Pages

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Hàn Quốc: một khuôn mẫu phát triển?

Nguồn: Mark Tran, The Guardian
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ


Busan, nơi diễn ra hội nghị về hiệu quả viện trợ, có thương cảng lớn thứ năm trên thế giới. Liệu các quốc gia khác có thể học hỏi khuôn mẫu phát triển của nước này? Ảnh: Getty Image.
Có thể nó không là khu nghỉ mát ven biển đẹp nhất, với những toà nhà xám xịt phủ bóng trên bờ biển, nhưng thành phố lớn thứ nhì của Hàn Quốc cũng chẳng kém đi tham vọng dân sự.
Toạ lạc tại mũi cực nam của bán đảo Triều Tiên, Busan không chỉ có một khu siêu thị khổng lồ lớn nhất trên thế giới – vượt qua cả tiệm Macy tại New York hai năm trước – nó còn dự định sẽ xây một toà nhà cao thứ ba trên thế giới vào năm 2013, sau toà nhà Bufj Khalifa ở Dubai và toà nhà Đài Bắc 101 tại Đài Bắc, Đài Loan.

Hôm thứ Ba, Busan tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư về hiệu quả viện trợ, với hơn 2000 đại biểu, bao gồm những nhân vật nổi tiếng như Hillary Clinton và Tony Blair, tụ tập tại trung tâm hội nghị khổng lồ Bexco, nơi các công nhân vẫn đang hoàn tất những công đoạn sắp xếp vào cuối tuần qua. Busan và Hàn Quốc vô cùng tự hào việc tổ chức hội nghị này, và chính phủ Hàn Quốc tin rằng những nước khác có thể học hỏi từ kinh nghiệm phát triển của mình. Tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia tổ chức hội nghị các quốc gia kém phát triển nhất tại Istanbul năm nay, nơi họ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực tư nhân trong việc phát triển quốc gia mình.
Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân mỗi đầu người ở mức 64 Mỹ kim. Về mặt kinh tế, trong những năm 1960 nó đứng sau cả Cộng hoà Dân chủ Congo – hiện đang tổ chức một cuộc bầu cử đầy bạo lực. Từ đó, vận hội của đất nước này đã đảo ngược một cách thần kỳ. Hàn Quốc hiện nằm trong nhóm những nước giàu có, Uỷ ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Congo đã đi thụt lùi sau khi giành được độc lập và đứng hạng chót trên 187 nước trong Chỉ số Phát triển Con người năm 2011.
Ngược lại, Hàn Quốc đã hưởng được những viện trợ lớn được bơm vào từ nước ngoài, trước tiên là từ Hoa Kỳ, sau đó là Nhật. Một bản tóm tắt từ KoFID, một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự, và ReDI, một cơ quan nghiên cứu Hàn Quốc, chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã tài trợ cho Hàn Quốc khoảng 60 tỉ Mỹ kim tiền trợ cấp và cho vay từ 1946 đến 1978. Trong cùng thời gian, tổng số tiền viện trợ của Hoa Kỳ dành cho toàn bộ châu Phi là 68,9 tỉ Mỹ kim. Rõ ràng là Hàn Quốc – được Hoa Kỳ xem như là một đồng minh quan trọng trong chiến tranh lạnh – đã sử dụng nguồn viện trợ này một cách đúng đắn. Seoul cũng đã không ngần ngại đối đầu với Hoa Kỳ khi hai bên có những dị biệt về chiến lược phát triển.
Từng thử qua khái niệm “sở hữu chủ” hiện đang được thảo luận, Hàn Quốc không sẵn sàng trở thành kẻ hoà nhạc với Hoa Kỳ mà cương quyết theo đuổi con đường riêng của mình. Tiền viện trợ được gắn liền với quá trình thảo kế hoạc và ngân sách của Hàn Quốc, đây là một trong những nguyên tắc được đưa ra tại Tuyên bố về hiệu quả viện trợ tại Paris năm 2005 và sẽ được tái khẳng định tại Busan.
Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của nhân vật cứng rắn Park Chung-Hee, đã chú trọng vào việc xây dựng những tập đoàn kinh tế lớn, còn gọi là chaebol, đi ngược lại lời khuyên của người Mỹ là nên chú trọng vào những công ty loại nhỏ và trung.
Chính sách này đã tạo ra nền tản cho những thương hiệu thành công của Hàn Quốc trên thị trường thế giới như Samsung và LG, mặc dù nó cũng phải trả một cái giá về nạn tham nhũng chính trị vì quan hệ gần gũi giữa doanh nghiệp và giới lãnh đạo chính trị. KoFID và ReDI cho rằng việc chú trọng vào các tập đoàn kinh tế lớn đã dẫn đến việc các chaebol này lợi dụng vị thế độc quyền của mình để nuôi dưỡng tình trạng thiếu tăng cường tính bất công trong kinh tế.
Park đã dùng một phương pháp thực dụng để đối phó với tham nhũng. Thay vì trừng phạt những doanh nhân tham nhũng theo lời thúc dục của Hoa Kỳ, ông đã sung công những cổ phần nhà băng của họ rồi bắt buộc họ phải đầu tư vào những ngành công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu ví dụ như sản xuất phân bón, điểm này đã được nhắc đến trong cuốn sách về viện trợ “Xúc tiến Phát triển” của Homi Kharas, Koji Makino và Woojin Jung.
Dù phạm bất cứ sai lầm nào, chính phủ Hàn Quốc đã không phí phạm số vốn viện trợ có được, không như tổng thống Mobutu của Zaire, tiền thân của Cộng hoà Dân chủ Congo hiện nay. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tảng lờ, Mobuto đã vét sạch cả nước, xây cho mình những cung điện lãng phí ở ngôi làng của mẹ mình tại khu vực hẻo lánh Gbadolite, với cả một sân bay đủ lớn để phi cơ Concorde có thể hạ cánh để giòng họ Mobutu có thể đi Paris hoặc New York mua sắm. Trong khi Cộng hoà Dân chủ Congo nổi bật như một khuôn mẫu phát triển cần được huỷ bỏ, Hàn Quốc cũng như Việt Nam tạo ra những tiêu điểm về việc phát triển nên được thực hiện ra sao.
Một lần nữa, Việt Nam cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền sở hữu. Chính quyền thay vì các nhà tài trợ, đề ra lịch trình xoá đói giảm nghèo và đôi khi đã bác bỏ những lời khuyên từ các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã cho phép bỏ rơi chương trình của mình với Quỹ Tiền tệ Quốc tế vì sự bất đồng với tiến độ của quá trình cải cách lĩnh vực tài chính và kiểm toán của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, quyền sở hữu cũng là con dao hai lưỡi. Việt Nam, cũng như một số các quốc gia đang phát triển khác đang có được những tiến triển đáng kể, mang đặc tính độc quyền mạnh mẽ, vừa qua đã bỏ tù blogger Phạm Minh Hoàng. Rwanda, Ethiopia và Cambodia cũng nằm trong ngữ cảnh này. Một quan tâm đặc biệt của các tổ chức xã hội dân sự tại Busan là tình trạng ngày càng nhiều việc sử dụng ngành lập pháp để ngăn chặn hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Cambodia đang thảo luận một dự luật về tổ chức phi chính phủ khiến các tổ chức xã hội dân sự lo ngại rằng nó sẽ bóp nghẹt phản kháng xã hội với rất ít tổ chức chính trị đối lập. Trong khi đó một số người Ethiopian nói rằng xã hội dân sự hầu như đã bị bóp nghẽn kể từ khi một luật về tổ chức phi chính phủ ra đời tại Ethiopia vào năm 2009. Các nhà đấu tranh hy vọng được nghe một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ về xã hội dân sự khi bà phát biểu vào hôm thứ Tư.
Riêng với Hàn Quốc, KoFID và ReDI nói rằng chính quyền đã không xem trọng vai trò của xã hội dân sự trong hành trình phát triển thành công của quốc gia.
“Hầu hết các tầng lớp dân chúng đã phải chịu đựng nhiều thập niên đau khổ và hy sinh: chủ các doanh nghiệp nhỏ, công nhân và nông dân,” KoFID và ReDI lập luận. “Chính họ là người thúc đẩy một xã hội dân chủ tại Hàn Quốc, làm nền tảng cho quá trình phát triển ổn định của đất nước.”
Đây là một nhận định cần được thảo luận nhưng Tunisia, Ai Cập và cuộc cách mạng Á Rập cho thấy sự nguy hiểm của việc phân chia lợi nhuận không đồng đều từ tăng trưởng kinh tế.
http://www.x-cafevn.org/node/2794

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét