Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Phản ứng của Trung quốc trước các chuyến bay trinh sát của không quân Mỹ

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjiN0UDJM3sp0T3vES1dwpsTarKReNE9hzWAZdMBDgvUIyHEuWpdtSK8gce76KmZi5ByPyLuvqFQ5XqhoZqsOTO_kw2g0ifWq_ia19Dn8OdfE9JDWvvjTzttTymYtTKlx0BKzY2MZon4DbC/s1600/may+b%25C3%25A1y.jpgTheo: Blog ABS

Tài liệu tham khảo đặc biệt TTXVN
Thứ Tư, ngày 28/09/2011
TTXVN (Niu Yóoc 18/9) – Tài liệu ngày 10/9 của viện “Jamestown Foundation” (Mỹ) cho biết, ngày 29/6 lần đầu tiên trong một thập kỷ, máy bay J-11 của Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan nhằm thực hiện ý đồ ngăn chặn một máy bay trinh sát U-2 của Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên không phận quốc tế.
Để phản ứng, Lực lượng Không quân Đài Loan ra lệnh 2 máy bay chiến đấu F-16 đến khu vực. Mặc dù Bộ Quốc phòng Đài Loan không coi hành động đó là khiêu khích, nhưng sự kiện gây nên một cuộc tranh luận rộng rãi về ý đồ của Trung Quốc. Sau đó, một quan chức của Bộ Chỉ huy Không quân Đài Loan đánh giá, việc máy bay Trung Quốc vượt qua đường trung tâm ở eo biển Đài Loan là ngẫu nhiên nhưng vẫn phải xem xét và đề phòng hành động tương tự xảy ra trong tương lai. Các chuyến bay trinh sát của Mỹ không có gì lạ và hành động đánh chặn của Trung Quốc không thể thuyết phục Mỹ giảm bớt hoặc chấm dứt những hoạt động như vậy. Ngược lại, chúng có thể dẫn đến sự kiện nữa giống như sự kiện đã từng xảy ra và ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong năm 2011. Thực tế, số lượng chuyến bay dân sự qua eo biển Đài Loan ngày càng tăng, năm 2010 có tới hơn 1,2 triệu chuyến bay, hành động ngăn chặn như vậy sẽ đe doạ vấn đề an toàn, an ninh và thịnh vượng kinh tế của eo biển Đài Loan cũng như của khu vực Đông Á.
Mỹ và Trung Quốc thường có quan điểm khác biệt cơ bản về các chuyến bay không hoặc có người lái được tiến hành gần các khu vực biên giới của Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ tình báo, trinh sát và giám sát (ISR). Các chuyến bay trinh sát của Mỹ diễn ra dọc bờ biển của Trung Quốc. Như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Michael G. Mullen, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/7, Mỹ tiến hành các nhiệm vụ này trên không phận quốc tế đã được Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) xác định bên ngoài 12 hải lý thuộc biên giới của một nước. Trung Quốc không chấp nhận lời giải thích của Mỹ rằng Không quân Mỹ có quyền thực hiện các nhiệm vụ ISR ở bất cứ đâu gần biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh coi những nhiệm vụ này là một trở ngại cho các mối quan hệ quân sự và xâm phạm lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng tăng cường các khả năng ISR ở Biển Đông mấy năm qua. Các máy bay trinh sát Y-8 và JH-7 của Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã thâm nhập khu vực xác định phòng không của Nhật Bản (ADIZ) gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Để đối phó với Trung Quốc, các máy ba F-15 của Nhật Bản tiến hành ngăn chặn khi máy bay Trung Quốc đến gần ADIZ.
Ngày 1/4/2001, vụ đụng độ giữa một máy bay EP-3 của Hải quân Mỹ (USN) và một máy bay J-8 của PLAN trên biển phía Nam Trung Quốc rõ ràng cho thấy cuộc đối đầu giữa hai nước rất có thể xảy ra khi có sự hiểu lầm trong thời gian diễn ra nhiệm vụ thường xuyên như vậy. Tại thời điểm đó, Trung Quốc cho rằng Mỹ đã thực hiện 200 chuyến bay trinh sát mỗi năm gần bờ biển Trung Quốc. Ngược lại, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã ngăn chặn khoảng 1/3 các chuyến bay như vậy. Cũng thời điểm đó, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Dennis Blair, cho biết khi tiến hành ngăn chặn, máy bay Trung Quốc thường tiếp cận, quan sát, báo cáo những gì họ thấy và quay trở về đất liền. Nhưng những tháng trước khi xảy ra đụng độ, hành động ngăn chặn của máy bay Trung Quốc ngày càng trở nên táo bạo tới mức khiến Mỹ cảm thấy những hành động đó đang đe doạ sự an toàn của máy bay Mỹ và Trung Quốc. Hai nước không thừa nhận trách nhiệm gây nên cuộc đụng độ và đổ lỗi cho nhau. Ở thời điểm đụng độ, Tổng thống Bush tuyên bố: “Các chuyến bay trinh sát là một phần của chiến lược an ninh quốc gia toàn diện nhằm giúp duy trì hoà bình và ổn định trên thế giới”. Ngược lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Những chuyến bay như vậy tạo nên mối đe doạ chết người cho an ninh của Trung Quốc” và Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Do đó hành động ngăn chặn là cần thiết, rất hợp lý và phù hợp với thực tiễn quốc tế. Mặc dù không sự kiện tương tự nào xảy ra từ năm 2001, nhưng các chuyến bay trinh sát vẫn là chủ đề nổi cộm trong các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao. Khi Đô đốc Mullen đến thăm Trung Quốc tháng 7/2011, Tổng Tham mưu trưởng PLA, Tướng Trần Bính Đức, thông báo trước một cuộc họp báo chung rằng máy bay trinh sát của quân đội Mỹ bay cách bờ biển Trung Quốc 16 hải lý, gần các khu vực lãnh thổ biển của Trung Quốc. Ngoài ra, ông cho rằng Mỹ không cần tiến hành các chuyến bay trinh sát như vậy, bởi vì hành động đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ mối quan hệ song phương. Do đó, Mỹ nên giảm và chấm dứt các hoạt động trinh sát trên biển. Tại cuộc họp báo ngày 25/7, Đô đốc Mullen khẳng định các hoạt động của không quân Mỹ sẽ không bị cản trở trên không phận quốc tế gần Trung Quốc.
Từ lâu, Mỹ và Đài Loan có lịch sử hoạt động trinh sát trên không phận biển gần Trung Quốc. Từ đầu thập kỷ 1950, Lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ đã sử dụng một số máy bay hoạt động gần lãnh thổ Trung Quốc để thu thập các tín hiệu rađa và điện tử khác, chặn thu thông tin liên lạc và thu thập các mảnh vỡ trên không từ các vụ thử hạt nhân. Từ năm 1959 đến năm 1967, Mỹ tiến hành 100 chuyến bay trinh sát U-2 được CIA tài trợ gần lãnh thổ Trung Quốc. Từ năm 1963 đến năm 1967, PLAAF bắn rơi 5 máy bay U-2 hoạt động trên không phận của Trung Quốc. Trong Chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc cũng bắn rơi một số máy bay trinh sát Mỹ hoạt động gần hoặc trên biên giới phía Nam Trung Quốc. Mặc dù quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã cải thiện trong thập kỷ 1980, nhưng Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều chuyến bay trinh sát khác nhau dọc biên giới Trung Quốc. Sau khi căng thẳng nổi lên giữa Trung Quốc và Đài Loan trong năm 1995-1996, Mỹ càng tăng cường các chuyến bay dọc bờ biển Trung Quốc. Cho đến năm 1996, Lực lượng Không quân Đài Loan (TAF) cơ bản quản lý bầu trời eo biển Đài Loan nhưng vẫn giám sát tuyến trung tâm gần bờ biển lục địa hơn Đài Loan. Mặc dù PLAAF thường chống lại các chuyến bay của TAF trên vùng trời eo biển và các máy bay của PLAAF bay song song với máy bay của TAF nhưng vẫn trên không phận bờ biển lục địa mà không tiến vào khu vực không phận Trung Quốc ở eo biển đã được quốc tế công nhận. PLAAF vẫn chưa tiến hành các chuyến bay đầu tiên trên không phận eo biển khi Bắc Kinh phản đối tuyên bố “hai nhà nước” của Tổng thống Lý Đăng Huy tháng 7/1999. Nhưng trong thập kỷ qua, PLAAF đã tăng cường các chuyến bay sát đường trung tâm và hiện nay các chuyến bay đó được thực hiện thường xuyên. Các chuyến bay quân sự chỉ chiếm phần nhỏ trên không phận eo biển. Các bay dân sự tăng mạnh qua eo biển giữa lục địa và Đài Loan bắt đầu năm 2003. Các thoả thuận mới được hai bên ký năm 2007 cho phép tăng số chuyến bay dân sự hàng đầu từ Đài Loan đến các địa điểm khác nhau ở Trung QUốc tới 370 chuyến và năm 2011 tăng lên 558 chuyến. Mặc dù không máy bay nào của PLAAF vượt qua đường trung tâm từ khi xảy ra vụ xung đột EP-3/J-8 và sự kiện ngày 29/6/2011, nhưng Bắc Kinh và Đài Bắc thường tố cáo lẫn nhau là tiến sát đường trung tâm. Những lời tố cáo này xuất hiện khi Đài Loan có các sự kiện chính trị gây tranh cãi như: những tuyên bố hoặc hành động của các tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy và Trần Thuỷ Biển. Trong quá khứ, rõ ràng hai bên đã cung cấp thông tin chính thức hoặc không chính thức cho các phương tiện truyền thông để làm leo thang tình hình và gây ảnh hưởng dư luận công chúng. Bằng cách công bố công khai tình hình, Đài Bắc hy vọng Mỹ và các nước khu vực sẽ tăng cường chống Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh muốn duy trì sức ép để Đài Loan từ bỏ ý đồ độc lập và muốn ép Mỹ không tiếp tục bán các loại vũ khí quân sự cho Đài Loan.
Ngày 29/6, chuyến bay U-2 thực hiện nhiệm vụ thông thường, nhưng cho thấy có sự thay đổi về phản ứng của Trung Quốc. Theo các nguồn quân sự Đài Loan, sự kiện xảy ra khi máy bay U-2 của Mỹ đang bay dọc bờ biển Trung Quốc, bắt đầu từ căn cứ không quân Osan của USAF tại Hàn Quốc, bay qua phía Nam đến eo biển Đài Loan, sau đó trở về phía Bắc đến căn cứ không quân Kadena của USAF tại khu vực Okinawa, Nhật Bản. USAF đã thông báo trước cho quân đội Đài Loan nhiệm vụ giám sát và bay qua ADIZ của Đài Loan. Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ khẳng định máy bay U-2 đang tiến hành nhiệm vụ thường xuyên ở biển phía Đông Trung Quốc và nhiệm vụ này được tiến hành trên không phận quốc tế. Mặc dù độ cao của máy bay U-2 không được công bố, nhưng thông thường ở độ cao 70.000 feet. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, hai máy bay của PLAAF đã bao vây máy bay của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tâm, do đó TAF ra lệnh 2 máy bay F-16 cất cánh để đối phó. Khi các máy bay F-16 tiến sát đường trung tâm, chiếc máy bay của Trung Quốc bay về lục địa. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ không nghĩ đây là hành động khiêu khích của Trung Quốc. Nhưng theo các quan chức Đài Loan, máy bay U-2 đã từ bỏ chuyến bay sau khi được thông báo các máy bay đánh chặn J-11 của Trung Quốc bám sát. Trong cuộc họp báo ngày 25/7, Đô đốc Mullen tuyên bố các chuyến bay trinh sát của Mỹ rất quan trọng, do đó Mỹ sẽ thận trọng hơn và Trung Quốc cũng nên thận trọng trong việc ngăn chặn các chuyến bay để không xảy ra điều đáng tiếc trong tương lai. Ngày 27/7, Nhật báo Trung Quốc nhấn mạnh chính trò chơi chiến tranh nguy hiểm của quân đội Mỹ xung quanh lãnh thổ biển và không phận của Trung Quốc đã gây nên phản ứng của Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ phải tránh những hành động khiêu khích như vậy để không ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa hai nước. Cuối cùng, Trung Quốc hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thực hiện vai trò xây dựng trong việc duy trì ổn định khu vực, nhưng sẽ không chấp nhận tất cả các vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Nhưng liệu máy bay của PLAAF có ý định vượt qua đường trung tâm ngày 29/7 hay không? Chắc chắn sự kiện này sẽ thu hút sự chú ý của dư luận. Việc PLAAF và Không quân của Hải quân Trung Quốc đối phó ra sao với các chuyến bay trinh sát của Mỹ trong tương lai sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào về ý đồ và động cơ của Bắc Kinh. Do Mỹ và Đài Loan có lịch sử tiến hành các chuyến bay trinh sát gần biên giới Trung Quốc từ lâu, nên Mỹ không thể chấm dứt các chuyến bay tương tự trong tương lai. Trái lại, mặc dù Bắc Kinh không chấp nhận, nhưng họ nên hành động hạn chế khi thể hiện thái độ không chấp nhận đó. Khi số lượng các chuyến bay dân sự qua eo biển ngày càng tăng, khả năng sự kiện tương tự có thể xảy ra vì các máy bay chiến đấu quân sự phản ứng lẫn nhau tại đường trung tâm cũng sẽ tăng. Do vậy, để tránh những toan tính sai lầm và bảo đảm an toàn cho tất cả các chuyến bay qua eo biển Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan phải thận trọng trong việc tiến hành các nhiệm vụ quân sự của họ ở eo biển này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét