Pages

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Hoa Kỳ trở lại tây Thái Bình Dương


Tổng thống Obama khẳng định tương lai
của Mỹ nằm ở châu Á Thái Bình Dương
Tổng thống Obama trong chuyến đi 9 ngày qua Hawai, sinh quán của ông, Canberra và Indonesia, đã công bố một chính sách mới tại Á châu Thái Bình Dương.
Trong một cuộc họp báo với thủ tướng Úc, bà Julia Gillard, và một ngày sau đó trước quốc hội Úc, tổng thống Obama công bố kế hoạch “Hoa Kỳ trở lại tây Thái Bình Dương”. Kế hoạch là trong nhiều năm tới Hoa Kỳ sẽ chuyển 2500 quân đến trú đóng tại Darwin, một thành phố ở cực bắc Úc châu.

Darwin nhìn ra một vùng biển theo chiều kim đồng hồ gồm Indonesia, Singapore (với hai eo biển chiến lược Sunda, Malacca), Cam Ranh, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, vòng xuống qua đảo Guam, trở về Papua New Guinea. Trung tâm vùng biển là Phi Luật Tân và quần đảo Spratlys nằm trên con đường huyết mạch từ Ấn Độ Dương vào tây Thái Bình Dương. Vùng biển Darwin, Guinea, Bornea là nơi từng chứng kiến những cuộc tranh hùng đẫm máu đầu thập niên 1940 giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Nhật trước khi Hoa Kỳ chiếm lại Thái Bình Dương dẫn đến sự kết thúc chiến tranh và đầu hàng của Nhật Bản.

Tổng thống Obama có nhắc đến Hiệp ước ANZUS (Australia – New Zeland – USA) ký năm 1951 tại San Francisco liên kết 3 nước Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ trong một hiệp ước phòng thủ chung để hàm ý đây không phải là một cái gì mới và do đó không có tính de doạ ai. Và điểm nhấn tế nhị này cũng đã được Úc thông báo cho Thứ trưởng Bộ quốc phòng Trung Quốc biết trước đó. Nhưng năm 1984 khi Tân Tây Lan từ chối không cho chiến hạm nguyên tử của Hoa Kỳ cập bến thì xem như Tân Tây Lan rút ra khỏi ANZUS và sau đó hiệp ước ANZUS cũng không được nhắc nhỡ tới nhiều vì không có nhu cầu. Lần này liên minh quân sự giữ Hoa Kỳ và Úc châu là một quyết định có tính chiến lược do tình hình mới đòi hỏi.
Thập niên 1970 khi Hoa Kỳ ra khỏi tây Thái Bình Dương Hoa Kỳ nghĩ rằng sự hiện diện của Hạm đội 7 trên Thái Bình Dương là đủ duy trì thế lực và bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng. Điều này đúng lúc đó, khi Trung Quốc còn lúng túng với “bước nhảy vọt” và với cuộc “cách mạng văn hóa” và là một lực lượng kinh tế và quân sự không đáng kể, hơn nữa lại là một đồng minh lỏng lẻo với Hoa Kỳ trong một mục tiêu chung là chận sự bành trướng của Liên bang Xô viết xuống nam Thái Bình Dương.
Nhưng từ thập niên 1970 sau khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền, Trung Quốc đã tiến vượt bực về cả hai mặt kinh tế và quân sự với quyết tâm trở thành siêu cường thế giới, và Trung Quốc trở thành một mối đe dọa cho quyền lợi của Hoa Kỳ vùng tây Thái Bình Dương.
"Hoa Kỳ bắt đầu rảnh tay tại Trung đông (rảnh tay một chút nhưng chưa hết chuyện nhức đầu với tình hình Pakistan, tương lai của Afghanistan và Iran sắp có bom nguyên tử) và với cuộc chạy đua vào Bạch ốc năm tới, tổng thống Obama có nhu cầu công bố một chính sách mạnh để làm yên tâm dân chúng Hoa Kỳ."

Hoa Kỳ không thể ngồi yên nhìn tư thế cường quốc của mình lu mờ dần trong vùng trời đó nên trong nhiều năm qua, với sự ủy thác của tổng thống Obama ông bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đã để thì giờ và tâm trí, và qua nhiều chuyến đi Á châu, nhắc nhở các quốc gia Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ không bỏ quên vùng tây Thái Bình Dương. Ông Robert Gates thực hiện công tác này trong những điều kiện không thuận lợi khi Hoa Kỳ còn đang bận tay (thì giờ, quân lính, tiền bạc) với Trung đông nên ảnh hưởng tâm lý đối với các nước Đông Á, nhất là các nước trong khối Asean rất hạn chế. Các quốc gia này chờ đợi một chính sách mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ .
Và cái gì tới sẽ phải tới. Trung Quốc càng lúc càng xây dựng và củng cố tư thế của mình trong vùng tây Thái Bình Dương như công bố chủ quyền trên Biển Đông (kho dầu hỏa tương lai và là con đường lưu thông trên biển từ Ấn Độ Dương vào), thiết lập căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam, tạo khó khăn cho các công ty ký giao kèo khai thác dầu hỏa với Việt Nam, ngang nhiên bắt nạt Việt Nam, Phi luật tân bằng cách thỉnh thỏang ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên Biển Đông trong vùng Việt Nam có đặc quyền kinh tế, bắt giữ ngư dân và tịch thu thuyền bè, và nhất là ngang nhiên chận tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đang hoạt động thăm dò đáy biển trong hải phận quốc tế.
Mặt khác Hoa Kỳ bắt đầu rảnh tay tại Trung đông (rảnh tay một chút nhưng chưa hết chuyện nhức đầu với tình hình Pakistan, tương lai của Afghanistan và Iran sắp có bom nguyên tử) và với cuộc chạy đua vào Bạch ốc năm tới, tổng thống Obama có nhu cầu công bố một chính sách mạnh để làm yên tâm dân chúng Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh đó sự cam kết mới của Hoa Kỳ tại Á châu ra đời.
Đưa quân đến đóng tại nước ngoài luôn là một vấn đề tế nhị, đối với một số thành phần nhân dân của nước sở tại và các thế lực mà cuộc chuyển quân nhắm tới - trong trường hợp này là Trung Quốc- nên Hoa Kỳ đã cân nhắc thận trọng đưa ra một con số rất khiêm nhường là 2500 quân, và số quân này cũng chỉ được đưa vào một cách tiệm tiến, mỗi năm một đại đội từ 200 đến 250 quân, và đại đội đầu tiên sẽ đến căn cứ Darwin vào năm 2012. Một chương trình chuyển quân như vậy sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự nên có thể xem như một nước bài để rộng cửa còn thương thuyết với nhau.
Ngoài việc đồn trú quân tại Darwin, Úc còn đồng ý để Hoa Kỳ dùng các căn cứ Không quân trong vùng bắc Úc châu và Không quân hai nước sẽ cùng tham dự các chương trình huấn luyện, thao dượt và hành quân chung.
Tranh chấp Biển Đông ngày càng được Mỹ chú ý
Mục tiêu trước mắt của Hoa Kỳ là tạo điều kiện để thực hiện chính sách bảo vệ sự lưu thông trên Biển Đông. Năm trước ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố đó là quyền lợi thiết yếu của Hoa Kỳ. Thiết yếu chẳng phải chỉ là nguyên tắc của Luật Biển mà còn là một thực tế vì mỗi năm số lượng hàng hóa mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước tây Á châu đi qua Biển Đông lên đến 1.200 tỉ (một ngàn hai trăm tỉ) Mỹ kim.
Đứng từ Darwin, trong tầm nhìn chiến lược, trước mắt là 3 cứ điểm quan trọng liên quan đến sự lưu thông trong vùng tây Thái Bình Dương. Hai eo biển Malacca, và Sunda từ Ấn Độ Duươg vào tây Thái Bình Dương và quần đảo Trường Sa. Cả 3 đều nằm trong khoảng cách kềm chế được từ căn cứ Darwin. Darwin- Malacca 3500 km, Darwin – Sunda 2600 km và Darwin Trường Sa 4500 km. Căn cứ Darwin là nơi tốt nhất xuất phát các cuộc hành quân trong trường hợp cần bảo vệ 3 cứ điểm trên.
Đó là việc trước mắt. Xa hơn là con đường lấn chiếm của Trung Quốc ra biển rộng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hiện Hoa Kỳ có 28.500 quân đồn trú tại Nam Hàn, hơn 40.000 đồn trú tại Nhật, gần 13.000 trên các chiến hạm ngoài khơi Thái Bình Dương, nhưng phía Nam còn trống. Những gì Hoa Kỳ và Úc vừa thỏa thuận với nhau là bịt kín lỗ hổng phía nam.
"Tôi không tin người cộng sản Việt Nam đã chọn con đương đầu hàng Trung Quốc cho yên thân và cứu đảng. Nhưng nếu chọn con đường ngả hẳn vào Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi của đảng cũng chưa phải là cách an toàn nhất. "
Có thể vì Trường Sa nằm trong tầm nhìn của thỏa thuận Darwin nên Việt Nam đã phấn khởi và ngầm ý khuyến khích. Khoảng 10 ngày trước, một đoạn phim ngắn cho thấy tàu cảnh sát biển Việt Nam rượt tàu hải giám Trung Quốc ngoài khơi. Nhiều nghi vấn đưa ra về nguồn gốc đoạn phim và mục đích của nó. Nay người ta có thể nghĩ sự tiết lộ đoạn phim trên có liên quan đến chính sách mới của Hoa Kỳ. Sự thật (theo mạng BBC) những ai theo sát tin tức ngoài biển Việt Nam trong năm qua đều biết rằng những cuộc rượt đuổi căng thẳng như vậy thường diễn ra khi tàu Trung Quốc bắt nạt và hành hung ngư dân Việt Nam. Nhưng cả hai, Trung Quốc cũng như Việt Nam đều ém nhẹm vì mỗi bên đều tính toán rằng làm vậy có lợi hơn.
Còn đối với các nước Đông Nam Á khác, một phần ngán đòn phép kinh tế của Trung Quốc, phần khác chưa hoàn toàn tin vào sự nhập cuộc của Hoa Kỳ nên chọn thái độ thượng sách là chờ đợi. Nhưng tuy giữ thái độ im lặng, các nước Đông Á và khối Asean không khỏi phấn khỏi trước động thái mới của Hoa Kỳ.
Câu hỏi căn bản đối với người Việt trong và ngoài nước là: Chính quyền Việt Nam phải hành xử như thế nào trước tình hình mới? Phấn khởi cũng không có gì sai trái. Tuy nhiên trong bối cảnh tế nhị hiện nay thái độ tốt nhất của Việt Nam là bình tĩnh và dè dặt quan sát.
Tôi không tin người cộng sản Việt Nam đã chọn con đương đầu hàng Trung Quốc cho yên thân và cứu đảng. Nhưng nếu chọn con đường ngả hẳn vào Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi của đảng cũng chưa phải là cách an toàn nhất.
Cần khai thác yếu tố quốc tế. Cần biết cân nhắc lợi hại và trên hết phải khai thác cho được nội lực của toàn dân bằng một chương trình tiệm tiến dân chủ hóa đất nước thì đó mới là sách lược cứu quốc hữu hiệu nhất lúc này cũng như bất cứ lúc nào khác. Bài học cứu quốc của tiền nhân còn đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét