoa. Nhưng hỡi ôi, những cái miệng đó… trong các tiệm “thanh nữ hớt tóc” các em không thể bán… được, bởi vì làm như thế sẽ bị bắt, tiệm bị đóng cửa, chủ sẽ bị phạt rất nặng và bị truy tố ra tòa về tội tổ chức mại dâm. Chủ cũng sợ nên dạy cho các em… bán miệng, việc này xem ra rất mất phẩm giá nhưng họ phòng bị khéo léo, ít khi bị bắt.
Các tiệm thanh nữ hớt tóc lớn thường ở ngoài mặt đường, có chỗ giữ xe, nhà chủ không lấy tiền giữ xe. Tầng trệt bày biện y hệt một phòng hớt tóc, nghĩa là cũng có hai hay ba chiếc ghế nệm, gương lược và vài bộ đồ hớt tóc nhưng hễ có anh chàng ngớ ngẩn nào thò đầu vào đây với mục đích hớt tóc thật thì sẽ được chủ nhà trả lời là chỉ có thợ gội đầu thôi, các cô thợ lành nghề bữa nay bận việc không đến, người khác hớt sợ sẽ xấu, khách không hài lòng. Chủ đã nói thế thì có anh nào còn dám đòi hớt nữa. Còn nếu khách quen, đến với mục đích khác thì chủ sẽ mời đi thẳng vào bên trong. Các em đông tới hai hay ba chục người, chủ sẽ gọi ra cho khách chọn lựa. Khách có thể chỉ chọn một em hay cùng một lúc hai, ba em càng tốt, càng đáng mặt “đại gia”. Các em đã được chọn lựa dẫn khách lên lầu.
Các tầng trên đã được ngăn ra thành những “phòng” nhỏ, kín đáo. Mỗi “phòng” có một chiếc giường nệm đủ cho khách nằm rộng rãi. Các em sẽ cởi giùm khách áo ngoài kể cả áo lót, còn quần và ‘underwear” thì chỉ kéo xuống quá đầu gối để đề phòng trường hợp có chuông báo động – việc này rất ít khi xảy ra – ngay lập tức các em sẽ kéo lên trong chớp mắt, khách vẫn thơ thới hân hoan, coi như đang nằm mát xa, gội đầu, nghỉ ngơi, thư giãn. Thôi thì tay, miệng, đủ cả, các em vừa “làm” vừa “mát xa” cho khách ở những chỗ nhạy cảm nhất. Khách lim dim mắt nhưng sự thực là các bắp thịt rung lên từng chập, cơ thể quằn quại, rên rỉ như người sắp chết.
Một cuộc “đi chơi hớt tóc” như vậy tốn kém vào khoảng 180 ngàn đồng, tức cỡ non 10 Mỹ kim, gồm 80 ngàn đồng tiền “vé lên lầu” và 100 ngàn đồng tiền ‘bo” cho một em nếu chơi theo kiểu thông thường là chỉ “thuê” có một em duy nhất.
5. “Nghề” nhổ tóc bạc
Người khách nằm trên ghế nệm, nhắm mắt, chân lắc lư theo tiếng nhạc du dương. Thiệt, ngay đến ông dzua ngày trước cũng chẳng bằng. Bởi vì có người nhổ tóc trong khi mình nằm thư giãn và lim dim ngủ thì sướng lắm, nhất là người nhổ lại là một em mặc áo hai dây, da thịt mát rượi, hai cánh tay trần kề trên vai anh, bộ ngực nõn nà mềm mại “vô tình” ép vào đầu anh. Ôi chao, nếu ‘em” nhổ cả tóc ngứa, tóc bạc lẫn tóc không ngứa, không bạc, thì anh cũng chẳng biết đấy là đâu và anh vẫn khoái như thường. 60,000 đồng tức cỡ 3 Mỹ kim/giờ được “làm thượng đế” đâu phải là mắc?
Biết được chỗ yếu của cánh đàn ông và thấy rõ lợi nhuận từ dịch vụ “nhổ tóc bạc” nói trên, nhiều tiệm massage, tiệm gội đầu, hớt tóc ở Sài Gòn, hay ở Hà Nội cũng nhanh chóng “thi đua” với các tiệm nhổ tóc bạc chính cống bằng cách thiết lập thêm căn phòng có kê vài ghế “nhổ tóc bạc”, với giá rẻ nhất là 30,000 đồng, mắc nhất là 60,000 đồng/giờ.
Nằm trên đường Lê Văn Thọ thuộc quận Gò Vấp, Sài Gòn, tiệm gội đầu kiêm nhổ tóc bạc Thanh Vân tương đối sang trọng và khá đông khách. Ở ngay trước cửa, chủ tiệm cho dựng tấm bảng mời chào rất ư văn chương, chữ nghĩa: “Cuộc sống hiện đại khiến quý vị có nhiều điều phải bận tâm lo nghĩ. Chính điều đó là nguyên nhân gây cho tóc bị bạc sớm, bị sâu hay còn gọi là tóc ngứa. Việc nhổ có thể do vợ chồng, người thân hay chính con cháu của quý vị. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể nhờ vả được. Xin hãy đến đây với tiệm Thanh Vân”.
Trong trang phục váy ngắn, áo hai dây, những cô gái trẻ thân mật mời chào, anh anh em em, khi khách ghé vào. Nhẹ nhàng đỡ khách nằm lên chiếc ghế nệm giống như ghế trong tiệm hớt tóc, các em vừa nhổ tóc bạc vừa thủ thỉ kể cho khách nghe những chuyện trên trời dưới đất, “con voi đẻ ra con chuột, con chuột đẻ ra con voi” ở nơi quê nhà, khiến khách lim dim ngủ. Mỗi phút “ngủ” như vậy là 1,000 đồng, một giờ tức 60 phút là 60, 000 đồng (cỡ 3 Mỹ kim), khách không hề tiếc!
Dù khách có nhiều hay ít tóc bạc thì các em vẫn cứ nhổ được như thường, bởi vì đang lim dim ngủ, khách đâu có biết các em nhổ tóc sâu, tóc xanh hay tóc bạc, cho nên cứ ngủ ngon lành, lúc tỉnh dậy mới biết đã ngủ cả tiếng đồng hồ, hóa đơn theo đó tăng lên và tiền “bo” cho các em cũng tăng lên.
“Đã vào đây ngủ quên hai ba tiếng đồng hồ là chuyện bình thường”, một vị khách vẫn quen đi “nhổ” đã nói như vậy.
Tại một tiệm ở đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, giữa cái nắng gay gắt, một người đàn ông trạc 40 tuổi đi chiếc xe SH bóng loáng tấp vào. Đặt chiếc túi xách xuống bàn, người khách liền nằm lên chiếc ghế, lắc lư từng nhịp chân, đôi mắt lim dim theo tiếng nhạc. Cô gái tiến lại mân mê, dùng nhíp bới từng sợi tóc, nhổ từng sợi bạc, sợi sâu… miệng không ngừng thỏ thẻ: “Tóc anh bạc nhiều rồi đấy, thỉnh thoảng đến đây em nhổ cho. Em nhổ “mát tay” (?) lắm…”. Sau hơn một tiếng đồng hồ, người đàn ông đứng dậy trả tiền. Giá được tính 80,000 đồng chưa kể tiền “bo” tùy khách.
Chủ tiệm giới thiệu, tuần sau tiệm sẽ có chương trình khuyến mãi: “Nhổ một giờ tặng thêm nửa giờ”. Ngoài việc nhổ tóc bạc, đội ngũ nhân viên còn có khả năng hát và đọc thơ để “ru ngủ” khách.
Những chiêu thu hút khách trong nghề cũng khiến nhiều tiệm nhổ tóc bạc khác bị hiểu lầm. Tại một tiệm nhổ tóc bạc trên đường Bàn Cờ (Quận 3, Sài Gòn) vào ngày cuối tuần, một thanh niên tuổi chừng 20 tuổi đi vào. Cô gái trẻ đưa tay “bới đen tìm trắng” nhưng tuyệt nhiên không thấy có sợi nào cần “giải quyết”. Cô nhân viên tỏ ý băn khoăn hỏi, thì cậu thanh niên thản nhiên hỏi lại: “Ở đây có gì gì khác không?” khiến cô đỏ mặt.
Cô Nguyễn Thu Trang, 28 tuổi, chủ tiệm, cho hay từ ngày tiệm mở đến giờ nhiều người lầm lẫn: “Họ tưởng là tiệm chứa gái. Khách vào, thấy cánh cửa sau mở, phía trong tối thui, nhiều người hỏi thẳng ở đây có dịch vụ từ A đến Z không. Khi đó mình thấy buồn, không biết làm sao giải thích cho họ hiểu rằng tiệm kinh doanh đàng hoàng”.
Để minh chứng, cô chủ cho biết, tiệm luôn có khách ra vào và cũng có nhiều khách là phụ nữ.
Anh Linh, 37 tuổi, nhân viên một công ty nước ngoài ở Quận 3, khách hàng quen của tiệm Bàn Cờ, cho biết: ‘Công việc chiếm hết thời gian nên khi về đến nhà thì mẹ con nó đã đi ngủ trưa, muốn nhờ cũng chịu. Tranh thủ giờ nghỉ ra đây vừa thư giãn vừa giải tỏa stress, mà muốn ngủ một giấc cũng rất tiện lợi”.
Còn anh Thành (32 tuổi, Quận 5, Sài Gòn) cho biết, do máu xấu nên tóc anh bạc sớm. Ở nhà có con gái 12 tuổi nhưng không dám nhờ cháu nhổ vì nhổ được một sợi tóc bạc thì cháu cũng “làm” luôn chục sợi tóc xanh. “Tình cờ tôi được biết ở Sài Gòn có dịch vụ này là qua đứa bạn. Nó kể, cứ đến giờ trưa là nhân viên nơi nó làm việc kéo nhau đến tiệm để được các thiếu nữ mân mê đầu tóc. Mà đúng là họ “gãi trúng chỗ ngứa thật”, nhổ riết rồi tôi không muốn nhổ ở nhà nữa”.
6. “Nghề” lấy ráy tai
Thưa quý bạn, việc lấy ráy tai thì ai cũng biết, nghĩa là mình nửa nằm nửa ngồi trên ghế, người thợ bật đèn, kéo tai mình ra, nhìn vào trong đó và đưa một cái cây bằng inox, gạy gạy rồi dùng một cái kẹp (pince) lôi ra những cục ráy mà tạo hóa “sản xuất’ là để chống lại côn trùng, không cho lọt vào màng nhĩ. Có những người quen lấy ráy tai, khi lỗ tai ngứa thì dù chưa đến kỳ hớt tóc họ cũng đem đầu đến một tiệm quen nào đó, bảo thợ sửa tóc và lấy ráy tai. Tôi thì không, từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ đem đầu ra tiệm chỉ để sửa tóc hoặc lấy ráy tai, ngoại trừ trường hợp lúc đi hớt tóc, thấy lỗ tai ngứa thì bảo thợ lấy ráy luôn thể. Anh tôi hồi chưa đi Mỹ nói lấy ráy tai rất nguy hiểm, lỡ cái “cây chọc” có HIV hoặc nó lỡ chọc thủng màng nhĩ của mình, bị điếc chẳng lẽ mình bắt đền được hay sao, bởi vậy mỗi khi đi hớt tóc không bao giờ anh lấy ráy tai. “Thế tai anh không ngứa hả?”; “Không, nếu ngứa thì lấy ở nhà. Vấn đề là chỉ do thói quen mà thôi. Lần này chú đi hớt tóc, lấy ráy, họ “chọc” rất kỹ, các tuyến ráy bị kích thích, sinh ra ráy, đóng cục, rất ngứa, lần sau lại phải lấy nữa”. Thế đấy, vấn đề rất đơn giản, có người thích lấy, có người không thíc, tùy ý mỗi người mà thôi.
Giá cả từ Tết đến nay ở Việt Nam, tiền hớt tóc là 25,000 đồng, tiền lấy ráy 5,000 đồng, tổng cộng là 30,000 đồng tức khoảng 1.50 Mỹ kim. Còn nếu chỉ lấy ráy, không hớt tóc, giá 10,000 đồng. Tiền sửa tóc, 10,000 đồng, cộng lại là 20,000 đồng.
Cái “lạ” đối với chúng tôi là, không hiểu ở bên Mỹ, bên Úc và Canada khi đi hớt tóc người ta có lấy ráy tai hay không? Thế còn Việt kiều, quan niệm của Việt kiều ra sao, ô kê hay nô ô kê về chuyện lấy ráy ở bên Việt Nam?
Đang thắc mắc như vậy bỗng dưng tôi vớ được một cái email với bài viết sau đây của một người bạn Việt kiều bên Mỹ do bạn bè gửi về, bài này rất vui, xin mời quý bạn coi qua cho biết.
Lấy ráy tai ở Việt Nam: ôi, sướng đê mê!
Quang cảnh giống hệt một phòng răng ở… Sillicon Valley, với những cái ghế dài, đèn thắp sáng choang, người ta nằm lên, ưỡn đầu và các nhân viên có gắn đèn rọi trên trán, tay mang một lô lỉnh kỉnh các dụng cụ. Thỉnh thoảng có tiếng “rên” của một “bệnh nhân”.
Nhưng họ không yêu cầu “bệnh nhân” hả mồm để chiếu đèn, mà lại chiếu đèn vào lỗ tai và thọc một cái cây dài vào ngoáy ngoáy. Đây là một tiệm hớt tóc khá “hoành tráng” ở Saigon, và các cô đang trổ tài lấy ráy tai cho khách! Tiếng rên khi nãy là tiếng rên khoái trá. Tiếng bình dân gọi là “sướng rên mé đìu hiu!”.
Ear picking?
Mới đây, báo San Jose Mercury News đi bài ngay trang đầu nói về “nỗi sướng không tên” này, cho thấy nghệ thuật “lấy ráy tai” ở Việt Nam sau này sẽ… chinh phục thế giới. Người Việt là một dân tộc thông minh, làm người khác khoái đến như thế phải có… đầu óc một chút!
Người Tây phương không có thói quen trả tiền cho người ta đè mình ra tra tấn lỗ tai như vậy. Nhưng bạn hãy nghe Katie Đặng, một nữ ca sĩ 20 tuổi, nói về kinh nghiệm “bị tra tấn” này như sau: “Thoạt đầu thì ai cũng sợ vì không có biết gì đâu, nhưng sau đó thì… ôi trời, qqqquuááá đđđđãããã!”
Hèn gì mà rất nhiều Việt kiều từ Mỹ về, vừa bước ra khỏi phi trường TSN là đã dông ngay lên xe taxi, đến ngay một tiệm hớt tóc để được lấy ráy tai. Nguyễn Tường Tâm, cư dân Silicon Valley, kể: “Đó là hạnh phúc, hễ về tới Saigon là tôi đi “chiến đấu” ngay, nó giống như yêu đương thể xác, quá đã, quá phê, đã có người dùng từ chẳng sai khi gọi hoạt động này là ‘ear-gasms!”.
Chuyên gia của nghệ thuật quá đã là cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, 26 tuổi, cắt nghĩa: “Trong tai chúng ta có một “huyệt đạo”, khi có người đụng tới thì nghe nhột nhột nhưng sẽ rên lên vì quá đã. Nỗi sung sướng này thật khó nói, có người sau đó còn quay qua hỏi tôi: “Cô lấy tôi làm chồng được hông?”
Bác sĩ Todd Dray, chuyên gia giải phẫu tai mũi họng ở quận hạt Santa Clara, cắt nghĩa: ‘Lớp da tai trong cực mỏng và hết sức nhạy cảm với nhiều dây thần kinh tụ hợp về, nó có điểm G như bộ phận sinh dục của phái nữ, đụng đến là… sướng rên mé đìu hiu!”
Ngày nay, khi bước vào một tiệm hớt tóc có nhiều thanh nữ ở Saigon, bạn không còn đi hớt tóc thuần túy nữa. Ở đó có đấm bóp, xoa nắn hai vai, làm mặt, gội đầu và dĩ nhiên là lấy ráy tai. Theo nhiều ông, đây là hình thức thư giãn số một trong cuộc sống quá sô bồ của một thành phố hơn 10 triệu dân.
Và bây giờ đã có nhiều bà cũng…đi lấy ráy tai, như cô Katie Đặng. Cô nói: “Mấy bà ai cũng sợ lần đầu, nhưng sau đó ai cũng đòi đi nữa. Đàn ông làm việc này cũng khá, nhưng chắc chắn không điêu luyện bằng các cô. Các cô có hai bàn tay của phù thủy!’
Giá cả bao nhiêu? Rẻ không thể tưởng tượng được, tất cả chi phí đưa khách lên đến bảy tầng trời khoái cảm chỉ có 2 đô-la cộng với tip. Đó là chưa kể một số tiệm còn mời khách uống cà phê hay nước trà trước khi lên ghế nữa.
Một chủ tiệm lấy ráy tai tên Nhân cho biết: “Có khách đòi lấy ráy tai thật nhẹ nhàng nhưng cũng có khách lại bảo làm mạnh tay hơn (chắc là họ có… lỗ tai trâu!) thì mới đã điếu”. Các em đâu phải chỉ có lấy ráy tai không ông địa ơi! Các em còn đi vài chiêu lả lướt ‘cho anh chết luôn” là lấy bông gòn ngoáy nhẹ êm đềm. Có cha nội đã quá bèn ngủ luôn trên ghế, giục mãi mới tỉnh giấc mơ màng. Rõ khổ cụ rùa hồ Gươm!
Học nghề này có khó không? Chỉ mất chừng một tuần lễ để học, nhưng phải mất nhiều tháng để thực hành mang lại cho khách giấc mơ xuân. Những em quá giỏi khách đến nườm nượp và chỉ đòi được em “ngoáy” thôi.
Có một điều lạ là hầu như tất cả các đấng trượng phu khi đi lấy ráy tai thì đều không muốn cho vợ hay cho bồ nhí biết. Và chuyện gì đến ắt sẽ đến! Có cha nội mê “cái điểm G” quá, bèn bái bai cơm nhà, đến bê luôn “hàng phở” lấy ráy tai dìa để độc quyền… sướng, không cho thằng cha nào khác lai vãng đến!
Cho dù đã có cảnh giác là chơi với dao có ngày đứt tay, bởi vì lấy ráy tai mà làm trầy sứt thì đủ thứ vi trùng và siêu vi trùng đi vào, kể cả bệnh viêm gan siêu vi B rất ớn. Nhưng mấy tướng đã quen đâu thể nhịn được, như Trương Phùng, một tay 44 tuổi, cứ hai tuần một lần là ghé qua, thố lộ: “Có mấy thằng bạn nói coi chừng, không an toàn đâu, song tui đã ghiền như đi uống bia, đâu có dừng lại được!”
Đã có bà nào đi lấy ráy tai bèn… bê chàng về dinh chưa? Chắc chưa, cho dù lấy ráy tai là… qqquuuááá đđđããã! Các bà chẳng dại gì mà đem một thằng về làm mình sung sướng vài phút mà phải nuôi nó suốt đời! Phụ nữ vốn khôn hơn đàn ông! -Hồng Quang.
http://thoibao-online.com/index.php?option=com_content&view=article&id=4336:nhng-ngh-qlq–trong-nc&catid=17:chuyen-ben-nha&Itemid=19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét