Pages

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Nợ công của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro


clip_image001Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Nguyên Hằng thực hiện

Chi tiêu quá mức nhưng đầu tư lại kém hiệu quả đã khiến nợ công của VN tăng nhanh. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (ảnh), Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trao đổi với Thanh niên.
Tăng trưởng giảm nhưng nợ công của Việt Nam vẫn tăng liên tục trong những năm qua, ông lý giải thế nào về nghịch lý này?


Khi đầu tư của Chính phủ vượt quá sức chịu đựng của ngân sách thì sẽ phải đi vay. Tỷ lệ đầu tư của VN trong những năm qua trung bình từ 40-42% GDP, trong đó khu vực công chiếm khoảng 45%. Tỷ lệ đầu tư lớn, tăng liên tục nhiều năm trong khi ngân sách luôn ở tình trạng thâm hụt “báo động đỏ” (trên 5% GDP) khiến Chính phủ phải đi vay nợ. Điều đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ công ngày càng tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng con số thống kê nợ công của ta chưa đầy đủ, quan điểm của ông về việc này?

Cái gọi là nợ công ở ta hiện thực chất mới chỉ là nợ của Chính phủ. Theo thông lệ quốc tế, nợ công phải bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sở dĩ nhiều nước có nợ Chính phủ và nợ công gần như đồng nhất vì khu vực DNNN của họ rất nhỏ. Còn ở VN, nợ của DNNN có quy mô xấp xỉ với nợ của Chính phủ nên không được phép loại nó ra khỏi nợ công. Vì suy cho cùng, nếu DNNN không trả được nợ thì ngân sách cũng phải gánh. Ví dụ, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đầu tư dự kiến của 22 trên tổng số gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm này là 350.000 tỉ đồng, tương đương 17% GDP. Nếu tính tất cả gần 100 tập đoàn, tổng công ty thì quy mô đầu tư là khổng lồ, mà một tỷ lệ lớn trong số này là đi vay. Có nghĩa là số liệu nợ công theo công bố thấp hơn thực tế.
Vậy nếu thống kê đầy đủ, nợ công của ta có nằm trong vùng rủi ro?
Về lâu dài, phải tiến hành cải cách cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng vốn đã trở nên lạc hậu, cản trợ các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế
Theo tôi, nợ công của ta hiện nay có nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất xuất phát từ việc chi tiêu và đầu tư công kém hiệu quả. Rủi ro thứ hai là một bộ phận rất lớn nợ công của các DNNN chưa được đưa vào trong các thống kê về nợ công. Khi không đo lường được và không hiểu hết “tảng băng chìm” này thì cũng không thể quản lý rủi ro mà nó có thể gây ra. Rủi ro thứ ba là nợ công tăng quá nhanh, trong khi thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao. Điều này vi phạm một nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công, đó là nợ ngày hôm nay phải được trang trải bằng thặng dư ngân sách ngày mai.
Nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vay nợ với một nước đang phát triển như Việt Nam?
Một nước đang phát triển thường có nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi tỷ lệ tiết kiệm lại hạn chế nên việc vay nợ là điều bình thường. Vấn đề là đầu tư như thế nào để phát huy hiệu quả, đồng thời không ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định vĩ mô.
Về ổn định vĩ mô, có thể nói chính sách tài khóa của chúng ta trong một thời gian dài đã mắc vào một sai lầm cơ bản, đó là “thuận chu kỳ”. Nghĩa là khi cả nền kinh tế hào hứng đầu tư, thay vì điềm tĩnh giảm bớt đầu tư công thì Chính phủ cũng lại hào hứng theo. Vì thế, khi kinh tế suy giảm, Chính phủ không có đủ nguồn lực để kích thích vì túi đã thủng quá sâu. Khi ấy, kích thích kinh tế phải trả cái giá rất đắt, đó là nền kinh tế lún sâu vào thâm hụt ngân sách, đồng tiền mất giá, lạm phát rình rập.
Ví dụ, lượng hàng thực tế qua hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép hiện chưa đến 20% công suất thiết kế nhưng Nhà nước vẫn đầu tư tới bốn cảng, trong đó ba cảng là liên doanh của Saigon Port, cảng còn lại do PMU 85 của Bộ Giao thông vận tải làm đại diện chủ đầu tư với vốn vay ODA khoảng 330 triệu USD. Câu hỏi đặt ra là, khi tư nhân hào hứng bỏ tiền vào cảng, Nhà nước có cần thiết phải đầu tư xây cảng để cạnh tranh? Lẽ ra, thay vì cạnh tranh với tư nhân, Nhà nước nên xây đường dẫn và hệ thống logistic.
Nếu như vào năm 2001, nợ Chính phủ mới chỉ là 11,5 tỉ USD thì đến 2010 đã lên tới 55,2 tỉ USD. Trong giai đoạn này nợ Chính phủ tăng trung bình khoảng 20%/năm, gấp ba lần tăng trưởng GDP. Nợ của DNNN còn tăng nhanh hơn, nhất là trong vòng 5 năm trở lại đây, từ khi hàng loạt tập đoàn nhà nước ra đời.
Vậy ông đánh giá thế nào về kết quả của việc cắt giảm đầu tư công tính đến thời điểm này?
Chính phủ đã có chủ trương kiên quyết cắt giảm đầu tư công, nhưng trên thực tế đầu tư công vẫn tăng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2011 là 131.364 tỉ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, kỷ luật đầu tư công hiện đang rất lỏng.
Một vấn đề nữa là cắt giảm trong nhiều trường hợp không đúng ưu tiên. Có những dự án rất quan trọng, sắp hình thành nhưng lại bị cắt giảm đột ngột. Ví dụ như dự án xây dựng bệnh viện cấp vùng ở Tiền Giang để giảm tải cho bệnh viện trung ương.
Tại sao có tình trạng cái cần cắt thì ưu tiên, cái cần đẩy nhanh tiến độ lại bị cắt?
Vấn đề là ưu tiên thường chạy theo mối quan hệ lợi ích hay ưu ái người có tiếng nói. Trong trường hợp vừa kể trên thì tiếng nói của người nông dân hay doanh nghiệp ở ĐBSCL không thể so được với các tập đoàn nhà nước hay các nhóm khác. Cần hiểu, nếu để xảy ra và tồn tại mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhóm đặc quyền đặc lợi và những người làm chính sách thì sẽ dẫn đến các hành vi tham nhũng hoặc trục lợi.
Vậy làm thế nào để cắt giảm đầu tư công hiệu quả, và rộng hơn, làm thế nào để chính sách tài khóa thực sự đóng góp vào chống lạm phát?
Đầu tiên là cần phải thiết lập lại kỷ luật tài khóa. Thứ hai, giảm thâm hụt ngân sách không phải bằng việc tăng thu (hay tận thu) như hiện nay mà là giảm chi trên cơ sở tăng hiệu quả chi tiêu. Thứ ba, các khoản thu vượt dự toán không được dùng để tăng chi tiêu mà phải được dùng để bù thâm hụt ngân sách. Thứ tư, cần kiên quyết thu hồi các khoản đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Về lâu dài, phải tiến hành cải cách cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng vốn đã trở nên lạc hậu, cản trợ các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
N.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét