Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Cái băng đỏ

Trần Chân Nhân

Một mảnh vải mầu đỏ rộng chừng mươi phân, may viền hai mép, nối hai đầu cuộc lại thành hình lăng trụ rỗng, luồn vào cánh tay của một (hay nhiều) cá thể – được gọi là Cái Băng Đỏ (CBĐ). Đại loại như chiếc băng tang – thay vì phải chít trên đầu, người chịu tang đeo lên cánh tay để tiện sinh hoạt, làm việc….
Tại sao cái băng vải lại không dùng các mầu Xanh: Da trời, nước biển, lá cây hay xanh hoà bình – mầu hạnh phúc tươi đẹp của sự sống?
Sao không dùng mầu Vàng – mầu da của dân tộc, mầu tượng trưng cho đất đai (hoàng thổ) của tổ quốc, mà dùng mầu đỏ – cái mầu khiến ta liên tưởng tới mắu – hệ qủa của sự đàn áp, chém – giết?

Lại nữa: Không hiểu CBĐ do ai phát minh ra, xuất hiện trên nước ta từ thời gian nào?
Tôi đã cố công tìm hiểu mà không có lời giải đáp thoả đáng. Tuy nhiên, suy nghĩ… suy nghĩ… rồi cũng nhận ra: Cấp trên của ta học được từ các ông’’anh cả, anh hai’’, rồi mang vào từ những năm miền Bắc tiến hành Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Tiếp đó , trong cuộc chiến chống không lực Hoa Kì, CBĐ được dùng rộng rãi.
Hôm đó – mùng 5 tháng 8.1964 (1), từng đoàn máy bay của Mỹ từ tầu sân bay đậu trên biển Đông, bay vào ném bom, bắn phá các mục tiêu trên đất liền của miền Bắc: Cửa lò (Nghệ an), cầu Hàm rồng (Thanh hoá), Bãi cháy(Hồng gai – Quảng ninh). Cuộc tập kích lúc đầu chỉ hướng vào các cứ điểm quân sự, giao thông, (cầu – đường)… sau đó lan ra bắn phá các khu dân sự, làng xóm, gây đổ nát, thương vong, vùi lấp người và gia súc. Nhân dân phải giúp sức, cùng nhà nước – đào bới cứu chữa người bị thương, chôn cất người tử vong, thu dọn đống đổ nát, giải quyết hậu qủa do trận bom – gây ra. Người tham gia giải quyết hậu qủa là đội viên Đội thanh niên xung kích do Đoàn thanh niên lao động các cấp tổ chức, lãnh đạo. Họ đeo băng đỏ trên cánh tay để dân chúng nhận biết, khẳng định – Đây không phải là kẻ gian trà trộn vào hôi của những nạn nhân xấu số. Đây là những’’ân nhân đầy lòng yêu nước thương nòi’’. Họ thực sự là bạn tốt của Dân!
Cũng cùng thời gian chiến tranh chống Mĩ, lác đác trên phương tiện truyền thông của nhà nước (phát thanh, báo ảnh) xuất hiện bài, ảnh nói về cuộc Cách mạng văn hóa của Trung Quốc. Đáng chú ý – đám người đeo băng đỏ, (họ gọi là Hồng Vệ Binh) mặt sát khí đằng đằng, tay cầm cuốn Mao tuyển (cũng mầu đỏ), dơ cao, mồm gào thét ’’Mao chủ tịch muôn năm’’! Hành động của chúng nhìn mà rợn người: Đánh đập, đấu tố, hành hạ, lăng nhục những người đồng bào mình … (xin xem bài viết về HVB, sự hối hận muộn màng kèm theo dưới đây…).


Những kẻ đeo băng đỏ tham gia tích cực vào việc đàn áp biểu tình. Hai người trong ảnh, một đã kịp tháo băng đỏ ra, cầm ở tay. Ảnh DLB

Đất nưóc hết cơn binh lửa, những CBĐ tưởng chừng đã đị vào qúa khứ – bị’’xếp kho’’.
Nhưng không!
Khi cuộc chiến tranh ở biên giới Phía tây Nam và ở phía Bắc do bọn BTBQBK và tay sai Pol Pot gây ra (1979), chiếc băng đỏ trên cánh tay những người dân hiền lành, chất phác, giầu lòng yêu nước thương nòi – lại xuất hiện. Họ lại tiếp tục làm nhiệm vụ ’’Cơm nhà vác tù và hàng tổng’’ giúp đảng và nhà nước’’ thu dọn hậu qủa chiến tranh’’. Công việc đầy gian nan, cùng cả nguy hiểm chết người!
Chiến tranh biên giới qua đi!
Người dân Việt chắc mẩm: Những chiếc băng đỏ sẽ hết thời, sẽ chỉ còn trong kí ức mọi người, chỉ để ’’sẵn sàng chiến đấu’’ chống giặc ngoại xâm lần khác nữa…
Hơn 30 năm sau, hôm nay (1979 – 2011) , khi tình hình đất nước đang đứng trưóc hiểm hoạ bị xâm lược, nhân dân VN đoàn kết , khoác tay nhau biểu lộ lòng căm thù bọn xâm lược’’sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc’’ thông qua cuộc biểu dương tinh thần bằng những cuộc biểu tình ôn hòa, nhắm vào bọn xâm lược thì… nhưng… lại bị ngăn chặn thô bạo. Điều đáng chú ý: Những cái băng đỏ lại trở về, sống lại. Chúng xuất hiện cả chính thức (đeo băng đỏ) lẫn không chính thức: Mặc’’sơ vin’’, (thậm chí gỉa danh bọn’’đầu trộm đuôi cướp)… Lần này CBĐ không phải để giúp đỡ nhân dân yêu nước bằng hành động như trong qúa khứ… trái lại – hành hung, ngăn chặn , tiếp sức cho lực lượng chính quy – giải tán, đàn áp, bắt giữ người yêu nước – như trường hợp anh Lê Dũng tưòng thuật trên Radio RFA hôm 3.11: Bị một số kẻ tấn công khi đi xe máy trên đường Bà Triệu, bị đánh, bị cướp máy ảnh đập vỡ ngay trước mặt mình chỉ vì anh tham gia các cuộc biểu tình kia …
Những CBĐ tuy chưa thấy ghi lại trên ảnh: Cắp người trên nách (như cắp gà), tóm chân tay người vất lên xe (như bắt lợn), đạp vào mặt người (như đạp mô đất) – giống như Công An Nhân Dân (tên Minh) hành xử khi đạp vào mặt công dân, đảng viên CSVN – Nguyễn Chí Đức. Còn giằng co, xé nón đạp lên nón có khẩu hiện chống bọn xâm lược Đại Hán– thì đã xẩy ra (như bắt giữ chị Minh Hằng)…
Có một trường hop đặc biệt nghiêm trọng – Theo báo chí loan tải , thân nhân nạn nhân tố cáo : 2 người đeo băng đỏ (bậy giờ được khoác cho cái áo Dân Phòng) – cùng viên trung tá Công an đánh chết’’ông Dân’’ – Trịnh Xuân Tùng vì một cái cớ rất’’không có cớ’’. Cô Trịnh Kim Tiến – con gái nạn nhân – phải lên tiếng tố cáo trước công luận, đệ đơn lên tòa án – kiện những kẻ sát nhân! (theo nxd blog hôm 3.11: ngày 17.11.2011 hung thủ phải ra tòa)…
Trong qúa khứ gần: Khi cần bảo vệ chính thể, bảo vệ nhà nước của đảng, thì nhân dân được động viên, thuyết phục xông vào lửa đạn cứu nước. Nhưng hôm nay – hơn 40 năn sau – khi giặc tới rình rập xâm lược tổ quốc, dòng máu anh hùng của nòi giống chảy cuồn cuộn trong đường gân thớ thịt, đưa vào tim óc, tạo ra sự bức xúc trong tư tưởng – bột phát ra hành động , thì… chẳng hiểu vì sao lại bị đảng và nhà nước ngăn chặn, đàn áp?
Người đeo Băng Đỏ trước đây đích thực là bạn tốt của Dân. Bây giờ biến thành kẻ ngăn chặn, đàn áp, chống lại Dân?! Cũng hai loại con người, hai chiếc băng đỏ trên cánh tay, cùng dòng tộc, cùng sống trên mảnh đất Việt Nam của một chính thể duy nhất – một Đảng , một Nhà nước ’’của Dân – do Dân – vì Dân’’ , sao lại hành động khác nhau như thế?
Phải chăng, nhóm người mang danh Dân Phòng này đang – theo ngôn từ của báo Hà Nội Mới và Tổng Giám Đốc đài PT-THHN Trần Gia Thái – bị: ’’lực lượng thù địch kích động, mua chuộc lôi kéo hùa nhau chống phá’’ làm hoen ố danh tiếng của đảng và nhà nước. CBĐ hôm nay ở VN hao hao giống CBĐ – Hồng Vệ Binh (…) của Mao Trạch Đông – năm xưa. Đám người HVB này , hôm nay (năm 2007) đã xám hối (bài viết trong phụ lục dưới đây). Tuy đã qúa muộn, nhưng vẫn còn hơn không làm gì trước tội ác mà mình gây ra.
Các bạn Dân Phòng!
Việc ngăn cản người yêu nước (biểu tình) là nhiệm vụ của Công an nhân dân. Họ được trả lương để làm việc đó! Họ đã nêu khẩu hiệu: ’’Còn Đảng (thì) còn mình (CA)’’. Họ phải làm theo nhiệm vụ đã được giao và làm bất cứ việc gì để bảo vệ đảng. Bởi vì Đảng (ta) sợ làm mếch lòng’’Đảng bạn’’, hay nói cụ thể suy diễn từ lời cô ’’Tiến sĩ’’ Đỗ Ngọc Bích đã viết trong một bài được tung lên mạng BBC mấy năm trước: Bây giờ, thực chất Đảng (bạn) Trung Quốc – chính là ’’Đảng cha’’, giống như trong qúa khứ vua Việt, gọi vua Trung Hoa là’ ’Vua cha, vua Anh’’… Bởi vậy, bảo vệ đảng – là mục đích tối thượng – ’’vì mục đích bất chấp thủ đoạn’’!
Còn các bạn Dân phòng!
Các bạn đã được tập hợp lại, phát quần áo, băng đỏ và chút ít tiền thù lao mỗi khi ’’xung trận’’… Mới chỉ có vậy, có bạn đã tỏ ra hãnh diện, trong vai ’’Cáo mượn oai Hùm’’ – tham gia đàn áp chính đồng loại, đồng bào mình . Dưới cái nhìn của Nhân dân – (Đích thực Nhân dân) chứ không phải thứ ’’nhân dân’’ của Đại tá ’’Tiến sĩ Ka ki’’ – Quang! Rốt cuộc, các bạn cũng chỉ là những người ’’bị lôi kéo, bị lợi dụng, bị truyên truyền’’, phục vụ cho nhóm lợi ích chứ không phải phục vụ cho Nhân dân, Tổ quốc đích thực của chúng ta.
Việc làm của các bạn khiến cha mẹ, vợ con, thân nhân phải trăn trở đến xấu hổ mỗi khi đối diện với bà con chòm xóm, tổ phường trước hành động phi nghĩa , phi tình mà các bạn tham gia, gây ra… Hãy suy nghĩ lại, hãy thức tỉnh đi: Nếu bị bắt buộc (vì lẽ gì đó…) – thì hãy ’’vừa vừa, phai phải’’, đừng làm điều thất đức như các Hồng Vệ Binh năm xưa của Mao Trạch Đông – hùa nhau làm điều ác, để đến bây giờ hối lại đã không kịp!
Các bạn hãy nhớ lời răn dậy của tổ tiên mình:
Nhiễu điều phủ lấy gía gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng!
Và:
Trăm năm Bia đá thì mòn
Nghìn năm Bia miệng vẫn còn trơ trơ!
1.11.2011
© T.C.N
© Đàn Chim Việt
—————————————–
Chú thích:
(1) – Ngày 5.8.1964, Hoa kỳ bắt đầu chiến dịch bắn phá miền Bắc bằng không quân với mục đích’’chia lửa’’ cho chiến trường miền Nam. Cuộc đánh phá này có tính chất thăm dò. 7 Tháng sau – Ngày 3.2.1965, Hoa Kỳ dựng ra’’Sự kiện vịnh Bắc Bộ’’… dùng không quân ào ạt bắn phá miền Bắc. Cuộc chiến tranh bằng không quân leo thang…tới điểm đỉnh là trận chiến bằng máy bay chiến lược B52 ’’Điện Biên Phủ trên không’’ 12 ngày đêm (18.12.1972 – 30.12.1972). Cuối cùng dẫn đến Hiệp định Psris vào mùa xuân năm 1973, Hoa Kỳ rút quân (1973-1975)…
—————————————-
Phụ Lục:
NHỮNG TIỂU TƯỚNG HỒNG VỆ BINH NĂM XƯA DAY DƯT, HỔ THẸN KHI NHỚ LẠI CHUYỆN CŨ…
CAND.COM – 3.9.2007
Đồng chí Ngô Hàm ơi, tôi xin chắp nén tâm nhang tạ tội!
Tháng 6/1966, tôi mới 15 tuổi, học sinh lớp 8 Trường Nữ sinh Số 1 Bắc Kinh. Khi đó, trên toàn quốc đang dấy lên làn sóng phê phán vở kịch “Hải Thụy bãi quan” của Ngô Hàm. Liên tiếp được đọc nhiều bài phê phán trên báo chí, thoạt đầu tôi tìm đọc vì hiếu kỳ bởi giọng văn thách thức quyết liệt, lâu dần thấy mê. Sách báo, chữ in, khi đó đối với tôi thiêng liêng lắm.
Càng đọc càng thấy căm phẫn, tại sao giải phóng đã bao nhiêu năm mà ngay tại thủ đô vẫn có kẻ dám xỏ xiên bóng gió công kích lãnh tụ vĩ đại, chúng tôi liệu có thể “trơ mắt ếch” đứng nhìn không?
Khoảng hạ tuần tháng 6/1966, vào một buổi chiều chúng tôi đang ngồi thảo luận trong lớp học, bỗng nghe tiếng ồn ào ngoài sân, ngó ra thấy rất đông học sinh các lớp khác ùn ùn chạy ra cổng, la hét: “Kéo tới nhà Ngô Hàm”, “Đi đấu Ngô Hàm!”, “Hỡi các tiểu tướng, xông lên!”.
Ngay lập tức máu nóng cuồn cuộn trong người, chúng tôi cùng òa lên nhập với mọi người lao ra khỏi cổng trường, rầm rập chạy dọc theo phố Nam Trường xộc thẳng tới trước cổng lớn nhà Ngô Hàm ở phố Bắc Đẩu.
Nơi đó đang chật cứng học sinh đủ mọi lứa tuổi, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng đạp cổng rầm trời dậy đất, khí thế xung thiên tựa như muốn đạp bằng nhà Ngô Hàm.
Một nữ sinh cấp 3 đang đứng trên bậc thềm cao nhất vung nắm đấm, gân cổ lên gào giọng the thé: “Đả đảo Ngô Hàm!”, “Kẻ nào phản đối lãnh tụ vĩ đại, chúng ta đập nát đầu chó của nó!”. Tiếng đập cửa, đá cửa cùng tiếng la hét quyện với nhau như vỡ chợ.
Ngay lúc ấy có một cô học sinh nhỏ nhà cách vách với nhà Ngô Hàm kéo tôi và một học sinh nữa chạy luồn sang sân sau nhà cô ta, trèo lên một cây to bước xuống nóc tường xây nhà Ngô Hàm rồi xuống đất.
Bị cảnh vệ gác nhà Ngô Hàm chặn lại, chúng tôi liền níu kéo, cào cấu chống lại. Không biết ai đã phá tung được cánh cổng, thế là dòng người như nước vỡ bờ ào vào trong sân.
Loáng cái, căn phòng phía bắc ngôi nhà chật cứng học sinh, Ngô Hàm đang ngồi trên chiếc sofa kê gần cửa sổ, bên cạnh có lẽ là viên thư ký của ông đang ra sức dang tay bảo vệ ông. Nhiều học sinh xô tới hất tung các chồng sách báo, rồi chộp lấy ném tới tấp vào người ông, phun nước bọt vào mặt ông.
Tôi cố chen được tới ngay bên cạnh Ngô Hàm, hiếu kỳ ngắm nghía, tôi thấy khuôn mặt ông phúc hậu, đôi mắt hiền từ, chẳng giống hình tượng “yêu ma quỷ quái” mà báo chí mô tả chút nào, bất giác tôi dội lên lòng thương cảm, thấy tội nghiệp thế nào ấy.
Nhưng ngay lập tức nhớ tới Ngô Hàm là kẻ đã dám láo xược phản đối lãnh tụ vĩ đại, thế là lại cố làm vẻ nghiêm trọng cật vấn ông: “Tại sao ông lại dám phản đối lãnh tụ vĩ đại?”. Ông vội lắc đầu và cúi xuống, nói: “Tôi không phản đối lãnh tụ vĩ đại bao giờ!”. Nước bọt do lũ học trò chúng tôi nhổ chảy nhểu từ đỉnh đầu hói của ông trượt xuống trước trán.
Lát sau thì Hiệu trưởng và Bí thư Chi bộ tới dẫn đám học sinh ra tập trung tại sân trước nhà mở đại hội phê phán tại chỗ, hò hét, hô khẩu hiệu khản cổ một lúc liền kéo đi, cắt cử mấy đứa chúng tôi ở lại trong nhà viết khẩu hiệu, biểu ngữ.
Tôi cầm một tờ biểu ngữ, đang loay hoay không biết dán ở chỗ nào thật bắt mắt, thì ngó thấy một học sinh đứng phía ngoài cửa sổ gỗ gõ gõ vào tấm kính, rồi đưa bàn tay vã vã lên trán mình, ra hiệu bảo tôi hãy dán luôn tờ biểu ngữ ngay lên trán Ngô Hàm.
Thoạt đầu, tôi ngần ngừ không nhẫn tâm, nhưng nghĩ ngay tới lập trường giai cấp phải kiên định, liền cố làm ra vẻ hung hăng tức giận, bước tới ấn tờ biểu ngữ lên trán ông.
Sau khi “Bè lũ bốn tên” bị đập tan, đọc được bài báo kể lại cái chết thê thảm của vợ chồng Ngô Hàm trong “Văn cách” bởi bàn tay “quần chúng cách mạng” là bọn “tiểu tướng Hồng vệ binh” cuồng tín như tôi, lòng tôi bỗng nhói đau.
Đối với cảnh ngộ thê thảm của cả nhà ông, lẽ nào chúng tôi không có trách nhiệm? 20 năm đã qua đi, mỗi lần nhớ tới chuyện này tôi lại thấy hổ thẹn day dứt. Tới nay, nỗi oan khuất của Ngô Hàm đã được làm sáng tỏ, tôi thầm cáo lỗi với hương hồn ông, cầu mong trên trời xanh cao vời vợi, anh linh ông được an ủi.
(Lời kể của nguyên tiểu tướng Trương Nghĩa Đông).
Điền Hán bị đấu
Điền Hán – tác giả bài Quốc ca hùng tráng của Trung Quốc, danh nổi như cồn. Khi tôi theo học tại Trường trung học Số 5 Bắc Kinh, thì ông cư ngụ trong một ngôi nhà ngay cạnh trường chúng tôi.
Mùa hạ hơn 20 năm trước, trời đất đảo điên, mây đen cuồn cuộn, trước cánh cửa nhà ông có dán một tờ giấy, trên viết: “Các tiểu tướng Hồng vệ binh thân mến: Con chó già Điền Hán không có trong nhà, những ai muốn phê phán đấu tố hắn hãy tìm đến trụ sở Hội Liên hiệp văn học”.
Thế là, tôi hiểu ra, trong cái ngõ hẻm này không còn được nhìn thấy bóng dáng ông già mập ngồi xe hơi nữa.
Tại Trụ sở Văn Liên (Hội Liên hiệp văn học Trung Quốc) trong một hội trường không lớn, hơn 10 người bị lôi ra đấu tố xếp thành một hàng ngang, đứng cúi đầu (bởi ngẩng cao đầu sẽ bị khép tội “ngoan cố chống lại lãnh tụ vĩ đại”!), trong đó có một nữ cán bộ bị đánh đập tơi tả, máu me bết tóc tai, quần áo, nghe nói vì bà ta chống lại việc Hồng vệ binh thực hiện “trò chơi cách mạng” nên bị gọt hẳn một nửa mái tóc (gọi là kiểu tóc âm – dương).
Những “tiểu tướng Hồng vệ binh” 17, 18 tuổi, mặc quân phục, cầm dây lưng da to bản, khóa đồng vàng chóe, đứng sát ngay sau lưng những người bị đấu tố, dựng mày quắc mắt, sát khí đằng đằng.
Điền Hán là một trong những người xấu số đứng xếp hàng ngang chờ đấu tố. Một “tiểu tướng” hùng hổ bước tới trước mặt Điền Hán, quát lớn: “Điền Hán, mày thật to gan lớn mật, coi trời bằng vung, dám xỏ xiên công kích lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch, không thể tha thứ được!”, “Đả đảo Điền Hán!”, “Đập nát đầu chó Điền Hán!”, rừng cánh tay giơ lên kèm tiếng hô vang rền, ngay lập tức những chiếc thắt lưng da quất tới tấp lên người ông, loáng cái trên chiếc áo sơmi trắng ông mặc in lằn dọc lằn ngang những vết máu.
Ông vẫn cúi đầu, nhíu mày không hé răng kêu la, rên rỉ. Một Hồng vệ binh gào lên: “Bắt nó quỳ xuống!”. 2 tay tiểu tướng đứng phía sau túm cổ áo ông dúi xuống, đá mạnh vào kheo chân bắt ông quỳ trên sân khấu.
Hồng vệ binh truy kích đến cùng không tha, cầm micro dí trước mặt Điền Hán, lần nữa cật vấn: “Nói mau, xỏ xiên, chửi bóng, chửi gió Mao Chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại có đáng đánh không?”. Điền Hán trả lời: “Chửi Mao Chủ tịch, đáng đánh!”.
Câu nói đó rất phân minh rành rọt, qua micro phóng to càng rõ ràng. Bỗng tên Hồng vệ binh kia nhảy dựng, mắt trợn muốn tóe lửa, gầm lên: “A, thằng già khốn nạn này! Mày dám nói Mao Chủ tịch, đáng đánh!”. Chưa kịp nghe lời thanh minh của Điền Hán thì từ phía sau, những chiếc dây thắt lưng da khóa đồng đã vun vút quất xuống lưng ông.
Ông vẫn gồng mình, cắn răng, nhíu mày chịu đòn, không nói, chiếc áo sơmi rách tơi tả, đẫm máu. Quần chúng phía dưới đờ đẫn, trố mắt nhìn, lặng như tờ. Khi các “đả thủ” cảm thấy “hành động cách mạng” không cần thiết tiếp tục nữa, cuộc đấu tố mới dừng.
Nhiều người chen nhau lên sát mép sân khấu, với tâm trạng đầy hoài nghi, muốn ngó cho rõ những danh nhân văn học mà họ từng say mê kính trọng một thời. Một người trạc trung niên kéo tay gã đội trưởng Hồng vệ binh giải thích: “Vừa rồi Điền Hán bảo “chửi Chủ tịch, đáng đánh” chứ không phải “Mao Chủ tịch đáng đánh”. Các cậu hiểu nhầm rồi”.
Câu trả lời là: “Ôi dào, những kẻ xấu xa như hắn, muốn đánh là đánh, đánh mỏi tay thì dừng, chết bỏ!”.Đồng chí Điền Hán đã đi xa hơn 20 năm rồi. Ông đã để lại cho chúng ta lời ca hùng tráng, chấn động lòng người: Vùng lên, hỡi những người không cam chịu làm nô lệ!
(Lời kể của nguyên tiểu tướng Hồng vệ binh Trương Nhuận Hòa
Đi “phúc thẩm” giáo sư Lương Tư Thành
7, 8 đứa vô công rồi nghề, chúng tôi (vì trường học đóng cửa để học sinh tham gia cách mạng) rủ nhau tổ chức thành một đội chiến đấu, chẳng qua chỉ nhằm mục đích để người ngoài hiểu rằng chúng tôi không phải là không nhiệt tình cách mạng.
Chúng tôi không muốn để người khác vận động, mà cũng chẳng có bản lĩnh đi vận động người khác, chi bằng mình vận động mình vậy. Vào một ngày mùa xuân năm 1967, Hoàng Quân, người có học vấn cao nhất trong chúng tôi lóe lên một ý tưởng: “Này, chúng mình đi “phúc thẩm” Lương Tư Thành chơi!”.
Quang cảnh phê phán, đấu tố Ban lãnh đạo thành uỷ Bắc Ninh theo chỉ thị của Giang Thanh-Lâm Bưu.
Thật là một kiến nghị động trời, thú vị và lập tức được tất cả tán thành.Nhập học năm 1963, chúng tôi đã nghe tới đại danh của Lương tiên sinh, nhưng ông chưa dạy lớp chúng tôi tiết nào, chỉ đôi lần đáo qua thị sát phòng đồ họa của sinh viên chúng tôi.
Trong ấn tượng của tôi, khi đó tên tuổi của Lương tiên sinh dường như đã gắn liền với sai lầm của “chủ nghĩa phục cổ”, “chủ nghĩa duy mỹ” nghĩa là cái ta thường gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Bởi vậy, bùn bẩn nước dơ dội lên đầu ông trong “Văn cách” khỏi phải nói.
Lần này chúng tôi tới “phúc thẩm” (xét xử lại) thực ra chủ yếu là xuất phát từ… sự hiếu kỳ và để giết thì giờ!Lương tiên sinh đang có nhà, với tâm trạng “chờ vấn tội” nên ông luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận sự phê phán, đấu tố của các tiểu tướng cách mạng.
Chúng tôi bước vào, được ông lịch thiệp mời ngồi, không đọc “ngữ lục” (sách đỏ tập hợp lời dạy của Mao Chủ tịch), cũng không hô khẩu hiệu, nhất thời im lặng. Ông già gầy gò lộ vẻ bối rối căng thẳng.
May sao Hoàng Quân đã đọc mấy bài phê phán Lương tiên sinh trên tờ Nhân dân nhật báo liền lấy ngay mấy ví dụ chỉ trích ông mượn cổ đả kim “công kích ác độc” để hỏi tiên sinh Lương Tư Thành nhận thức ra sao.
Tiên sinh trả lời rằng tất cả những vấn đề báo nêu ông đã “phản tỉnh” (suy ngẫm, xem xét, tự kiểm điểm) rất sâu sắc. Chúng tôi lại yêu cầu ông hãy nói về “tội trạng” chính của mình – cổ xúy cho chủ nghĩa phục cổ.Đại thể là do chúng tôi cố làm ra vẻ “ta đây” nhưng vẫn lộ chân tướng rất thiếu “khí thế tạo phản”.
Dường như Lương tiên sinh đã nhìn thấu “tim đen” chúng tôi chẳng qua chỉ là lũ choai “vô công rồi nghề” nhiễu sự cho vui, ông dần tỏ ra không căng thẳng lo âu nữa, bắt đầu bạo dạn trò chuyện, từ chuyện “Mỹ cung thất dĩ tráng thiên tử chi uy” (lấy cung mỹ nữ làm mạnh thêm uy quyền thiên tử) của Tiêu Hà đời Hán, đến “doanh tạo pháp thức” (phương thức phép tắc xây dựng) đời Tống và “Doanh đạo đắc liệt”) (chuẩn mực xây dựng) của Bộ Công đời Thanh.
Rồi, ông kể sơ qua về lịch sử kiến trúc Trung Quốc cho chúng tôi nghe, thi thoảng còn chen vào câu nói vui. Ông nói say sưa như đang giảng bài, quên khuấy luôn cả thân phận chờ luận tội của mình, còn chúng tôi, mải mê nghe cũng quên luôn mục đích chính của chuyện “kéo quân” tới đây là để thực thi “hành động cách mạng”.
Nói xong, không khí căn phòng lại trầm lắng, tiên sinh hắng giọng, hỏi lại chúng tôi: “Các trò có còn hỏi gì nữa không?”. Chúng tôi tất thảy đều đưa mắt nhìn Hoàng Quân, anh ta biết ý, đành nhắc lại câu chất vấn ban đầu, rằng Lương tiên sinh vẫn chưa trả lời trực diện vấn đề.
Lần này Lương tiên sinh không còn e ngại nữa, nói thẳng: “Các trò muốn tôi giải thích thế nào, để tôi còn liệu?”, nói xong ông cười thoải mái. Chúng tôi cũng cười ồ theo, rất vui vẻ thoải mái, như buổi học trò đến thăm thầy. Lương tiên sinh đã đi xa, ông không quen biết mỗi người trong chúng tôi, nhưng sau lần ấy, chúng tôi càng khâm phục tiên sinh.
Đếm đốt ngón tay, loáng cái 20 năm đã trôi qua, Hoàng Quân, người có học vấn nhất trong “Đội chiến đấu” của chúng tôi hiện nay là một tiến sĩ kiến trúc học quốc tịch Trung Quốc, Trường đại học Princeton, Mỹ kế tục sự nghiệp Lương tiên sinh, những người còn lại trong chúng tôi cũng đều đạt ước nguyện sự nghiệp của mình.
Anh danh của tiên sinh ngày nay lại được người đời tôn kính như vốn có. Còn chúng tôi, mỗi lần gặp nhau, khi nhắc tới lần “phúc thẩm” ấy, lại cười phá, như sinh thời tiên sinh đã cùng chúng tôi cười vui.
(Lời kể của nguyên đội viên “Đội chiến đấu” Kim Bá Cầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét