Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

công an HÀNH khúc


Lê Nguyên Anh (danlambao) - Đêm ngày 10/11/2011, blogger Hành Nhân tức Sỹ Hoàng bị giật mất laptop tại 16 Bà Huyện Thanh Quan, phường 6, quận 3, Sài Gòn. Trao đổi với chúng tôi bạn cho biết: "Những người "không hề lạ" này đã lượn qua lượn lại nhiều vòng để chờ mình về. Hôm qua, mình lại mặc áo No-U nữa. Mình nghĩ, đã là cướp thì chỉ nhắm đến tài sản có giá trị chứ không ai vừa cướp laptop, vừa giật luôn túi nylon đựng 5 cuốn sách của mình".

Trưa ngày 11/11/2011, trong lúc đang ngồi đợi blogger JB Nguyễn Hữu Vinh và luật sư Lê Quốc Quân làm việc với an ninh, thì các blogger khác là Lê Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng và Chính Phạm đã bị công an bắt giữ thô bạo tại Hà Đông.


Lê Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng và Chính Phạm

Riêng anh Nguyễn Lân Thắng đã bị bất tỉnh trong lúc làm việc, hiện vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện Hà Đông.

Xét lại các diễn biến trước đó như việc lực lượng dân phòng cướp nón của chị Bùi Thị Minh Hằng tại khu vực Bờ Hồ, và sau đó công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giam chị hơn 3 ngày, hẳn người ta sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: "Có hay không chuyện an ninh đe dọa những công dân Việt Nam yêu nước?"

Với trường hợp của blogger Hành Nhân, đây không phải là lần đầu tiên bạn này bị xách nhiễu. Cách đây hơn 1 tháng khi đang đi trên đường từ quận 10 về Thủ Đức thì phát hiện có người "lạ" cố bám theo, đến cầu Bình Triệu thì người này ghé vào chốt giao thông gần đó gọi hai cảnh sát giao thông đuổi theo giữ lại với lý do là nghi ngờ đi xe gian. Sau khi xuất trình đầy đủ giấy tờ xe thì Hành Nhân tiếp tục bị câu lưu tại đồn công an phường 26, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, từ 10 giờ sáng đến tận 17h30 với một lỗi vi phạm lẽ ra chỉ bị xử phạt hành chính là "xe chưa sang tên chính chủ".



Hành Nhân đang trình báo về việc bị cướp giật laptop tại Công an phường 6, quận 3

Lạ lùng hơn là có đến 5 nhân viên an ninh PA67 được cử xuống làm việc với "một người điều khiển phương tiện giao thông chưa sang tên" để điều tra về nhân thân, về việc đi biểu tình, về nguồn gốc chiếc áo No U và những mối quan hệ riêng tư cá nhân khác.

Blogger Hành Nhân cho biết: "Sau đó họ mua 1 chiếc áo sơ mi đòi đổi lấy chiếc áo No U mình đang mặc nhưng mình ko chịu. Họ bắt mình viết cam kết ko được mặc chiếc áo này nữa vì hiện nay tình hình ngoại giao đang "hết sức tế nhị."

Được biết, blogger Hành Nhân là một trong những người đầu tiên ký tên vào lá thư ngỏ gửi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc giam giữ trái phép công dân Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày), và mới đây bạn này đã trả lời công khai quan điểm của mình trên đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA):

 

Hành Nhân (ảnh trái) - "Điếu Cày có các bài viết thể hiện chính kiến về việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Mình rất nể phục con người quả cảm như anh. Việc anh đã quá hạn tù mà vẫn không được trả tự do và cũng không biết tin tức về anh khiến mọi người bức xúc. Pháp luật Việt Nam đáng lẽ phải bênh đỡ người dân yêu nước, đằng này lại vi phạm trắng trợn như vậy thì không được... Anh là một blogger dám nói lên những điều nhiều người không dám. Mình ủng hộ anh vì quyền tự do ngôn luận. Có thể anh vi phạm ‘trốn thuế’, nhà nước có thể bắt, nhưng phải trả tự do đúng hạn định... Mình luôn cố gắng sống theo sự thật, tôn trọng sự thật. Mình ủng hộ và noi gương Điếu Cày, dám sống cho những điều đúng đắn. Khi mình ký tên như vậy, mình đang làm chuyện đúng, không gì sai phạm cả... Điều mình làm, nếu thấy đúng, mình cứ làm. Nếu cứ trông đợi có kết quả mới làm thì bao giờ mới bắt tay vào hành động? Mình vẫn tiếp tục viết bài thể hiện chính kiến của mình trên blog, noi gương Điếu Cày, sống hết mình cho những gì mình tin là đúng. Nếu ai cũng như Điếu Cày thì thật sự xã hội mình sẽ quá tốt. Nhà cầm quyền không thể bắt hết tất cả mọi người... Anh Điếu Cày là một người tiên phong và mọi người sẽ nhìn vào để thấy được đâu là điều cần phải noi theo. Lý tưởng mình đặt ra, dù chông gai, dù khó khăn vẫn đi. Đó là niềm khởi hứng để mọi người dám sống cho những điều họ biết chắc là đúng. Sẽ có nhiều người nhìn ra điều đó, và như vậy, sẽ tạo thành một phong trào lây lan, mọi người dám bảo vệ và nói lên những điều đúng đắn...

Câu hỏi đặt ra: "Có hay không chuyện an ninh đe dọa những công dân Việt Nam yêu nước?", chắc hẳn không cần có câu trả lời nào nữa trước những sự việc xảy ra vừa trên.

Khi lực lượng an ninh sử dụng đủ biện pháp để đe dọa, trấn áp và khủng bố những công dân có thái độ chính trị rõ ràng muốn bày tỏ lòng yêu nước của mình, liệu có làm người ta nghi ngờ chức năng "bảo vệ an ninh quốc gia" của lực lượng này không?

 
Hỏi tức là trả lời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét