Pages

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Giờ còn độc quyền cả chuyện sống chết của người bệnh

000_Hkg5218915-250.jpg


Ông già Ozon (giữa) hai bên là GS
Huệ Chi (trái) và NV Nguyên Ngọc (phải).




Cổ nhân nói “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Vậy mà trong lúc Bộ Y tế chưa tìm ra được phương pháp hữu hiệu dập tắt được một dịch bệnh có cái tên (mới) “tay-chân-miệng” (TCM) đang lây lan trong phạm vi cả nước, lại cản trở một nhà khoa học (không trong ngành Y tế) đang tận tình cứu chữa người bệnh ở Ninh Thuận, thật không thể hiểu nổi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội thuộc Viện Khoa học Việt Nam người từng được biết nhiều do ông có phương pháp chữa bệnh TCM hiệu quả bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa Anolyte và Catolyte, hay còn gọi là nước Ozone, muối sạch có nồng độ tinh khiết trên 99,7% để tắm rửa, bôi ngoài da và cho các cháu xúc miệng có thể diệt được vi rút gây bệnh. Như lời TS Khải mô tả khi ông tới tham gia điều trị bệnh nhân nhi tại bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận như sau: “Bắt đầu làm từ lúc 14: 05 phút. Đến 14 giờ 22 phút thì tất cả các cháu đều không gãi. Tổng số hôm đó là 40 lít nước, mỗi cháu dùng nửa lít. Chỉ trong một phút các cháu không khóc, không gãi và bắt đầu ăn được tức là tôi đã triệt được khuẩn triệt được vi rút.” (1)..

untitled.jpg
TS Nguyễn Văn Khải trong một lần dập dịch giúp dân – Nguồn: //giaoduc.net.vn/
Mặc dù vậy chỉ sau một cú điện thoại từ Bộ Y tế, TS Khải đã bị truất quyền được cứu người. Như lời ông nói với RFA sau đây: “Đồng chí Hòa, phó chủ tịch thường trực, đồng chí Võ Đại Phó chủ tịch là người cùng tôi đi kiểm tra các cháu trước và sau khi chữa nhưng Bộ y tế gọi điện thoại vào, ai thì tôi không biết nhưng giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận gọi cho tôi đề nghị tôi phải ngưng ngay, tức là tôi chỉ được cứu các cháu từ 14:02 phút cho đến 23:59 phút sau đó tôi về ngủ. Sáng dậy người ta báo tôi phải ngưng. Rất tiếc rằng tôi không làm trọn 3 ngày vì ở Hà Nội và trên toàn lãnh thổ Việt Nam chưa có cháu nào tôi chữa quá 5 ngày.” (1).
000_Hkg5250288-305.jpg
Bé trai 9 tháng tuổi đang nằm bệnh viện Bình Dương vì bệnh tay chân miệng hôm 24/8/2011 – AFP photo
Trên báo Giáo dục Việt Nam (GDVN), độc giả Nguyễn Quyết (Phú Thọ) nhận định: “Đối tượng mà ngành Y tế tác động đến là con người nên không thể thờ ơ, vô trách nhiệm với dân được. Bệnh chân tay miệng là một dịch bệnh đang hoành hành với hàng trăm nghìn ca bệnh trên cả nước rồi cũng có đến hàng trăm bệnh nhân tử vong, nên việc TS Khải dùng một phương pháp chữa khỏi được bệnh mà Bộ Y tế thấy còn nghi ngờ thì nên có hành động cụ thể nào đó theo đúng chức trách, nhiệm vụ của mình để thông báo cho người dân biết, chứ không nên im lặng nột cách khó hiểu như vậy”. (2)
Là người đã có thời gian từng cộng tác làm việc với ngành y tế, tôi thấy đến những vĩ nhân của nhân loại như bác sỹ Alexandre Yersin, dưới con mắt của những người thầy thuốc “vừa hồng vừa chuyên”, họ cũng chẳng coi ra gì, huống chi một ông già Ozon từng bị Đài Truyền hình Hà Nội (HTV) đưa ảnh (ảnh dưới) lên bôi nhọ, vu cáo khi tham gia đi biểu tình yêu nước chống tụi “bạn vàng” tới cướp biển đảo của Việt Nam.
Năm 1985, tôi (đạo diễn kiêm quay phim) cùng Lại Văn Sinh (biên kịch) và Phạm Tiến Khang (chủ nhiệm) bay vào TP Hồ Chí Minh làm bộ phim “Bệnh Dịch Hạch”. Theo sự bật mí của bác sỹ Phạm Xuân Long – Viện Pasteur TP HCM, nếu tranh thủ được sự ủng hộ của hai giáo sư đầu ngành về dịch tễ là Hoàng Thuỷ Nguyên và Đặng Đức Trạch (đang tham dự Hội nghị tổng kết ở Viện Pasteur TP HCM) thì công việc sẽ được thuận buồn xuôi gió. Trước giờ khai mạc, tại tiền sảnh có buổi trà đàm, khi ông Lê Diên Hồng (Vụ Vệ sinh Phòng dịch) đưa vấn đề giúp đỡ việc làm phim ra bàn, giáo sư Đặng Đức Trạch không những không ủng hộ việc làm của chúng tôi, còn cho rằng không nên đề cao Yersin, vì đó là người theo chân Thực dân Pháp tới cướp nước ta… Sau đó ông Trạch đem chuyện bóng đá ra bàn để đánh lảng đề tài mà TS Lê Diên Hồng đang đề cập. Rồi có những ý kiến bên ngành y tế chỉ đạo không nên đề cao bác sỹ Yersin, cho dù ông chính là người có công tìm ra vi khuẩn Dịch hạch vào năm 1894, cứu cả loài người khỏi thảm hoạ dịch hạch. Trong những ngày đi tìm tài liệu về người đầu tiên tìm ra trực khuẩn dịch hạch, tôi đã gặp nhiều nhân chứng ở Nha Trang và Đà Lạt. Được nghe những câu chuyện cảm động về “Ông Năm” (tên thân mật người dân đặt cho Yersin). Ông đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho khoa học. Cho mảnh đất Nha Trang (xóm Cồn, Suối Dầu, Đà Lạt) của Việt Nam ta nói riêng và với nhân loại nói chung. Tìm đâu ra một người ngoại quốc gắn bó với Việt Nam cả lúc sống cũng như lúc chết như bác sỹ Yersin? Ông sinh ra ở vùng Aubonne, bang Vaud, Thụy Sĩ, trong một gia đình có nguồn gốc từ Pháp. Từng làm bác sỹ trong Hạm đội Hải Quân Pháp chu du khắp thế giới. Khi tới Nha Trang, ông tự nguyện gắn bó với mảnh đất này. Để làm khoa học và sống độc thân cho đến cuối đời. Mộ của ông hiện còn ở Suối Dầu, như di chúc của ông. Trên mộ ông không lúc nào ngớt hương hoa trắng, như tấm lòng trắng trong của ông với bà con lao động nghèo khổ ở xứ sở này. Thế mà có người vẫn còn đem lòng ganh ghét tỵ hiềm với ông thì qủa là khôi hài.
Alexandre Yersin 1863 – 1943
Câu chuyện qua đã lâu, bộ phim tài liệu khoa học “Bệnh Dịch Hạch” của tôi cũng đã giành được Bông sen bạc ở Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8, tháng 3 năm 1988 (3). Nhưng những thành kiến với Yersin như lời của ông GS danh tiếng Đặng Đức Trạch thì tôi không bao giờ quên được.
Trở lại chuyện ông già Ozon – tiến sỹ Nguyễn Văn Khải mang cả tài và tâm ra cứu người bệnh, mặc dù ông không phải là bác sỹ (thầy thuốc), khiến tôi vô cùng cảm phục. Ông không hề có lỗi khi cứu người (bệnh) một cách bất vụ lợi như vậy. Có thể ngoài chuyện ông đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở biển Đông trái với ý đảng, việc dùng hiểu biết của một nhà khoa học để cứu người bệnh của ông cũng có thể đã làm ảnh hưởng tới miếng ăn miếng uống của những vị “lương y thích phong bì”? Nếu không phải vậy thì tại sao lại có cú điện thoại của ai đó (chắc phải là cấp cao) ở Bộ Y tế?
Hiện tại người có trách nhiệm cao nhất phụ trách mảng phòng dịch là Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn? Nếu đúng là nhà ông Huấn này gọi điện từ Hà Nội vào Ninh Thuận (?). Thì thật không thể tưởng tượng nổi. Bởi lúc tôi làm phim Bệnh dịch hạch, Huấn mới chỉ là một bác sỹ mới ra trường làm chân long tong trà nước tiếp khách ở Vụ Vệ Sinh Phòng dịch do ông Lê Diên Hồng là Vụ trưởng. Tôi thấy anh ta rất hiền lành và có phần nhút nhát nữa. Theo chân quan thầy Hồng, Huấn lên như diều gặp gió. Từ chân thư ký cho Vụ trưởng, nhoằng cái lên Vụ Trưởng… rồi lên Thứ trưởng Bộ Y tế lúc nào không hay. Gớm thật. Tôi cũng mừng cho anh ta. Lại Văn Sinh, một thời đi quay (chuyên đeo ác qui giúp tôi như người phụ quay thực thụ), leo lên tới Cục trưởng tôi đã phục lăn. Nhưng so với Trịnh Quân Huấn, Sinh còn xách dép.
Sở dĩ tôi chú ý tới ông Thứ trưởng Huấn này, bởi vì chính ông ta là người chịu trách nhiệm cao nhất về dịch TCM chứ không ai khác, khi từ tháng 8 (2011), đã có tới 32.500 ca, tử vong 81 ca tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Mà ông GSTS – Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn vẫn lập luận như: “Hiện tại công bố dịch toàn quốc vẫn phải theo đúng quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và quy định của Thủ tướng Chính phủ” (4). Thật không thể tưởng tượng được. Là Thứ trưởng với học hàm học vị giáo sư tiến sỹ, cho dù có người chê “dỏm” (5), nhưng với cương vị người đứng đầu ngành dịch tễ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, ông Huấn không thể thụ động trước sinh mạng của hàng ngàn người bệnh như thế được.
2010-08-11_143328.jpg
Vậy điều gì đã níu chân những người có trách nhiệm cao nhất của ngành y tế cố tình không chịu công bố bệnh dịch này? Ta hãy nghe ý kiến của bà Bộ trưởng Trịnh Kim Tiến, khi bà khẳng định ở Việt Nam đang có dịch tay chân miệng, nhưng cho rằng: “Chỉ một vài nghìn ca rải rác trong cả nước thì làm sao công bố dịch được. Nếu như cúm A/H1N1, cúm thường mà công luận chưa yêu cầu công bố chúng tôi đã kiểm tra rồi. Bây giờ mà công bố dịch tay chân miệng thì suốt ngày đi kiểm tra phân, kiểm tra máu của hành khách đến Việt Nam thì sao mà làm được. Lý thuyết về công bố dịch là như vậy” (6).
Lời khẳng định của bà tân Bộ trưởng trên thật khó thuyết phục dư luận. Bởi “tại thời Thủ tướng Chính phủ có công điện, các con số tổng kết trên cả nước đã có gần 33 nghìn trường hợp mắc TCM tại 52 địa phương, trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tới ngày 25/10 (tức là chỉ sau 2 tháng khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Y tế đã tổ chức họp báo về bệnh TCM và theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ /Pasteur tích lũy từ đầu năm 2011 đến nay đã lên đến 77.895 nghìn trường hợp ở 63 tỉnh, thành phố (như vậy là số ca mắc bệnh tăng hơn gấp 2 lần, trong đó 137 ca tử vong. Riêng tuần qua ghi nhận thêm 2.900 ca mắc TCM mới, tăng 400 ca” (6)..
tre%20bi%20tay%20chan%20mieng.jpg
Chỉ sau 2 tháng số ca nhiễm TCM đã tăng hơn gấp 2 lần – Nguồn: //giaoduc.net.vn/
Trong bài “Tiến sĩ xin đi tù…” gửi lời nhắn đến Bộ trưởng Y tế của tác giả Ngọc Quang (báo GDVN) dẫn lời của TS Khải như sau: “Qua những người quen mà tôi biết, họ cho con đi viện chữa bệnh tốn rất nhiều tiền, người 5 triệu, người 10 triệu, thậm chí nhiều hơn nữa, nhưng nếu dùng Anolyt thì chỉ hết vài chục nghìn đồng” (6) . Điều này chính là mấu chốt của chuyện làm khó TS Khải như sự vụ ở Ninh Thuận trong phần thượng dẫn chăng? Cho dù ông già Ozon có thành thật trải hết nỗi lòng của mình: “Tôi khẳng định một lần nữa là hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những thông tin đã công bố. Tôi làm khoa học mấy chục năm nay, mà đã làm khoa học thì phải rất cẩn thận, chứ không công bố để lấy cái danh, năm nay tôi gần 70 tuổi rồi thì cần danh lợi làm gì nữa” (6).
Từ thực tiễn trên cho thấy một điều hiển nhiên rằng, dù yêu nước hay yêu người (bệnh) đến mức nào cũng không thể bày tỏ một cách qúa tự nhiên và vô tư được. Tất cả phải đúng (định) hướng, đúng phép. Tiếc thay ông già Ozon – TS Nguyễn Văn Khải, thời gian qua đã vi phạm cả 2 trọng “tội” tầy đình này. Vì sự độc quyền về yêu nước và cả sự sống chết của con người (bệnh) đã không còn như cái thời của mẹ Suốt, “mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai” (7) nữa rồi….
Gocomay
_____
(1) Lời TS Nguyễn Văn Khải - http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-ozon-old-man-anoly-soluti-11152011115207.html
(2) “Tôi phải kêu to lên: Bộ Y tế ở đâu rồi nhỉ?” - http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Toi-phai-keu-to-len-Bo-Y-te-o-dau-roi-nhi/72561.gd
(3) Theo cố đạo diễn Ngọc Quỳnh, thành viên trong BGK, phim này đúng ra đoạt giải Bông Sen vàng, nhưng ông Bùi Đình Hạc (lúc đó là chủ tịch giám khảo phim Tài liệu) vì động cơ cá nhân đã thay đổi kết quả vào phút chót, hạ phim xuống giải Bông sen bạc…
(4) Bộ trưởng nói công bố, Thứ trưởng bảo chờ!?http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Bo-truong-noi-cong-bo-Thu-truong-bao-cho/54897
(5) http://giaosudom.wordpress.com/2010/08/10/gs-d%E1%BB%8Fm-tr%E1%BB%8Bnh-quan-hu%E1%BA%A5n-th%E1%BB%A9-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-b%E1%BB%99-y-t%E1%BA%BF/
(6) “Tiến sĩ xin đi tù…” gửi lời nhắn đến Bộ trưởng Y tếhttp://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tien-si-xin-di-tu-gui-loi-nhan-den-Bo-truong-Y-te/69418.gd
(7) Trích: Mẹ Suốt – Tố Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét