Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Tiên học lễ- Học thế nào đây?

(Tamnhin.net) - Trên mặt tiền của các trường thường có câu khẩu hiệu lớn: Tiên học lễ, hậu học văn. Câu khẩu hiệu ấy đúng là “khẩu hiệu”, chẳng biết nội dung của nó ra sao cả. Cô hiệu trưởng Trường PTTH Đồng Hòa, Kiến An, Hải Phòng bèn biên soạn một cuốn sách Đạo đức để thể hiện cái chữ Lễ này, nhưng lại làm dư luận xôn xao, bàn tán. Hóa ra chính cô cũng chẳng hiểu “Tiên học lễ” là như thế nào!


Ảnh minh họa

Từ chuyện Trạng Lợn dạy hoàng tử Tầu

Truyện dân gian về Trạng Lợn kể rằng, Trạng được nhà vua cử đi sứ sang Tầu. Vua Tầu phục Trạng tài giỏi bèn nhờ Trạng làm thầy dạy hoàng tử. Trạng Lợn bèn cho lập một cái đài cao để dạy học. Hoàng tử trèo lên đên nơi mệt thở hổn hển. Trạng bèn cầm roi thét: “Hỗn, tại sao gặp thầy mà không chào lại thở hồng hộc thế kia”. Rồi Trạng lôi ra đánh, đánh rồi lại mắng rằng: “Tiên học lễ , hậu học văn, trò đã biết chưa”. Hoàng hậu xót con quá, bèn xin vua cho con thôi học, thế là Trạng khỏi phải dạy văn chương chữ nghĩa gì nữa.

Câu chuyện ấy cho thấy quan niệm dân dã về chữ Lễ là như vậy. Lễ có nghĩa là biết khoanh tay ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng, biết lễ phép, có lễ độ, rộng hơn thì hiểu lễ nghĩa, biết kính trên, nhường dưới…Như thế dẫu sao cũng là điều tốt.

Các nhà văn hóa thì tìm hiểu sâu hơn về chữ Lễ.

Lễ là một phạm trù văn hóa và triết học. Chữ Lễ gắn với đạo Nho thời phong kiến, gắn liền với tư tưởng của Khổng Tử. “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử.

Lễ là những khuôn phép, đạo đức con người phải ứng xử trong xã hội. Lễ là một trong “ngũ thường” của một con người cần phải tu thân để có được, bao gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Lễ trở thành một nền tảng của xã hội phong kiến, giữ cho chế độ vua quan được bền vững. Bởi vậy, Lễ được hình thành cả một khuôn phép gọi là Lễ giáo. Bộ Lễ là một trong “lục bộ” quan trọng ngày xưa, lo các công việc lễ nghi trong triều, các phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân trong cả nước.

Bình cũ có rượu mới không?

Mọi người đều hiểu rằng, khi ngành giáo dục và cụ thể là nhà trường nêu cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” không có nghĩa đó là một xu hướng phục cổ. Chẳng qua đó là phép dùng bình cũ để đựng rượu mới.

Cũng như lấy câu “Cần Kiệm Liêm Chính” làm khẩu hiệu cho mọi người làm quan chức noi theo. Như vậy cũng tốt chứ sao!

Song tiếc thay, cái “rượu mới” ấy là gì thì hầu như chưa thấy hoặc vẫn còn chưa được điều chế ra.

Đã có rất nhiều diễn giải, diễn văn rao giảng về cái chữ Lễ ấy ngày nay phải hiểu như thế nào. Rằng, học Lễ là học đạo đức. Rằng, Lễ là học làm một công dân. Lễ là học làm Người. Giáo dục của ta là đào tạo con người vừa hồng, vừa chuyên, tức là vừa có đức vừa có tài, trong đó trọng đức hơn tài…

Phải chăng, nội hàm của chữ Lễ chưa rõ, chưa cụ thể? Thực ra, trong các chương trình giáo dục môn Đạo đức và Giáo dục công dân đều có đầy đủ và chi tiết, quá cả chi tiết. Nào là tôn sư trọng đạo, nào là lễ phép, thực thà, không nói tục, không nói dối, chăm học…đều có cả. Thậm chí bây giờ còn lồng ghép cả an toàn giao thông, giáo dục giới tính, bình đẳng nam nữ, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường, giáo dục quốc phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống tham nhũng…vào môn học này.

Hóa ra môn học đạo đức hay giáo dục công dân trở thành một món lẩu thập cẩm đủ thứ, nhưng trong thực tế vẫn là môn học phụ, ít có tác dụng nhất.

Trong bối cảnh ấy, một hiệu trưởng Trường PTTH đã “mạnh dạn” biên soạn một cuốn sách “Tập bài Đạo đức” bắt buộc học trò phải học. Đó là chuyện hiệu trưởng Đỗ Thị Lai. Trường PTTH Đồng Hòa, Kiến An, Hải Phòng. Theo phản ánh của phụ huynh học sinh thì: “Bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tât cả đều quy về tục ngữ!...”Đơn cử, bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng", tác giả đưa ra nội dung như sau: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”

“Vụ việc” gây ra xôn xao trong dư luận. Người ta phê phán đây là cách làm moi tiền học sinh. Người ta chê cười sự ngô nghê, kém cỏi, thậm chí buồn cười của một “tác phẩm” kém chất lượng. Tài liệu ấy đã bị Sở GDĐT Hải Phòng thu hồi. Đúng, một cuốn sách như thế đáng phê phán, đáng thu hồi. Nhưng cũng có người khách quan hơn cho rằng việc làm của cô giáo Đỗ Thị Lai xuất phát từ thực tế thấy việc giáo dục đạo đức với học sinh ngày nay còn hạn chế nên tìm cách bổ khuyết. Với cách nhìn nhận như thế lại thấy ra vấn đề: Quả thật chương trình giáo dục đạo đức của ngành giáo dục không đáp ứng được yêu cầu.

Và qua nội dung cuốn sách cho thấy, đến như một hiệu trưởng cấp 3 có hai bằng cử nhân, một bằng thạc sĩ như bà giáo này mà còn hiểu rất lơ mơ và ấu trĩ về giáo dục “Tiên học lễ” như thế thì thật đáng lo.

Nhìn vào sản phẩm đầu ra

Thôi thì, quan niệm như thế nào về “Tiên học lễ”, chương trình và cách giảng dạy như thế nào cũng không bàn, nhưng kết quả “đầu ra” của sản phẩm mới quan trọng.

Hầu như xã hội đều lo lắng vì tình trạng xuống cấp đạo đức của thế hệ học trò ngày nay.

Trẻ em bây giờ không còn lễ phép như trước đây nữa rồi. Đó là sự thực. Cho dù có phát động “nói lời hay làm việc tốt” thì khắp nơi chúng đều văng bậy, chửi tục như cơm bữa.

Đối với thầy cô, không chỉ thiếu tôn kính mà còn có cả hiện tượng chửi thầy, đánh thầy, nhục mạ thầy…Đó là những chuyện xưa nay chưa từng thấy.

Ngay trong việc học hành cũng chểnh mảng, trốn học, bỏ học, coppy, thi cử gian lận, chạy điểm… trở nên phổ biến.
Học trò đánh nhau, thậm chí cả học trò nữ cũng hình thành băng nhóm thanh toán lẫn nhau, chém giết nhau. Phóng xe, đi xe bạt mạng trên đường phố, không tôn trọng luật lệ giao thông, tổ chức đua xe trái phép, không tiếc mạng sống của mình cũng như chẳng sợ gây ra tai nạn cho người đi đường. Mê chơi game, chat chit trên mạng. Rủ nhau nghiện ngập ma túy. Không có tiền, sẵn sàng ăn trộm ăn cướp, giết người để thỏa mãn cơn nghiện.

Sinh lý phát triển sớm, không ít teen sa vào yêu đương, lơ là học hành. Dễ dàng bị rủ rê, lừa mị trở thành gái bán dâm. Không những thế còn sẵn sàng chụp hình, quay video phát tán trên mạng. Tình trạng phá thai tuổi vị thành niên đã đến mức báo động. Tỉ lệ tội phạm vị thành niên ngày càng cao. Không hiếm những vụ gây án mạng kinh hoàng như trường hợp Lê Văn Luyện gần đây…

Những vấn đề đặt ra

Để có những hậu quả như trên chứng tỏ sự bất lực của ngành giáo dục. Việc giảng dạy đạo đức, giáo dục công dân ở trường học có vấn đề, rất lúng túng và không hiệu quả. Nhưng phải chăng, việc giáo dục nhân cách con người chỉ biết dựa vào môn học vừa khô, vừa khổ, vừa khó như lời than phiền của giáo viên dạy “môn hoc phụ” này. Phải chăng cứ nhồi nhét đủ cả mọi vấn đề đạo đức vào một môn học là xong? Vấn đề chính ở đây là phải xem lại toàn bộ mục tiêu, chương trình và cách thức giáo dục như thế nào cho có hiệu quả. Đừng biến câu khẩu hiệu “Tiên học lễ” chỉ là một câu khẩu hiệu mơ hồ và …vô dụng!

Giáo dục ở nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng không phải là một ốc đảo tách rời khỏi gia đình và xã hội được. Một khi mà “người lớn” say rượu, phóng bừa phóng ẩu gây ra tai nạn giao thông làm sao dạy các em tuân theo luật giao thông được. Một khi bố mẹ gian lận bằng cấp, dùng bằng giả để tiến thân, để giàu có, làm sao bảo được con em nghiêm chỉnh học hành có kiến thức được. Một khi các quan chức ra rả hứa hẹn, nói dối không ngượng mồm thì làm sao dạy các em trung thực, không nói dối cho được…

Lại càng nực cười khi mà bố mẹ là quan chức tham nhũng hay là những nạn nhân hèn nhát không dám và không thể đấu tranh thì làm sao dạy con em chống tham nhũng được!

Để có được một xã hội văn minh, lành mạnh, hơn nữa còn phát triển kịp trào lưu chung của xã hội đòi hỏi hệ thống giáo dục phải đào tạo ra những con người xây dựng xã hội đó. Nhưng, xã hội có lành mạnh, mọi người đều tuân thủ pháp luật thì sự nghiệp giáo dục mới phát triển lành manh được. Quả thật đây là vấn đề nan giải, cần đến những bộ óc có tâm, có tầm hơn bao giờ hết.

Nguyễn Như Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét