Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Cái bình quý Ngân hàng

Tuanddk - Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư nhiều nhất vào ngân hàng. Ngân hàng đầu tư nhiều nhất vào bất động sản, vào chứng khoán. Chứng khoán thì thủng đáy, bất động sản thì đóng băng. Chiến dịch bàn tay sắt siết trần huy động 14% với vô số những lãnh đạo ngân hàng bị "chém" vì dám vượt trần đang tạo sóng ngầm trong hệ thống. Trong khi đó, ngoài xã hội, đổ vỡ tín dụng đen xảy ra với một mật độ "hàng ngày". Không còn nghi ngờ gì nữa, "hệ thống ngân hàng" và việc tái cấu trúc nó, sẽ đóng vai trò "con tàu Vinashin" trong phiên chất vấn tới đây.

Mọi sự bắt đầu từ năm 2006 sau những "chiến tích" gia nhập WTO. Tưởng tượng ra làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam, chúng ta bắt đầu cho phép thành lập các ngân hàng sau cả thập kỷ "đóng cửa". Trong hai năm 2007-2008 ngân hàng bùng nổ, với số ngân hàng được thành lập mới gấp 5-7 lần con số trước đó. Ngành ngân hàng bấy giờ "hot" đến mức có thêm hẳn một nghề mới, cũng hot không kém: Nghề tư vấn, thực chất là môi giới- thành lập ngân hàng. Đến nay, đúng với câu dân gian "ra ngõ gặp ngân hàng", tổng cộng đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở chưa kể la liệt những tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Trong chính thời điểm "sốt nóng" đó, một quan chức của NHNN, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai đưa ra khuyến cáo không nên thành lập thêm các Ngân hàng. TS Lai đặc biệt cảnh báo cần nghiêm cấm việc các tập đoàn kinh tế đua nhau tìm cách xin mở ngân hàng thương mại. "Thậm chí phải ghi vào luật việc nghiêm cấm". Không có gì khó hiểu khi "Sinh lời trong ngắn hạn là một thứ ưu tiên tuyệt đối", thay vì đầu tư vào sản xuất.

Và hậu quả là bây giờ hệ thống đó phải tái cấu trúc, để tránh sự sụp đổ.

Đại biểu QH Nguyễn Bá Thanh là người đầu tiên nói ra điều mà ai-cũng-biết-là-một-cái-gì-đó, khi ông công bố một sự thật: "Một ngân hàng có vốn khoảng nghìn tỷ khi mới thành lập huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản, giá đất rất thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi, thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao, 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người trước, đẩy lạm phát lên cao”.

Nhiều ngân hàng đến như vậy, với những cái nên Đông Á, Nam Á, Đại Á, na ná giống nhau thì làm sao huy động được vốn, và vốn ở đâu ra mà huy động? Ngoài chuyện "lấy tiền của người sau để trả cho người trước", chúng chỉ tồn tại bằng cách phá vỡ trần lãi suất với những cuộc đua không phanh. Hậu quả biết ngay từ hồi tháng 9, khi tân thống đốc siết trần huy động 14%, khi ông làm thật, chém thật, chứ không chỉ đứng ngoài hô như truyền thống. Và thế là các ngân hàng Á, Á mất toàn bộ yếu tố để cạnh tranh. Nói đúng hơn là chúng không còn đất sống.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn rằng: “Một nền kinh tế “đẻ” ra quá nhiều tổ chức tín dụng như của chúng ta là một hiện tượng bất bình thường”. Vị đại biểu liên hệ tình trạng hiện tại nếu không cẩn thận sẽ giống như những vụ đổ vỡ hàng loạt tổ chức tín dụng nhân dân xảy ra cách đây nhiều năm. Bài học lúc đó đắt giá thế nào thì không ai có thể tưởng tượng được.

Rất tàn nhẫn là chúng ta phải tái cơ cấu. Chỉ mong câu chuyện "tái cơ cấu" không phải chỉ là một phép trừ thuần túy, không phải chỉ là việc trấn an dư luận trước những cơn sóng ngầm có thể nổi lên bất cứ lúc nào trong ngành ngân hàng. Bởi, như một vị đại biểu QH ví von, "giống như chiếc bình pha lê mà bất kỳ một quyết định sai lầm nào cũng có thể khiến nó vỡ”.\

Tuanddk

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5656

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét