Pages

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

IBAHRI lên tiếng trường hợp LS Huỳnh Văn Đông

Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-11-01
Luật sư trẻ Huỳnh Văn Đông thuộc đoàn luật sư tỉnh Dak Lak, vừa qua bị kỷ luật loại khỏi đoàn này cũng như không được cho xuất cảnh. Trước những biện pháp đó của phía Việt Nam đối với một luật sư, một số tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng của luật sư lên tiếng.

Gửi thư cho cơ quan chức năng


lsdong-250-nuvuongcongly.jpg
LS Huỳnh Văn Đông. Photo courtesy of nuvuongcongly
Thông cáo của Viện Nhân quyền Liên đoàn Luật sư Quốc tế, IBAHRI, hôm ngày 24 tháng 10 vừa qua nêu rõ họ đã hai lần gửi thư cho cơ quan chức năng Việt Nam kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra một cách độc lập và công bằng về biện pháp khai trừ luật sư Huỳnh Văn Đông. Hiện thời IBAHRI tiếp tục chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng Việt Nam.

Đồng chủ tịch của Viện Nhân quyền Hiệp hội Luật sư Quốc tế, ông Sternford Moyo, nêu ra quan ngại về việc luật sư Đông bị nhắm đến do công việc luật sư của anh ta. Vấn đề hành xử vì quyền lợi của thân chủ không thể cho là vi phạm lợi ích quốc gia. Nếu cho là thế tức vi phạm cam kết của Việt Nam đối với cả luật quốc gia và quốc tế; đặc biệt là Điều 16 của Những Nguyên tắc Cơ bản Liên Hiệp quốc về Vai trò của Luật Sư.
Theo điều khoản đó thì các chính phủ phải bảo đảm cho các luật sư có thể thực thi các chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa, ngăn trở, sách nhiễu hay can thiệp một cách không thích hợp. Ngoài ra các chính phủ phải bảo đảm cho các luật sư không phải chịu đựng, hay bị đe dọa bởi việc truy tố hay những trừng phạt về mặt kinh tế, hành chính… về bất cứ hoạt động nào phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận.
Thực tế chứng minh cho thấy vô vàn khó khăn mà những luật sư tham gia bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam gặp phải khi thực hành nghề nghiệp của họ. Mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ cho những luật sự gặp khó khăn đó.
Luật sư Nathalie Muller
Theo IBAHRI thì vụ việc của luật sư Đông là trường hợp điển hình về tình trạng cấm cách của chính quyền Hà Nội gần đây đối với những luật sự, những người đấu tranh cho quyền tự do bày tỏ ý kiến và nhân quyền tại Việt Nam. Điều 79 và 88 theo Bộ luật Hình sự Việt Nam thường xuyên được sử dụng để bỏ tù đối lập, các nhà đấu tranh cho nhân quyền và giới bloggers.
Ông Stemford Moyo nói thêm rằng tình trạng bách hại gần đây đối với các luật sư và những nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam là một xu hướng đáng ngại. Biện pháp khai trừ và giam tù một số luật sư và những nhà đấu tranh cho quyền con người, như luật sư Đông, gây quan ngại nghiêm trọng về tính độc lập của ngành tư pháp tại Việt Nam.
Trong thông cáo đưa ra, ông Stemford Moyo cho biết cam kết trước hết và trên hết của Liên đoàn Luật sư Quốc tế là bảo vệ cho các luật sư thành viên và hỗ trợ họ những điều kiện cần thiết để thực hiện cho được những chức năng nghề nghiệp của họ. Viện Nhân quyền của Liên đoàn Luật sư Quốc tế kêu gọi Đoàn Luật sư Dak Lak ủng hộ cho một cuộc điều tra độc lập và cho luật sư Đông được tiếp tục công việc hợp pháp của anh là luật sư.
Luật sư Nathalie Muller thuộc tổ chức Giám sát Quốc tế cho Luật sư, trụ sở tại Pháp vào ngày 31 tháng 10 cũng nêu ra lý do quan tâm đến tình trạng của các luật sư bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam như luật sư Huỳnh Văn Đông:
"Thực tế chứng minh cho thấy vô vàn khó khăn mà những luật sư tham gia bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam gặp phải khi thực hành nghề nghiệp của họ. Mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ cho những luật sự gặp khó khăn đó.
Tổ chức của chúng tôi từng đến Việt Nam hồi tháng 11 năm 2009, và hết sức quan ngại về tình trạng của ba luật sư Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài."

Để bảo vệ quyền lợi cho luật sư


000_HKG20030604016290-250.jpg
Tòa án nhân dân TPHCM. AFP photo
Xin được nhắc lại hồi ngày 12 tháng 8 vừa qua Đoàn luật sư tỉnh Dak Lak, nơi luật sư Huỳnh Văn Đông đăng ký hành nghề, đã kỷ luật khai trừ đối với luật sư Huỳnh Văn Đông. Lý do được đưa ra là vì luật sư Huỳnh Văn Đông bị cáo buộc ‘là mối nguy đe dọa an ninh quốc gia’ sau khi người luật sư trẻ này tham gia bào chữa cho các thân chủ là người hoạt động ủng hộ dân chủ về tội danh lật đổ chính quyền trong phiên xử sơ thẩm ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre hồi ngày 30 tháng 5 vừa qua. Lập luận cho cáo buộc này là luật sư Đông ủng hộ hành vi của những bị cáo qua bào chữa nói thân chủ không có tội khi tham gia và nhận nhiệm vụ từ tổ chức Đảng Việt Tân, có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Tòa án Nhân dân Bến Tre còn cáo buộc luật sư Huỳnh Văn Đông vi phạm qui định đối với luật sư khi tham gia bào chữa tại tòa. Ngay tại phiên xử, tòa đã buộc luật sư Đông rời khỏi phiên xử.
Phía luật sư Đông thì cho rằng Hội đồng Xét xử không cho anh tiếp cận các hồ sơ vụ án quan trọng theo như qui định của luật pháp.
Đoàn luật sư tỉnh Dak Lak còn nại ra hai lý do khác nữa để kỷ luật thành viên Huỳnh Văn Đông là vì anh này không đóng lệ phí và không chấp hành phân công bào chữa của Đoàn Luật sư.
Luật sư Huỳnh Văn Đông thì cho rằng lệ phí anh đóng cho cả năm chứ không đóng từng tháng. Đối với cáo buộc không chấp hành phân công bào chữa thì người luật sư trẻ này cho biết không được cơ quan chức năng giao tận tay văn bản phân công.
Tổ chức của chúng tôi từng đến Việt Nam hồi tháng 11 năm 2009, và hết sức quan ngại về tình trạng của ba luật sư Lê Thị Công Nhân, Lê CôngĐịnh, Nguyễn Văn Đài.
Luật sư Nathalie Muller
Mới hồi ngày 12 tháng 9 vừa qua, luật sư Huỳnh Văn Đông bị cấm xuất cảnh đi tham dự một hội nghị ở Dublin, Ireland. Bản thân luật sư Đông đã có đơn khiếu nại về hai vụ việc khai trừ anh ra khỏi đoàn luật sư tỉnh Dak Lak và không cho xuất cảnh; tuy nhiên Đoàn Luật sư tỉnh Dak Lak từ chối đơn khiếu nại.
Ngoài việc tham gia bào chữa cho hai thân chủ trong vụ án tại tòa Bến Tre về tội âm mưu lật đổ chính quyền, luật sư Huỳnh Văn Đông còn tham gia vào một số vụ án như tám giáo dân xứ Thái Hà tại Hà Nội, vụ án các giáo dân xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng…
Trước đây, một số luật sư khác tại Việt Nam như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định… do các hoạt động vì nhân quyền cũng bị khai trừ khỏi đoàn luật sư nơi họ đăng ký công tác, và bị bỏ tù, cũng như bị tước quyền xuất cảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét