Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Nam Anh

Thực hiện Chỉ thị số 06 – CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khắp nơi trong cả nước đang tưng bừng làm panô, biểu ngữ chăng khắp các nẻo đường. Là một sinh viên tại thành phố mang tên Bác, tôi cũng tò mò tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là gì để có thể thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất Việt Nam.
Có lẽ không có cách gì tìm hiểu về tư tưởng một con người tốt hơn là qua bài viết của người đó ở những thời kì lịch sử khác nhau. Xuyên suốt các thời kì lịch sử, có lẽ nguyện vọng lớn nhất của cụ Hồ là xây dựng một Việt Nam « dân chủ mới », một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như các nước văn minh trên thế giới. (từ « Dân chủ mới » được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các văn bản viết bởi Hồ Chủ tịch).

Giở lại lịch sử, ngay khi đất nước còn đang chìm trong đêm trường nô lệ, tại nước Pháp, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được những quyền lợi căn bản mà một con người, một công dân trong xã hội phải có, vì đó là « những quyền không ai có thể xâm phạm được » (Tuyên ngôn độc lập). Tại đại hội Tours năm 1920 của đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu như sau :
Người Việt Nam bị phân biệt đối xử, họ không có những sự bảo đảm như người châu Âu hoặc có quốc tịch châu Âu. Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có.
Việc nhận thức được thế nào là nhân quyền, dân quyền có lẽ là một bước phát triển rất lớn trong tư tưởng của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Với nhận thức rằng chính phủ sinh ra là để phục vụ dân chứ không phải để cai trị dân, chính phủ không có quyền ngăn cấm công dân phát biểu và hội họp với nhau. Do vậy, chính phủ thực dân Pháp đã xử sự hoàn toàn sai trái khi ngăn cấm và hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của người Việt Nam.
Dù vậy, thực dân Pháp vẫn huênh hoang là họ có công « khai hóa » cho nhân dân Việt Nam. Thực dân Pháp đã tổ chức những cuộc vui chơi, thể dục thể thao, âm nhạc, thậm chí cho bầu cử giả hiệu để thanh niên Việt Nam lãng quên nghĩa vụ giải phóng đất nước. Nhìn bề ngoài không ai có thể nghĩ rằng người dân Việt Nam cần độc lập, tự do, dân chủ nhưng với con mắt nhìn xa trông rộng, cụ Hồ đã nhìn thấy điều khác hẳn :
Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa. Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng.
Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. (trích bài Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên tạp chí Cộng sản Pháp, số 14, năm 1921).
Để phục vụ cho chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918, chế độ thực dân đã tranh thủ và huy động sự tham gia của người dân sống ở các nước thuộc địa tham gia giải phóng « Mẫu quốc », với vô số lời hứa hẹn sẽ ban bố quyền « tự do, dân chủ » cho người dân. Thế nhưng, khi cuộc chiến kết thúc, tất cả chỉ là những lời hứa suông. Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ điều đó, không chỉ cho người dân Việt Nam mà toàn thể nhân loại đang sống ở chế độ thuộc địa :
Nhưng khi cơn bão táp đã qua, thì cũng vẫn như trước, anh em phải sống trong chế độ bản xứ, với những điều luật đặc biệt, thiếu hẳn các quyền lợi gắn liền với phẩm giá con người như quyền tự do lập hội và hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại ngay cả trong nước. Đó là về mặt chính trị.
Nói tóm lại, người ta hứa hẹn đủ thứ ; nhưng giờ đây mọi người đều thấy toàn là những lời lừa dối.
Chỉ có bản thân nỗ lực đấu tranh thì mới mong có giải phóng được.
(Tuyên ngôn của hội « Liên hiệp thuộc địa)
Khi các nước thắng trận như Mỹ, Anh, Pháp họp ở Versailles ngày 18 tháng 1 năm 1919, nhiều đoàn đại biểu các nước bị áp bức đã đến hội nghị này để đưa nguyện vọng của mình. Nguyễn Ái Quốc đã nhân danh « một nhóm người Việt Nam yêu nước » ở Pháp đã gửi bản « Những yêu sách của nhân dân Việt Nam » cho nghị viện Pháp và tất cả những đoàn đại biểu ở hội nghị này.
Bản yêu sách đã thể hiện tư tưởng ngời sáng của cụ Hồ, thể hiện sự tiếp nhận sâu sắc tư tưởng nhân quyền, dân quyền của cụ Phan Châu Trinh. Tư tưởng này đã khởi đầu cho nhận thức về một đất nước Việt Nam trong đó quyền tự do của người dân được bảo đảm, một thể chế dân chủ, pháp trị chứ không phải hoạt động dựa trên « chỉ thị » hay « sắc lệnh » của một nhóm người cai trị nào.
Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
Cải cách nền pháp lý Đông Dương, cho người Việt
Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người
Âu, bỏ hẳn tòa án đặc biệt, công cụ để khủng bố những
người Việt Nam lương thiện nhất.
Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
Tự do lập hội và tự do hội họp.
Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.
Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên
nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh.
Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ đạo luật.
Phải có đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra, ở bên cạnh nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ.
(Nguyễn Ái Quốc – Những yêu sách của nhân dân Việt
Nam)
Không chỉ giác ngộ cách mạng cho tầng lớp công nhân và nông dân, cụ Hồ còn chủ trương giúp đỡ các tầng lớp khác trong xã hội thành lập đảng đại diện cho nguyện vọng của họ. Có lẽ cụ đã vượt trước thời đại rất xa khi thấu hiểu sự cần thiết của nhiều đảng phái trong xã hội để nói lên tiếng nói của nhiều tầng lớp.
Ngay trong báo cáo chính trị tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản), cụ Hồ đã phát biểu “Đảng [Lao động] lại giúp những anh em trí thức tiến bộ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam để thu hút những thanh niên trí thức và công chức Việt Nam”.
Không chỉ vậy, Đảng Lao động còn học hỏi những điều tốt đẹp của các đảng phái khác. Trong lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11 /06/1948, chủ tịch Hồ Chí minh đã nêu ra chủ trương của Việt Nam Quốc Dân Đảng để toàn dân hướng vào, đó là chủ thuyết Tam Dân mà tác giả là Tôn Trung Sơn, người cha của nền Cộng hòa Trung Quốc: “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Ba chữ “Độc lập”, “Tự do”, “Hạnh phúc” đã trở thành ba mục tiêu lớn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bây giờ là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Đến tận cuối thập kỉ 90, sau khi cụ Hồ mất, hai Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội mới bị cưỡng bách giải thể. Điều này hoàn toàn đi ngược với tư tưởng của cụ Hồ. Đến tận những năm cuối đời, cụ Hồ vẫn căn dặn những lời hết sức hợp tình hợp lý. Trong di chúc, cụ mong muốn xây dựng một Việt Nam “Hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, và giàu mạnh”.
Nếu ai đọc được các văn bản do cụ Hồ viết qua từng thời kì, sẽ hiểu ngay đường lối chiến lược này của cụ. “Hòa bình” nghĩa là các bên tham gia chiến tranh phải ngưng bắn để bước vào bàn đàm phán.
Tiếp theo, “độc lập” nghĩa là nước ngoài không được can thiệp vào nội bộ Việt Nam, cụ thể là Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện. Rồi đến “thống nhất”, nghĩa là hai miền Nam Bắc sẽ tổ chức bầu cử tự do và công bằng để bầu ra chính phủ thống nhất trên toàn quốc.
Ngay sau đó, chính phủ thống nhất cần thực hiện ngay thể chế “dân chủ”, chấm dứt tình trạng phải hạn chế nhân quyền, dân quyền do yêu cầu của thời chiến ở cả hai miền. Một khi đã có nền tảng dân chủ vững chắc, chúng ta mới có thể xây dựng đất nước “giàu mạnh”, và giàu mạnh một cách bền vững.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh từ đầu đến cuối vẫn là đấu tranh để trả lại những quyền căn bản cho người dân, thực hiện thể chế dân chủ để bảo đảm những quyền tự do của người dân được thực thi như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và hội họp, tự do ứng cử và tự do bầu cử…
Ngay trong bài viết “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” năm 1952, cụ Hồ đã viết “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng”. Để làm được như vậy thì ý dân cần phải được thể hiện qua báo chí tự do và bầu cử công bằng.
Cụ Hồ đã mất gần 40 năm nhưng tư tưởng của cụ vẫn luôn nóng hổi tính thời sự. Đọc lại những bài viết của cụ vẫn thấy cụ như đang đọc diễn văn sang sảng đâu đây.
N.A.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét