Pages

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Hành trình đối thoại của nhà cầm quyền Sài Gòn – Đừng trông Cộng Sản đối thoại

Hành trình đối thoại của nhà cầm quyền Sài Gòn

Mấy hôm nay có dịp đi đến ngã tư Kỳ Đồng – Bà Huyện Thanh Quan người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy một công trình xây dựng được che chắn tôn kín bít nằm ngay góc ngã tư. Hỏi ra mới biết công trình này “có vấn đề”.

Mặc dù Dòng Chúa Cứu Thế gần đây đã hai lần gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền có liên quan yêu cầu làm rõ tính pháp lý của công trình xây dựng này, nhưng được biết cho đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Về nguyên tắc, khi một công trình xây dựng gặp phải đơn khiếu nại gửi đến cơ quan công quyền thì công trình đó phải bị tạm dừng thi công chờ giải quyết. Cứ xem các công trình nhà dân sẽ rõ. Chỉ cần một lá đơn khiếu nại của hàng xóm, cán bộ sẽ gửi thư mời cho chủ đầu tư ngay tức khắc… Tại sao công trình của cái gọi là “Trường Mầm Non 9″ ở số 86 Bà Huyện Thanh Quan vẫn cứ ngang nhiên tiến hành bất chấp pháp luật? Những nơi nhận được đơn khiếu nại như Sở Xây dựng (60 Trương Định, quận 3, có thể đi bộ đến công trình), Ban Tôn giáo – Dân tộc TP (196 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), Sở Tài nguyên – Môi trường TP (63 Lý Tự Trọng, Q.1),… đã làm gì?

Phải chăng đó là cách “đối thoại” của nhà cầm quyền Sài Gòn, cụ thể là UBND Quận 3 và UBND TP.HCM?
Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 nghĩ sao khi một cơ sở mang danh là “giáo dục Mầm Non” lại xây dựng trên một sự chiếm cướp của các cán bộ giáo dục? Làm sao giáo dục các trẻ em khi người lớn làm gương xấu: cướp tài sản của cơ sở tôn giáo? Con trẻ khi học ở đây sẽ tiếp nhận một nền tảng giáo dục nào? Các bậc phụ huynh nghĩ sao khi gửi con cái vào đây? Đó có phải là nơi đủ điều kiện “giáo dục” không hay chỉ là nơi kinh doanh thuần túy?
PV. VRNs
==================================
Đừng trông Cộng Sản đối thoại
Hà Nội – Trong diễn biến liên quan đến đất đai của Công Giáo những năm gần đây, đôi khi chúng ta thường nghe thấy thấp thoáng đâu đó hai từ “đối thoại’’ của phía chính quyền (tức kẻ cướp) và từ phía một số người bên ngoài chưa hiểu hết vấn đề, thậm chí còn từ phía vài cá nhân trong Giáo Hội Việt Nam.
Từ “đối thoại’’ thường được phía chính quyền lấp lửng đưa ra khi gặp phản ứng mạnh mẽ của người Giáo Dân. Đây là cách mị dân, một thủ đoạn kéo dài thời gian, giảm sức ép, đánh lạc hướng nhân dân. Một mặt chính quyền gia tăng dùng vũ lực đe dọa bằng cảnh sát vũ trang, chó nghiệp vụ, dùi cui, hơi cay trên hiện trường, mặt khác triệu tập, bắt giữ đe dọa khởi tố bỏ tù những người phản kháng. Thì trên mặt truyền thông, chính quyền lập lờ dùng từ “đối thoại” để khiến người ta nghĩ rằng chính quyền đã nhân nhượng, đã vì yêu chuộng hòa bình, không muốn gây căng thẳng…
Đối thoại ở đây phải hiểu theo nghĩa là đối thoại theo cách của chính quyền, tức là chấp nhận những gì chính quyền muốn. Người đối thoại chỉ việc đối diện và nghe chính quyền độc thoại. Mọi ý kiến đối lại đều không được chấp nhận, có khi còn bị quy vào tội chống đối, hoặc bị cắt xén, xuyên tạc như với trường hợp Nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, Đức Cha Ngô Quang Kiệt. Đối thoại chính là một cái bẫy nguy hiểm mà chính quyền giăng ra, nhiều người bên ngoài không hiểu thường tưởng đó là thiện chí của chính quyền. Một cuộc đối thoại thiện chí thì hẳn không bao giờ trong cuộc gặp mặt đầy rẫy những ống kính quay phim nhăm nhăm chĩa vào mặt người dân, như săm soi tìm kiếm lời lẽ nào sơ hở để lợi dụng xuyên tạc. Đối thoại thiện chí không cần đến đông đảo công an, an ninh vây trong ngoài cuộc gặp với khuôn mặt hằm hè hăm dọa như vậy. “Đối thoại” là chiêu bài để lừa bịp dân chúng, và để làm cái bẫy cho những ai nhẹ dạ cả tin. Một chính quyền sắt máu ưa dùng bạo lực như chính quyền CSVN thì đừng trông mong gì vào sự đối thoại khách quan của họ.
Giáo xứ Thái Hà là một giáo xứ không lạ gì với kiểu “đối thoại” của chính quyền. Cái gọi là chính quyền “đối thoại” là triệu đại diện giáo xứ ra ủy ban phường để nghe cán bộ y tế thao thao về việc làm nước thải trong khuôn viên tu viện nhà thờ. Mọi thắc mắc đều không được giải đáp, đối thoại chính quyền là thế đấy, là hãy nghe tôi tuyên bố cướp đất của anh, và anh hãy khoanh tay lại vâng dạ để chính quyền của tôi được đẹp mặt với thế giới, với dư luận. Đối thoại của chính quyền là ngày 03.11.2011 hàng trăm tên côn đồ thuộc các ban ngành đoàn thể tay sai như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nay nọ, công an trá hình xông vào nhà thờ la hét, đập phá đòi các linh mục ra để “đối thoại”. Điển hình hơn là chỉ vài ngày sau, chỉ một tên dân phòng mang dùi cui điện cũng dám ngông ngênh xông vào nhà thờ đúng lúc đang lễ trọng, dẫm chân lên cung thánh gọi linh mục bằng thằng đòi nói “đối thoại”.
Bản chất của cái gọi là “đối thoại” của chính quyền CSVN không ai lạ lẫm gì. Đối thoại áp bức, bắt bớ với người trong nước, đối thoại khúm núm bạc nhược với kẻ thù phương Bắc. Những kẻ vô liêm sỉ như vậy thì làm gì có còn chút tính nhân bản trong người, lấy gì đối thoại tin tưởng được. Thế nhưng một số người vì lẽ nào đó, vẫn tìm cách đối thoại với họ. Cá nhân những người đó có thể được ung dung tại vị, được nâng thêm chức tước, được chính quyền mời dự tiệc ngồi chễm chệ trên ghế, được áo xống xênh xang lên xe xuống ngựa sánh vai cùng quan chức ĐCS. Nhưng bên dưới, những người dân phải chịu cảnh đánh đập, giam cầm,bị tước đoạt mất đất đai, bị xâm chiếm, bị làm ô nhục nơi thờ tự, hành lễ.
Có nhiều ví dụ đang xảy ra ở nhiều giáo phận minh họa cho thấy việc người lãnh đạo tinh thần có chủ trương “đối thoại” với chính quyền CS mang lại được gì cho đàn chiên của mình. Những ví dụ đẫm đầy máu và nước mắt của những đàn chiên thơ ngây vô tội rơi xuống trên mảnh đất quê hương họ.
Nhưng cũng có những con người đã can đảm đòi hỏi công lý thật sự cho đàn chiên của mình khi đối diện với chính quyền. Nói những lời thẳng thắn, theo lương tâm mình, theo tình cảm, nguyện vọng của đàn chiên. Dẫu có phải bị bè lũ ma quỷ ám hại, có phải rời xa những nơi cao sang đi vào chốn thâm sơn cùng cốc. Nhưng hình ảnh của họ còn đọng mãi trong lòng giáo dân, quan trọng hơn nữa là họ đã để lại cho trần thế một tấm gương sáng mãi về lòng dũng cảm. Họ là những con người chấp nhận hy sinh cá nhân mình, để giữ được niềm tin của giáo dân còn luôn cháy sáng niềm hy vọng vào những Giáo hội còn có những chủ chăn vì đàn chiên, đó mới là điều quan trọng nhất chứ không phải toan tính tầm thường về tại vị hay không tại vị.
Sở dĩ chính quyền CSVN vẫn ngạo ngược dở những ngón đòn tấn công người Công Giáo Việt Nam, bởi chúng chắc rằng người Công Giáo Việt Nam khó có cơ hội để đoàn kết phản ứng lại. Vì những chiêu bài “đối thoại” của chúng từ xưa đến nay vẫn đầy hiệu quả trong việc chia rẽ sự đồng tâm, hiệp thông của cộng đồng Công Giáo Việt Nam. Khi cái mồi dử “đối thoại” vẫn còn làm nhiều vị chức sắc trong Công Giáo phân vân, thì công cuộc đàn áp tôn giáo của chính quyền CSVN càng không bao giờ chấm dứt.
Đồng Chiêm, Loan Lý, Tam Tòa, Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Cồn Dầu đã xảy ra, và những nơi đang xảy ra như Ngọc Long, Con Cuông, Vạn Hạnh, Cầu Rầm sẽ là bài học để cho những ai chưa biết về cái gọi là “đối thoại” với chính quyền Việt Nam.
Hãy nói không với ma quỷ. Để chúng không còn chỗ núp bóng khi ăn cướp, bách hại người dân. Hãy để hành động phi nhân của chúng bộ lộ dưới ánh sáng. Mọi cuộc “ đối thoại” với ma quỷ chỉ giúp chúng có cái nơi để che dấu hành vi bạo ngược mà chúng đang làm, khuyến khích chúng tự tin hơn khi thực thi điều ác. Đã đến lúc cần chấm dứt để chúng lợi dụng người “đối thoại” làm vai diễn cho màn kịch lừa bịp mọi người ngay bây giờ, đó cũng là cách hiệp thông đơn giản và hiệu quả nhất với những giáo xứ, giáo phận đang bị chính quyền bách hại.
Người Quan Sát
Nguồn: VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét