Pages

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Tâm sự cùng vong hồn Gaddafi

Lê Phú Khải, nhà báo
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
 
Quân nổi dậy Libya ăn mừng chiến thắng
Sở dĩ tôi viết bài này vì ngài Gaddafi sinh năm Nhâm ngọ 1942 cùng tuổi với tôi. Tâm lý người đời ở cái tuổi thất tuần, không thể không để ít thời gian suy nghĩ về cái chết của một con người cùng sinh một năm với mình, cùng song hành với mình trên cõi đời này cho đến tuổi gần đất xa trời! Hơn nữa, cái chết của ông được thời đại thông tin toàn cầu thông báo đến mọi quốc gia, nếu không muốn nói là đến mọi thành viên của nhân loại!
Cái chết của ông Gaddafi thật thê thảm, ông tìm một cái cống ngay trên quê hương của mình để chui xuống chạy trốn. Người ta đã tóm được ông, rồi bắn chết ông, kéo lê, rồi phanh trần ông để trong một lò mổ ướp lạnh thịt gia súc, cho mọi người đến xem, chụp hình. Không ai lau những vết máu trên thi thể cho ông.


Nhiều người đã không đồng tình với cách hành xử như vậy với một người đã chết. Người Việt nam ta có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Tôi là một người Việt, nên tôi đồng cảm với suy nghĩ trên. Hơn nữa, theo thiển ý của tôi thì, đem một sự dã man thay thế cho một sự dã man thì có gì là văn minh?
Căm thù
Nhưng tôi cũng không thể trách những người có chồng con, cha mẹ đi biểu tình ôn hòa bị ông Gaddafi bắn giết bằng hỏa lực cả ngàn người vào ngày 25/02 tại Tripoli. Không thể trách hàng vạn những gia đình có người bị ông Gaddafi bức hại, thủ tiêu chỉ vì bất đồng chính kiến trong suốt 42 năm ông cầm quyền. Họ không căm thù mới là lạ!
"Nhưng tôi cũng không thể trách những người có chồng con, cha mẹ đi biểu tình ôn hòa bị ông Gaddafi bắn giết bằng hỏa lực cả ngàn người vào ngày 25/02 tại Tripoli. Không thể trách hàng vạn những gia đình có người bị ông Gaddafi bức hại, thủ tiêu chỉ vì bất đồng chính kiến trong suốt 42 năm ông cầm quyền."
Quốc ca của nước Việt chúng ta từng có lời “thề phanh thây uống máu quân thù”! Không căm thù bọn thực dân Pháp đã xâu tay các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa rồi phơi nắng cho đến chết, đã quẳng em bé Việt nam vào lửa trong những trận càn ….thì làm sao có thể lao lên lấy đầu bịt lỗ châu mai, lấy thân làm giá súng được. Làm sao có Điện Biên Phủ được!
Cách mạng bao giờ cũng là khúc quanh của lịch sử. Ở khúc quanh ấy, cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng khi lịch sử đã đi đúng hướng rồi thì con người sẽ hồi tâm. Chúng ta sau này chẳng đã sửa lời trong Quốc ca là gì. Cách mạng Pháp 1789 cũng vậy. Ngày 14.7.1789, khi nhân dân Paris phá ngục Bastille, quần chúng đã chặt đầu những tên lính và sĩ quan đã bắn vào nhân dân, sóc đầu chúng lên ngọn giáo và đi diễu hành múa hát trên đường phố. Có sử gia Pháp đã viết rằng: Đó là người ta muốn xóa đi trong một ngày, sự căm phẫn đã chứa chất hàng thế kỷ! Nhưng rồi nhân dân Pháp đã lấy đá ngục Bastille để xây cầu Concorde qua sông Seine, Concorde tiếng Pháp có nghĩa là hòa giải, hòa hợp…
Năm 27 tuổi, trung úy Gaddafi đã làm cuộc đảo chính lật đổ tên vua Idris đã bán rẻ tài nguyên đất nước cho ngoại bang, ông dùng tiền đó để xây dựng nước Lybia trở nên khấm khá và được nhân dân suy tôn như một vị anh hùng. Nhưng rồi ở ngôi báo đến 42 năm cai trị đất nước bằng đàn áp, thủ tiêu người bất đồng chính kiến, trở thành kẻ độc tài khát máu. Nhìn tấm hình lúc ông ra đi không một mảnh vải che thân, bao nhiêu vàng bạc châu báu, bao nhiêu tỉ đôla không mang theo được.
Tôi bỗng nhớ đến câu thơ bất hủ của Tagore:
“Tôi để lại chìa khóa ngôi nhà tôi đó
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời!”
Không biết bao nhiêu nhà độc tài trên thế gian này còn đang trên ngai vàng có khi nào đọc Tagore để thấy cuộc đời này là cõi “tạm”, không thể đem đi hết những gì mà họ đã cướp bóc của nhân dân!
Thông điệp lớn
Dựng lại một đất nước tươi đẹp sẽ là thử thách lớn cho Libya
Nhưng thông điệp từ Lybia, từ Gaddafi lớn hơn nhiều so với cái chết thê thảm có một không hai này. Khi cuộc cách mạng Hoa lài ở Tunisia thành công, lan đến Ai Cập rồi Lybia, Gaddafi đã tuyên bố dùng toàn bộ sức mạnh của quân đội, từ không quân đến thiết giáp để tắm máu những người biểu tình đòi lật đổ ông. Cả thế giới dân chủ đã lo ngại.
Những người dân Lybia thì thà chết chứ không chịu sống một ngày nào nữa dưới chính thể khát máu đến hoang đường đã kéo dài suốt 42 năm của ông Gaddafi. Một phụ nữ Lybia đã tuyên bố: máu chúng tôi sẽ vấy lên mặt các người…. (Ám chỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia dân chủ Phương Tây). Chính lúc đó, người phụ nữ đáng kính của nhân loại là bà Hillary Clinton đã ra sức khuyên nhủ ông Obama và nước Mỹ dân chủ không thể ngồi nhìn cuộc thảm sát mà Gaddafi điên rồ sắp ra tay. Cộng đồng thế giới đã có nghị quyết 1973 về Lybia.
Một chiến dịch mang cái tên đầy lãng mạn “Bình minh Odyssey” được tiến hành. Odyssey là tên bản anh hùng ca của Homer. Nước Hylạp của Homer nằm đối diện với Lybia ở bên kia bờ Địa Trung hải. Cả lịch sử, cả loài người tiến bộ đã đứng bên bờ Địa Trung Hải để ngắm “Bình minh Odyssey”, và không để cho máu của đồng loại mình tiếp tục đổ vì những tên bạo chúa còn sót lại ở thế kỷ 21. Loài người đã đi một chặng đường hơn 2000 năm để có văn minh và nhân quyền. Loài người quyết không đi ngược chiều của lịch sử. Đó là thông điệp từ Lybia ở đầu thế kỷ 21 này.
Những người cầm quyền ở các quốc gia độc tài lo ngại cho số phận của mình nên la lên rằng, người ta đã “xâm phạm chủ quyền” của một quốc gia độc lập! Họ quên mất rằng chính họ đã ký vào Tuyên ngôn Nhân quyền của thế giới. Họ quên mất rằng hiến pháp 1792 của cách mạng Pháp 1789, một cuộc cách mạng được Marx gọi là “đầu tàu của lịch sử ”, đã nêu rõ: “Quyền nổi dậy của nhân dân”, một khi kẻ cầm quyền phản bội những gì đã cam kết với nhân dân khi nhân dân bầu lá phiếu cho họ cầm quyền. Có lẽ vì thế mà ông Sarkozi là người đầu tiên lên tiếng công nhận chính quyền của Chủ tịch NTC Abdul Jalil.
Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu của CM tháng Tám đã nói: “Nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.
Câu nói đó của cụ Hồ đã in ở Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG Hà nội, tập 4, trang 56. Hỡi các độc giả vĩ đại của tôi hãy mở sách ra mà đọc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét