Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận định sự kiện là một cuộc "chuyển tiếp lịch sử" của nhân dân Libya.
Tổng Thư ký Liên đoàn Ả-rập hối thúc người dân Libya bỏ qua quá khứ thương đau, "hướng tới tương lai" và các lực lượng chính trị đoàn kết với nhau để đáp ứng kỳ vọng "hòa bình" của nhân dân.
Từ London, Thủ tướng Anh David Cameron trong một diễn văn trước truyền thông ngay bên ngoài Phủ Thủ tướng tại số 10 Downing Street, không lâu sau diễn biến này nói:
"Nhân dân Libya hôm nay có một cơ hội lớn hơn thông qua việc xây dựng cho mình một tương lai mạnh mẽ và dân chủ," nhà lãnh đạo Anh nói.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chào đón diễn biến này như một "một ngày trọng đại trong lịch sử của Libya" vì chế độ độc tài đã sụp đổ.
Nhưng ông Obama cũng khuyến cáo người dân Libya ý thức về "trách nhiệm" lớn lao trong việc tái thiết một đất nước "khoan dung và dân chủ" sau khi "bóng đen của chế độ" độc tài đã đã không còn tồn tại nữa.
"Các bạn đã làm một cuộc cách mạng của mình. Nay chúng tôi sẽ là một đối tác khi các bạn củng cố một tương lai nhân phẩm, tự do và đầy cơ hội," người đứng đầu Nhà trắng nói thêm.
Thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng Hòa John McCain của Hoa Kỳ phát biểu cho rằng sự kiện hôm thứ Năm "là một ngày tươi đẹp không chỉ đối với Libya" mà còn là sự cảnh báo đối với "tất cả các nền độc tài trên Thế giới."
'Bước đi quan trọng'
"Việc giải phóng Sirte đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình được chấp nhận bởi Ủy ban Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) nhằm thiết lập một thể chế dân chủ ở Libya mà trong đó mọi thành phần của đất nước đều có chỗ của mình và các quyền tự do sẽ được đảm bảo."
"Một trang mới đang mở ra cho nhân dân Libya, đó là trang mới của hòa giải, thống nhất và tự do," ông Sarkozy nói.
Các lực lượng quân sự của Anh và Pháp được cho là đã có vai trò "tiên phong" trong các chiến dịch không kích vào các căn cứ quân sự của ông Gaddafi do liên minh quân sự Nato tiến hành, hậu thuẫn cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm bảo vệ thường dân Libya trước các hành động bạo lực của chính quyền Gaddafi.
"Con đường phía trước cho Liyba và nhân dân nước này sẽ khó khăn và đầy thách thức. Nhưng nay là lúc để tất cả người dân Libya hòa kết với nhau"
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Một trong số đó được cho là được tiến hành bởi không quân Pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả cuộc tháo chạy cuối cùng của ông Gaddafi hôm thứ Năm, dẫn tới việc ông này phải đào tẩu tới một đường ống cống thoát nước, trước khi bị các lực lượng ủng hộ NTC phát giác, bắt sống và hạ sát.
Hiện có tin chưa kiểm chứng nói hai con trai của cựu Đại tá, trong đó có Al-Saif cũng đã bị "hạ sát."
Ngay sau cái chết của Gaddafi, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki-moon nói cái chết của ông Gaddafi đã mở ra "một cuộc chuyển giao lịch sử" cho Libya.
"Con đường phía trước cho Liyba và nhân dân nước này sẽ khó khăn và đầy thách thức. Nhưng nay là lúc để tất cả người dân Libya hòa kết với nhau," ông Ban nói từ trụ sở LHQ.
Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập Nabil al-Arabi nói:
"Tôi hối thúc nhân dân Libya vượt qua các vết thương quá khứ và nhìn tới tương lai mà không có tâm lý trả thù, gạt bỏ tất cả những gì có thể làm đình trệ đoàn kết và hòa bình quốc gia,"
"Tất cả các lực lượng chính trị và lãnh đạo Libya cần kết chặt hàng ngũ và xây dựng một nước Libya mới vốn sẽ hoàn tất mọi hy vọng và kỳ vọng của người dân về tự do."
Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, phản ứng trước diễn biến, nói:
"Chúng tôi hy vọng sẽ có hòa bình ở Libya và rằng tất cả những ai lãnh đạo quốc gia, các đại diện bộ lạc khác nhau ở Libya, sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng về thiết lập quyền lực và Libya sẽ trở thành một quốc gia dân chủ hiện đại."
Lãnh đạo và đại diện các quốc gia, tổ chức và định chế quốc tế như Đức, Ý, EU, Nato v.v... và Vatican cũng ra các tuyên bố và có phản ứng khá mau lẹ trước tin tức về cái chết của nhà độc tài bị lật đổ.
'Bị lạc đạn'?
Ông Jilbril cho biết Gaddafi đã bị trúng đạn vào đầu và khẳng định ông ta đã tử vong trên đường tới bệnh viện.
Trước đó, hôm thứ Năm, người đứng đầu Hội đồng Chuyển giao Quốc gia (NTC) Mustafa Abdul Jalil chỉ xác nhận tin cựu lãnh đạo thiệt mạng trong cuộc họp báo tổ chức tại Tripoli.
Nhiều kênh truyền hình cũng đã chiếu hình ảnh thi thể của ông.
Kênh al-Jazeera chiếu băng video cho thấy ông Gaddafi bị kéo lê trên phố, không biết trong trạng thái còn sống hay đã chết.
Bộ trưởng Thông tin Mahmoud Shammam nói các binh lính tại hiện trường cho hay họ đã nhìn thấy thi thể ông Gaddafi.
Các quan chức khác nói ông Gaddafi có thể đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Sirte.
Tuy nhiên truyền thông quốc tế dẫn lời đại diện Chính phủ lâm thời Libya khẳng định cựu Đại tá đã bị bắt sống trước khi bị hạ sát.
Đại tá Gaddafi đã bị lật đổ hồi tháng Tám sau 42 năm cầm quyền. Tòa án Hình sự Quốc tế đang truy nã ông vào thời điểm ông thiệt mạng.
Nato, vốn thực hiện một chiến dịch không tạc Libya trong nhiều tháng nay, cho hay đã tấn công từ trên không vào hai chiếc xe của quân Gaddafi ở gần Sirte vào buổi sáng thứ Năm 20/10.
Bộ trưởng Thông tin Shammam nói "Ông ta đã bị các binh sỹ tiêu diệt trong một cuộc tấn công. Có người quay phim về việc này".
"Xin đừng bắn"
Thông tấn xã Pháp AFP đưa tin rằng đoạn băng này chiếu hình một nhóm đông binh lính NTC đang hò hét xung quanh một thi thể mặc đồ kaki, có máu chảy từ mặt và cổ.
Một lính của NTC nói với BBC rằng ông ta phát hiện ra Đại tá Gaddafi đang ẩn náu trong một ống bê tông ở Sirte, và cựu lãnh đạo Libya xin ông ta đừng bắn mình.
Người lính này đưa cho phóng viên của chúng tôi xem chiếc súng lục dát vàng mà ông ta đã đoạt được của Đại tá Gaddafi.
Phóng viên BBC tường thuật trực tiếp từ Tripoli, trong khi đó, cho biết hàng nghìn người đã ăn mừng tin "chiến thắng" và cái chết của cựu độc tài từ thủ đô cho tới Misrata.
Có tin từ trụ sở Nato cho biết lực lượng liên minh có thể sắp đưa ra một tuyên bố ngừng các chiến dịch ném bom tại Libya sau một cuộc họp diễn ra nhiều giờ giữa đại diện lãnh đạo khối này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét