Pages

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Kiểm soát tư tưởng hay kiểm soát tiền bạc?

Đọc báo thấy trong kỳ họp Quốc hội VN tháng 11 vừa rồi có thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, bởi chống rửa tiền cũng có nghĩa là ngăn ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng ban hành luật là một chuyện, còn có chống được hay không là rất khó, bởi với nền kinh tế giao dịch tiền mặt như hiện nay, Việt Nam có quá nhiều “cửa” để tiền bẩn được hợp pháp hóa. Chỉ cần thông qua các hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp, bất động sản, kinh doanh chứng khoán… chẳng hạn, là có thể rửa tiền, vì ở VN không bắt buộc thanh toán qua ngân hàng. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước đã phát triển, gần như chỉ có một “cổng” là giao dịch tín dụng ngân hàng.

Đối với người dân việc xài tiền mặt có nhiều cái bất lợi và nguy hiểm. Đi đâu cũng phải mang tiền theo, nếu cái ví mà dày một chút là bị bọn móc túi, chôm chỉa móc/rạch/giựt ngay nếu có thời cơ. Đã có nhiều người bị bọn cướp theo dõi, giết chết để giật tiền khi ôm cả đống tiền chạy khơi khơi ngoài đường do vừa mới đi thu tiền hoặc đi thanh toán một khoản lớn gì đó. Đồng tiền VN lại có giá trị thấp, mua một cái gì lớn là phải trả từng xấp, từng bao!
Còn đối với nhà nước, một nền kinh tế xài tiền mặt hoàn toàn không có lợi trong việc quản lý đồng tiền. Không thể biết được nguồn gốc đồng tiền, không ngăn chặn được nạn rửa tiền, nạn tham nhũng, trốn thuế. Chưa kể các ngân hàng lại bị thiếu tiền mặt. Bản thân nhà nước VN nói chung và các ngân hàng, doanh nghiệp nói riêng trong thời gian qua, và ngay cả thời điểm hiện tại, có những lúc hết sức khan hiếm tiền mặt, cả tiền đồng VN lẫn ngoại tệ, trong lúc số tiền, vàng nằm trong nhân dân là rất lớn.Theo báo chí trong nước, Ngân hàng Nhà nước ước lượng có khoảng 500 tấn vàng trong dân, tương đương 20 tỷ đô la, có báo còn nói con số thật có khi lên đến cả 1000 tấn vàng.
Các ngân hàng VN đã phải nâng lãi suất tiền gửi lên rất cao nhưng người dân VN đa số vẫn giữ tiền, vàng tại nhà, hoặc đầu tư vào bất động sản chứ không gửi ngân hàng, mặc dù đồng tiền cất giữ như vậy là không sinh lãi. Điều đó chứng tỏ người dân chưa có niểm tin vào hệ thống ngân hàng nhà nước hoặc đơn thuần chỉ vì…chưa có thói quen gửi tiền, xài tiền qua ngân hàng. (Còn với các ông quan to có quá nhiều tiền thì họ lại gửi ở các ngân hàng nước ngoài kia, ví dụ như ngân hàng Thụy Sĩ, cho nó…yên tâm, trong khi nhà nước VN thì lại càng thất thoát, không được đồng nào.)
Một nghịch lý ở Việt Nam so với đa số các nước là nhà nước chỉ chăm chăm đòi kiểm soát người dân về vấn đề tư tưởng nhưng lại hết sức lơi lỏng về mặt tiền bạc.
Chả có mấy nước như VN, có cả một Ban tuyên giáo trung ương, trước đây là Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, để thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, định hướng…cho người dân; tốn cả đống tiền để ngăn chặn tường lửa internet, tốn tiền cho đội ngũ an ninh mạng, đội ngũ viết thuê chuyên ngồi đọc các trang báo, blog “lề trái” và viết bài hoặc viết comment chửi bới, đánh phá lại những bài viết phê phán nhà nước hoặc có khuynh hướng dân chủ, cấp tiến….Rồi lại cả một đội ngũ an ninh, công an hùng hậu chuyên theo dõi, xách nhiễu bất cứ người nào có ý kiến/bài viết/hành vi “không có lợi cho đảng và nhà nước”; thậm chí vì lòng yêu nước đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa hay biểu tình “ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình” như sáng ngày 27.11 vừa qua cũng bị bắt bớ, hạch hỏi. Mối lo ngại, quan tâm lớn nhất của nhà cầm quyền là người dân nghĩ gì, đang có âm mưu gì chống đối nhà nước!
Còn chính phủ các nước khác, từ Mỹ cho đến Na Uy, họ chả thèm quan tâm người dân nghĩ cái gì trong đầu, họ chỉ cần kiểm soát người dân về mặt tiền bạc thôi. Bởi mọi giao dịch đều phải thông qua cổng ngân hàng, nên anh có bao nhiêu tiền, anh xài cái gì, nhà nước đều biết cả. Từ lãnh lương, trả tiền điện nước, internet, trả tiền tập thể dục thẩm mỹ hàng tháng, trả tiền bác sĩ, mua vé máy bay…cho tới mua bán nhà cửa, bất động sản…tất tần tật mọi thứ đều qua ngân hàng. Chỉ trừ khi đi uống cafe, mua vài thứ vặt vãnh ở siêu thị, còn quá 100 USD trở lên là người ta xài thẻ tín dụng rồi. Đừng hòng một đồng tiền không có nguồn gốc nào có thể chui lọt qua mắt nhà nước, cũng đừng hòng trốn thuế nhà nước được một xu!
Tất nhiên, người dân, ngay như dân Việt mình ở nước ngoài, vẫn có những cách tránh thuế, đi làm lấy tiền mặt như làm nail, giữ con tại gia hay một số công việc gì đó, nhưng thường là những việc vặt vãnh, chứ khoản tiền mà lớn một chút thì chả có ai chịu trả tiền mặt cho anh cả. Ở nước ngoài trả một món gì cỡ vài ngàn đô la Mỹ mà trả bằng tiền mặt là rất lạ lùng, bị nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ liền. Đổi ngoại tệ cũng vậy. Chỉ trừ số tiền quá nhỏ, còn lại phải chìa passport hoặc giấy tờ chứng minh. Còn ở VN trả cả bao tiền mặt chả sao, đổi tiền nếu không muốn ra ngân hàng thì đến các tiệm vàng, hoặc ra “chợ đen” mà đổi.
Ngẫm ra, cái bọn chính phủ các nước mà khôn. Chỉ cần kiểm soát tài chính của người dân là kiểm soát được nhiều thứ.
Nhưng nói thật, bây giờ VN mà áp dụng theo các nước thì các quan lớn quan nhỏ, đặc biệt là những vị đang ngồi trên những cái ghế cao ngất ngưỡng trong “cung đình Hà Nội” sẽ phản ứng trước tiên. Tiền của các bác nhiều như quân Nguyên, chi xài thì thoải mái, một bữa nhậu bay vèo vài ngàn đô, thích thì tặng gái cả căn biệt thự cũng là chuyện nhỏ, công khai minh bạch qua cổng ngân hàng có mà…chết à!
Song Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét